Thứ Bảy, 26 tháng 2, 2011

HẢI TẶC Ở QUẢNG NGÃI DƯỚI THỜI NGUYỄN



Cao Chư
Văn Hoá Nghệ Thuật, số 317, tháng 11/2010


Tỉnh Quảng Ngãi có đường bờ biển dài 135 km với 5 cửa biển là Sa Cần, Sa Kỳ, Cổ Lũy, Mỹ Á và Sa Huỳnh, có các vũng vịnh cho tàu thuyền ra vào, neo đậu. Cách đất liền khoảng 25 km có đảo Lý Sơn gồm đảo Lớn và đảo Bé, trong đó đảo Lớn có cư dân sinh sống Từ TK XVIII và đảo Bé do thế đất khó sinh sống, nên mãi sau này mới có người đến lập nghiệp.
Hải tặc được nhắc tới thời phong kiến là Tàu Ô. Người ta kể rằng giặc Tàu Ô thường xuyên rình rập ở vùng biển Bắc Quảng Ngãi, hàng năm vào kỳ đông xuân thường đổ bộ lên đảo Bé rồi từ đảo Bé sang đảo Lớn cướp của giết người xong, lại quay vào ảo Bé ẩn núp trong hang đá. Vì vậy người ta mới gọi đó là hang Kẻ Cướp, một địa danh còn lưu lại đến ngày nay (1). Đó không phải là lời truyền ngôn mơ hồ, vô căn cứ, mà trong nhiều sử sách đã thấy ghi điều đó. Bộ sách Đại Nam thực lục do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, không bỏ qua những vụ việc cướp biển và biện pháp phòng chống.
Năm 1834, quan tỉnh Quảng Ngãi tâu vua xin đặt thủ sở ở đảo Lý Sơn, vụng Thuyền và vụng Quất (2). Dân ở Lý Sơn tình nguyện tự đóng thuyền rồi lãnh khí giới của nhà nước phát cho để đi tuần tiễu. Còn ở hai cửa biển dù có pháo đài nhưng khi có giặc biển lại bắn không tới, đã đóng hai chiếc tàu nhanh, chưa có thủy thủ, xin chọn 40 dân làm thủy binh, từ mùa xuân đến mùa thu hàng năm đi tuần biển. Cấp khí giới cho dân ở gần tấn sở và giao cho tấn sở huấn luyện việc tuần phòng (3). Việc dân Lý Sơn tình nguyện như trên cho thấy tình hình bức xúc với dân Lý Sơn ra sao. Đảo Lý Sơn với vụng Thuyền và vụng Quất ở đất liền đối nhau như ba góc của một tam giác.
Năm 1835, ''Quảng Ngãi có thuyền giặc người Thanh lén lút phát ra ở hải phận lấn Thái Cần''(4), ''giặc biển ở quảng Ngãi lén lút nổi lên ở hải phận Sa Kỳ và Đại Cổ Lũy, đón cướp thuyền buôn, rồi rút đi''(5).
Năm 1836, ''binh thuyền phó Vệ úy tuần dương do Kinh phái là Nguyễn Văn Khách đến tấn phận Sa Kỳ thuộc tỉnh Quảng Ngãi, đậu lại nhiều ngày. Giặc Thanh thừa cơ sơ hở, cướp các thuyền buôn ngoài biển rồi đi''(6).
Năm 1839, ''. . .giặc ở cửa Đại Chiêm, đón cướp thuyền công giải kho của Quảng Ngãi, suất đội Nguyền Văn Trí ra sức đuổi bắt, đâm chết bốn tên giặc, cứu được hai chiếc thuyền buôn''(7).
Năm 1843, thuyền giặc có đến 20 chiếc đến đóng cửa Đại Chiêm (tỉnh Quảng Nam), bị đánh đuổi ''thuyền giặc qua cửa biển Sa Kỳ, cướp lấy binh khí, lại đốt cháy các nhà dân cư ở Lý Sơn'', bị hải quân triều đình đánh đắm 2 chiếc (8).
