Thứ Năm, 17 tháng 3, 2011

SUY NIỆM SỨ ĐIỆP MÙA CHAY


Lm. Phanxicô B. Trần Văn Khả



              Mùa Chay Năm 2011 bắt đầu từ ngày 9-3-2011, Thứ Tư Lễ Tro. Để hướng dẫn Dân Chúa sống Mùa Chay cách sốt sắng và ích lợi, Đức Thánh Cha Benedicto XVI đã gửi trước một Sứ Điệp, ký ngày 4-11-2010. Với câu Kinh Thánh trích dẫn ở đầu Sứ điệp: “Cùng với Đức Kitô anh em được mai táng trong Bí tích rửa tội, cùng với Ngài, anh em cũng được sống lại” từ thư Thánh Phaolô gửi tín hữu tại Colosse 2, 12, chúng ta có thể nhận ra chủ đề chính của Sứ Điệp Năm nay nói về Hành trình đón nhận và sống Bí Tích Rửa Tội.

            Đây là một Sứ Điệp ngắn, chỉ có 3 số, nhưng nội dung thần học rất sâu xa trình bày giáo lý về Bí Tích Rửa Tội, với phần thần học, giải thích rõ ràng các bài đọc Sách Thánh và áp dụng mục vụ cụ thể. Sứ điệp dựa vào tư tưởng của Thánh Phaolô, đọc trong Nghi thức Vọng Phục Sinh Thứ Bảy Tuần Thánh, nghi thức khai tâm Kitô giáo người lớn, và giáo huấn của Thánh Augustino.

            Trong bài suy niệm này tôi xin ghi lại một số điểm của Sứ Điệp. Đã có bản dịch tiếng Việt của Sứ điệp, nhưng tôi xin gửi kèm bản dịch riêng của tôi cho tiện việc suy niệm.

1.                  Suy niệm của  Đức Thánh Cha về Bí Tích Rửa Tội

Trong cái nhìn truyền thống về Mùa Chay, Đức Thánh Cha ghi lại những hoạt động phải có, phải làm đã có từ lâu đời trong Giáo Hội : như lãnh nhận bí tích, cầu nguyện, bố thí, bác ái, thanh luyện tinh thần và thể xác (s. 1). Ngài nói : “Trong khi nhìn tới cuộc gặp gỡ cuối cùng chính thức với Vị Hôn Phu của mình trong Lễ Vượt Qua đời đời, Cộng đoàn Giáo Hội, chuyên cần trong việc cầu nguyện và trong việc thực thi các công tác bác ái một cách năng động, Giáo Hội làm cho hành trình thanh luyện trong tinh thần được sâu xa thêm, để khi đạt hiệu quả dồi dào, Giáo Hội đi vào Mầu Nhiệm cứu rỗi mang lại sự sống mới trong Đức Kitô là Chúa (x. Kinh Tiền tụng I Mùa Chay” (s. 1). Đêm Vọng Phục Sinh chính là đích tới của Mùa Chay : vì Mùa Chay nhằm hai điểm là : chuẩn bị giáo hữu mừng Đại Lễ Phục Sinh và đem họ vào trong hành trình thanh luyện. Tất cả các việc này nhằm đem lại cho ta sự sống mới trong Đức Kitô (s. 1).

Trong Đêm Vọng Phục Sinh, các dự tòng lãnh nhận các Bí Tích Khai Tâm Kitô Giáo, Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể. Trong Sứ Điệp này Đức Thánh Cha đã khai triển đặc biệt về Bí Tích Rửa Tội. Trước tiên Ngài nói tới việc lãnh nhận bí tích Rửa Tội khi chúng ta còn bé : “Sự kiện mà trong phần lớn các trường hợp Phép Rửa Tội được lãnh nhận khi tín hữu còn bé làm cho thấy rõ ràng Bí Tích Rửa Tội là ơn huệ của Thiên Chúa ban cho : không ai xứng đáng lãnh nhận sự sống đời đời do công sức riêng của mình” (s. 1) . Và ơn  này ban cho ta trong bất cứ lứa tuổi nào của con người, nhờ niềm tin vào Chúa  Kitô, niềm tin của Giáo Hội và niềm tin của mỗi người theo hoàn cảnh. Trong câu này Đức Thánh Cha xác nhận tập tục cử hành bí tích Rửa Tội cho trẻ em trong Giáo Hội Latinh và Giáo Hội Đông Phương, nhưng Ngài cho đó không phải chỉ là thói quen, mà còn nhận ra từ sự kiện này, ơn sự sống đời đời ban nhưng không cho chúng ta. Tất cả do lòng từ bi thương xót của Thiên Chúa. Sứ điệp nói : “Sự kiện mà phần lớn các tín hữu lãnh nhận Phép Rửa Tội lúc còn bé làm cho thấy rõ ràng Bí Tích Rửa Tội quả là ơn huệ của Thiên Chúa ban cho : vì không ai xứng đáng lãnh nhận sự sống đời đời do công sức riêng của mình. Chính lòng từ bi thương xót của Thiên Chúa tẩy xóa tội lỗi và cho phép tín hữu sống trong cuộc hiện hữu của mình “bằng chính những tâm tình của Đức Kitô Giêsu” (Pl 2, 5), và lòng từ bi này được trao ban cho con người cách nhưng không” (s. 1).

