Thứ Bảy, 12 tháng 3, 2011

MỘT CÁI NHÌN VỀ NGHỆ THUẬT THÁNH



 Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi


Khi có dịp tham quan các ngôi đền thờ nổi tiếng ở Âu Châu, như nhà thờ Đức Bà Paris và nhất là đền thờ thánh Phêrô tại Rôma, người ta không khỏi trầm trồ thán phục sự vĩ đại, tính cổ kính, dấu tích lịch sử và nhất là giá trị nghệ thuật vô cùng to lớn vượt thời gian của chúng. Mỗi đền thờ là một kho tàng vô giá đầy ắp những tác phẩm nghệ thuật từ điêu khắc đến kiến trúc, hội họa, trang trí, do các nghệ sĩ nổi tiếng sáng tạo nên để diễn tả niềm tin và những tâm tình tôn giáo của cộng đồng dân Chúa trải qua chiều dài của dòng lịch sử. Người ta chiêm ngắm, nghiên cứu, tìm hiểu, nhưng không bao giờ có thể tát cạn ý nghĩa sâu xa và phong phú của chúng. Người ta gọi đó là kho tàng nghệ thuật thánh của Giáo Hội công giáo. Để có một cái nhìn về nghệ thuật thánh, chúng ta hãy dựa vào giáo huấn của Giáo Hội[1] để tìm hiểu ý nghĩa, mục đích và cách thức thể hiện của loại hình nghệ thuật này, sau khi thử lược qua khái niệm thánh thiêng và tương quan giữa thánh thiêng với nghệ thuật nói chung.


1. KHÁI NIỆM THÁNH THIÊNG
Trong văn hóa Tây phương, từ “thánh thiêng” hay “linh thánh” (lt. sacer, sacra, sacrum) thường được dùng theo hai nghĩa. Theo nghĩa thứ nhất, “thánh thiêng” là từ mà những người có tôn giáo dùng để chỉ chính Thiên Chúa, Đấng-hoàn-toàn-khác, Hữu-Thể-tuyệt-đối, Mãnh-lực-tối-cao. Những cách gọi này cho thấy một cảm nghiệm khôn tả về một Hữu Thể mà người ta gọi là Đấng Thánh hay Đấng Linh Thiêng. Con người tôn giáo cũng như mọi nền văn hóa mang tính tôn giáo đều được xác định ít nhất bằng nhận thức về Đấng Linh Thiêng hiện diện trong bầu trời, tinh tú, sông nước, thảo mộc, đất đá, v.v., nói chung trong tất cả những gì hiện hữu, như là một huyền nhiệm vừa hấp dẫn (mysterium fascinans) lại vừa đáng sợ (mysterium tremens). Sự thánh thiêng còn hiện diện nơi những gì thuộc về Đấng Linh Thiêng mà người ta quen gọi là các thực tại thánh. Tuy nhiên, trong cách hiểu của các dân tộc, cái thánh thiêng vừa có thể chỉ cái đáng kính, vừa có thể chỉ cái đáng sợ, như khi nói về các thần ác. Như thế cái thánh thiêng cho thấy một chiều kích tách biệt và dị nghĩa, vừa tốt vừa xấu. Trong Kitô giáo, cái thánh thiêng chỉ được hiểu theo nghĩa tốt và qui hướng về Thiên Chúa là Đấng Thánh.
Theo nghĩa thứ hai, “thánh thiêng” là từ dùng để chỉ một cái gì đó được dâng hiến cho thần linh, cho một mãnh lực cao siêu. Vì thế nó còn được dùng để chỉ những điều mà người ta không được xâm phạm, ngay cả không được đụng chạm đến. Từ này còn được dùng để chỉ những gì được tách riêng ra để dùng cho mục tiêu tôn giáo. Được coi là thánh thiêng những không gian và thời gian cử hành lễ tế, những đồ vật dùng trong nghi thức tôn giáo như ảnh tượng, đồ thờ, lễ phục, v.v. Vì thế, tự điển Le Petit Robert định nghĩa thánh thiêng là thuộc về một lãnh vực tách biệt, bất khả xâm phạm và là đối tượng của một tâm tình tôn kính mang tính tôn giáo; nó có liên quan đến việc thờ phượng và phụng vụ. Đối lại với thánh thiêng là phàm tục. Từ này trong tiếng La-tinh là profanum, có nghĩa là “trước” đền thờ hay bên ngoài khuôn viên đền thờ. Theo nghĩa rộng nhất, từ này chỉ những gì không thuộc về lãnh vực thánh thiêng.
