Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2011

TIN GIÁO PHẬN QUI NHƠN THÁNG 4


Ø  LỄ LÀM PHÉP DẦU
Chiều dài của giáo phận trải dài hơn 400 km nên khó tập trung hết các linh mục trong giáo phận về tham dự thánh lễ Làm phép dầu vào ngày thứ Năm Tuần Thánh như thông lệ, chính vì thế mà năm nay Đức Cha đã quyết định cử hành Lễ Chầu Dầu vào lúc 5g15 chiều ngày thứ Ba Tuần Thánh 19/4/2011. Sự thay đổi này đã có hiệu quả, các cha từ ba giáo hạt đã quy tụ về đông đủ hơn mọi năm để dâng lễ đồng tế dưới sự chủ toạ của Đức Cha chính Phêrô và Đức Cha phó Matthêô .
Phụng vụ hôm nay diễn tiến với các phần chính: phụng vụ Lời Chúa, các linh mục lặp lại lời tuyên hứa, làm phép dầu, phụng vụ Thánh Thể. Dầu thánh được sử dụng trong các bí tích trải theo suốt dòng đời của một Kitô hữu, là dấu hiệu của Chúa Thánh Thần. Dầu cũng quy hướng về Đức Kitô là “Đấng được xức dầu”. Những người tin theo Đức Kitô cũng được gọi là Kitô hữu, nghĩa là “những người được xức dầu”- và như thế họ cũng thuộc về Đức Kitô  và được chia sẻ Thánh Thần cũng như việc xức dầu thánh của Ngài.
Hôm nay cũng là ngày kính chức linh mục, các linh mục lặp lại lời tuyên hứa với giám mục của mình. Trong bài giảng lễ, Đức Cha phó Matthêô đã chia sẻ về chức linh mục theo ba chiều kích: mầu nhiệm, hiệp thông và sứ vụ: “Đức Giám Mục giáo phận cũng là nguyên lý và nền tảng hữu hình của sự hiệp nhất tại Hội Thánh địa phương. Trong thánh lễ hôm nay, Đức Giám Mục hiện diện giữa linh mục đoàn và cộng đoàn để thể hiện sự hiệp nhất ấy, một sự hiệp nhất trong tình huynh đệ như lời thánh vịnh trên đây: “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau”. Chính chức linh mục đã nối kết Giám Mục, các linh mục và giáo dân lại với nhau thành cộng đoàn hiệp thông huynh đệ, thành hàng tư tế để phụng sự Thiên Chúa, như chúng ta vừa nghe trong bài đọc II trích sách Khải Huyền (x. Kh 1, 6). Vì thế chủ đề suy niệm chính của thánh lễ hôm nay là chức linh mục. Tuy nhiên ý nghĩa và vai trò của chức linh mục thừa tác chỉ có thể được hiểu trong tương quan với Đức Kitô và Hội Thánh, bởi vì cả ba cùng mang ba chiều kích: mầu nhiệm, hiệp thông và sứ vụ, như chủ đề của Năm Thánh 2010 mà ngày hôm nay Hội Thánh Việt Nam còn đang tiếp tục triển khai và thực hiện … Ba chiều kích mầu nhiệm, hiệp thông, sứ vụ, trước hết được nhìn thấy nơi chính Đức Kitô… được thể hiện và tiếp nối nơi Hội Thánh là thân mình của Ngài … Các linh mục, đến lượt mình, cũng phải có đầy đủ 3 chiều kích mầu nhiệm, hiệp thông và sứ vụ như Đức Kitô và Hội Thánh … Khi linh mục càng trở nên giống Chúa Kitô, càng để cho mầu nhiệm Đức Kitô tỏ lộ nơi mình, đồng thời càng hiệp thông gắn bó với Hội Thánh là nhiệm thể của Ngài, thì sứ vụ của linh mục càng sinh nhiều hoa trái, vì Chúa Giêsu đã nói: “Thầy là cây nho, các con là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sẽ sinh nhiều hoa trái” (Ga 15, 5).
Sau thánh lễ, các linh mục thuộc giáo hạt Quảng Ngãi và Phú Yên đã trở về ngay trong đêm để bảo đảm cho lịch sinh hoạt thánh lễ tại các giáo xứ khỏi bị gián đoạn.