Tiếp theo, Đức Thánh Cha nói tới hiệu quả của Bí Tích Rửa Tội. Hiệu quả đó là được tha thứ tội khiên, “chúng ta được tham dự vào sự chết và cuộc phục sinh của Đức Kitô” (s. 2); là được hiệp thông đặc biệt với Con Thiên Chúa, với những tâm tình của chính Đức Kitô (x. Pl 2, 7 – 10), và như thế người chịu phép Rửa Tội, nên đồng hình dạng với Chúa Kitô (Pl 2, 10 - 11), có thể thực hiện sự hoán cải chân thành và đạt tới mực độ trưởng thành siêu nhiên.

2.                  Việc chuẩn bị trong Mùa Chay Thánh cho những dự tòng lãnh nhận bí tích Rửa Tội

Đây là công việc Giáo Hội từ xưa trong nghi thức Khai Tâm Kitô Giáo. Đức Thánh Cha nói : “Vì lý do này, trong các bản văn Phúc Âm của các Chúa Nhật Mùa Chay, Giáo Hội hướng dẫn chúng ta tới một cuộc gặp gỡ đặc biệt sâu xa với Đức Kitô, khi đưa chúng ta đi qua các chặng đường của hành trình khai tâm Kitô Giáo, mà đối với các dự tòng họ cử hành trong viễn tượng sẽ lãnh nhận  Bí Tích tái sinh . . .”. Theo Sách Nghi Thức Khai Tâm Kitô Giáo cho Người Lớn (Ordo Initiationis Christianae Adultorum), các giai đoạn khai tâm gồm có : thời kỳ tiền dự tòng; thời kỳ dự tòng, Lễ Nghi lãnh nhận các Bí Tích Khai Tâm Kitô  Giáo : Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể cho người lớn trong đêm vọng Phục Sinh, và thời kỳ Nhiệm Huấn sau khi lãnh nhận các bí tích này.

Sau thời kỳ tiền dự tòng - có thể kéo dài nhiều năm - với việc tìm hiểu và học hỏi giáo lý, Phúc âm của Chúa Kitô, để tạo ra nơi mình niềm tin vào Chúa Kitô, thì Mùa Chay là thời kỳ chính thức việc khai tâm Kitô giáo, tức la thời kỳ dự tòng, qua các nghi thức, việc đọc lời Chúa, việc thanh luyện lương tâm với ý chí cương quyết từ bỏ các cám dỗ và các lôi kéo của thế gian, của con người, và của các sức lực sự dữ chống lại Thiên Chúa, tức là ma quỷ. Sứ điệp nói : “Ơn huệ nhưng không này (do Bí tích Rửa Tội ban) phải luôn được làm cho sống động nơi mỗi người chúng ta và Mùa Chay gợi ra cho chúng ta một hành trình tương tự qua thời gian dự tòng, thời gian mà đối với các “tín hữu thời xưa cũng  như với các  người dự tòng ngày nay, là một trường học không thể nào thay thế được, liên hệ tới đức tin và đời sống Kitô : quả vậy họ sống Bí Tích Rửa Tội như một hành động quyết định đối với tất cả cuộc hiện hữu của họ(nhấn mạnh là của tôi).