Theo Tự điển công giáo phổ thông của J.A. Hardon SJ, “thánh thiêng là những gì thuộc về Thiên Chúa, khác với những gì thuộc về con người; là những gì vĩnh cửu chứ không phải phù du; là những gì của thiên giới chứ không phải của hạ giới; là những gì huyền nhiệm và vì thế không thể giải thích được bằng lý trí; là những gì vô hạn chứ không phải hữu hạn. Tôn giáo nào cũng coi thánh thiêng mới là cái tuyệt đối, bất di bất dịch; còn phàm tục chỉ là cái tương đối, vốn hay thay đổi”.[2]
Tuy nhiên, trong các xã hội sơ khai, cái thánh thiêng và cái phàm tục ít khi tách rời nhau. Theo cha Teilhard de Chardin, không có gì trong thời gian và trong không gian là phàm tục cả. Toàn thể thế giới chúng ta đang sống là một đền thờ, một thứ bí tích của Thiên Chúa. Tu sĩ và nghệ sĩ giống nhau và liên kết với nhau trong viễn tượng này. Điều được nói về thế giới thì càng được nói về con người. Nếu toàn thể thế giới một cách nào đó có thể được coi là đền thờ, là bí tích của Thiên Chúa, thì con người càng là đền thờ và là bí tích của Thiên Chúa hơn nữa, bởi lẽ qua mầu nhiệm sáng tạo và nhập thể, con người là hình ảnh của Thiên Chúa và là nơi Thiên Chúa ngự trị, vì Ngài là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta. Mầu nhiệm của Thiên Chúa được phản ánh nơi mầu nhiệm con người. Vì thế con người cũng là một mầu nhiệm và do đó cũng mang tính thánh thiêng.

2. NGHỆ THUẬT NÓI CHUNG VÀ SỰ THÁNH THIÊNG
Từ “nghệ thuật” trong nguyên ngữ La-tinh (ars) vừa diễn tả một khả năng sáng tạo của con người, vừa được dùng để chỉ những kết quả do khả năng ấy tạo ra. Khi phát huy nghệ thuật cùng với các ngành khác như triết học, sử học, toán học, sinh vật học, v.v., con người có thể góp phần lớn lao vào công cuộc thăng tiến gia đình nhân loại để đạt tới những giá trị cao cả của chân, thiện, mỹ, và một phán đoán có giá trị phổ quát.[3]
Chân, thiện, mỹ, liên kết chặt chẽ với nhau, và trên bình diện hữu thể cả ba chỉ là một. Tất cả những gì chân thật và tốt lành đều đẹp. “Niềm vui tinh thần và vẻ đẹp luân lý đi đôi với việc thực thi điều thiện. Cũng vậy, chân lý đem lại niềm vui và ánh huy hoàng của vẻ đẹp tinh thần. Chân lý tự nó là đẹp”.[4] Theo một nghĩa nào đó, cái đẹp là biểu hiện hữu hình của sự thiện, còn sự thiện là điều kiện siêu hình của cái đẹp.
Trong Sứ điệp gửi toàn thể nhân loại nhân dịp bế mạc công đồng Vaticanô II, các nghị phụ đã khẳng định: “Thế giới chúng ta sống ngày nay đang cần đến cái đẹp để khỏi chìm đắm vào thất vọng. Cái đẹp cũng như chân lý mang lại niềm vui cho tâm hồn con người, đó chính là những hoa trái quí giá không tàn úa vì thời gian nhưng nối kết các thế hệ lại và làm cho họ thông cảm nhau khi thán phục nhau”.[5] Các nghệ sĩ: thi sĩ, văn sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ, điêu khắc gia, diễn viên, là “những người say mê và phục vụ cái đẹp”.[6]
Theo Sách Giáo lý của Hội Thánh công giáo, chân lý thường được diễn tả bằng lời nói, một sự diễn tả hữu lý của nhận thức về thực tại. Nhưng chân lý cũng có thể được diễn tả bằng những hình thức khác nhau để bổ túc cho nhau, nhất là khi vấn đề phải gợi lên lại bao hàm những điều khôn tả, những điều sâu thẳm của trái tim con người hay những điều huyền nhiệm của Thiên Chúa. Trước khi tự mạc khải cho con người bằng những lời chân lý, Thiên Chúa đã mạc khải cho họ qua ngôn ngữ hình ảnh là công trình tạo dựng với tất cả vẻ đẹp và trật tự hài hòa, “vì chính Đấng Tạo Hóa mọi loài là tác giả của muôn vẻ đẹp” (Kn 13,3).[7]
“Được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa (x. St 1,26), con người cũng diễn tả chân lý về tương quan của mình với Thiên Chúa Tạo Hóa bằng vẻ đẹp của các tác phẩm nghệ thuật của mình. Thật vậy, nghệ thuật là một hình thức diễn tả chỉ riêng con người mới có; vượt lên trên việc cố gắng thỏa mãn mọi nhu cầu sinh tồn, là điều chung của mọi sinh vật, nghệ thuật là sự đầy tràn chan chứa, được ban tặng cách nhưng không, sự giàu sang nội tâm của con người. Xuất phát từ tài năng do Đấng Tạo Hóa ban, và từ nỗ lực của chính con người, nghệ thuật là một hình thức của sự khôn ngoan thực tiễn, kết hợp kiến thức với tài khéo léo (x. Kn 7,17), để tạo hình thể cho chân lý của một thực tại, bằng thứ ngôn ngữ có thể cảm nhận được bằng mắt thấy và bằng tai nghe. Như vậy nghệ thuật bao hàm một sự tương tự nào đó với hoạt động của Thiên Chúa trong công trình tạo dựng, theo mức độ nghệ thuật được gợi hứng bởi chân lý về vạn vật và lòng yêu mến vạn vật. Cũng như bất cứ hoạt động nào khác của con người, nghệ thuật không có mục đích tuyệt đối nơi chính nó, nhưng được qui hướng về con người và trở nên cao quí nhờ mục đích tối hậu là con người”.[8]