Ø  SINH HOẠT GIÁO HẠT BÌNH ĐỊNH.
- Bổ nhiệm cha phó Trường Cửu và khánh thành tượng đài Thánh Tâm Chúa Giêsu tại Trung Ái. Ngày 05/04/2011, tại nhà thờ Trung Ái thuộc giáo xứ Trường Cửu, đã diễn ra nghi thức làm phép và khánh thành tượng đài Thánh Tâm Chúa Giêsu và vui mừng đón nhận cha phó mới là Cha Phêrô Nguyễn Minh Trường đồng thời tổ chức mừng lễ quan thầy cha sở Vincentê Nguyễn Đình Tâm. Có khá đông quý cha và bà con giáo dân về tham dự sự kiện đặc biệt nầy của giáo xứ – Tam Hỷ (đón cha phó mới - khánh thành tượng đài thánh tâm CGS và bổn mạng cha sở). Đức Cha phó Matthêô đã thay mặt Đức Cha Chính Phêrô để thực thi văn thư bổ nhiệm cha phó trước sự hiện diện của cha sở Trường Cửu, quý cha và ban Chức việc giáo xứ Trường Cửu. Đức cha phó có đôi lời huấn dụ về tương quan cha sở, cha phó và bà con giáo dân để xin nâng đỡ cha phó mới. Cha Trường đang là phó xứ giáo xứ Phú Hữu, nay được Đức Cha chính Phêrô Nguyễn Soạn bổ nhiệm về làm phó xứ Trường Cửu. Cha Trường sẽ ở tại nhà thờ Trung Ái và mọi việc đều dưới sự điều hành của cha sở Trường Cửu Vincentê Nguyễn Đình Tâm.
Sau đó Đức Cha phó chủ sự nghi thức khánh thành và làm phép tượng đài Thánh Tâm Chúa Giêsu vừa mới xây dựng xong. Trong nghi thức Đức Cha phó đã khen ngợi tinh thần sống đạo của bà con giáo dân giáo xứ Trường Cửu và đồng thời kêu mời mọi người sống Trung Thành yêu mến như ý nghĩa tên gọi của giáo xứ Trung Ái để làm gương cho lương dân. Kết thúc nghi thức là vũ khúc vui tươi của các em thiếu nhi trong giáo xứ để mừng Tam Hỷ.
- Cha Luy Nguyễn Xuân Vũ đi làm phó xứ Phù Mỹ. Ngày 07/04/2011, Đức Cha phó Matthêô đưa cha Luy Nguyễn Xuân Vũ đi Phù Mỹ để làm phó xứ theo văn thư bổ nhiệm của Đức Cha chính giáo phận Phêrô Nguyễn Soạn. Cùng đi với Đức Cha có 9 linh mục, trong đó có 4 linh mục bạn cùng lớp với cha Vũ. Đức Cha phó gửi gắm cha Vũ cho cha sở Anrê Đinh Duy Toàn và cha đã vui vẻ tiếp nhận như người em để giúp đỡ nhau trong việc mục vụ và truyền giáo trên một địa bàn giáo xứ khá rộng gồm một giáo họ chính và 24 giáo họ xa xôi hẻo lánh. Cha sở Anrê đã tiếp đãi Đức Cha phó và phái đoàn một bữa ăn thịnh soạn và thân tình. Trước đây Cha Vũ đã thực tập mục vụ tại giáo xứ Đại Bình hơn một năm, sau đó được Đức Cha Phêrô phong chức linh mục vào ngày 10/12/2010 và sau hơn bốn tháng kể từ ngày chịu chức, nay Cha Vũ được bổ nhiệm về làm phó xứ Phù Mỹ.
