Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2011

BÌNH VÔI – ÔNG ĐÃ ĐI ĐÂU?!



Tôn Thất Thọ
Kiến thức ngày nay, số ngày 10/3/2011


Chiếc bình vôi thường được làm bằng đất nung, có quai xách. Phía trên có hai cái lỗ, trông giống như hai cái miệng tròn xinh xắn. Một lỗ để đưa vôi vào hoặc lấy vôi ra bằng một thanh tre mỏng và dài, quết vào lá trầu. Một lỗ nữa để thoát hơi nước khi vôi sôi. Mỗi khi vôi trong bình đóng thành một lớp dày cứng hoặc bình bị nứt nẻ, không dùng được nữa, người ta thường mang nó đặt dưới gốc cây thị, gốc đa đầu làng cùng với vô số ông đầu rau (ông táo) to nhỏ được mọi nhà mang đến đặt, nhất là vào những ngày cuối năm. Gốc cây cổ thụ giống như một''nghĩađịa'' thu nhỏ, ''nơi an nghỉ'' của những vật dụng mang trong nó cái hồn đầy vẻ tâm linh.


Để đưa vôi vào ống, người ta lấy thanh tre dài có một đâu nhọn để quệt vôi nhét vào lỗ, gọi là ''cho Ông Bình ăn”.Trong một truyện ngắn, nhà văn Phan Khôi viết rằng đối với người xưa, hễ cái gì, vật gì có thể làm hại con người hoặc tự nó sống lâu hơn con ngườl thì được gọi bằng Ông. Ở trường họp thứ nhất thì người ta phải gọi con cọp, con chuột bằng Ông Hổ, Ông Tý... Riêng cái bình vôi rất gần gũi với con người, có khi con người đã qua đời mà nó vẫn tồn tại, nên con người đã thần hóa nó thành một vật sống mãi, vì vậy cũng gọi bằng Ông. Do đó, không biết tự khi nào, cái từ Ông Bình Vôi đã trở nên gần gũi với biết bao thế hệ sống vào khoảng giữa thế kỷ XX trở về trước.
Có lẽ tục ăn trầu của người Việt đã có từ rất lâu. ''Miếng trầu là đầu câu chuyện”, cũng là khởi đầu của những cuộc tình duyên, kết bạn, làm quen, gắn bó... Miếng cau và lá trầu cần phải có một chút vôi trắng muốt quệt vào mới đậm đà, ngon miệng và say. Chính nhờ một chút vôi trắng muốt mới có được màu đỏ làm hồng đôi môi, màu đỏ thắm tượng trưng cho lòng chung thủy, tình cảm yêu đương của đôi trai gái...
Có nhiều tác giả nghiên cứu về chiếc bình vôi đã cho rằng, từ thời xa xưa, trước khi loài người tìm ra kim loại, những dụng cụ chủ yếu, được sử dụng trong hoạt động săn bắt, hái lượm hay chiến tranh là những dụng cụ bằng đá như dao, ghè, búa, rìu... Chính vì vậy, đã được thần thánh hóa và tục thờ đá ra đời. Vôi có nguồn gốc từ đá và được ảnh xạ qua tín ngưỡng cổ đại nên có được một chứng rất vững chắc và tôn nghiêm trong đời sống người Việt. Ngoài việc dùng để ăn trầu, vôi còn được dùng để sát trùng, đánh gió và đôi khi để chế biến thực phẩm. Vào mỗi dịp năm mới, cùng với việc trồng cây nêu, người ta còn vẽ lên mặt đất những cung tên bằng vôi để trừ tà ma, bảo vệ chú nhân của ngôi nhà.Theo nhà nghiên cứu về văn hóa dân gian Kiều Thu Hoạch, ''chỉ duy nhất ở Việt Nam mới có bình đựng vôi và có hàng trăm mẫu với các cỡ khác nhau''
Để phù hợp với mục đích sử dụng, bình vôi có loại chỉ nhỏ bằng quả quýt để mang theo người; lại có loại to bằng quá bưởi để trên hương án hay bàn tiếp khách. Cũng có loại to cỡ cối đá đế ngoài đình cho cả làng cùng sử dụng mỗi khi có hội làng.Từ nhu cầu bình vôi trong dân gian, những người thợ thủ công tài hoa đã chế tác các loại bình vôi khác nhau. Kiểu dáng đời sau nối tiếp kiểu dáng đời trước, nên mỗi ngày một phong phú. Chất liệu cũng dần được cải tiến, từ đất nung, sành, gốm, sứ, đồng... Nhưng phổ biến hơn cả và được giới sưu tầm cất công tìm kiếm, là bình vôi làm bằng gốm. Màu men của bình vôi bằng gốm rất khác nhau. Từ men trắng, men lục thời Lý - Trần đến men lam, men màu huyết đỉa thời Lê sơ sau này là iar một cuộc cách mạng...
Hình ảnh những chiếc bình vôi đã không còn trong mỗi gia đình hay ở gốc thị, gốc đa đầu làng; thế nhưng, mỗi khi thấy lại hình ảnh của nó, chúng ta không thể nào quên được trong đám cưới, đám hỏi ngày xưa, các bà, các bác xúm lại bổ cau, quệt vôi, têm trầu bên cạnh chiếc bình vôi giữa những câu chuyện râm ran và tiếng cười giòn giã. Hình ảnh đậm nét quê nhà đó đã đi vào hoài niệm của biết bao người đã bước qua tuổi "tri thiên mệnh''