Đặc biệt trong Thư Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II gửi các nghệ sĩ, chúng ta đọc thấy như sau: “Bởi đó Thiên Chúa cho con người hiện hữu, giao cho con người nhiệm vụ của những nghệ sĩ. Chính qua hoạt động sáng tạo nghệ thuật ấy mà hơn bao giờ hết con người cho thấy mình giống Thiên Chúa. Con người hoàn thành nhiệm vụ này xuất sắc nhất là khi uốn nắn chất thể kỳ diệu hay nhân tính của mình và khi thi hành quyền làm chủ một cách sáng tạo trên thế giới chung quanh. Với ánh mắt yêu thương, Nhà Nghệ Sĩ thần linh đã chuyển giao cho người nghệ sĩ nhân loại một chút óc khôn ngoan siêu phàm của mình, cho người này chia sẻ quyền sáng tạo của mình”.[9]
“Mọi trực giác nghệ thuật chính hiệu đều vượt xa những gì giác quan nhận biết và một khi đã lọt được tới cái nằm đằng sau bộ mặt của thực tại, nó sẽ cố gắng giải thích mầu nhiệm kín ẩn của thực tại ấy. Bản thân trực giác này cũng nảy sinh từ nơi thẳm sâu của linh hồn con người, nơi đó ta gặp thấy con người đang khát khao tìm ra ý nghĩa cho cuộc đời của mình, đồng thời thoáng thấy vẻ đẹp cũng như sự thống nhất diệu kỳ của mọi sự. Người nghệ sĩ nào cũng nghiệm thấy có một khoảng cách không sao vượt qua được giữa tác phẩm do tay mình làm ra, dù có thành công đến đâu, và vẻ đẹp tuyệt vời mà mình đã thoáng thấy trong một lúc được cảm hứng sáng tác: những gì họ cố gắng diễn tả qua tranh vẽ, tượng điêu khắc, tác phẩm sáng tác, đều chẳng hơn gì một tia sáng phát ra từ ánh sáng đã từng lóe lên trước đôi mắt tinh thần của họ trong một khoảnh khắc nào đó”.
“Mọi hình thức nghệ thuật chân chính, theo cách riêng của nó, đều là đường dẫn ta đến với thực tại sâu thẳm của con người và thế giới. Bởi vậy, đó chính là một phương cách rất hiệu quả giúp ta đến với thế giới đức tin, cho kinh nghiệm sống của con người có được ý nghĩa cuối cùng của nó. Đó chính là lý do giải thích tại sao chân lý trọn vẹn của Tin Mừng ngay từ đầu đã có sức khơi dậy sự quan tâm thích thú của các nghệ sĩ, những người do bản tính tự nhiên vốn rất nhạy cảm trước các sự “hiển lộ” của cái đẹp bên trong các sự vật”.[10]
“Để truyền đạt sứ điệp mà Đức Kitô giao cho mình, Giáo Hội cần đến nghệ thuật. Nghệ thuật có nhiệm vụ làm cho thế giới tinh thần, thế giới vô hình, thế giới Thiên Chúa, trở nên có thể cảm nhận được và trở nên hấp dẫn càng nhiều càng hay. Bởi đó, nghệ thuật phải chuyển dịch những gì tự chúng vốn không thể diễn tả được thành những ngôn từ có ý nghĩa. Nghệ thuật có một khả năng độc đáo là lấy một mặt này hay một mặt khác của sứ điệp, rồi chuyển dịch thành một cái gì đó có màu sắc, hình dáng và âm thanh, để nuôi dưỡng trực quan của những người đến xem hay đến nghe. Nghệ thuật làm việc này không phải bằng cách đánh mất đi giá trị siêu việt và hào quang mầu nhiệm của sứ điệp”.[11]
 “Cái đẹp là chìa khóa mở cửa mầu nhiệm và là tiếng gọi mời ta vươn lên cao. Đó cũng là tiếng nói mời gọi ta cảm nếm cuộc sống và mơ về tương lai. Chính vì thế cái đẹp của thụ tạo không bao giờ có thể làm ta cảm thấy thỏa mãn hoàn toàn. Nó khơi dậy nỗi nhớ nhung thầm kín về Thiên Chúa, một sự thật mà chỉ có người say mê cái đẹp như thánh Augustinô mới diễn tả được một cách tuyệt vời như sau: “Con yêu Chúa quá muộn màng, ôi vẻ đẹp rất xưa mà rất mới; con yêu Chúa quá muộn màng” (Tự thuật 10,27)”.[12]
Qua các giáo huấn trên đây của Giáo Hội chúng ta thấy giữa nghệ thuật và sự  thánh thiêng có một mối tương quan chặt chẽ với nhau. Trước hết, có thể nói trong nghệ thuật có hàm chứa một chiều kích thánh thiêng, vì nó phản ánh hành động sáng tạo đầy huyền nhiệm của Thiên Chúa. Chắc hẳn vì thế mà Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã dám khẳng định rằng chính qua hoạt động sáng tạo nghệ thuật mà hơn bao giờ hết con người cho thấy mình giống Thiên Chúa.