- Tam nhật thánh và Đại Lễ Phục Sinh tại nhà thờ Chính Tòa Qui Nhơn. Từ chiều thứ Năm 21/04 đến chiều tối thứ Bảy 23/04/2011 trong tuần Thánh, tại nhà thờ Chính Tòa Qui Nhơn đã tổ chức trọng thể các nghi lễ tuần thánh do Đức Cha Phó Matthêô chủ sự. Từ chiều thứ Năm, lúc 17g15 Đức Cha đã chủ sự thánh lễ Tiệc Ly đầy ý nghĩa, khi chính Đức Cha cởi áo để rửa chân cho 12 chức việc của giáo xứ chính tòa. Trong bài giảng lễ Đức Cha cũng nêu những ý nghĩa sâu sắc của thánh lễ Tiệc Ly. Sau thánh lễ là các giờ chầu Thánh thể sốt sắng được 4 giáo họ giáo xứ thay phiên, phiên cuối do các chủng sinh chủng viện Qui Nhơn đảm trách, kết thúc sau 22g00 đêm. Thứ Sáu tuần thánh, cũng lúc 17g15 Đức Cha Phó cũng chủ sự nghi thức long trọng tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa Giêsu. Sau Thánh lễ, giáo dân giáo xứ chính tòa tiếp tục hôn chân Chúa Giêsu khá đông, gần 21g00 mới kết thúc. Trong đêm vọng phục Sinh, Đức Cha phó chủ tế thánh lễ thật long trọng được tổ chức tại sân nhà thờ. Trong thánh lễ có rửa tội và thêm sức cho 11 tân tòng (9 nữ và 2 nam). Các nghi lễ đã diễn ra thật sốt sắng. Thánh lễ kéo dài gần 2 giờ 30 phút.
Sáng Chúa Nhật 24/4, 05g00 Đức Cha phó cũng chủ tế thánh lễ mừng đại lễ Phục sinh thật sốt sắng. Trong tam nhật thánh và lễ Phục Sinh Đức Cha phó đều có những bài giảng sâu sắc và đầy ý nghĩa thần học.

Ø  SINH HOẠT GIÁO HẠT QUẢNG NGÃI.
- Tuần thánh và Phục sinh tại Quảng Ngãi. Tất cả các giáo xứ, giáo điểm đều cử hành lễ nghi Tuần thánh, đặc biệt Tam nhật Vượt qua và Đêm Canh thức Vượt qua với đông đảo giáo hữu tham dự, cả các giáo hữu ở rất xa nhà thờ đến 50-60 km. Những việc đạo đức như đọc kinh lễ đèn, đàng thánh giá đã trở thành truyền thống ở các giáo xứ với khá đông giáo hữu; các chức việc giáo xứ Kỳ Tân còn thay phiên nhau đọc 07 lời Chúa trối từ trưa thứ Bảy cho đến giờ Canh thức Vượt qua. Có vài giáo xứ còn tổ chức ăn chay tại nhà thờ để tiện đi đàng Thánh giá sau giờ phụng vụ. Trong Đêm Canh thức Vượt qua, một số giáo xứ đón nhận thêm thành viên mới vừa được lãnh nhận bí tích Thánh tẩy: giáo xứ Quảng Ngãi có thêm 11 tân tòng; giáo điểm Bình Hải có 15 thanh thiếu niên mà một nửa là gia đình cha mẹ chưa theo đạo, một nửa kia thuộc diện tái truyền giáo. Giáo điểm Bình Thạnh có khoảng 20 công nhân nhà máy lọc dầu Dung Quất tham dự Thánh lễ Đêm Canh thức Vượt Qua. Các giáo hữu công nhân ở miền ngoài này tập dượt trước những bài thánh ca và hát trong Thánh lễ. Và lần đầu tiên có Thánh lễ Phục Sinh (17g30 Chúa nhật) tại nhà nguyện giáo họ Phú Long thuộc giáo xứ Phú Hòa, ngôi nhà nguyện đã được phép Đức Cha Chính để đặt Nhà Tạm từ hơn một tháng nay.
