Thứ Bảy, 7 tháng 4, 2012

CHA ANTÔN NGUYỄN TOÀN CHÂN (1876 – 1966)

Lm. Phêrô Nguyễn Quang Báu
            Xin xem « Bản Thông Tin » Giáo phận Qui Nhơn
            Số 136, tháng 8 năm 2009, trang 630
« Trong niên khóa 1939 – 1940, lúc Cha Joseph Clause (Cố Hồng) Giám đốc chủng viện Làng  Sông bị động viên, Cha Antôn quyền Giám đốc chủng viện Làng Sông trong  6 tháng … »
¯˜
           Phêrô Nguyễn Quang Báu vào chủng viện Làng Sông nhằm thứ hai ngày 2 tháng 9 năm 1940. Suốt cả niên khóa 1940 – 1941, tôi học lớp 8, lớp nhỏ nhất, Cha Antôn Nguyễn Toàn Chân làm quyền Bề trên thay Cha Joseph Clause bị động viên vào quân đội Pháp với công việc nuôi chim bồ câu đưa thư.
          Niên khóa 1941 - 1942, tôi học lớp 7, Cha Joseph Clause về lại chủng viện Làng Sông với nhiệm vụ Bề trên.
          Suốt thời gian 1901 đến 1942, Cha Antôn Nguyễn Toàn Chân là giáo sư ở chủng viện Làng Sông, chuyên dạy lớp nhất: dạy môn giảng thuyết (Rhetorica) và dạy La-ngữ về văn chương Cicéron.
          Tôi không được diễm phúc học với Cha Antôn. Vì khi tôi học lớp nhất, ngài đã nghỉ hưu rồi.
           Lúc tôi vào chủng viện, Cha Antôn đã cao tuổi, nhưng ngài rất hiền từ và vui tính, nên nhiều chủng sinh thích chọn Cha Antôn làm Cha linh hướng và Cha giải tội, thường gọi là Cha linh hồn. Những ngày lễ trọng có giờ nghỉ tự do, các chủng sinh con linh hồn của Cha Antôn hay đến phòng Ngài để trò chuyện và được Ngài khuyên dạy chỉ bảo thêm nhiều điều cần thiết cho đời sống chủng sinh, và đôi khi được Ngài phân phát cho vài cái bánh kẹo để nhâm nhi.
            Tôi không phải là con linh hồn của Ngài. Đôi lúc tôi theo các con linh hồn của Ngài đến thăm Ngài để được trò chuyện và nghe Ngài dạy bảo. Mỗi lần gặp Ngài tôi chưa kịp chào, Ngài đã hỏi tôi: “Báu, mầy tên gì?” câu hỏi vui và dí dỏm nầy luôn khắc ghi vào lòng trí tôi như một câu hỏi phát xuất từ lòng yêu thương. Tôi không nghe Ngài dùng kiểu hỏi như vậy với một chủng sinh nào khác.
             Có một lần tôi chạy đụng mạnh vào Cha Antôn: Phòng của Cha Antôn ở đầu phía Nam dãy lầu chú lớn (dãy lầu phía Đông).
             Cố Kim (Marc Lefèbvre) ở phòng lầu phía Đông. Sau giờ làm bài chiều: 6g15, trời đã nhá nhem tối, tôi ôm chồng tập vở làm bài của lớp đến phòng Cố Kim dạy lớp 7, với tâm trạng sợ ma, vì nghe các chủng sinh lớn bảo là nhà ngủ chú lớp có ma, nên vừa lên khỏi cầu thang, qua trước phòng Cha Antôn, tôi vụt chạy đến quãng giữa hành lang phòng ngủ chú lớn, tôi đụng phải Cha già Antôn. Ngài vui vẻ hỏi: “Báu, mầy tên gì? Sao mầy đụng tao?”. Vụt chạy, đụng phải Ngài, đã không bị la rầy, còn được hỏi với giọng yêu thương dí dỏm. Câu hỏi đầy yêu thương: “Báu, mầy tên gì? Sao mầy đụng tao?” được khắc ghi vào trong tâm trí tôi mãi đến hôm nay.
            Thời gian Cha già Antôn nghỉ dưỡng nơi một căn nhà nhỏ trong khuôn viên Cô Nhi Viện Kim Châu do các nữ tu Mến Thánh Giá Qui Nhơn coi sóc (Thời Pháp thuộc là Nhà Thương Kim Châu do Bà Nhất và Bà Nhì (người Pháp) là nữ tu dòng Thánh Phaolô thành Chartres điều khiển, nay là Nhà Dưỡng Lão do Nhà Nước quản lý). Khi đã là Linh mục, tôi đã nhiều lần đến thăm Ngài. Mỗi lần tôi đến thăm, Cha già Antôn bảo tôi ngồi ghế bên giường Ngài nằm và căn dặn: ngồi, coi chừng kẻo té, chắc Ngài nghĩ tôi cũng ốm yếu, nên dặn dò: ngồi ý tứ kẻo té, hoặc vì Ngài già yếu ngồi ghế hay bị té, vì thương yêu, sợ tôi cũng bị té, nên Ngài ý tứ dặn bảo.
             Tôi có tham dự Thánh Lễ an táng Ngài vào một chiều mây trời vần vũ ảm đạm. Dường như Chúa an bài cho cảnh vật cũng mến thương luyến tiếc Ngài.
            Thân xác Cha già Antôn được an nghỉ nơi nghĩa trang nằm phía tây khuôn viên Dòng Giuse Kim Châu cùng với Đức Cha Đamianô Grangeon, với Cha Tôma Thiện, Cha Giuse Nguyễn Tý: chờ ngày sống lại vinh quang.