Tiếp đến, tất cả mọi hình thức nghệ thuật chân chính đều được coi như phương tiện để diễn tả các thực tại thánh thiêng, vượt trên thế giới vật chất này. Quả thế, mọi nghệ thuật đều vượt trên cái thực tại trước mắt, biến đổi thực tại sống, đem lại luồng sinh khí mới cho vật chất mà nó uốn nắn, dẫn đưa con người vào những chiều kích sâu thẳm của con người và thế giới, mà con người chỉ biết chiêm ngưỡng với lòng say mê. Nó bắt buộc con người phải luôn chuyển động trong những gì đã biết và trong sự khám phá liên lỉ thế giới huyền nhiệm và đầy ắp ý nghĩa đối với con người.
Cuối cùng, cũng trong chiều hướng ấy nhưng đẩy xa hơn nữa, nghệ thuật phục vụ cái thánh thiêng vì nó dẫn đưa con người vào mối tương quan thân tình với Thiên Chúa là huyền nhiệm trên mọi thứ huyền nhiệm khôn tả; nó gợi nhớ Thiên Chúa như nguồn cảm hứng và mời gọi con người vượt qua cái hữu hình đang phô bày trước mắt để nhìn thấy dấu ấn của chính Thiên Chúa như Đấng đang phả hồn vào tác phẩm nghệ thuật. Mọi nghệ thuật chân chính, cho dù không thể hiện các đề tài tôn giáo, vẫn có thể được coi như một chiếc cầu nối liền với kinh nghiệm tôn giáo, bởi vì sự tìm kiếm vẻ đẹp và công trình của trí tưởng tượng trong nghệ thuật có thể được coi như một lời đáp trả tiếng gọi của thực tại thánh thiêng. Các tác phẩm nghệ thuật giúp chúng ta cảm nghiệm được một điều gì đó của mầu nhiệm Thiên Chúa. Có thể nói một nghệ sĩ đích thực tự thâm tâm luôn là một người tôn giáo, cho dù ông ta rất ít khi thực hành.
Cuối cùng, tính thánh thiêng của nghệ thuật đã tạo nên mối liên hệ chặt chẽ giữa nghệ thuật và nghi thức tôn giáo: nghệ thuật được dùng để diễn tả điều mà các nghi thức không diễn tả được. Mối liên hệ này có thể được tìm thấy nơi tất cả các nền văn minh trên thế giới. Không phải là táo bạo khi nói rằng nghệ thuật ngay từ thời cổ đại đã là phương tiện liên lạc giữa con người và thế giới thần linh, như các đền đài, ảnh tượng, thi ca, vũ điệu, nơi các tôn giáo cổ xưa đã làm chứng.

