Thứ Năm, 17 tháng 3, 2011

GIẢNG LỄ TĨNH TÂM THỨ NĂM 17/3



 Lm. Phaolô Trịnh Duy Ri

Phải nói rằng chủ đề “Sám hối và Canh tân” và bài chia sẻ chiều hôm qua của Đức Cha Giảng phòng về đề tài “Canh tân đời sống thiêng liêng linh mục” thật là quan trọng và hữu ích cho chúng ta. Đây chính là cốt lõi và bí quyết thành công của đời linh mục bởi vì có sự liên hệ hỗ tương giữa công việc mục vụ và đời sống thiêng liêng. Càng cầu nguyện, linh mục càng thu đạt kết quả tốt đẹp trong sứ mệnh của mình. Ngược lại sẽ là một trở ngại lớn và thất bại nếu linh mục là thầy dạy cầu nguyện lại lơ là hoặc xem thường yếu tố quan trọng này. Phụng vụ Lời Chúa trong Thánh lễ hôm nay cũng khích lệ chúng ta cầu nguyện: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho” (Lc 7, 7).

Tuy nhiên lời khích lệ này của Đức Giê-su có lẽ cũng làm cho chúng ta phải đối diện với một vấn nạn thực tế mà nhiều người đã từng gặp, đó là có nhiều điều họ xin mà chẳng được. Chẳng hạn có những người nghèo hết sức nghèo phải làm lụng vất vả, họ thường xuyên cầu xin Chúa giải thoát họ khỏi cảnh túng bấn, nhưng kết quả là nghèo vẫn hoàn nghèo, vất vả vẫn cứ chồng chất vất vả. Đó là chưa nói đến những lời cầu xin khác như cầu cho khỏi bệnh tật, khỏi tan nạn rủi ro, khỏi thiên tai lụt lội, cho thi đậu, cho trúng số v.v… Tại sao lại như thế? Tại sao nhiều người cầu xin mà không được? Sau nhiều thất bại, họ cảm thấy chán nản và nghi ngờ, chẳng biết là Chúa có thương mình thật hay không và rồi chỉ còn biết tin vào sức mình mà không cần cầu xin gì cả. Vậy thì phải hiểu lời Chúa hứa hôm nay ra sao và làm thế nào để lời cầu xin của chúng ta được Chúa thương nhận đây?

Có lẽ chúng ta khỏi cần phải suy nghĩ về câu trả lời, bởi vì chính Đức Giê-su đã sống đời cầu nguyện, đã làm gương và đã dạy chúng ta cầu nguyện, cụ thể là trong Tin Mừng hôm nay:
Trước hết, Người mời gọi chúng ta hãy tin tưởng vào Thiên Chúa là Cha quan phòng đầy yêu thương với chúng ta. Do đó khi cầu xin, người nào thấy mình được ngay đúng điều mình xin, thì biết là Thiên Chúa đã cho; nhưng cũng đừng vì thế mà nghĩ rằng mình đã “biết cách” xin, nên đương nhiên Thiên Chúa “phải” cho! Không đâu, Chúa ban cho chỉ vì Người yêu thương và thấy điều ấy là tốt cho chúng ta./ Còn nếu không được như mình xin, thì có thể vì điều ấy không có lợi cho chúng ta, hoặc vì Chúa muốn huấn luyện đức tin của chúng ta. Có thể Người trì hoãn để chúng ta thêm tin tưởng vào Người và đánh giá lại nhu cầu của chúng ta rồi bày tỏ với Người cho nghiêm túc hơn. Có thể Người sẽ ban cho vào một lúc khác, hoặc đã ban cho một điều tốt và quan trọng hơn điều chúng ta đã xin, nhưng khổ nỗi, chúng ta lại cứ chờ Người đáp ứng nhu cầu cách “nhãn tiền”! Đôi khi, cái nhìn đức tin của chúng ta chưa đủ mạnh để nhận ra cách Thiên Chúa hành động: “Nếu anh em là những kẻ xấu, mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha anh em, Đấng ngự trên trời, Người sẽ ban những của tốt lành cho những kẻ xin Người” (Mt 7, 11). Vâng, phải khẳng định rằng điều mà Thiên Chúa muốn ban cho chúng ta luôn luôn là tốt. Ở đây cũng như trong kinh Lạy Cha, Đức Giê-su dạy chúng ta  đến với Thiên Chúa không phải như một tín đồ đến cùng một ông thần nào đó xa lạ, nhưng là như một người con đến với một người Cha. Điều quan trọng không phải là việc kỳ kèo xin xỏ, nhưng là tình cha con. Thiên Chúa không bao giờ muốn chúng ta làm một kẻ ăn mày ngồi ngoài ngưỡng cửa nhà của Ngài. Nhận ra được sự thật mình là con cái trong nhà của Thiên Chúa là chúng ta nhận được tất cả bởi vì “những gì của Cha đều là của con” (Lc 14, 31).

