Thứ Tư, 30 tháng 3, 2011

CHỈ TỰ HÀO KHI CÓ ĐÓNG GÓP




DƯƠNG THỤY (từ Bordeaux)
Tuổi trẻ cuối tuần, ngày 27/3/2011



Từ bảy năm nay, Hội đồng nhân dân tỉnh Gironde đều đặn tổ chức cuộc thi “Tinh thần công dân châu Âu” (Concours Citoyenneté Européenne) dành cho học sinh trung học (tương đương với lớp 8 và lớp 9 của Việt Nam).
Để những thí sinh nhỏ tuổi có được tầm nhìn bao quát về một châu Âu ngày nay, ban tổ chức cuộc thi mời hai nhà văn nước ngoài đến giao lưu, trao đổi thân mật về chủ đề châu Âu: giới trẻ Pháp hội nhập với người châu Âu, tinh thần trợ giúp với những nước kém phát triển hơn, những ngôn ngữ giao tiếp chung ở châu Âu, những vấn đề chung ở châu Âu cần đồng tâm hợp lực để giải quyết...
Sau khi nghe nói chuyện, các em học sinh sẽ bắt tay vào viết những bài tiểu luận, tản văn, truyện ngắn hoặc một bài thơ về tinh thần công dân châu Âu.
Chuẩn bị và không chuẩn bị
Những năm trước, ban tổ chức mời các nhà văn nước ngoài đến từ những nước châu Âu như Bồ Đào Nha, Đức, Bỉ, Estonia, Ba Lan, Luxembourg, Hi Lạp, Tây Ban Nha, Romania, Bulgaria, Hà Lan... Năm nay, họ quyết định mời một nhà văn Bắc Âu và một nhà văn đến từ châu Á. Theo ước vọng của học sinh và giáo viên tỉnh Gironde, được nghe thêm một nhà văn ngoài châu Âu đến nói chuyện sẽ thú vị hơn rất nhiều những nhà văn xuất thân từ lục địa này.
Thế là năm nay, hai nhà văn đã được chọn: Bjorn Larsson (nhà văn, nhà hàng hải, người có sách dịch ra 15 thứ tiếng, đến từ Thụy Điển) và tôi (một người viết cho giới trẻ Việt Nam và từng học tập cũng như du lịch tại châu Âu).
Cần phải nói rõ là các nhà văn nước ngoài được mời bắt buộc phải nói được tiếng Pháp trôi chảy, phải trao đổi được thoải mái với học sinh. Năm nào ban tổ chức cũng phải tuyển chọn rất công phu để tìm ra hai nhà văn nước ngoài biết nói tiếng Pháp và chịu bỏ ra hai tuần ròng trò chuyện với học sinh, một công việc mang tính “đóng góp vào cộng đồng” nhiều hơn là hưởng lợi vinh quang hay mang tính vật chất đối với những nhà văn châu Âu.
Tuy cuộc thi dành cho đối tượng là học sinh, xem ra quá “trẻ con”, nhưng ban tổ chức đã làm việc với tinh thần tôn trọng cao độ các em, chăm chút và quan tâm đến đối tượng này rất đúng mực, như giữa những “người lớn” với nhau.
Trước khi đến với cuộc giao lưu, nhà văn Bjorn Larsson và tôi được ban tổ chức yêu cầu viết một tiểu luận dài ba trang về châu Âu. Bài viết của Bjorn Larsson khá hàn lâm. Nhà văn Thụy Điển 57 tuổi này là một nhà hàng hải, một người phóng khoáng, sống ung dung tự tại. Ông nói được sáu thứ tiếng và hiện là giáo sư văn chương Pháp tại Trường đại học Lund, Thụy Điển. Còn bài viết của tôi chỉ là một lời chia sẻ chân tình về những gì mình nhận thấy về châu Âu: một châu lục đầy tình thân ái, giàu văn hóa nhưng cũng còn đó những vấn đề xã hội cần hoàn thiện hơn.
Các em học sinh đọc các bài tiểu luận của chúng tôi về châu Âu rồi cùng giáo viên môn văn, lịch sử, ngoại ngữ... thảo luận trước. Sau đó các em chuẩn bị những câu hỏi rồi nóng lòng chờ được gặp những nhà văn nước ngoài. Chúng tôi có gần hai mươi buổi giao lưu với học sinh lớp 8 và lớp 9 tại mười trường trung học thuộc tỉnh Gironde.
Sáng nào chúng tôi cũng khởi hành từ Bordeaux, ngồi trên xe gần cả giờ để đến một trường học, ăn trưa tại căngtin trường, rồi chạy tiếp cả giờ sang trường khác. Tôi thường tranh thủ ngủ trưa trên xe, mặc kệ cảnh đẹp của những vườn nho trứ danh vùng rượu vang nức tiếng này. Bỏ công sức như thế thật cũng đáng, vì học sinh và giáo viên tiếp đón chúng tôi rất nồng nhiệt.
Một giáo viên văn cho biết với học sinh ở độ tuổi này, thường các em nghĩ rằng một nhà văn thường là già khụ hoặc... đã qua đời. Gặp những nhà văn nước ngoài còn trẻ trung, mạnh khỏe, từng đi nhiều nơi và thích chia sẻ với giới trẻ là một dịp thú vị để biết được những suy nghĩ mới.
Nhà văn Bjorn Larsson có rất nhiều đầu sách dịch ra tiếng Pháp và có vài cuốn ông viết trực tiếp bằng tiếng Pháp, nhưng dường như học sinh chưa đọc ông nhiều. Các em lại càng không biết đến tôi, chỉ có hai truyện ngắn của tôi được dịch ra tiếng Pháp cho các em tham khảo sơ. Tuy nhiên, các em yêu thích và có cảm tình với chúng tôi hoàn toàn không phải vì chúng tôi là nhà văn. Đơn giản, các em ấn tượng vì chúng tôi nói trôi chảy tiếng Pháp, tiếng mẹ đẻ mà các em tự biết là rất khó học đối với người nước ngoài.
Bjorn Larsson chu du nhiều, phần lớn là trên đại dương và loanh quanh khu vực châu Âu. Tuy không có sự so sánh với các châu lục khác, ông vẫn nhận ra châu Âu là cái nôi của văn hóa, kiến trúc, âm nhạc, hội họa... Tôi thì có một so sánh cụ thể hơn vì sinh ra và lớn lên ở châu Á.
Nhường cơm sẻ áo với đồng loại, chăm lo động vật, bảo vệ môi trường... là những hành động người châu Âu nào cũng thực hiện dù nhiều hay ít. Ngoài ra, người châu Âu sống giản dị, không chạy theo những giá trị vật chất quá nhiều, biết cách cân bằng cuộc sống nghề nghiệp và đời sống cá nhân.


