Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2012

HAI BÀI CA DAO MANG HAI NÉT ĐẸP VÙNG MIỀN



 Nguyễn Hùng Vĩ

Đều có cấu trúc đối đáp nam nữ. Nhân vật trữ tình đều là chàng trai và cô gái, anh và em. Cảnh huống cũng tương tự: chàng trai đến muộn, cô gái đã có chồng, anh liền cất lên tiếng lòng của mình, cô gái cất lời đối đáp. Cả hai bài đều hay, đều sống lâu bền trong tâm tưởng dân gian. Ấy thế mà mỗi bài cho ta một nét đẹp riêng, đậm tính chất vùng miền: Bắc bộ và xứ Nghệ, rộng hơn là miền trung. Đó là hai tác phẩm Trèo lên cây bưởi hái hoaAnh đến thăm hoa...
Trong cảnh huống đó, chàng trai Bắc bộ kể chuyện tìm duyên:
Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân.
Không rõ anh có trèo thật không hay anh bịa ra thế như một lời kể công, kể khổ, đưa đẩy, thưa lời nhưng rõ ràng là nghe thật lận đận (trèo lên - bước xuống), hướng của anh ta là hướng dọc trong một không gian sum suê nhưng chật hẹp của vườn tược đồng bằng. Và hành động của anh ta cũng bất chợt, thiếu kiểm soát. Nếu một câu thơ cân chỉnh, lí trí thì dừng lại ở "hái nụ" hoặc "hái quả" mới đúng chứ: Bưởi thì hoa, cà thì nụ / quả. Đằng này anh ta lại hái nụ tầm xuân. Như vô ý, như tiện thể. Nói chung là tính lí trí bị phá vỡ, một hình ảnh như ngẫu nhiên mà hiện ra. Thế rồi anh ta thấy: Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc. Dù kín đáo cũng mang một thông điệp: sự đã rồi như hoa kia đã nở. Và rồi cũng phải thốt lên sự thật và cảm nghĩ của mình:
Em có chồng rồi anh tiếc lắm thay!
Thơ mà thật gần khẩu ngữ. Không thật trần trụi nhưng rõ là phải nói tuột điều đáng nói ra, không hoa lá gì nữa. Tâm trạng chàng trai vận động từ mơ hồ sang mạch lạc. Tuy nhiên, anh cũng chỉ dám tiếc mà thôi, không dám yêu cầu gì. Tiếc thôi thì cũng đủ làm cho nàng xao xuyến. Phụ nữ có chồng rồi mà còn được trai tân tiếc thì còn gì hơn.
Như một phản xạ từ thâm căn cố đế của đạo đức tam tòng, cô gái mạch lạc phân bua:
Ba đồng một mớ trầu cay
Sao anh không hỏi những ngày còn không
Bây giờ em đã có chồng...
Cân đong đo đếm với những số từ, đủ cả. Những câu thơ của lí trí, có định giá, có lập luận, có khẳng định: em đã có chồng! Anh tiếc vì anh đã đến muộn! Nhưng rồi liền sau đó, cô không lí trí mãi được nữa. Câu tiếp theo thì đã đúng là một lời than thân trách phận, tội nghiệp làm sao:
Như chim vào lồng, như cá cắn câu.
Tình xưa trong ca dao định mệnh lắm. Nó có một đồ thị vận động phổ quát: Tìm duyên - gặp gỡ - đối đáp - trao duyên - hò hẹn - thề bồi - hôn nhân - rồi than thân trách phận. Chung cục ít ngọt ngào. Cô gái này cũng vậy. Đáp ba câu thì ngắn ấy vậy mà than thân ba câu lại dài:
Như chim vào lồng, như cá cắn câu
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng biết thưở nào ra...
Không phải vì 22 chữ nó dài hơn 20 chữ mà hình như câu thơ chưa muốn dứt. Mà lạ thật, khẳng định mình đã có chồng thế mà còn ngân nga chuyện "gỡ" với chuyện "ra". Dù sao con gái cũng "dưa lê" hơn con trai một chút. Ngược với chàng trai, tâm trạng cô gái vận động từ lí tính đến hoang mang.
Chàng trai xứ Nghệ thì khác hẳn. Anh ta đi tìm thật lang thang, từ chỗ này nhảy sang chỗ khác: Anh đến thăm hoa... Anh đến bến đò... Anh đến tìm em... Đúng là đường vô xứ Nghệ quanh quanh. Cũng là kể công lênh nhưng trên một không gian khoáng đạt, vận động tìm duyên của anh ta theo bản đồ chiều ngang, không có chuyện trèo lên bước xuống. Nhưng ở đâu anh cũng gặp sự đã rồi:
Anh đến thăm hoa thì hoa kia đã nở
Anh đến bến đò thì đò đã sang sông
Anh đến tìm em thì em đã có chồng.
Chàng trai này tính mục đích rất rõ, các câu thơ đều sáng sủa một cách bộc trực, dù vẫn ví von nhưng cũng thẳng thắn, tính lí trí rất mạnh. Biết đã nhỡ rồi nhưng anh ta không "tiếc" mà buộc bện, cật vấn ngay:
Nghĩa tình em như rứa hỏi mặn nồng lấy chi?
Còn cô gái cũng chẳng kém cõi gì khi cô chan chát đối lại bằng lí lẽ rất tự nhiên, khó mà bắt bẻ được:
Hoa đến thì thì hoa phải nở
Đò đầy rồi thì đò phải sang sông
Đến duyên em thì em phải lấy chồng.
Quả là tài tình. Anh không thể trách cứ em vì không ai cắm sào đợi nước mãi được. Anh cứ nghĩ cho kĩ đi:
Nghĩa tình em như rứa, có mặn nồng thì tùy anh!
Nói là "tùy anh" nhưng thực chất là hết nhẽ, khác hẳn cô gái Bắc bộ nói "biết đâu", "biết thưở" nhưng lại bày đường kiến nhoi.
Lẽ dĩ nhiên, bài Trèo lên cây bưởi đã hẳn hòi là ca dao, dù tâm trạng đối đáp nhưng ta khó lòng còn thấy hát ở đâu, còn bài Anh đến thăm hoa là bài dân ca trong tình thế hát đối đáp thực sự. Đã đối đáp thì phải chứng tỏ anh tài, không chịu thua và càng chí lí càng tốt. Nhưng ta cũng thấy lộ rõ ở đây hai tính cách:
Bài Bắc bộ đẹp hướng nội, tinh tế, duy tình.
Bài xứ Nghệ đẹp phóng khoáng, lí trí, thị tài.
Đó cũng là tính cách hai vùng miền chăng?