Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2011

ABBÉ PIERRE



Tứ Hỷ
Chính trị là một từ đôi khi có vẻ khô khan và to tát. Nhưng nó lại là cốt lõi để tổ chức và phát triển xã hội con người. Người ta làm chính trị vì 1001 lý do, nhưng nhìn chung các chính khách hay chính trị gia đều sử dụng cùng một khẩu hiệu “vì dân, vì nước”.
Bên cạnh đó cũng có những người không tự nhận làm chính trị, không cần vào quốc hội, cũng chẳng ra tranh cử tổng thống hay vào đảng phái nào, nhưng chính việc làm của họ lại thay đổi cuộc sống xã hội, góp phần “đổi đời” cho hàng ngàn gia đình, Abbé Pierre, nhà hoạt động xã hội ở Pháp, là một ví dụ điển hình với kiểu hoạt động chính trị vô cùng đặc biệt: chính trị kiểu xã hội, lấy đời sống của nhân dân làm yếu tố trọng tâm.
Xuất thân là một linh mục Công giáo ở Pháp, Abbé Pierre là một người hoạt động xã hội tích cực. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó, có lẽ cái tên Abbé Pierre sẽ chẳng được ca ngợi đến vậy, và ngày đám tang của ông năm 2007 ở Paris đã không có hàng nghìn người đến khóc thương, trong đó có cả cựu và tân tổng thống Pháp Jacques Chirac và Nicolas Sarkozy.

Một cuộc đời của hành động

Điểm nổi bật ở con người Abbé Pierre là hành động và hành động. Là nhà hoạt động xã hội, mối quan tâm lớn nhất của ông dành cho tầng lớp dân nghèo, đặc biệt là những người ở tận cùng xã hội, những người vô gia cư, những gia đình nghèo mạt không kiếm nổi miếng cơm, không có được một mái nhà. Ông đã hành động, bắt đầu bằng việc sáng lập ra tổ chức Emmaus, đơn thuần là một tổ chức từ thiện giúp đỡ những kẻ sa cơ lỡ vận.
Các hoạt động của tổ chức này thật sự rất ấn tượng: nó không nhận sự tài trợ của nhà nước hay nhà thờ Thiên chúa giáo mà hoạt động theo kiểu tự cung tự cấp và bằng sự quyên góp của các mạnh thường quân. Chính những trường hợp khi được Emmaus giúp đỡ và có ý muốn ở lại để làm việc sẽ trở thành người bảo đảm hoạt động cho tổ chức.
Hiện nay Emmaus đã trở thành một công ty có hẳn các cương vị giám đốc và quản lý, doanh thu chính là từ việc bán sản phẩm làm ra bởi các thành viên.

Hành động nối tiếp hành động

Cuộc chiến chống cái đói nghèo đâu thể giải quyết chỉ bằng những tổ chức từ thiện. Abbé Pierre đã tìm ra những thứ vũ khí khác mạnh mẽ hơn: các phương tiện thông tin đại chúng. Vào mùa đông 1954, nước Pháp trải qua cái đói và cái lạnh vô cùng khắc nghiệt, và còn khó khăn gấp bội phần cho những người vô gia cư, người ăn xin, lang thang trên hè phố.
Những xác chết cóng vì lạnh, những khuôn mặt dày vò vì cái đói, cái rét cố gắng bám víu vào cuộc sống. Không thể chịu đựng nổi và đánh giá rằng những hoạt động từ thiện không đủ tác dụng, ngày 01/02/1954, ông phát ra lời kêu gọi giúp đỡ khẩn cấp đến toàn nhân dân Pháp trên đài phát thanh France Luxembourg (hiện nay là đài RTL).
Và dân Pháp đã trả lời ông: tiền quyên góp đổ về ào ạt, hàng trăm nghìn cuộc điện thoại quyên góp làm tắc nghẽn các tổng đài, hàng nghìn người sẵn sàng tình nguyện gia nhập Emmaus.
Kẻ góp của người góp công, việc còn lại của Abbé Pierre là tổ chức hành động khẩn cấp để sự giúp đỡ đến được nhanh và hiệu quả nhất những lề đường, những gầm cầu, những bãi đậu xe… Bước đường chính trị thật sự của ông đã bắt đầu.

