Thứ Ba, 21 tháng 2, 2012

CHUYỆN LỚN TỪ CÁI MŨI NHỎ




Vũ Hạnh
Hồn Việt 

Sự tiếp xúc thân mật đầu tiên trong tình yêu, ở các cụ ông cụ bà ta xưa, đã được thực hiện bằng con đường mũi. Vì thế mà có danh từ hôn hít. Đã hôn thì chỉ có mỗi việc hít, và khi đã hít tức là hôn vậy. 

Đến khi cái miệng tham lam nhập cuộc giở trò chơi trội trong lĩnh vực này thì rất đông người như quên mất rằng cái mũi đã có thời kỳ chiếm một vị trí đáng nể giữa những lứa đôi. 

Thực ra, theo ý các nhà khoa học, thì cho đến ngày tận thế, lỗ mũi vẫn còn là một giác quan tinh tế và thân mật nhất giữa những con người. Về mặt tinh tế, khả năng của mũi cũng khá kỳ diệu. Rượu đem hòa nước đến không còn mùi vị nào rồi được đem hòa tan thêm 25.000 lần thì mũi vẫn đánh hơi được. Các nhà khoa học cho biết, mũi của con người có thể cảm nhận đồng thời cả hàng chục ngàn mùi vị khác nhau. 

Còn trên khía cạnh thân mật thì một nhà phân tâm học đã tâm sự rằng: “Nếu tôi hỏi ngay một nữ thân chủ: bà có ưa mùi của chồng bà không, và nếu người đó nói “không” là tôi như đã cầm chắc được sự thực rồi. Dĩ nhiên, muốn đi đến một kết luận dứt khoát cần phải phân tích trong vòng nhiều tháng, nhưng 99% trường hợp những sự hỏi-đáp cấp kỳ như thế đã xác định được khá rõ nội tình. Có thể khẳng định một người vợ nào nói rằng mình vẫn yêu chồng khi chẳng ưa thích, hay không còn ưa thích nữa mùi của chồng mình, là đã lầm lẫn hay là tự huyễn hoặc thôi”. 

Với sự nghiêm túc đặc biệt, nhà phân tâm học nói tiếp: 

- Nếu ta không thích cái mùi của một người nào, thì ta sẽ không thành vợ, thành chồng với người ấy được. Tưởng nên nói rõ điều này: đối với nhà phân tâm học thì các mùi hôi do kém vệ sinh gây ra không thuộc phạm vi mà họ tìm hiểu. sau khi gột sạch mọi dơ dáy ở châu thân, cơ thể con người đều có những mùi riêng biệt, và chính mùi này đóng một vai trò quan trọng trong các lứa đôi. 

Nữ tiểu thuyết gia nổi tiếng ở vùng Bắc Âu, Karin Michaëlis, đã từng viết rằng: “Tôi thực xấu hổ khi thú nhận rằng, tôi đã đến với đàn ông cũng giống như sự chọn hoa: tôi yêu người nào, trước hết là ở cái mùi của họ”. Chúng ta đều có mùi riêng, không ai giống ai, mùi ấy có thể dễ dàng nhận thấy và được xem là dễ chịu đối với kẻ này, nhưng lại không gây được sự chú ý ở một kẻ khác, thậm chí còn bị coi là… khó ưa. 

Cái mũi vẫn đóng vai trò quan trọng nhưng rất lặng lẽ, âm thầm trong việc lựa chọn bạn tình. Khứu giác của những con người văn minh – cũng như các giác quan khác của họ – phần nào sờn mòn, yếu kém, do sự phát triển trí tuệ và các máy móc tinh vi thay thế, nên không bén nhạy như những con người sống đời bộ lạc, hoang sơ. Nhà thực vật học người Pháp, Philippe Commerson, trong các chuyến đi thám hiểm đều có dẫn theo một cô bạn gái và cô này cắt tóc ngắn, vận trang phục của đàn ông, nhưng các thổ dân ở một hoang đảo giữa Thái Bình Dương nhận biết ngay “đó là một phụ nữ” với cái lý do duy nhất là vì có mùi… đàn bà! 

Ở người Incas ngày xưa, các cô thiếu nữ được phủ kín vải và đem phơi nắng, hội đồng tu sĩ sẽ đi ngửi trên lớp vải ướt đẫm mồ hôi, và qua các mùi nhận được phán định những ai đến tuổi lấy chồng. Sự muốn lấy chồng cũng được bốc mùi! Người ta bảo rằng, Henri đệ tứ – vị vua độc đáo của Pháp ngày xưa – đã si mê cô Gabrielle d'Estrées chỉ vì trong buổi dạ vũ ông đã cầm phải chiếc khăn ướt đẫm mồ hôi cô này để lau vầng trán của mình. 