Năm 1844, ''cửa biển Y Bích có thuyền giặc đón cướp.các thuyền buôn. Tỉnh Thanh (9) đem việc này tâu lên; hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi cũng lục tục tâu báo về việc giặc biển này” (10)
Năm 1851, ''giặc biển cướp đồn biển Cổ Luỹ (thuộc tỉnh Quảng Ngãi), phó vệ uý là Trần Quang Cương vì lỗi ngày thường phòng giữ sơ suất, tuần tiễu bất lực, đểu bị giáng chức''(11).
Năm 1855, ''giặc biền cướp thuyền buôn ở phận biển thuộc hai cửa biển Sa Kỳ, Cổ Lũy (thuộc Quảng Ngãi): Các viên quản đốc ngồi ở ba hiệu thuyền Tĩnh dương, Điệu phi, Bằng đoàn do Kinh phái đi tuần tiễu, tìm chỗ tiện đậu cho yên đều bị giáng chức” (12)
Năm 1867, “thuyền giặc biển 22 chiếc vào Cửa Sa Kỳ lên trên cạn (hơn 300 tên), quan tỉnh Quảng Ngãi vì có ít quân (bắt lính hạ ban chỉ có 150 người) xin điệu quân ở quân thứ Tĩnh Man hội lại cùng đánh, vua y cho, lại sai chưởng vệ là Đặng Văn Siêu đem thuyền quân (7 chiếc) đến ngay cùng làm việc''(13).
Điểm qua những tư liệu nói về nạn cướp biển ở Quảng Ngãi như trên, ta có thể rút ra mấy nhận xét.
Thứ nhất, tình hình cướp biển ở vùng biển tỉnh Quảng Ngãi dưới triều Nguyễn khá thường xuyên và nghiêm trọng. Các từ gọi tuy khác nhau nhau (giặc biển, thuyền giựac người thanh, giặc) nhưng cùng chỉ chung một đối tượng hải tặc. Các vụ việc cướp biển được ghi chắc chắn chưa phải là tất cả các vụ xẫy ra trong những năm gần nhau, trong thời gian trị vì của các vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Đặc biệt nghiêm trọng là vụ năm l867 (dưới triều vua Tự Đức), bọn cướp biển lên đến 22 chiếc thuyền vào cửa .Sa Kỳ với hơn trên 30 tên hải tặc, ngang nhiên đổ bộ lên đất liền và căn cứ tình tiết ghi của sách, có thể thấy, chúng không rút ngay mà đóng ở đó dài ngày để tiến hành cướp bóc, đốt phá.
Thứ hai, đối tượng cướp của bọn hải tặc chính là các thuyền buôn và thuyền công giải kho chắc chắn để cướp lấy bàng bạc của cải, nhưng cũng có khi táo tợn đột kích hải quân để cướp binh khí (1843 ở Sa Kỳ), đột phá nhà dân (1843 ở Lý Sơn), đánh cướp vào đồn binh (1851 ở  Cổ Lũy), hoặc đổ bộ lên đất liền (1867 ở Sa Kỳ) chắc chắn để cướp bóc, đốt phá nhà dân và để chúng dễ bề hành động.
Thứ ba, để đề phòng mặt biển, triều đình nhà Nguyễn thường xuyên có thuyền chiến tuần tiễu, ứng phó. Trên đất liền có những biện pháp bố phòng ở các cửa biển (như năm 1934 ở Lý Sơn, vũng Quất và vũng Tàu). Hải quân và quân bố phòng ở cửa biển của triều Nguyễn mặc dù không phải yếu nhưng đã phân tán rộng trên biển Đông (kể cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) và do tình hình cướp biển khá nhiều, nên chưa đủ để kiểm soát, khống chế giặc biển, hoặc lơ là cảnh giác (1851 ở Cổ Lũy), hoặc nhụt chí, cầu an (1855 ở Sa Kỳ, Cổ Lũy). ở trên bờ, việc phòng bị cũng chưa hoàn toàn đủ mạnh, nhất là khi bất ngờ giặc biển đổ bộ đến 300 tên như ở Sa Kỳ năm 1867, phải cầu đến viện binh đóng từ trên núi xuống và thuyền chiến của triều đình điều về để ứng phó.
