Thứ Sáu, 18 tháng 2, 2011

HÀN MẠC TỬ, PHIÊN BẢN CỦA THÁNH GIÓP


                                                           
 Anna Trần Vũ Khánh Ly
                                                                      Giáo xứ Đại Bình
Câu lạc bộ Đồng Xanh Thơ Qui Nhơn

 
Nhắc đến Hàn Mạc Tử, người ta thường hay nói đến anh như một cây bút tài hoa của thi đàn Việt Nam. Nhưng ít ai để ý đến anh với vai trò là nhà thơ Công giáo có nhiều cống hiến. Cũng vậy, ít ai cho rằng anh chính là một “thiên sứ” mà Thượng Đế gởi tặng cho thế gian. Có thể nói, Hàn Mạc Tử là người tiên phong đi tìm cảm hứng sáng tác từ trong Thánh Kinh. Là một thi sĩ Công giáo, anh đã khoác cho mình “hành trang” là một tâm hồn đẹp, những vần thơ thanh thoát với hồn thơ trong sáng mà đi trên con đường tìm kiếm Chân-Thiện-Mỹ. Quả thật, “…Cho đến nay, không ai đếm xuể những  con người thuộc mọi tầng lớp, mọi trình độ, đã nghiêng mình kính cẩn trước anh linh Hàn Mạc Tử” “người ta cũng không đong được những dòng lệ mà người đời đã nhỏ xuống khóc thương người thi sĩ tài hoa nhưng bạc mệnh này…” Đó là những trích dẫn tôi đọc được trên  internet  thời gian gần đây.

Thật vậy, đại thi hào Nguyễn Du có câu: “Chữ tài liền với chữ tai một vần”.Không có cái gì trong tự nhiên là hoàn hảo cả, được cái này thì mất cái kia. Mỗi cái đều có một vẻ đẹp riêng. Nếu như Thiên Chúa cho Hàn Mặc Tử một tâm hồn thơ lai láng, thì chính Ngài đã “lấy đi” tuổi thanh xuân của anh bởi căn bệnh quái ác.
 
Mộ Hàn Mạc Tử, núi Ghềnh Ráng
Xin quay lại với vấn đề đang được đề cập đến. Với vốn hiểu biết kha khá về nhà thơ này, tôi đã thử làm một phép so sánh: Cuộc đời của Hàn Mạc Tử phải chăng là “phiên bản” của thánh Gióp.“Phiên bản”, xin cắt nghĩa không phải là sao lưu, giống nhau hoàn toàn, mà ở đây tôi tự hiểu chính là nét tương đồng trên một khía cạnh nhất định nào đó.


Lục lại trí nhớ, tôi được biết sách Gióp trong Cựu ước là tiếng kêu lâm li thống thiết về thân phận con người giữa “đời là bể khổ”. Tác giả sách đã vẽ nên một nhân vật tiêu biểu để giúp chúng ta suy nghĩ về sự đau khổ. Ông  Gióp là người tốt lành, trong phút chốc, ông trắng tay và sau đó là chuỗi dài những việc làm, suy nghĩ của ông. Gióp là người giàu có ở phương Đông thời ấy. Ông quả là “người vẹn toàn và ngay thẳng, kính sợ Thiên Chúa và lánh xa điều ác” (G1,8). Thế nhưng, Chúa đã gửi thử thách đến cho ông. Ông mất hết tất cả con cái, của cải, sức khỏe… Cũng vậy, đối với Hàn Mạc Tử,  anh cũng phong lưu, cũng trong sáng và kính sợ Thiên Chúa. Điều đó được kiểm chứng qua sự nghiệp thơ và hồn thơ anh. Chúa cũng gởi đến cho anh nhiều thử thách. Cuộc đời anh bôn ba khắp chốn, anh liên tiếp phải chịu tang của những người thân yêu nhất khi còn rất trẻ, đó chính là thân phụ và anh trai… Nhưng thử thách lớn nhất phải kể đến chính là căn bệnh quái ác khiến anh phải quằn quại trong những năm cuối đời.

Sau nhiều lần cố gắng, Gióp đã ai oán, mở miệng nguyền rủa ngày ông chào đời. Mặc dù thế, không câu nào là trách móc Chúa vì đã “đày đọa” ông. Cũng vậy, trong suốt cuộc đời của Hàn Mạc Tử, anh cũng chẳng một lời nào trách móc Chúa, có chăng cũng chỉ là lời than thân, trách phận. Mặc dù bị mắc chứng bệnh phong, mà như ở thời Chúa Giêsu được coi la biểu hiện của sự kết án. Và mặc dù bị lâm vào ngõ cụt trong tình yêu, thế nhưng chẳng có câu thơ nào “căm” trời đất cả. Mà ở thời Hàn Mạc Tử, vẫn chưa có thuốc chữa bệnh phong thì có khác gì đâu? Khi biết mình mắc chứng này, anh đã tự cô lập mình, cắt đứt thư từ, xa lánh bạn bè, rồi ngay cả Mai Đình muốn chăm sóc cho anh thì cũng chỉ gặp được anh vài ba lần khi muốn đến thăm anh.