Trong Mùa Chay các dự tòng được cộng đoàn tháp tùng, cùng học hỏi, cùng cầu nguyện và thực hiện bác ái. Phụng Vụ cũng giúp cho việc đạo đức này, nhất là các Phúc Âm Chúa Nhật Năm A, mà chính Đức Thánh Cha Beneđichtô XVI giải thích trong Sứ điệp này.

3.                  Việc chuẩn bị trong Mùa Chay cho những tín hữu đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội.

Đức Thánh Cha nói ngay trong lời mở đầu Sứ điệp : “Mùa Chay đưa chúng ta tới việc cử hành Lễ Phục Sinh Thánh, đối với Giáo Hội đây là một thời gian phụng vụ thật quý hóa và quan trọng, và trong viễn tượng này Tôi hân hoan nói đôi lời đặc biệt để Mùa Chay được sống với sự dấn thân cần phải có. Trong  khi nhìn tới cuộc gặp gỡ cuối cùng chính thức với Vị Hôn Phu của mình trong Lễ Vượt Qua đời đời, Cộng đoàn Giáo Hội, chuyên cần trong việc cầu nguyện và trong việc thực thi các công tác bác ái một cách năng động, Giáo Hội làm cho hành trình thanh luyện trong tinh thần được sâu xa thêm, để khi đạt hiệu quả dồi dào, Giáo Hội đi vào Mầu Nhiệm cứu rỗi mang lại sự sống mới trong Đức Kitô là Chúa (x. Kinh Tiền tụng I Mùa Chay). Sau đó Sứ điệp quảng diễn thêm những đòi hỏi người tín hữu phải làm: “Với mối dây đặc biệt gắn liền Bí tích Rửa Tội với Mùa Chay, Mùa được coi như là thời điểm thuận lợi để cảm nghiệm Ơn Thánh cứu rỗi. . . . . Quả  vậy, đã từ lâu, Giáo Hội nối liền Buổi Canh Thức Vọng Phục Sinh với việc cử hành Bí Tích Rửa Tội : vì trong Bí Tích này thể hiện mầu nhiệm lớn lao mà qua đó con người chết đi cho tội, và được tham dự vào sự sống mới của Đức Kitô Phục Sinh và lãnh nhận chính Thánh Thần của Thiên Chúa, Thánh Thần đã phục sinh Chúa Giêsu khỏi thế giới người chết (x. Rm 8, 11). Ơn huệ nhưng không này phải luôn được làm cho sống động nơi mỗi người chúng ta và Mùa Chay gợi ra cho chúng ta một hành trình tương tự qua thời gian dự tòng, thời gian mà đối với các “tín hữu thời xưa cũng  như với các  người dự tòng ngày nay, là một trường học không thể nào thay thế được, liên hệ tới đức tin và đời sống Kitô : quả vậy họ sống Bí Tích Rửa Tội như một hành động quyết định đối với tất cả cuộc hiện hữu của họ”.

4.                   Đức Thánh Cha giải thích các bài Phúc Âm Chúa Nhật Mùa Chay Năm A để cho thấy ý nghĩa của hành trình thanh luyện và hiệp thông với Chúa Kitô. Sứ điệp nói: “Để nghiêm chỉnh bắt đầu hành trình đi về Lễ Vượt Qua và chuẩn bị chúng ta cử hành Sự Sống Lại của Đức Kitô -  một Lễ vui mừng và long trọng trong tất cả Năm Phụng Vụ - có điều gì được coi là thích hợp hơn là việc để cho mình được hướng dẫn bởi Lời Thiên Chúa ? Vì lý do này, trong các bản văn Phúc Âm của các Chúa Nhật Mùa Chay, Giáo Hội hướng dẫn chúng ta tới một cuộc gặp gỡ đặc biệt sâu xa với Đức Kitô, khi đưa chúng ta đi qua các chặng đường của hành trình khai tâm Kitô Giáo, mà đối với các dự tòng họ cử hành  trong viễn tượng sẽ lãnh nhận  Bí Tích tái sinh, còn đối với người đã chịu phép Rửa Tội, chúng ta cử hành trong viễn tượng đề ra các bước quyết định trong con đường đi theo Đức Kitô (sequela Christi) và trong việc hiến thân trọn vẹn hơn cho Chúa Kitô”.