3. NGHỆ THUẬT THÁNH: Ý NGHĨA, MỤC ĐÍCH VÀ CÁCH THỨC THỂ HIÊN
Nếu nghệ thuật nói chung có liên quan đến sự thánh thiêng, thì chúng ta phải hiểu thế nào về một ngành nghệ thuật có tên gọi đặc biệt là “nghệ thuật thánh”? Công đồng Vaticanô II trong Hiến chế về Phụng Vụ thánh đã khẳng định: “Trong những hoạt động cao quí nhất của tài trí con người, đặc biệt phải kể đến mỹ thuật, nhất là nghệ thuật tôn giáo và tột đỉnh chính là nghệ thuật thánh. Tự bản tính, nghệ thuật thánh nhằm diễn tả một cách nào đó vẻ đẹp vô biên của Thiên Chúa qua những tác phẩm nhân loại. Nghệ thuật này càng làm cho Thiên Chúa được ca tụng và tôn vinh hơn, một khi những tác phẩm đó không nhằm chủ đích nào khác ngoài sự tích cực góp phần hướng tâm trí con người  về cùng Chúa cách đạo đức”.[13]

3.1. Ý nghĩa và mục đích
Trên đây chúng ta đã nói rằng mọi loại hình nghệ thuật đều có liên quan một cách nào đó đến sự thánh thiêng. Tuy nhiên, trong thuật ngữ công giáo, không phải tất cả mọi loại hình nghệ thuật đều được gọi là “nghệ thuật thánh”. Theo giáo huấn trên đây của công đồng Vaticanô II, nghệ thuật thánh là một trong những hoạt động cao quí nhất của tài trí con người. Đó là một loại hình nghệ thuật thuộc ngành mỹ thuật. Dĩ nhiên mọi nghệ thuật đều có liên quan đến cái đẹp, tuy nhiên cái đẹp mà mỹ thuật diễn tả không phải là cái đẹp của âm thanh, văn từ hay diễn xuất, mà là cái đẹp của đường nét, hình ảnh và màu sắc. Ngoài ra, cái đẹp mà nghệ thuật thánh muốn diễn tả không thuộc lãnh vực trần tục, nhưng thuộc lãnh vực tôn giáo; vì thế nghệ thuật thánh là một phần của nghệ thuật tôn giáo, hay đúng hơn là mỹ thuật tôn giáo. Mỗi tôn giáo đều được phản ánh trong các tác phẩm mỹ thuật như đền đài, các tác phẩm điêu khắc, các họa phẩm, kể cả ảnh nghệ thuật, với những đề tài rất phong phú. Mỹ thuật tôn giáo mà chúng ta đề cập ở đây là mỹ thuật Kitô giáo mà đỉnh cao là nghệ thuật thánh. Như thế, nghệ thuật thánh là loại hình mỹ thuật cao nhất có thể được coi như chóp đỉnh của kim tự tháp mỹ thuật tôn giáo. Nghệ thuật thánh là nơi gặp gỡ giữa cái hữu hạn và cái vô hạn, giữa nhân loại và mầu nhiệm thần linh.[14]
“Giáo Hội luôn xem thừa tác vụ nghệ thuật thánh với sự quí trọng lớn lao nhất và cố gắng hiểu rằng ‘tất cả mọi thứ được dành riêng sử dụng cho phụng tự thánh đều thực sự xứng đáng, thích hợp và đẹp, là những dấu chỉ và biểu tượng của thế giới siêu nhiên’. Giáo Hội qua các thế kỷ cũng đã gìn giữ kho tàng nghệ thuật thuộc về mình ấy”.[15]
Tuy nhiên không dễ dàng gì để đưa ra những tiêu chuẩn nhằm xác định một tác phẩm có thuộc về nghệ thuật thánh hay không. Một tác phẩm nghệ thuật được coi là “thánh” khi nó được tạo nên để dùng trong nơi thánh, khác với những đồ vật khác được dùng trong nơi phàm tục. Nơi thánh ấy có thể là nhà thờ, nhà nguyện, đất thánh, nơi mà các tín hữu tập trung để gặp gỡ Chúa, cầu nguyện và thờ phượng Chúa.
Ngoài ra, theo tự điển Larousse, nghệ thuật thánh là nghệ thuật tôn giáo nhằm phục vụ việc thờ phượng. Nghệ thuật thánh diễn tả tương quan với mầu nhiệm Thiên Chúa, với luân lý và mục vụ, và thể hiện cách trọn vẹn trong việc thờ phượng. Nghệ thuật Kitô giáo đạt đến đỉnh cao khi nó từ nghệ thuật tôn giáo biến thành nghệ thuật phụng tự. Hình thức thờ phượng cao nhất là phụng vụ, thường gắn liền với các nơi thánh. Theo nghĩa này, một tác phẩm nghệ thuật thánh không phải vì chính bản thân nó là thánh, nhưng là để phục vụ cái thánh thiêng. Nghệ thuật thánh bao gồm những tác phẩm được gợi hứng từ các bản văn Thánh Kinh, từ những qui chiếu tôn giáo, những tác phẩm được dùng vào việc thờ phượng.
Tuy nhiên việc thờ phượng Thiên Chúa không chỉ giới hạn nơi nhà thờ hay tại những không gian thánh công cộng, nhưng còn được thực hiện tại tư gia hay một nơi nào khác có tính riêng tư. Tại Việt Nam, thường mỗi gia đình công giáo đều có nơi đặt bàn thờ chính để cùng nhau cầu nguyện mỗi ngày và nhiều người còn đặt những ảnh tượng thánh tại các phòng trong nhà, trên bàn làm việc, ngay cả ngoài vườn hay dưới một bóng cây để giúp hướng lòng lên Chúa trong khi làm việc. Sách Giáo lý của Hội Thánh công giáo có dạy: “Chúng tôi ấn định với tất cả sự chắc chắn và chính đáng rằng: cũng như hình tượng cây thánh giá quí trọng và ban sự sống, các ảnh tượng đáng kính và thánh thiện, hoặc được vẽ và lắp ghép, hoặc bằng những chất liệu thích hợp khác, phải được đặt trong các thánh đường của Thiên Chúa, trên các bình thánh và y phục thánh, trên các bức tường và các bức họa, trong nhà và trên các đường phố”.[16] “Các ảnh tượng thánh, hiện diện trong các thánh đường và trong nhà của chúng ta, có mục đích khơi dậy và nuôi dưỡng đức tin vào mầu nhiệm của Đức Kitô”.[17]
Như thế, các tác phẩm nghệ thuật thánh vẫn có thể hiện diện ở khắp nơi, nhưng không phải để trang trí, mà để phục vụ tâm tình thờ phượng, và đó chính là yếu tố khiến cho nghệ thuật thánh có một địa vị trổi vượt.