Thứ tư đảo Lý Sơn với các cửa biển vũng vịnh trong đất liền đối mặt với nó gồm cửa Sa Cần, cửa Sa Kỳ, cửa Cổ Lũy, vũng Quất, vũng Tàu ở phía bắc tỉnh Quảng Ngãi là trọng điểm cướp phá của bọn cướp biển, trong đó đảo Bé ở Lý Sơn là một sào huyệt, là bàn đạp của những vụ cướp bóc (như tư liệu dân gian về hang Kẻ Cướp) Vùng biển phía nam Quảng Ngãi với các cửa Mỹ Á, Sa Huỳnh hẳn không khỏi những vụ cướp biển nhưng ít hơn, vì bên ngoài bọn hải tặc không có đảo để trú ẩn và vì ít thuyền buôn ra vào cửa.
Đó chỉ mới là những gì được ghi trong sử, còn biết bao sự biến đã không được ghi nhưng lại luôn là mối đe dọa, chi phối việc dân sinh trong vùng.
Xin quay về những tư liệu còn tản mạn trong dân gian. Gia phổ họ Võ ở thôn Cổ Lũy có ghi: Ông Võ Đức Hạnh (1610-1663), một trong ba người con của ông tổ Võ Văn Thông (quê gốc ở Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) từ Bắc vào lập nghiệp ở làng An Mô. Từ An Mỗ (xã Đức Lợi, huyện Mộ Đức) lại quay ra cửa Sa Kỳ, lấy bà Cao Thị Miên ở làng biển Kỳ Xuyên, làm nghề chèo đò trong cửa biển để kiếm sống (lúc này người ta chưa có bờ đắp chắn ngang nối Xuân An (xã Tịnh Hòa) với Châu Thuận, Châu Bình (xã Bình châu) ở bờ bắc cửa Sa Kỳ nên việc đi lại vẫn phải bằng đò. Căn cứ vào năm sinh, năm mất, ta có thể hiểu rằng ông sống dưới thời các chúa Nguyễn. Giặc Tàu ô đến bắt ông phải chở toán cướp đi qua lại cướp phá, đến gần trưa ông lần khất bằng cách đòi tiền đò. Bọn Tàu Ô bèn chém ông, ném xuống nước. Đầu ông với mái tóc dài mắc lại ở rừng bần đước, người ta vớt lên mai táng, còn thân mình thì bị nước biển cuốn trôi. Cho mãi đến sau này (sau năm 1954) có người họ Võ vào làm ăn ở Bình Thuận mới gặp một chi họ ở đây, và thật thần kỳ, người ta mới kể chuyện truyền lại từ xưa, rằng ông bà họ từng vớt và chôn cất thân mình một con người như vậy. Đầu một nơi, mình một ngả, suýt soát 300 năm sau mới khớp nối được. Thật hy hữu và ly kỳ (14).
Còn gia phổ họ Trương ở Mỹ Khê Tây (nay thuộc xã Tịnh Khê huyện Sơn Tịnh) thì ghi: dưới đời vua Tự Đức có ông Trương Quang Cù (thường gợi Cù Mộc) làm Chánh tổng ở tổng Châu (tổng vùng biển huyện Bình Sơn, sau này là các xã Tịnh Khê, Tịnh Hòa, Tịnh Kỳ huyện Sơn Tịnh, Bình Châu huyện Bình Sơn). Nhờ tổ chức tốt việc bố phòng chống giặc Tàu Ô mà ông được thăng chức Chánh quản cơ Hương binh huyện Bình sơn và được tặng thưởng ngân tiền Phi Long vào năm 1859, Tự Đức năm thứ 12.