Chúa Nhật thứ nhất của hành trình Mùa Chay cho thấy rõ điều kiện của chúng ta như con người trên mặt đất này. Cuộc chiên đấu vinh thắng chống lại các cám dỗ, bắt đầu sứ mạng của Chúa Giêsu, đó là  một lời mời gọi để có được ý thức về thân phận mỏng dòn của mình hầu đón nhận Ơn Thánh giải thoát ta khỏi tội lỗi và đổ tràn nơi ta sức mạnh mới trong Đức Kitô, là Đường, là Sự Thật và  là Sự Sống (x. Nghi thức Khai tâm Kitô Giáo Người Lớn, s. 25)” . . .

Còn Chúa Nhật thứ II “Phúc Âm về biến cố Chúa Kitô biến hình đặt ra trước con mắt chúng ta vinh quang của Đức Kitô như để tiên báo sự sống lại và loan báo việc thiên tính hóa của con người . . . “

Bài Phức Âm Chúa Nhật thứ III Mùa Chay Năm A : nói về Nước Hằng Sống trong sự việc người Phụ Nữ Samaritana bên bờ giếng Giacob. Sứ điệp nói : “Câu hỏi của Chúa Giêsu nói với người phụ nữ Samaritana : “Chị hãy cho tôi nước uống đi” (Ga 4, 7), được đề nghị trong phụng vụ Chúa Nhật thứ III, biểu lộ sự say mê của Thiên Chúa đối với mỗi người và muốn gợi ra trong con tim chúng ta ước muốn có được  ơn huệ của “nước vọt ra cho sự sống đời đời”.

Tiếp theo “Chúa Nhật người mù từ khi mới sinh” trình bày Đức Kitô như là ánh sáng thế gian. Phúc Âm trình bày tâm tư của mỗi người chúng ta: “Còn con, con có tin nơi Con Người không”. “Con tin, lạy Chúa” (Ga 9, 35. 38), người mù từ khi mới sinh quả quyết với nỗi vui mừng, như nói thay cho mỗi người tín hữu. Phép lạ chữa lành này là dấu chỉ cho thấy rằng, Đức Kitô, cùng với việc cho người mù thấy được, muốn mở ra cái nhìn nội tâm của chúng ta, để đức tin của chúng ta luôn trở nên sâu dậm hơn và để chúng ta có thể nhận ra nơi Ngài Vị Cứu chuộc duy nhất của chúng ta. Ngài chiếu sáng tất cả mọi bóng tối tăm của cuộc sống và đem con người sống theo như “người con của ánh sáng”.

“Trong khi, với Chúa Nhật thứ năm, việc ông Lazaro sống lại được công bố cho chúng ta, thì chúng ta được đặt trước một mầu nhiệm cuối cùng của cuộc sống hiện hữu của chúng ta : “Ta là sự sống lại và là sự sống . . . Con có tin không ?” (Ga 11, 25 – 26). Đối với cộng đoàn Kitô hữu thì đó là lúc cần phải đặt lại với tất cả sự chân thành, cùng với Bà Marta, tất cả niềm hy vọng nơi Chúa Giêsu thành Nazareth : “Vâng, lạy Chúa, con tin rằng Ngài là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến trong thế gian” (c. 27). Sự hiệp thông với Đức Kitô trong cõi đời này chuẩn bị cho chúng ta lướt thắng biên giới của sự chết, để sống vô tận trong Ngài. Đức tin vào sự sống lại từ cõi chết và niềm hy vọng vào sự sống đời đời mở cái nhìn của chúng ta vào ý nghĩa cuối cùng của sự hiện hữu của chúng ta. Thiên Chúa đã tạo dựng con người cho sự sống sống lại và cho sự sống, và chân lý này ban cho một chiều kích chân chính và quyết định cho lịch sử của con người, cho sự hiện hữu cá nhân và cho cuộc sống xã hội, cho văn hóa, cho chính trị, cho nền kinh tế. Thiếu ánh sáng của đức tin, toàn thể vũ trụ kết thúc bị đóng kín vào trong ngôi mộ không tương lai, không  hy vọng”.