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II có lẽ đã khẳng định điều đó khi chú giải số 122 của Hiến chế về Phụng Vụ thánh trong bức thư của ngài gửi các nghệ sĩ: “Khi đề cập cách đặc biệt đến nghệ thuật thánh như là “đỉnh cao” của nghệ thuật tôn giáo, văn kiện này đã không ngần ngại xem công việc của các nghệ sĩ như một “tác vụ cao quí”, khi những tác phẩm của họ có khả năng phản ánh một cách nào đó vẻ đẹp vô cùng của Thiên Chúa và hướng tâm trí mọi người về với Ngài. Chính nhờ sự đóng góp của họ, “sự nhận biết Thiên Chúa được bày tỏ rõ ràng hơn, và việc rao giảng Tin Mừng trở nên dễ hiểu hơn đối với nhiều người”.[18]
Nghệ thuật được gọi là “thánh” khi nó nói lên một điều gì đó về Thiên Chúa và khi nó chu toàn một nhiệm vụ hay sứ vụ “hướng tâm trí mọi người về với Ngài”. Nếu có một tác phẩm nghệ thuật thánh thì đó là cái có sức lay chuyển chúng ta, biến đổi chúng ta và đưa chúng ta xa khỏi những gì chúng ta đang là. Có lẽ đó cũng là điều tạo nên sự tôn kính hay sợ hãi. Để có được một nghệ thuật thánh, chúng ta phải nhìn thấy ở đó sự hiện diện của siêu việt, một sự khai mở từ thế giới này sang một thế giới khác. Một sản phẩm nghệ thuật chỉ nằm trên bình diện trần thế, cho dù đẹp mấy đi nữa, vẫn không thể là một tác phẩm nghệ thuật thánh. Nghệ thuật thánh đóng vai trò của một tư tế: đưa cái thánh thiêng vào các yếu tố vật chất và nhân loại.
“Nghệ thuật thánh sẽ thật và đẹp, khi nhờ hình thức thích hợp, nó đáp ứng với ơn gọi riêng của nó: trong đức tin và trong sự tôn thờ, nghệ thuật thánh gợi lên và tôn vinh mầu nhiệm siêu việt của Thiên Chúa, vẻ đẹp siêu phàm vô hình của chân lý và của tình yêu, đã xuất hiện nơi Đức Kitô, Đấng ‘là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa’ (Dt 1,3), ‘nơi Ngài, tất cả sự viên mãn của thần tính hiện diện cách cụ thể’ (Cl 2,9), Ngài là vẻ đẹp thiêng liêng đang tỏa chiếu nơi Đức Trinh Nữ rất thánh, Mẹ Thiên Chúa, nơi các thiên thần và các thánh. Nghệ thuật thánh đích thực đưa con người đến việc tôn thờ, cầu nguyện và yêu mến Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa và Cứu Độ, Đấng Thánh Thiện và thánh hóa”.[19]
Ý nghĩa và mục đích của nghệ thuật thánh còn được công đồng Vaticanô II đề cập trong lời nhắn nhủ các nghệ sĩ: “Riêng đối với tất cả những nghệ sĩ có tài năng, muốn phụng sự Thiên Chúa để làm vinh danh Ngài trong Giáo Hội, phải luôn luôn nhớ rằng một phần nào họ bắt chước Thiên Chúa, Đấng Sáng Tạo, họ sáng tác những tác phẩm dùng vào việc thờ phượng công giáo, vào việc cảm hóa các tín hữu cho họ thêm lòng đạo đức và huấn luyện giáo lý cho họ nữa”.[20]
“Đã từ lâu Giáo Hội liên kết với quí vị. Quí vị đã xậy dựng và trang hoàng những đền thờ, suy tôn các tín điều, làm giàu cho phụng vụ của Giáo Hội. Quí vị đã giúp đỡ Giáo Hội diễn tả sứ điệp thánh của mình ra ngôn ngữ hình thể và sắc thái, khiến cho thế giới vô hình có thể được cảm nhận.”[21]

3.2. Cách thức thể hiện
Hiểu được ý nghĩa và mục đích của nghệ thuật thánh, chúng ta thấy Giáo Hội luôn quan tâm phát huy loại hình nghệ thuật này “để những vật dụng dùng trong phụng tự thánh được thực sự xứng đáng, thích hợp và mỹ lệ, đồng thời biểu thị và tượng trưng những thực tại trên trời...Giáo Hội vẫn coi mình như vị thẩm phán về mỹ thuật, xét xem trong những tác phẩm của các nghệ sĩ, tác phẩm nào thích hợp với đức tin, với lòng đạo đức và với những luật lệ truyền thống trong đạo, cũng như xem những tác phẩm nào xứng đáng dùng vào việc thánh”.[22]