Chính trị kiểu “bất hợp pháp”

Từ trước năm 1954, Abbé Pierre đã từng tham gia quốc hội và họat động trong một vài đảng phái chính trị. Nhưng ông đã từ chức và rút lui khi cảm thấy con đường chính trị truyền thống không thực hiện được các suy nghĩ của mình.
Theo ông, ngoài kia chống lại nghèo đói là một cuộc chiến hàng ngày và vô cùng khốc liệt, trong khi đó, các chính trị gia chỉ nói toàn những lời hoa mỹ và lo lắng cho lợi ích cá nhân hay lợi ích đảng phái. Những chính sách của nhà nước đưa ra để cải thiện tình hình luôn luôn là quá trễ hoặc mất quá nhiều thời gian để triển khai.
Abbé Pierre đã quyết định chọn cho mình con đường của hành động, của thực tế. Kể từ 1954, ông đưa Emmaus thành một công ty xây dựng xã hội, xây nhà miễn phí cho dân nghèo. Nhân công là thành viên Emmaus, vật liệu ông đi gom góp từ khắp nơi, vận động mọi nguồn tài trợ. Trong bài toán nhà ở, ẩn số lớn nhất vẫn là đất xây dựng.
Ông đã tìm ra cách giải- một cách giải táo bạo, thách thức cả nhà nước và luật pháp hiện
hành. Ông ủng hộ việc chiếm dụng một cách “bất hợp pháp” các mảnh đất xây dựng bị bỏ hoang, những công trình dở dang từ nhiều năm do chính phủ quản lý. Từ nơi đó những ngôi nhà, những ái ấm đầu tiên ra đời, hàng trăm gia đình đã có chỗ nương thân.
Việc làm này lẽ dĩ nhiên không làm vừa lòng các cơ quan chính quyền, tuy nhiên làn sóng ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân đã giúp Abbé Pierre đứng vững. Ông không chỉ đứng vững mà còn thẳng tiến. Ông đấu tranh để chính phủ phải thay đổi chính sách nhà ở, dùng phần lớn thuế thu nhập vào việc cải tổ xây dựng các khu nhà giá rẻ, nhà cho thuê… buộc nhà nước phải lưu tâm dành ngân sách, trợ giúp nhu cầu về chỗ ở của học sinh sinh viên, người lao động, công nhân, dân nhập cư.
Và ông cũng không ngần ngại đụng chạm đến thiểu số giàu có quyền lực của kinh đô ánh sáng, nổi tiếng với những căn biệt thự, nhà nghỉ mát rộng thênh thang chỉ được sử dụng vài ngày trong năm, khi đòi hỏi nhà nước phải thu hồi quyền sử dụng đất và dùng vào việc xây dựng các khu định cư xã hội.
Những đề nghị, đòi hỏi, tranh đấu của Abbé Pierre đều rất rõ ràng, và thực tế. Ông xuất hiện trên các kênh truyền hình, khách mời của nhiều đài phát thanh, với vấn đề nhà ở
làm chương trình hoạt động, lòng quả cảm, táo bạo làm vũ khí.
Đông-ki-sốt Abbé Pierre dấn thân vào cuộc chiến không cân sức với chính phủ, với pháp luật, thiểu số giàu có quyền lực để khẳng định quyền được sống, được có một mái nhà của mỗi con người.
Khi tuổi đã cao, dù bệnh tật, phải di chuyển bằng xe lăn, nhưng ông vẫn luôn có mặt ở hàng đầu trong các cuộc biểu tình tranh đấu cho người vô gia cư.
Những hành động và kết quả gặt hái được của Abbé Pierre đã vượt xa những gì có thể làm được của một đại biểu quốc hội, vượt xa khả năng của một thị trưởng. Một tổng thống tốt cũng chưa chắc có phép màu như ông.
Nhiều người nói trong chính trị phải luôn luôn có sự thỏa hiệp, phải biết cân bằng giữa các thế lực. Chính trị kiểu Abbé Pierre là chính trị kiểu hành động, chẳng có e ngại bất kỳ thế lực nào.
Kẻ thù là sự nghèo khó, và không hề có sự thỏa hiệp nào có thể khoan nhượng được. Chính phủ, nhà nước, luật pháp…..vốn được tạo tạo ra để duy trì trật tự và phát triển xã hội, nhưng đôi khi lại thành rào cản. Phải dám tranh đấu, dám thay đổi, và luôn luôn tâm niệm rằng không phải nhà nước, chính phủ, luật pháp quản lý chúng ta mà là con người đang quản lý con người.

Những câu nói nổi tiếng của Abbé Pierre:
“Sống là để học thương yêu.” Abbé Pierre luôn tâm niệm như vậy. Ông đã cố gắng thực hiện và sống theo lý tưởng yêu thương con người không phân biệt giai cấp, không có ngăn cách màu da, dân tộc.
“Chính trị gia chỉ biết đến sự bần cùng qua các số liệu thống kê, và người ta không thể xúc cảm trước những con số. Ông đã đả kích những vị dân biểu, bộ trưởng thậm chí tổng thống chỉ dùng những lời mật ngọt hứa hẹn xa rời thực tế của những tầng lớp thấp nhất.
“Hy vọng, nghĩa là tin rằng cuộc sống có ý nghĩa. Với Abbé Pierre cái quan trọng chính là tạo dựng lại niềm tin trong cuộc sống cho những con người bất hạnh.