Sứ điệp cũng trình bày phép lạ Chúa Giêsu cho ông Lazaro sống lại trong một viễn tượng khác : “Hành trình Mùa Chay có được sự hoàn tất trong Tam Nhật Vượt Qua, đặc biệt trong Vọng Đêm Thánh, khi nhắc lại các lời hứa khi chịu phép Rửa Tội, chúng ta xác quyết lại rằng Đức Kitô là Chúa của đời sống chúng ta, đời sống mà Thiên Chúa thông ban cho chúng ta khi chúng ta được tái sinh “do nước và Thánh Thần”, và chúng ta tái xác quyết sự dấn thân mạnh mẽ của chúng ta để đáp ứng hành động của Ơn Thánh để trở nên các môn đệ của Ngài”.

5.                   Bây giớ chúng ta ghi nhận những dấn thân cụ thể của tín hữu trong Mùa Chay thánh mà Sứ điệp đề ra. Đức Thánh Cha chỉ ra rõ ràng những dấn thân của tín hữu thực hiện trong Mùa Chay năm nay, 2011. Ngài giải thích thêm về một số cử chỉ, biêu hiệu, việc làm theo truyền thống của Giáo Hội trong Mùa Chay. Ngài nói như sau :

“Việc chúng ta dìm mình vào trong sự chết và vả sự sống lại của Đức Kitô qua Bí tích Rửa Tội, thúc đẩy chúng ta mỗi ngày giải thoát con tim của chúng ta khỏi gánh nặng của những của cải vật chất, khỏi mối dây ràng buộc ích kỷ chúng ta với “trái đất”, là điều làm cho chúng ta nên nghèo túng và cản trở chúng ta sẵn sang và mở rộng ra cho Thiên  Chúa và người khác. Trong Đức Kitô, Thiên Chúa được mặc khải như là Tình Yêu (x. 1Ga 4, 7 – 10). Thập Giá của Đức Kitô, “Lời của Thập Giá” bày tỏ quyền năng cứu độ của Thiên Chúa (x. 1Cr 1, 18), được trao ban qua việc đem con người lên và mang lại cho họ sự cứu rỗi : tình yêu trong hình thức tận căn của mình (x. Thông điệp Thiên Chúa là Tình Yêu, s. 12).

Qua các cách thức thực hiện truyền thống của việc ăn chay, của việc bố thí và việc cầu nguyện, những lối diễn tả sự dấn thân của việc trở lại, Mùa Chay giáo dục để sống theo cách thế luôn luôn tận căn tình yêu của Chúa Kitô.

Việc ăn chay, mà có thể do nhiều lý do, lấy lại cho Kitô hữu một ý nghĩa tôn giáo thật sâu xa : trong khi làm cho bàn tiệc của chúng ta trở nên nghèo khó hơn, chúng ta học hỏi để lướt thắng tính ích kỷ để sống trong lý luận của quà tặng và của tình yêu, nâng đỡ sự thiếu thốn một vài đồ vật – và không chỉ là những gì dư thừa – chúng ta học biết bỏ đi cái nhìn từ góc độ “tôi”, để khám phá ra Một Ai Đó bên cạnh chúng ta và nhận ra Thiên  Chúa trong các bộ mặt của biết bao nhiêu người anh em của chúng ta. Đối với Kitô hữu, việc ăn chay không có gì mang tính cách thân mật riêng tư, nhưng mở ra một cách lớn rộng hơn cho Thiên Chúa, và mở toang ra tới các  nhu cầu của con người, và làm sao để tình yêu Thiên Chúa cũng trở nên tình yêu cho người lân cận (x. Mc 12, 21).