Tuy nhiên, Giáo Hội từ đầu đã không tạo ra một nghệ thuật riêng. Các nghệ sĩ kitô hữu của những thế kỷ đầu đã không sáng chế ra một “nghệ thuật Kitô giáo”, nhưng họ tìm cách diễn tả đức tin của mình bằng những sáng tạo nghệ thuật của thời đại họ đang sống. Tiến trình này là một phần của điều mà người ta gọi là “hội nhập văn hóa” theo mô hình của mầu nhiệm Nhập Thể. Đức Kitô khi đến trần gian đã mang lấy nơi mình những yếu tố văn hóa của thời đại và Ngài dùng ngôn ngữ và cách thể diễn tả của thời đại để mạc khải mầu nhiệm Nước Trời và chân lý Tin Mừng. Giáo Hội đến lượt mình cũng làm như thế: đi đến đâu và hiện diện ở bất kỳ thời điểm nào, Giáo Hội cũng luôn sử dụng ngôn ngữ và cách thế diễn tả của nền văn hóa địa phương để diễn tả và loan truyền sứ điệp. Nếu nghệ thuật mà Giáo Hội tạo nên có thể được gọi cách đặc biệt là “nghệ thuật Kitô giáo”, chủ yếu là vì đề tài hay nhiệm vụ tôn giáo của nó. Nếu nghệ thuật này có thể được gọi là “nghệ thuật thánh”, chủ yếu là vì qua đề tài tôn giáo hay nhiệm vụ tôn giáo của nó mà nó nói lên mầu nhiệm của Thiên Chúa, diễn tả các thực tại thánh và dẫn đưa tâm trí con người về với Thiên Chúa và các thực tại ấy.
Về hình thức thể hiện của nghệ thuật thánh xuyên qua dòng lịch sử, công đồng Vaticanô II đã xác định rõ ràng trong Hiến chế về Phụng Vụ thánh: “Giáo Hội hằng đặc biệt lo lắng sao cho vật dụng thánh góp phần vào vẻ trang trọng của phụng tự một cách xứng đáng và mỹ thuật, đồng thời chấp nhận những thay đổi về chất liệu, hình thức, trang trí theo tiến bộ kỹ thuật qua các thời đại”.[23]
“Giáo Hội đã không hề coi một kiểu nghệ thuật nào như là của riêng, nhưng công nhận các kiểu của bất cứ thời đại nào, tùy theo đặc tính và hoàn cảnh của các dân tộc, cũng như tùy theo nhu cầu của các nghi lễ; những kiểu nghệ thuật này, trải qua các thế kỷ, đã tạo nên một kho tàng nghệ thuật cần phải hết sức duy trì cẩn thận. Ngay cả những nghệ thuật trong thời đại chúng ta, nghệ thuật của mọi dân tộc và mọi miền, cũng phải được tự do phô diễn trong Giáo Hội, miễn là giữ được vẻ tôn kính trang trọng phải có trong các thánh đường và trong các nghi lễ thánh. Như thế, nghệ thuật đã có thể góp tiếng trong bản nhạc vinh quang kỳ diệu mà những bậc vĩ nhân đã từng ca hát qua các thế kỷ để ca tụng đức tin công giáo”.[24]
Cũng một giáo huấn ấy đã được công đồng lặp lại trong Hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay: “Giáo Hội cũng phải công nhận những hình thức nghệ thuật mới, thích hợp với thời đại chúng ta, tùy theo bản chất của từng dân tộc, từng địa phương. Cũng nên đem vào nơi phụng tự những hình thức mới này, một khi với lối diễn tả thích nghi và phù hợp với phụng vụ, chúng giúp con người nâng tâm hồn lên cùng Thiên Chúa”.[25]
Để thể hiện ý nghĩa và mục đích của mình như được trình bày trên đây, nghệ thuật thánh ngày nay có thể được thể hiện dưới nhiều cách thức đa dạng và phong phú hơn xưa: kiến trúc, điêu khắc và chạm trổ trên đá, kim loại, gỗ và nhiều vật liệu khác, hội họa, trang trí, thủ công chế biến vật dụng, đồ họa vi tính và cả nghệ thuật nhiếp ảnh, v.v. Các cách thức thể hiện ấy cũng chịu ảnh hưởng của văn hóa địa phương đương thời. Chẳng hạn tại Việt Nam, nhà thờ có thể được xây dựng theo những mô hình kiến trúc Á Đông với những họa tiết dân tộc; các ảnh tượng cũng có thể mang dáng dấp con người Việt Nam, như tượng Đức Mẹ La Vang.