- Thánh lễ đồng tế nhân ngày giỗ tổ tử đạo Bàu Gốc. Vào lúc 9g30 sáng thứ Tư trong Tuần Bát nhật Phục sinh, tại khuôn viên nhà thờ Bàu Gốc, bên cạnh ngôi nhà thờ nay chỉ còn trơ vơ khung sườn, Cha Hạt trưởng chủ tế Thánh lễ cùng với 06 Cha đồng tế: Cha Sở Bàu Gốc, Cha Phaolô Thọ DCCT, Cha Sở Kỳ Tân, Cha Giuse Hảo DCCT, Cha Giacôbê Mai và Cha Luy Trung. Có đông đảo giáo hữu thuộc giáo xứ Bàu Gốc, và giáo hữu đại diện các giáo xứ bạn. Khởi đầu bài giảng, Cha Phaolô Thọ cất tiếng hát câu đầu bài thánh ca “Trên đường Em-mau”, lấy ý từ Lc 24, 13 của bài Tin mừng, nhắc nhớ Đức Kitô Phục Sinh vẫn luôn hiện diện bên ta trong cuộc sống đời thường, “khi mộng vàng tan mây, nhọc nhằn lê gót chân buồn đường dài”, hẹn hò ta, trông mong ta đến gặp Ngài. Đi lễ là đến với Chúa bằng tình yêu như hai người yêu nhau, chứ không phải do sợ tội, bất đắc dĩ, sợ Chúa phạt. Chính vì đáp trả tình yêu Chúa mà các giáo hữu Bàu Gốc đã hiến thân chịu tử đạo.
Đây là dịp giỗ tổ hằng năm (vào ngày 20 tháng 3 âm trong tiết Thanh minh) các giáo hữu tử đạo vào rạng sáng ngày 16 tháng 7 năm 1885.  Trước Thánh lễ, các Cha đã cùng với giáo hữu đi viếng lăng mộ tử đạo và thánh địa tử đạo ở gần ngôi nhà thờ, và ngôi mộ Cha Hai (quen gọi) trong ngôi nhà thờ đó. Sau Thánh lễ tất cả ở lại cùng chung vui bữa cơm huynh đệ; và lần đầu tiên chính quyền xã Đức Phú đã cử đại diện (02 vị) đến tham dự ngay từ sáng sớm và tặng quà mừng lễ.

Ø SINH HOẠT GIÁO HẠT PHÚ YÊN
- Tin vui Phục Sinh tại giáo xứ Tịnh Sơn. Trong Đêm Vọng Phục Sinh, Giáo Xứ Tịnh Sơn đã đón nhận 20 anh chị em dự tòng. Trong số này có 4 anh chị em người Kinh, số còn lại là anh chị em dân tộc Giarai. Họ ở rất xa Nhà Thờ (khoảng 30 km) nên từ 2 giờ chiều họ đã có mặt để tập nghi thức,chuẩn bị tâm hồn để lãnh nhận các bí tích khai tâm gia nhập đạo. Mỗi người đã đem theo một chiếc áo sơ mi trắng để mặc khi lãnh nhận bí tích. Cả gia đình cùng đi theo tham dự. Họ hân hoan vui mừng, có người đã nói rằng từ khi tin theo Chúa không còn phải lo cúng thần rẫy, thần sông, thần núi nữa… cũng không còn sợ ma lai, ma ó nữa…
“Cha nhỏ hơn con hai mươi tuổi”. Đang khi ban bí tích, cha sở nhìn xuống thấy có một người cha (đỡ đầu) nhỏ hơn con hai mươi tuổi. Cha chưa có gia đình mà con đã có hai cháu rồi. Lễ xong hỏi thì mới biết là vì thiếu người nên đành nhận vậy. Họ muốn người trong bản trong làng đỡ đầu cho nhau, giúp nhau sống đạo. Lễ xong, cha - con vui vẻ chúc mừng nhau. Sau Thánh lễ, tất cả cùng nhau dự tiệc mừng Chúa Phục Sinh và ra về kết thúc lúc 10 giờ.
Đây là danh sách các anh chị em tân tòng người Giarai: Matta So thi Gai, Matthêô Kpă Thi, Maria Rơ ô H’ Thôm, Phaolô Ksơr Nhan, Maria H’Ving Chắc, Phaolô Rơ ô Kă, Phanxicô Ksơr Hoa, Matthêô Kpă Heo, Maria Ksor Hchăc, Maria Ksor H’ Et, Phaolô Na Y Xuân, Maria Rahlan HBơm, Maria H Rok, Maria Rơ ô H’Buốt, Maria Rahlan H’Em. Đây là số những người lớn, con cái họ sẽ được rửa tội sau. Ngoài ra còn một số đông anh chị em dự tòng còn đang chuẩn bị cho Lễ Phục Sinh năm sau.