Hẳn nhiên là mùi của mỗi giới tính biến đổi theo từng cá nhân, chủng loại, tuổi tác, căn tạng và cả tính khí, và sự thưởng thức mùi vị ở mỗi người trong chúng ta cũng khác hẳn nhau. Nhiều người có một khứu giác vô cùng tinh tế và thường cảm nhận sự việc bằng giác quan này. Một phụ nữ nói với người thầy thuốc: “Tôi chỉ nghe mùi mà biết tính khí của chồng tôi. Khi nghe thơm tho, tươi mát, tức là mọi sự an lành. Khi nghe hăng gắt, khó chịu, tôi biết anh ấy mệt mỏi, bất an. Và những lúc nổi cơn giận, mùi của anh ấy thật không thể nào chịu được”. 

Có những dân tộc nhạy cảm hơn dân tộc khác trong lĩnh vực này. Như ở Nhật Bản, tất cả lính mới nhập ngũ mà bị hôi nách sẽ được “cải tạo” lập tức, để khỏi ảnh hưởng xấu đến tinh thần quân đội. 

Có một bác sĩ chuyên chẩn bệnh bằng lỗ mũi. Một hôm, một người mẹ muốn đưa ông vào phòng con mình để xem bệnh, ông đã trả lời: “Vô ích. Bà đừng đánh thức cháu dậy làm gì”. Rồi sau khi áp mũi vào lỗ khóa, ông đã dứt khoát: “Cháu bị mẩn đỏ”. Và ông không lầm, người ta đã tổng kết rằng, bệnh da bị những mẩn đỏ thường có mùi của bánh mì mới ra lò, bệnh chốc lở có mùi của meo mốc, bệnh sốt chí rận có mùi của chuột, bệnh đái tháo đường mùi acétone, bệnh thấp khớp mùi chua, bệnh lên sởi mùi của những lông chim mới nhổ, và bệnh dịch hạch – kể từ thời xửa thời xưa – có mùi táo chín hoặc là mùi mật. 

Trước đây, báo chí có đăng tin một thầy thuốc ở Paraguay đã bị trục xuất khỏi xứ vì đã chữa bệnh không có văn bằng, vẫn lại tiếp tục hành nghề theo lối hàm thụ rất là độc đáo: chỉ cần gởi quần áo của người bệnh – qua bưu điện – đến địa chỉ ông, và ông ngửi để chẩn bệnh, cho toa. Sự chính xác của lỗ mũi giúp ông có được một lượng thân chủ đông đảo trên mười ngàn người. 

Một luật sư nói: “Ít ai ngờ rằng, lỗ mũi đã làm phát sinh những cơn ghen dẫn đến ly dị”. Nhiều cô có chồng và đã ngoại tình, dầu biết che giấu sự thầm lén ấy một cách chu đáo đến mức tuyệt kỹ, vẫn không tránh khỏi thú nhận trước lời kết tội hùng hổ của ông xã nhà: “Có mùi đàn ông ở nơi người cô!”. Theo một bác sĩ chuyên về phụ khoa cho biết, thì mùi riêng biệt của đàn ông khi đã vào sâu cơ thể đàn bà và lan tỏa ra, vẫn còn ngấm đầy cả trong hơi thở người ấy nhiều giờ sau cuộc gặp gỡ. 

Khứu giác là cơ năng bị dồn nén nhất và ít được hiểu biết nhất trong các giác quan. Đâu phải là chuyện tình cờ nếu các cô gái muốn sửa sắc đẹp thường chăm sóc mũi trước tiên, bởi lẽ nó là trung tâm thu hút cái nhìn của người thiên hạ. Có thể ngày nay mũi không còn có vai trò giao tiếp hoàn toàn như xưa, nhưng nó vẫn tồn tại đấy với những màng nhầy không chỉ có mối liên hệ chặt chẽ với các cơ năng hô hấp, mà còn với cả ruột non, ruột già, với thận, với cả cơ năng sinh dục, với da và cả với tóc. 

Khi một đứa bé bị những cục bướu che lấp hốc mũi, nó sẽ ăn uống mất ngon, không còn vui sống và học hành cũng kém sút. Bác sĩ người Đức, Fliess, từ lâu đã tìm được cách giảm nhẹ đau đớn cho người phụ nữ trong lúc hành kinh bằng cách bấm vào những điểm ở màng nhầy mũi có liên hệ với cơ năng sinh dục. 

Trong những lớp sâu của não bộ người còn là vùng đất khoa học chưa khai thác hết, chúng ta được biết rằng những trung tâm khứu giác tiếp cận với những trung tâm tính dục. Vì vậy, những sự rối loạn ở cơ năng này thường thấy đi đôi với sự rối loạn ở cơ năng kia – và qua cái mũi có thể hiểu được phần nào vấn đề sinh lý của một con người. Mũi còn là phương tiện tốt cho thấy cường độ tình cảm của chúng ta nữa. 

Trong một xã hội mà đa số người không còn tha thiết đến những mùi vị, điều đó xác nhận là niềm vui sống trong xã hội ấy đang cơn suy thoái. Những người yếm thế nổi tiếng, như văn hào Swift và triết gia Schopenhauer, trước hết là những người có khứu giác chán chường. 

