Thứ Tư, 8 tháng 2, 2012

AI BẢO TÊN LÀ VƯƠN?


Nguyễn Phương
Vietnamnet
Cây muốn lặng, gió chẳng đừng. Với câu chuyện của Đoàn Văn Vươn, người dân lương thiện không biết đặt chút niềm tin mong manh còn sót lại vào đâu.
Đánh đoàng một cái thế là anh nông dân kỹ sư nông nghiệp Đoàn Văn Vươn trở thành tội phạm ... bất đắc dĩ vì "chống người thi hành công vụ". Giá như anh Vươn đừng vươn lên bằng mồ hôi nước mắt của cả gia đình mình quai đê chắn sóng, đắp đập be bờ để có thành quả thì đâu đến nỗi.
Đánh đùng một cái, thế là nhà anh bị "nhân dân" san phẳng, vợ con anh không còn chỗ nương thân. Đầm tôm cá đổ bao công sức và tiền của nay lại bị "nhân dân" đến tuyệt diệt bằng đủ cách. Không biết ông tiến sỹ giáo sư QĐND nọ, người từng định nghĩa thế nào là nhân dân, hiện giờ ở đâu mà không ra phán một câu xem Phó Chủ tịch thành phố Hải Phòng có nhầm lẫn từ "nhân dân" không, khi phát biểu trước báo chí?
Cho dù người dân làng anh, trong đó có cựu bí thư đảng bộ xã, biết ơn anh vì nhờ công lao của anh mà làng xóm bớt bị gió bão tàn phá. Và nay, cả cả những vị cựu quan chức cao cấp của Nhà nước và tướng lĩnh đều ghi nhận và ca ngợi công lao của anh, thì anh vẫn cứ là .... tội phạm.
Đoàn Văn Vươn muốn vươn lên bằng lao động, ưỡn ngực hứng sóng biển, mải mê nuôi tôm thả cá ... , nhưng lại quên mất rằng đất đai được quy định là sở hữu toàn dân, do Nhà nước quản lý. Kể cả khi mảnh đất đó là do cha ông tổ tiên của Vươn có đổ mồ hôi và xương máu hay chắt chiu qua bao thế hệ, thì nay nó cũng không còn là tài sản gia đình Vươn được sở hữu nữa.
Người ta có thể "dỡ" nhà Vươn bất cứ lúc nào một khi họ muốn, nhân danh những lý do rất...vì dân!
Nhưng chính quyền cơ sở ở đây là ai? Là những kẻ như Chủ tịch huyện Tiên Lãng? Pháp luật vô tình cho họ quyền cưỡng đoạt đất của bất cứ ai rồi "thí" cho dân mỗi mét vuông số tiền chỉ đủ mua vài mớ rau. Sau đó "bán lại" cho kẻ khác để ăn chênh lệch hàng triệu thậm chí hàng chục triệu đồng mỗi mét vuông đất chăng?
Trong khi đó, Nhà nước hợp hiến chỉ thu được vài chục nghìn tiền "cho thuê" đất.
Nếu cho rằng sai lầm này chỉ thuộc cấp chính trị địa phương thì mới chỉ là bắt bệnh nửa vời, và rất có thể lại chữa bệnh theo lối bắt cóc bỏ đĩa.
Suy cho cùng, những khiếu kiện đất đai, những xung đột "sát thương" đồng loại với nhau, đều từ chính sách đất đai chưa rõ ràng, theo quy định của pháp luật.
Lẽ ra những gì là tài sản do mồ hôi nước mắt của cá nhân người dân phải trả cho cá nhân, để họ, bên cạnh làm giầu cho cá nhân, cùng lúc họ góp phần cải tạo xứ sở, phát triển kinh tế quê hương. Đừng để lịch sử lặp lại những Phạm Sư Ôn, Robin Hood... khi chính quyền cơ sở ngày càng vô cảm, tham lam, kém năng lực xử lý những vấn đề hệ trọng, liên quan đến an ninh, trật tự xã hội và quốc gia.
Hàng năm khi chúng tôi về thắp hương tưởng nhớ cố TBT Nguyễn Văn Linh tại làng Yên Phú, xã Giai Phạm (Hưng Yên) lại chứng kiến mảnh đất ngay lối rẽ vào làng trước đây là khu đất canh tác nông nghiệp và trồng cây ăn quả của nông dân xã Giai Phạm kể từ khi bị thu để làm "công trình công cộng" đến nay đã mấy năm nó vẫn là bãi đất trống và đang có hiện tượng chia nhỏ để bán.
Lẽ ra nó phải bị thu lại vì như thế là vi phạm Luật Đất đai! Sai phạm này có lẽ lại do "nhân dân" chăng?
Người dân ở đây cho biết khu đất đó đã được bán cho một đầu nậu bất động sản. Trong khi đó, đất xây trường học hoặc chợ dân sinh cho nhân dân địa phương và hàng nghìn công nhân thuộc các khu công nghiệp Phố Nối A thì không có. Chính quyền huyện Yên Mỹ có biết không?
Đoàn Văn Vươn đã cố vươn lên bằng bao công sức, mồ hôi nước mắt để đắp đập be bờ. Đến nay khi thấy Vươn đã vươn lên được một chút, đã trông thấy thành quả, phải chăng như trong cổ tích, "con sói tham lam" đã rình từ lâu chỉ đợi con trâu "béo" là ngả thịt mà chẳng mất công nuôi.
Cách hành xử của chính quyền Tiên Lãng, Hải Phòng chỉ là phần nổi của núi băng thể hiện sự coi thường nhân dân. Việc lạm dụng lực lượng vũ trang để cưỡng chế gia đình anh Vươn, đại tướng Lê Đức Anh đã không thể không lên tiếng. Thì ra lâu nay mấy ông quan huyện quan tỉnh vẫn đinh ninh rằng lực lượng vũ trang nhân dân là công cụ của riêng mình?
Không ai khác, chính những quan chức Tiên Lãng, bằng việc làm thất nhân tâm, đang làm mất uy tín Đảng và Nhà nước.
Cây muốn lặng, gió chẳng đừng. Với câu chuyện của Đoàn Văn Vươn, người dân lương thiện không biết đặt chút niềm tin mong manh còn sót lại vào đâu.
Giá như Đoàn Văn Vươn cứ lọ mọ với mấy cái đầm mà làm không có hiệu quả, nay sóng đánh, mai vỡ đê, mốt mất tôm cá, ... và cứ đói rách, thì biết đâu cái lòng tham nhân danh...cán bộ có trách nhiệm, chẳng nổi lên? Nhiều người dân nhận xét, chính thành quả lao động của Vươn đã hại anh.
Người viết bài này cứ lẩn thẩn nghĩ: Giá như khi đặt tên cho anh, cha mẹ anh bỏ chữ 'V', không khéo anh giờ đã ngồi mát ... hút thuốc lào mệt nghỉ!
Chuyện ai đúng ai sai cho đến nay dường như đã rõ. Dư luận xã hội trong đó có cả những vị cựu quan chức cao cấp của Nhà nước, tướng lĩnh đã phải lên tiếng.
Liệu các cơ quan tư pháp của Tiên Lãng, và Hải Phòng sẽ tiếp tục nhắm mắt lấy sai mới để sửa sai cũ, hay nghe theo tiếng nói của lương tâm, của xã hội, của đạo đức làm người?
Người dân cả nước đang chờ đợi.