- Phụng vụ phép rửa đêm Vọng Phục Sinh tại Tuy Hoà. Theo truyền thống ngàn đời của Hội Thánh Công Giáo, Phụng Vụ Đêm Canh Thức Vượt Qua - Đại Lễ Vọng Phục Sinh, bao giờ cũng diễn ra với một phần Phụng Vụ đặc biệt: phụng vụ Phép Rửa. Và trong chính phần Phụng Vụ nầy, tại rất nhiều nơi trên khắp thế giới, có nhiều anh chị em dự tòng được lãnh các bí tích Gia Nhập Kitô Giáo (Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể). Trong lễ Vọng Phục sinh năm nay, giáo xứ Tuy Hoà hân hoan vui mừng tiếp nhận 16 dự tòng vào lãnh các bí tích Nhập Đạo. Đây là những anh chị em dự tòng thuộc khoá giáo lý Dự Tòng 2/2010, bắt đầu thời gian chuẩn bị nhập đạo từ tháng 6/2010. Sau hơn 10 tháng học hỏi giáo lý, thực hành sống đạo, các anh chị em đã được linh mục chánh xứ và những người có trách nhiệm hướng dẫn nhập đạo trực tiếp cũng như gián tiếp chuẩn nhận cho được lãnh nhận các bí tích Gia Nhập Kitô Giáo, sau khi đã tiến hành tham dự các nghi lễ Phụng Vụ trong giai đoạn chuẩn bị.
Trong thánh lễ, cha giảng lễ đã chia sẻ về hành trình đức tin của mỗi người. Đức Kitô phục sinh đã hiện ra trong đời của mỗi người một cách khác nhau, kẻ trước người sau, tuỳ theo môi trường, ơn gọi, bản tính và ngay cả phái tính nữa. Điều quan trọng là ngay trong đêm Vọng Phục Sinh này, mọi người dầu được dẫn dắt qua những nẻo đường khác nhau, đã cùng nhau tụ họp lại để đón mừng tin vui phục sinh và cùng nhau ra đi để loan báo: “Chúa đã phục sinh! Allêluia!”.
-  Phép xây dựng nhà thờ Sông Hinh. Ngày 25/4/2011, UBND tỉnh Phú Yên với công văn số 941/UBND-VX đã cho phép xây mới nhà thờ Sông Hinh tại thị trấn Hai Riêng, theo đề nghị của sở Nội Vụ tại tờ trình số 133/SNV-TG ngày 18/3/2011.
Sông Hinh là giáo họ của giáo xứ miền núi Tịnh Sơn, cách thành phố Tuy Hoà 54 Km về hướng Tây. Địa bàn giáo xứ Tịnh Sơn có tổng diện tích là 1.187 Km2 (90% là rừng núi), bao gồm các xã: Krông-pa, Ea-chà-rang, Suối Trai, Sơn Phước, Củng Sơn thuộc huyện Sơn Hoà và huyện Sông Hinh. Số giáo dân hiện nay của giáo xứ Tịnh Sơn là 2.710 người với 6 giáo họ và một giáo điểm truyền giáo. Riêng giáo họ Sông Hinh hiện có 153 gia đình với 550 giáo dân sống rải rác trong địa bàn huyện Sông Hinh. Đây là số giáo dân từ các nơi đến lập nghiệp cùng với bà con dân tộc bản địa: Êđê, Bana, Chăm H’roi. Từ xưa đến nay, giáo dân Sông Hinh không có nơi tập trung sinh hoạt tôn giáo, không dự lễ Chúa Nhật thường xuyên được vì cách nhà thờ Tịnh Sơn quá xa, đường đi cách trở, lại thiếu phương tiện đi lại. Nay với việc xây dựng nhà thờ mới Sông Hinh, nhu cầu chính đáng của giáo dân Sông Hinh đã được đáp ứng. Xin chúc mừng giáo dân Sông Hinh và cha sở Giuse Lê Thu Thâu.        