Sau khi bỏ ngoài tai lời nói của bạn bè để nghe những lời lẽ khôn ngoan và quyền lực từ miệng Thiên Chúa, Gióp đã sấp mình thờ lạy Chúa, ca ngợi Chúa,và “Điều nói ra, con xin rút lại, trên tro bụi, con sấp mình thống hối ăn năn” (G42,6). Để rồi trong những ngày cuối đời, ông đã thấy Chúa đổ phúc trên ông. Ông sống rất thọ, của cải dư đầy, thấy con cái cháu chắt đến bốn đời. Và đó chính là cái hậu của một con  người luôn tin tưởng vào Chúa, tin tưởng vào cánh tay phù trợ của Ngài.

                                    “Ta chắp hai tay lạy quì hoàn hảo
                        Ngửa trông cao, cầu nguyện trắng không gian”

Đau khổ cũng mặc, bị xem là « phế thải » cũng mặc! Hàn Mạc Tử không nói gì không có nghĩa là anh không nói, anh nín lặng để lắng nghe tiếng Chúa ngỏ lời với anh. Có một điều đáng nói, trong những ngày tháng vật lộn với căn bệnh ác tính, đáng nhẽ ra trăng phải là kẻ thù của anh, thế nhưng anh luôn bầu bạn cùng trăng, xem trăng là người tri kỉ của anh trên đời này. Mỗi khi trăng lên là anh lại nhói đau, thế nhưng biết bao nhiêu bài thơ «ra đời» cùng với trăng.

«Cả miệng ta trăng là trăng
Cả lòng ta vô số gái hồng nhan
Ta nhả ra đây một nàng
Cho mây lặng lờ, cho nước ngất ngây»
Hay :
«Hôm nay còn một nửa trăng thôi
Một nửa trăng ai cắn vỡ rồi!
Ta nhớ mình xa thương đứt ruột
Gió làm nên tội buổi chia phôi»
Và :
«Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng, Trăng Trăng!
Ai mua trăng tôi bán trăng cho
Không bán đoàn viên, ước hẹn hò...
Bao giờ đậu trạng vinh qui đã
Anh lại đây tôi thối chữ thơ »

Thử hỏi một người như vậy làm sao có lời trách móc nào. Cuối cùng, Chúa đã đoái nhìn đến anh. Tuy  anh không thọ như Gióp nhưng hồn thơ của anh tạo tiếng vang hơn cả tuổi thọ của Gióp. Anh đã khiến cho lớp lớp người cùng thời và cả sau này phải khâm phục. Thiên Chúa đã đưa anh vào một thế giới thơ, Ngài đã nắn thành, tạo tác một Hàn Mạc Tử mới và hòa kết với Ngài. Khi qua đời ở tuổi 28, mặc dù còn rất trẻ, nhưng anh đã để lại một số lượng lớn tác phẩm cho thi đàn Việt Nam. Nhắc đến Hàn Mạc Tử là nhắc đến «Đau thương», nhắc đến «Xuân như ý», «Quần tiên hội» hay «Gái quê »… Phải nói rằng, thơ anh chưa bao giờ bị bỏ quên, bị đi vào quá khứ. Đó chẳng phải là ước mơ mà nhiều nhà thơ mong muốn đạt tới hay sao? Anh không giàu có như Gióp, không con đàn cháu đống nhưng Gióp nhưng anh được Thiên Chúa ngỏ lời, bầu bạn, tâm sự với Chúa. Đó chẳng phải là điều mỗi Kitô hữu mong muốn hay sao?

Trong suốt 33 năm ở trần thế, Chúa Giêsu luôn để tâm, thương xót đến bao người đau khổ, tội lỗi. Chúa là thầy thuốc của con người, Chúa chữa lành cho con người tất cả mọi khổ đau. Trước đó mấy ngàn năm, Chúa đã đoái nhìn đến Gióp. Và sau đó gần 2000 năm, Chúa đã «nhìn» Hàn Mặc Tử, nhìn đến một con người tài hoa nhưng yểu mệnh như anh. Và mãi mãi sau này, Chúa luôn đoái thương đến con cái Chúa đang cất tiếng kêu van. Hãy tin như vậy, như thánh Gióp, như Hàn Mạc Tử đã tin và đã yêu…