Khi sử dụng nghệ thuật của thời đại, Giáo Hội không sao chép, nhưng mang lại cho nó một chiều kích mới, một nội dung mới. Bằng cách đó, Giáo Hội góp phần đem lại cho nghệ thuật tất cả ơn gọi của nó. Chỉ có điều là Giáo Hội phải can thiệp bằng cách xem xét để các tác phẩm nghệ thuật ấy phải đẹp, trang nhã, là điều luôn đi liền với mỹ thuật đích thực,[26] có sức lôi cuốn và nâng cao tâm hồn; đồng thời loại trừ khỏi thánh đường cũng như những nơi thánh khác những tác phẩm nghệ thuật nào nghịch với đức tin và phong hóa, nghịch với lòng đạo đức Kitô giáo, cũng như những tác phẩm làm tổn thương ý nghĩa tôn giáo đích thực, hoặc vì hình thức tồi bại, hoặc vì thiếu nghệ thuật, tầm thường hay giả tạo.

KẾT LUẬN
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã gọi nghệ thuật thánh là một “tác vụ cao quí”. Có thể nói nghệ thuật thánh một cách nào đó cũng thi hành ba tác vụ: ngôn sứ, tư tế, và vương đế. Nghệ thuật thánh thi hành tác vụ ngôn sứ khi nó truyền đạt cho con người những sứ điệp thánh thiêng và mời gọi họ suy nghĩ, cảm nghiệm và đón nhận. Đó là những sứ điệp bằng hình ảnh có sức gợi lên tâm tình và lôi cuốn sự chú ý. Nghệ thuật thánh thi hành tác vụ tư tế, bởi vì nó đóng vai trò cầu nối dẫn đưa con người đi vào huyền nhiệm của Thiên Chúa được trình bày qua những hình ảnh và biểu tượng, đưa cái thánh thiêng vào thế giới phàm tục, đưa thế giới thần linh đến cho con người, đồng thời biến đổi cái phàm tục thành thánh thiêng và dẫn đưa con người vào thế giới thần linh. Cuối cùng, nghệ thuật thánh thi hành tác vụ vương đế khi nó gợi lên những khuôn mẫu lý tưởng nhằm xây dựng con người và góp phần xây dựng vương quốc của Thiên Chúa nơi trần gian. Tóm lại, qua các hình thức diến tả, nghệ thuật thánh bày tỏ các chân lý mạc khải, và trở thành biểu tượng của đức tin công giáo, góp phần xây dựng con người mới trong Đức Kitô.

Mùa Chay năm 2011
                                                                 

[1] Trong bài này phần lớn các đoạn giáo huấn Giáo Hội có liên quan được trích dẫn đầy đủ và nguyên văn để các độc giả dễ tham chiếu.
[2] J.A. HARDON, SJ, Từ điển công giáo phổ thông, Nxb Phương Đông, Tp. Hồ Chí Minh, 2008, tr. 587.
[3] Xem CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay Gaudium et spes (07-12-1965), số 57.
[4] Sách Giáo lý của Hội Thánh công giáo, Nxb Tôn giáo, Hà Nội 2009, số 2500.
[5] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Sứ điệp của công đồng gửi toàn thể nhân loại, nhân dịp bế mạc (08-12-1965), số 18.
[6] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II , Sứ điệp của công đồng gửi toàn thể nhân loại, nhân dịp bế mạc, số 17.
[7] Xem Sách Giáo lý của Hội Thánh công giáo, số 2500.
[8] Sách Giáo lý của Hội Thánh công giáo, số 2501.
[9] Thư Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II gửi các nghệ sĩ (04-04-1999), số 1.
[10] Thư Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II gửi các nghệ sĩ, số 6.
[11] Thư Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II gửi các nghệ sĩ, số 12.
[12] Thư Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II gửi các nghệ sĩ, số 16.
[13] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Hiến chế về Phụng Vụ thánh Sacrosanctum Concilium (04-12-1963), số 122.
[14] Xem ĐGH PHAOLÔ VI, Per la festa della dedicazione del Maggior Tempio (17-11-1965), trong Insegnamenti III (1965), tr. 1101-1104.
[15] B GIÁO SĨ, Thư luân lưu gửi các chủ tịch Hội đồng Giám mục về việc bảo quản những di sản lịch sử và nghệ thuật của Hội Thánh, (11-04-1971), số 1.
[16] Sách Giáo lý của Hội Thánh công giáo, số 1161.
[17] Sách Giáo lý của Hội Thánh công giáo, số 1192.
[18] Thư Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II gửi các nghệ sĩ, số 11.
[19] Sách Giáo lý của Hội Thánh công giáo, số 2502.
[20] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Hiến chế về Phụng Vụ thánh, số 127.
[21] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Sứ điệp của công đồng gửi toàn thể nhân loại, nhân dịp bế mạc, số 17.
[22] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Hiến chế về Phụng Vụ thánh, số 122.
[23] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Hiến chế về Phụng Vụ thánh, số 122.
[24] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Hiến chế về Phụng Vụ thánh, số 124.
[25] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay, số 62.
[26] Xem Qui chế tổng quát sách lễ Rôma, số 325.