Như vậy, từ hai nguồn tư liệu điền dã và thành văn, có thể nói vùng biển Quảng Ngãi thường xuyên bị hải tặc với tên gọi là Tàu ô cướp phá. Sự hoành hành của giặc Tàu Ô có thể có từ trước đó rất lâu, qua đời các chúa Nguyễn, thời Tây Sơn đến thời nhà Nguyễn, kéo dài suốt nhiều thế kỷ, nhưng được biên chép rõ nhất là dưới thời nhà Nguyễn. Trong dân gian chắc chắn còn lưu truyền nhiều câu chuyện về nạn cướp biển mà rất tiếc cho đến ray chưa ai để tâm nghiên cứu nên ta cũng chưa được biết đến nhiều.
Chắc chắn không riêng gì ở vùng biển Quảng Ngãi, cả vùng biển nước ta thuở xưa cũng có nhiều nạn cướp biển. Biển Đông xưa với nhiều thương thuyền thường xuyên đi lại buôn bán trong Nam ngoài Bắc, giữa Việt Nam với Trung Quốc và nhiều nước khác, lại nằm trên đường hàng hải từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương, là món mồi ngon của bọn cướp biển. Thế thì tại sao ngày nay ta hầu như không hề biết đến nạn cướp biển ở vùng biển Quảng Ngãi nói riêng, cả nước nói chung? Chắc vì nạn cướp biển đã chấm dứt từ thời Pháp thuộc. Tại sao? Lại có thể suy đoán rằng hải quân Pháp (để xâm lược nước ta) có tiềm lực và tàu chiến, vũ khí vượt trội so với bọn cướp biển, nên kể từ cuối TK XIX, chúng không còn cơ hội để cướp bóc.

Ghi chú:
l. Lịch sử Lý Sơn, 2000, tr.18.
2. Vụng Thuyền, đây đúng ra là vũng Tàu, nay thuộc xã Bình Châu huyện Bình Sơn (tàu hay thuyền cũng là một) gần sát cửa.Sa Kỳ. Còn vụng Quất chính là chỗ sau này ta gọi là Dung Quất, sát bên cửa Sa Cần.
3. Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhi kỷ XI(1834), tập XV Nxb Khoa học, Hà Nội, 1965, tr.370, 371.
4. Thái Cần còn gọi là Thể Cần, sau này phổ biến gọi là Sa Cần. Cửa Sa Cần nằm bên vịnh Dung Quất.
5. Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhị kỷ XII (1835), tập XVI, NXB Khoa học, Hà Nội, 1966, tr.56, 145.
6. Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhị kỷ XIV (1836), tập XVIII, Nxb Khoa học, Hà Nội 1967, tr.l02.
7. Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhị kỷ XVII (1839), tập XXI. Nxb Khoa học, Hà Nội. 1969, tr.71.
8. Đại Nam thực lục chính biên, đệ tam kỷ III, Tập XXIV, Nxb Khoa học, Hà Nội, 1971, tr.343.
9. Tỉnh Thanh tức tỉnh Thanh Hóa.
10. Đại Nam thực lục chính biên, đệ tam kỷ III, tập XXV Nxb Khoa học, Hà Nội, 1971, tr.20.
11. Đại Nam thực lục chính biên, đệ tứ kỷ I, tập XXVII Nxb Khoa học, Hà Nội, 1973, tr.274.
12. Đại Nam thực lục chính biên, đệ tứ kỷ II, tập XXVIII Nxb Khoa học, Hà Nội, 1973. tr.118.
13. Đại Nam thực lục chính biên, đệ tứ kỷ V, tập XXXI, Nxb Khoa học, Hà Nội, 1974, tr.135.
14. Cũng ở phía bắc cửa Sa Kỳ có một vụng biển, gọi là vũng Tàu: Khác với ý nghĩa tàu là thuyền, người dân ở đây kể làng sở dĩ có tên gọi là vũng Tàu vì xưa kia thường có giặc Tàu ô vào đây ẩn núp, cướp bóc. Các giải thích này chưa chắc đã đúng, nhưng cũng phản ánh sự thật về nạn hải tặc. Trong thập niên 90, TK XX người ta phát hiện ra một chiếc tàu đắm thời xưa ở đây và thu được nhiều cổ vật. Tàu trong vũng bị đắm này có thể đã bi bọn hải tặc tấn công.