Muốn trở thành công dân hữu ích
Khi tôi hỏi các em có tự hào vì mình là người Pháp nói riêng, người châu Âu nói chung hay không, ít có cánh tay giơ lên. Có thể các em còn quá trẻ hoặc chưa từng được đi xa vượt khỏi châu Âu. Tôi chia sẻ với các em rằng học sinh - sinh viên Việt Nam dù rất thích ra nước ngoài du học nhưng vẫn rất tự hào là người Việt Nam.
Khi tôi hỏi có bao nhiêu em thích được ra nước ngoài học tập và làm việc, một trăm phần trăm các em đã giơ tay hào hứng. Giải thích vì sao không tự hào là người Pháp và người châu Âu, các em hồn nhiên nói: “Không ai chọn cho mình sinh ra làm công dân của nước nào, của châu lục nào. Vậy có gì mà tự hào? Người ta chỉ tự hào khi có được những thành tích nào đó, làm những việc có ích cho xã hội, đóng góp công sức cho cộng đồng”.
Lời giải thích đơn giản của các em làm tôi “ngộ ra”: người châu Âu không dùng hai chữ “tự hào” cho những gì họ không bỏ công sức hay mang tính đóng góp cho cộng đồng. Ví dụ sẽ không ai tự hào vì mình xinh đẹp hay mình sinh ra trong một gia đình giàu có tiếng tăm. Ngược lại, nếu ai đó có xuất thân tốt đẹp hơn tầng lớp trung bình, họ có mặc cảm mình được hưởng đặc quyền đặc lợi, mình “chơi ăn gian” với những người có xuất phát điểm thấp hơn.
Trong những buổi giao lưu này, tôi cũng học được rất nhiều điều thú vị từ nhà văn Bjorn Larsson để thấy rằng người châu Âu luôn muốn có công bằng cho tất cả mọi người. Ở đất nước Thụy Điển nổi tiếng với những chương trình an sinh xã hội, người dân luôn muốn đóng góp chứ không thích được hưởng trợ cấp.
Ngoài ra, Thụy Điển tự hào là xã hội bình đẳng giới rất tiến bộ. Khi người mẹ sinh con, cả hai vợ chồng được hưởng đến 12 tháng nghỉ hộ sản. Người cha phải nghỉ ít nhất ba tháng để cùng chăm sóc con với vợ. Người Thụy Điển làm việc vất vả nhưng hiểu rõ giá trị cuộc sống không chỉ có vật chất, họ đi du lịch nhiều để mở mang tầm nhìn, thích sống giữa thiên nhiên để yêu thiên nhiên hơn và luôn hoạt động xã hội để chia sẻ khó khăn với người kém may mắn hơn.
Nhà văn Bjorn Larsson không có xe hơi riêng, ông dùng phương tiện giao thông công cộng để tham gia bảo vệ môi trường. Dù là giáo sư đại học và là nhà văn bận rộn, ông luôn tham gia những hoạt động phổ biến kiến thức văn học và đến những hội thảo nói chuyện với giới trẻ.
Hai tuần trôi qua khá nhanh với những buổi giao lưu trò chuyện về châu Âu thật thú vị. Có những nơi học sinh bỏ công sức tự làm bánh mời chúng tôi ăn, có nơi phụ huynh nhiệt tình mời về nhà thăm vườn nho, mời nếm rượu vang do chính họ làm, có nơi các em làm báo tường về Việt Nam để khoe với tôi các em cũng quan tâm ít nhiều đến đất nước xa xôi này...
Tôi chưa biết sau những buổi nói chuyện này các em có hiểu nhiều hơn về tinh thần công dân châu Âu không, nhưng tôi chắc rằng các em ý thức rõ thế nào là một công dân hữu ích.