Về cấu trúc của cái mũi, loài vật có thuận lợi hơn loài người. Bộ phận hô hấp của con vật – chẳng hạn của chó – nằm trên đường thẳng với mũi, nên khi mũi nghẹt, chó chỉ hắt hơi vài cái là thông suốt ngay. Ở người, con đường ấy phức tạp hơn và ngoằn ngoèo hơn nên muốn hắt hơi cần phải mở miệng. Nhược điểm này khiến con người đôi khi phải thở bằng miệng, làm mất 17% oxy, so với cách thở thông thường. Trong các sinh vật trên trái đất chỉ duy có người là ngủ hả họng, và dân Da Đỏ châu Mỹ coi đó là khuyết điểm lớn, cần được chữa trị từ lúc còn là trẻ thơ. 

Các nhà nghiên cứu vẫn còn tự hỏi vì sao mũi người thường có ảo giác nhiều hơn là mắt: có những mùi chỉ một người nhận thấy, và có thể truyền lan sang người khác thuần bằng tưởng tượng. Như vua Louis XI bị nỗi ám ảnh khốn khổ luôn thấy mùi hôi bốc tỏa quanh mình. Và theo sử gia cổ đại Plutarque, thì con người Alexandre Đại đế có mùi tự nhiên hết sức thơm tho. Dĩ nhiên không phải là nhà viết sử bốc thơm ông đại đế này. 

Những mối xúc động cũng có mùi riêng. Với một khứu giác tinh tế, người ta có thể ngửi thấy niềm vui, nhiệt tình, kinh ngạc hay sợ hãi: con chó đánh hơi rất rõ được mùi sợ hãi nơi người nên đã mạnh dạn xông vào mà đóng dấu… răng. Các tay cao bồi xác nhận khi ngựa ngửi thấy mùi sợ hãi nơi những người cuỡi, nó liền trở chứng, bất kham. Tất cả loài thú đều tìm cách kiểm soát mùi trên bản thân mình để che giấu các xúc động. 

Chim cút trong khi ấp trứng khép chặt bộ lông để giữ được kín hơi hám của cơ thể mình, và các chó sói đi cạnh con nai nằm ngủ vẫn không ngờ đến có sự hiện diện của một con mồi. Điều đó khiến người ta nghĩ rằng, sự bất động hoàn toàn có thể xóa bỏ được mùi. Một kẻ đứng im sẽ không có mùi, và dầu ở cách không xa, con chó của người ấy vẫn không đánh hơi tìm được chủ mình. Những người Da Đỏ muốn ngựa và bò tuân theo thường lấy tay bịt kín mắt các con vật ấy, rồi phà hơi thở của mình vào trong mũi chúng.

*

Ngày nay, lỗ mũi con người đang trải qua cơn thử thách lớn nhất mà nó chưa từng gặp phải suốt trong lịch sử nhân loại. Nhà máy, động cơ phả dày trên các thị thành, đường phố bao nhiêu khói bụi, đủ mùi hóa chất, những sự bốc tỏa nung đốt màng nhầy trong lỗ mũi ta, bắt chúng chịu đựng khiêu khích càng ngày càng nặng nề hơn. 

Chỉ riêng khói trong lĩnh vực của các phương tiện giao thông, đã có 90 chất khác nhau bao gồm 500 đến 1.000 hóa chất buộc ta không ngừng tìm cách khử mùi. Và còn bao nhiêu lĩnh vực khác nữa của nền công nghiệp gia tăng theo với tốc độ sinh hoạt, không ngừng làm cho khứu giác chúng ta khốn đốn, ê chề. 

Lỗ mũi từ lâu đã làm cuộc sống con người tăng thêm ý vị biết là chừng nào. Nó giúp con người tồn tại cả khi không còn hiện diện, nhờ cảm nhận được “hương thừa dường hãy ra vào đâu đây” và làm xuất hiện những kẻ tình chung lý tưởng, biết “xếp tàn y lại để dành hơi”… 

Cứ như tình trạng ô nhiễm môi trường ngày một gia tăng, khiến cho các nhà khoa học đang nhìn về nẻo tương lai của quả địa cầu với một tâm trạng hết sức bi quan, e rằng một ngày gần đây lỗ mũi chúng ta sẽ bị điếc đặc và những con người đặc biệt như vua Séoud ở xứ Ả Rập phân biệt được 500 mùi thơm khác nhau của các bà phi ở trong hậu cung chỉ còn là chuyện hoang đường. 

Như thế, ái tình rồi sẽ chịu sự tổn thất hết sức nặng nề. Người yêu mà không có mùi chỉ là người yêu khô khốc, lạt lẽo, mất đến 50% quyến rũ. 

--------------------------------------------------------------------------------

* Tài liệu tham khảo: 

- J.Grandpierre (Const. 81)
 - J. G. Dumont (Const. 169)