CUỘC ĐỜI CHÚA GIÊSU LÀ MỘT CUỘC ĐỜI CẦU NGUYỆN.
Lm. Giuse Lê Thu Thâu
Hôm nay con xin được cùng với Quí Đức Cha và Quí Cha đọc lại với nhau ít nét về cuộc đời Chúa Giêsu là một cuộc đòi cầu nguyện và xin Chúa dạy chúng ta cầu nguyện và xin Chúa cũng biến đổi cuộc đời Linh Mục của chúng ta thành một cuộc đời cầu nguyện như Chúa.
1. Cuộc đời Chúa Giêsu là một cuộc đời cầu nguyện.
Tin Mừng để lại ít lời cầu nguyện của Chúa nhưng đã mô tả Chúa trong nhiều cử chỉ cầu nguyện.Chúa đã cầu nguyện nhiều lần trong ngày. Chúa cầu nguyện ban sáng, sáng sớm tinh sương. Ngài chổi dậy đi ra một nơi vắng vẻ và cầu nguyện (Mc 1, 85). Ngài cầu nguyện buổi chiều: Ngài lên núi cầu nguyện khi chiều đến (Mc 6, 47). Ngài cầu nguyện trước bữa ăn (Gioan 6, 11). Ngài cảm thấy cần có những giây phút yên tĩnh để cầu nguyện. Dân chúng lũ lượt kéo đến nghe Ngài và được chữa lành bệnh tật. Còn Ngài thì rút vào nơi thanh vắng để cầu nguyện (Lc 5, 15-16). Nơi thanh vắng ấy thường là trên núi hay trong sa mạc (Mc 6, 46). Như mọi người Do Thái, mỗi ngày Ngài đọc 3 lần 18 câu chúc tụng. Hằng tuần Ngài tham dự các nghi lễ Phụng tự tại Hội đường. Ở đó Ngài hay giảng thuyết (Ga 18, 20). Ngài hát Thánh Vịnh với dân chúng (Mc 1, 21). Lúc thì Ngài đứng mà cầu nguyện (Mc11, 25). Lúc Ngài ngửa mặt lên trời mà cầu nguyện (Mc 6, 14). Lúc Ngài lại phủ phục dưới đất như trong vườn Giêtsêmani (Mc 26, 39). Ngài giữ những bộ điệu cổ truyền ấy với một tinh thần mới. Lời kinh vươn lên theo nhịp điệu tâm hồn. Lúc diễn tả sự cảm thông (Lc10, 21). Lúc mô tả lòng trông cậy (Ga 11, 41-42). Lúc biểu lộ sự lo âu (Lc22,32). Lúc đầy sợ sệt: “Bây giờ linh hồn Ta bồi hồi nói chi nữa. Lạy Cha,xin cho khỏi giờ này, nhưng vì nó mà Con đến” (Ga 12, 42). Chúa cầu nguyện khi quyết định một việc quan trọng như khi tuyển chọn 12 Tông đồ (Lc 6,12). Khi xảy ra một biến cố như sau khi chịu phép rửa (Lc 8, 21). Lúc bị ma quỉ cám dỗ (Lc 4, 1). Khi tỏ Mình sáng chói (Lc 9, 28). Khi long trọng vào thành Giêrusalem (Ga 12, 27-28). Nhất là, Ngài đã cầu nguyện một cách rất cảm động tại vườn Giếtsêmani: vừa âu yếm “Abba, Lạy Cha”, vừa tin chắc: “Đối với Cha mọi sự đều có thể”, vừa lo sợ: “Xin cất cho Con khỏi chén đắng này”, vừa nhẫn nại lãnh nhận: “Nhưng không phải theo ý Con mà là vâng ý Cha”. Ngài cầu nguyện trên cây Thánh Giá (Lc 23, 45). Ngài cầu nguyện trước khi tắt thở.
Cuộc đời Chúa Giêsu đã trở nên lời cầu nguyện sống động tuyệt vời, đã trở nên mẫu gương chói ngời nhất cho cuộc đời linh mục của chúng ta.
2. Xin Thầy dạy chúng con cầu nguyện.
Có một lần Chúa Giêsu cầu nguyện nơi kia. Khi Người cầu nguyện xong, có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: “Thưa Thầy,xin dạy chúng con cầu nguyện!”. Chúa Giêsu nhận lời cầu xin này và dạy Kinh Lạy Cha.
Kinh Lạy Cha được gọi Là lời kinh của Chúa, vì do chính Chúa Giêsu đã dạy cho chúng ta. Kinh lạy Cha là “bản tóm lược toàn bộ Tin Mừng”(Tertulianô), là lời cầu nguyện tuyệt hảo”(T.Tôma Aquinô).
- Sách Giáo lý Giáo hội Công Giáo số 578 -598 đã giải thích rất rõ ràng từng lời ,từng câu trong kinh Lạy Cha.
Chúng ta cần chú ý đến trật tự những lời cầu xin của kinh lạy Cha. Ba điều trước tiên liên hệ đến Chúa và sự vinh hiển của Ngài :BỠI LẼ ĐẶC TÍNH CỦA TÌNH YÊU LÀ TRƯỚC TIÊN NGHĨ ĐẾN NGƯỜI MÌNH YÊU. Ba lời cầu xin đó cho thất những điều mà chúng ta phải đặc biệt cầu xin - xin cho danh cha cả sáng - nước Cha trị đến - ý Cha thể hiện.
Bốn điều sau trình bày với Cha nhân từ những thống khổ và những mong chờ của chúng ta: -xin Người ban lương thực, sự tha thứ, sự trợ giúp trong các cơn cám dỗ và sự giải thoát khỏi sự dữ. Nghĩa là Chúa trước hết phải được đứng vào chỗ tối cao rồi mới đến chúng ta và những điều lòng ta ao ước. Cầu nguyện không bao giờ là một thứ cố gắng uốn ý Chúa xuôi theo lòng ao ứơc chúng ta mà phải là sự cố gắng đem ý muốn chúng ta tuân phục ý Chúa.
Khi cầu nguyện với kinh Lạy Cha, chúng ta đặt trọn cuộc đời chúng ta ở trước nhan thánh Chúa và xin Ba Ngôi Thiên Chúa ngự trị trong cuộc sống chúng ta nữa. Khi xin bánh để duy trì cuộc sống trên mặt đất là chúng ta hướng lòng về Chúa Cha, Đấng Tạo Hóa nâng đỡ mọi cuộc sống. Khi xin ơn tha thứ là ta hướng lòng đến Chúa Giêsu, là Chúa và Đấng Cứu Chuộc chúng ta, Khi xin cứu giúp trong cơn cám dỗ, là hướng lòng đến Chúa Thánh Thần, Đấng An Ủi, Đấng Thêm Sức, Đấng Soi Sáng, Đấng Hướng Dẫn và Đấng Canh giữ đường lối chúng ta.
Bằng một cách thật lạ lùng, phần thứ hai ngắn ngủi này của Kinh Lạy Cha đem hiện tại, quá khứ và tương lai của cuộc sống chúng ta trình ra trước Chúa Cha, Chúa con và Chúa Thánh Thần. Trong Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu dạy chúng ta đem cả cuộc đời đến với Ba Ngôi Thiên Chúa và xin Ba Ngôi Thiên Chúa vào cuộc đời chúng ta.
Xin Chúa biến đổi cuộc đời Linh Mục chúng con thành một cuộc đời cầu nguyện như Chúa. AMEN: ỨƠC GÌ NHỮNG ĐIỀU ĐÓ ĐƯỢC THÀNH SỰ.