Ø  TIN DÒNG MẾN THÁNH GIÁ QUI NHƠN
- Hoạt động xã hội. Vào ngày 14.4.2011, ban xã hội và y tế của Hội dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn cùng với Cha Antôn Trần Liên Sơn – Chánh xứ Ngọc Thạnh và quý Chức Việc trong giáo xứ tất cả gồm 9 người đã đến Giáo họ Tân Lập thuộc Giáo xứ Ngọc Thạnh, nằm trên địa bàn thôn Bình Long, xã Canh Vinh, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định để khám bệnh, phát thuốc cho bà con dân nghèo kể cả người lớn lẫn trẻ em, không phân biệt lương hay giáo.
Chị em khởi hành từ Gò Thị lúc 06 giờ 30, sau gần hai giờ, đến địa điểm Trường mẫu giáo của thôn Bình Long. Đây là nơi có hơn 2/3 người dân là lương giáo, chỉ 1/3 người công giáo. Dân chúng trong vùng đa số nghèo khổ, sống lam lũ với đất rẫy nương rừng. Đây là lần thứ hai, chị em MTGQN đã trở lại sau đợt cứu trợ năm 2009.
Từ sáng sớm, sân trường mẫu giáo chật ních người. Chị em miệt mài bắt tay vào công việc khám bệnh, phát thuốc cho 500 người dân, theo số phiếu qui định sẵn. Ngoài ra, một số đông không có phiếu cũng được chị em tận tình phục vụ.
Nhìn thấy nhu cầu cần thiết của đồng bào, cha sở, giáo chức cũng như chị em quên cả mệt nhọc… chỉ mong đem lại chút niềm vui cho dân nghèo.
- Đón các nữ tu Mến Thánh Giá Thái Lan. Ngày 27.4.2011, vào lúc 08g30, Hội dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn đã có buổi đón tiếp phái đoàn Mến Thánh Giá Chanthaburi Thailand đến thăm. Đoàn gồm 40 nữ tu, trong đó có Chị Tổng Phụ trách, 2 Chị Tổng Cố vấn, Chị Tổng Thư ký và 36 chị em. Mục đích cuộc thăm viếng này là để hiểu biết, làm quen, chia sẻ kinh nghiệm sống đời tu và huấn luyện, mở một hướng để chiêu mộ ơn gọi. Vì hai, ba năm nay Hội dòng không có ơn gọi mới.
Chị Phó Tổng Phụ trách Maria Võ Thị Tuyết thay mặt Hội dòng nói lời chào mừng thân thiện, Chị giới thiệu đôi nét lịch sử Hội dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn và hiện tình nhân sự của Hội dòng. Chị Tổng Cố vấn Josse Marie Nguyễn Thị Phước kiêm Phụ trách Cộng đoàn Nhà Mẹ nói lên tâm tình hân hoan, vui mừng, biết ơn và quý mến đối với các chị em Mến Thánh Giá Thái Lan. Trong tinh thần của những người con cùng một Đấng Sáng Lập – Đức Cha Phêrô Maria Lambert de la Motte, mong ước chị em Mến Thánh Giá ngày một hiệp nhất hơn trong tình yêu Đấng Chịu Đóng Đinh và cùng nhớ nhau trong lời nguyện vào mỗi thứ Sáu hàng tuần. Chị cầu chúc đoàn tiếp tục hành trình được bình an, gặt hái nhiều niềm vui và đạt được mong muốn trong ý nghĩa đón mừng Chúa Phục Sinh.
Mẹ  Rosalind Sriprai Krathong - Tổng Phụ trách Mến Thánh Giá Thái Lan đáp lời chào thân thiện, vui mừng được gặp nhau nơi đây. Sau buổi điểm tâm với những món ăn dân giã rất Việt Nam, các chị đi thăm Nhà Tổ Gò Thị, Đài tưởng niệm nơi làm việc của thánh Giám mục Stêphanô Thể tại Nhà Chung Gò Thị và đền thánh Stêphanô Vĩnh Thạnh. Chị em chia tay nhau và tiếp tục cuộc hành trình về hướng Bắc.