Trong hành trình của chúng ta, chúng ta cũng bị đặt trước cơn cám dỗ để có, cám dỗ ham muốn tiền tài, là điều vây hãm tính cách tuyệt đối của Thiên Chúa trong đời sống chúng ta. Sự ham muốn để có khiêu khích bạo lực, tội lỗi và sự chết, chính vì thế, Giáo Hội, nhất là trong Mùa Chay, nhắc nhở chúng ta thực hiện việc bô thí, theo khả năng có thể, nghĩa là việc chia sẻ. Việc thờ ngẫu tượng tiền tài, trái lại, không chỉ là làm xa người khác, mà bóc lột con người, làm cho họ nên bất hạnh, lừa đảo họ, làm cho họ vỡ mộng vì không thể hiện được điều mà họ hứa làm, bởi vì họ đặt các sự vật thể chất thay vào chỗ dành cho Thiên Chúa là nguồn duy nhất của cuộc sống. Làm sao có thể hiểu được lòng tốt của Thiên Chúa như người Cha, nếu con tim của họ lại đầy oắp chính mình và những tính toán lo toan riêng của mình, với các điều đó họ ảo tưởng là mình có thể bảo đảm cho tương lai ? Cơn cám dỗ là do việc suy nghĩ, làm sao người giầu có trong dụ ngôn lại nghĩ : “Hỡi linh hồn tôi ơi, bạn có trong tay nhiều của cải cho nhiều năm . . . “. Chúng ta biết án lệnh ra của Đức Kitô :”Người ngu ơi, chính đêm nay sự sống của ngươi sẽ bị đòi . . . “ (Lc 12, 19 – 20). Việc thực  hành bố thí là một nhắc nhở về uy quyền tuyệt đối của Thiên Chúa và về mối lưu tâm tới người khác, để có thể tái khám phá ra   người Cha của chúng ta thật nhân lành và đón nhận lòng thương xót  của Ngài.

Trong tất cả thời gian Mùa Chay này, Giáo Hội hiến tặng cho chúng ta Lời của Thiên Chúa với một sự dồi dào phong phú đặc biệt. Khi suy niệm và đem Lời này vào trong nội tâm để sống Lời đó hằng ngày, chúng ta học được một hình thức quý giá và không có gì thay thế được của việc cầu nguyện, bởi vì khi chú ý nghe Chúa nói, Đấng tiếp tục nói với con tim chúng ta, sẽ nuôi dưỡng hành trình đức tin mà chúng ta đã khởi sự trong ngày lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội. Cầu nguyện cũng cho phép chúng ta nắm bắt được một quan niệm mới về thời gian : quả vậy, vì không có viễn tượng về sự đời đời và về sự siêu việt, thời gian nhấn dấu vào từng bước của chúng ta về một chân trời không có tương lai. Trong lời cầu nguyện, trái lại, chúng ta tìm thấy thời giờ dành cho Thiên Chúa để biết rằng “các Lời Ngài nói không qua đi” (x. Mc 13, 31), để đi vào trong việc hiệp thông thân tình nhất với Thiên Chúa “Đấng mà không ai có thể cất đi khỏi chúng ta” (x. Ga 16, 22). Và là Đấng mở chúng ta đạt tới niềm hy vọng không hề làm cho hão huyền, và đem tới sự sống đời”.

6.                  Lời kết

Chúng ta đọc lại chính lời của Đức Thánh Cha Beneđicto XVI trong Sứ điệp năm nay : “Tóm lại, hành trình Mùa Chay, trong đó chúng ta được mời gọi chiêm ngắm Mầu Nhiệm của Thập Giá, đó là  “làm cho mình nên đồng hình dạng với sự chết của Đức Kitô (Pl 2, 10), để thể hiện một cuộc canh tân trở lại sâu xa trong đời sống chúng ta : biết để cho mình được biến đổi do hành động của Chúa Thánh Thần, như Thánh Phaolô trên con đường đi Damasco; biết cương quyết hướng cuộc sống hiện tại của chúng ta theo ý muốn của Thiên Chúa, biết giải thoát chúng ta khỏi tính ích kỷ, vượt lên trên bản năng thống trị người khác và mở lòng chúng ta ra cho đức ái của Chúa Kitô. Mùa Chay là thời gian thuận lợi để nhận ra  sự yếu hèn của chúng ta, để đón nhận với một cuộc kiểm điểm chân thành đời sống của mình, Ơn Thánh canh tân của Bí Tích Giải Tội và tiến bước  một cách cương quyết đi về Chúa Kitô”.

Xin Chúa Kitô Đấng đang đưa chúng ta vào cuộc chiến trận chống lại sự dữ và ma quỷ trong Mùa Chay này, cũng sẽ trợ giúp chúng ta và đem chúng ta tới chiến thắng vinh quang phục sịnh của Ngài. . . . Trong hành trình trên đây của chúng ta, chúng ta phó thác mình cho Đức Trinh Nữ Maria, Đấng đã sinh ra Ngôi Lời của Thiên Chúa trong đức tin và trong xác thịt, để dìm mình như Mẹ vào trong sự chết và sự sống lại của Con của Mẹ, Chúa Giêsu và để có sự sống đời đời.

Ngày 12-3-2011.