Tiếp theo, để lời cầu xin của chúng ta được Chúa đoái nhận, Đức Giê-su cũng muốn chúng ta góp phần tích cực vào lời cầu xin của mình bằng một đời sống bác ái, biết xót thương, biết quan tâm đến những nhu cầu của người khác, bởi lẽ không ai thích tặng quà cho những con người ích kỷ. Do đó, Chúa nói: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta vì Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ là thế đó” (Mt 7,12). Điều đó có nghĩa Chúa muốn chúng ta hãy sống chính điều mình cầu xin. Chúa ban ơn cho chúng ta không theo kiểu nằm chờ sung rụng mà phải có sự cộng tác của chúng ta vào lời cầu xin cũng như lời kinh Lạy Cha: “Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”./ Về điều này thì Hoàng hậu Ét-te mà bài đọc I hôm nay nhắc đến là là một mẫu gương. Khi dân tộc It-ra-en lâm cơn nguy hiểm, bà đã tha thiết cầu xin với Chúa cho dân tộc mình trong chay kiêng và nước mắt. Sau cùng bà đã liều mất mạng sống mình đến gặp nhà vua để cứu dân tộc mình khỏi bàn tay độc ác của A-man. Lời cầu xin đi đôi với hành động khiêm tốn và hy sinh hãm mình như thê đã được Chúa nhậm lời.

Ngoài ra, Đức Giê-su còn dạy nhiều điều khác liên hệ đến việc cầu xin, chẳng hạn cầu xin nhân danh Người hoặc hợp lời với nhau: “Nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, sẽ ban cho” (Mt 18,19-20). Tin Mừng Gioan cũng nói đến việc “ở lại” trong Đức Giê-su và để cho lời Người “ở lại” trong chúng ta thì xin gì cũng sẽ được (Ga 15,7). Đức Giê-su còn mời gọi chúng ta cầu nguyện cách khiêm tốn và kiên trì qua dụ ngôn “Bà góa và quan tòa bất chính” (Lc 18,1-7). Nếu chúng ta đã cầu xin cùng với những thái độ và tâm tình như thế, thì chắc chắn chúng ta sẽ “nhận được”.

Chúng ta có thể gọi thánh Gioan Maria Vianey là “ông cha nhà thờ” vì Ngài đã chọn nhà thờ làm nơi ở của mình. Ngài coi cầu nguyện là phương thế đầu tiên, phương thế duy nhất và là phương thế cuối cùng giúp việc tông đồ sinh hoa kết quả. Nên ngay từ khi được sai về giáo xứ Ars khô khan nguội lạnh, việc đầu tiên ngài làm là cầu nguyện cho giáo dân trong xứ. Nhờ sống thân mật với Chúa mà ngài tìm được con đường đi vào tâm hồn con người, dẫn đưa được nhiều người về với Chúa.

Tóm lại,  Lời Chúa hôm nay khuyến khích chúng ta hãy tin tưởng cầu xin. Trên tất cả mọi việc, Chúa Giêsu muốn tất cả chúng ta, các linh mục của Người nhận ra nền tảng, tầm quan trọng và ưu tiên bật nhất trong công việc mục vụ, đó là sự cầu nguyện. Cầu nguyện để chúng ta khỏi lâm vào cơn cám dỗ, để tỉnh thức không xa rời Chúa (Mt 26, 41) để tìm được sức mạnh và có thể thu đạt những kết quả tốt đẹp. Vì thế, cần phải canh tân và nuôi dưỡng đời sống linh mục bằng sự chuyên cần cầu nguyện vì nhờ cầu nguyện mà ơn thánh của Chúa hoạt động hữu hiệu và mang lại sự phong phú cho sứ vụ linh mục của chúng ta.

Ước gì mỗi người chúng ta luôn có thể chạy đến với Chúa trong tâm tình đơn sơ của một người con để có thể bộc bạch thân thưa với Cha mọi sự. Ước gì chúng ta cũng luôn có thể đến với Chúa trong tâm tình vâng phục tín thác để phó dâng cuộc đời và mọi công việc chúng ta vào bày tay quan phòng đầy yêu thương của Người. Amen.