Bửu Nam
Tạp chí “Văn Hoá Nghệ Thuật”, số 321, tháng 3/2011, tr. 57-60.70
1. Về tiểu luận của Léopold Michel Cadière và bài viết của Nguyên Ngọc.
Công trình của L.M. Cadière Gia đình và tôn giáo ở Việt Nam (Famille et la religion en pays annamite) (1) gồm 80 trang. Đây là công trình mà hai năm trước đó, vào năm 1928, ở Luxembourg, trong Tuần lễ quốc tế dân tộc học tôn giáo, Cadière đã trình bày như một tranh luận có giá trị đặc sắc được hoan nghênh và sau này được hoàn thiện lại và đăng và tạp chí Đô thành hiếu cổ vào năm 1930.
Về mặt quan điểm nghiên cứu, công trình này thể hiện một cách cụ thể những quan điểm mà Cadière đã trình bày trước đó trong tuần lễ dân tộc học tôn giáo ở Louvain vào tháng 8 năm 1912, đó là tham luận mang tên Những chỉ dẫn thực hành đối với các vị thừa sai khi quan sát tôn giáo (Instruction pratique pour les missionnaires font des observations religieuses, Anthropos, tập VII, 1913, được in lại trong chương III của Những tín ngưỡng và thực hành tôn giáo của người Việt Nam (Croyances et pratiques religieuses des Vietnamiens, tr.142-175). Có thể nói những quan điểm mới mẻ, rộng mở, tiến bộ của Cadière đã góp phần đặt nền móng tiên phong cho bộ môn dân tộc học tôn giáo gắn với nguyên lý đối thoại các tôn giáo và các nền văn hóa.
Công trình Gia đình và tôn giáo ở Việt Nam sau này trở thành một chương trong công trình lớn Những tín ngưỡng và thực hành tôn giáo của người Việt Nam (2). Do vậy, cần xem xét công trình Gia đình và tôn giáo ở Việt Nam gắn bó với tổng thể công trình lớn nói trên, đặc biệt là vấn đề tín ngưỡng dân gian Việt Nam với tục thờ các thần linh phong phú, đa dạng ở khắp nơi của người Việt. Có thể nói, dưới con mắt của Cadière, thế giới thần linh và linh hồn bao quanh cuộc sống của người Việt, ngay cả sự thờ cúng tổ tiên. Hay nói cách khác, sự thờ cúng thần linh, linh hồn và sự thờ cúng tổ tiên có mối quan hệ hòa quyện vào nhau, bởi tổ tiên khi đã khuất mặt, thì linh hồn vẫn còn hiện diện, có khả năng phù trợ một cách siêu nhiên cho con cháu họ. Ở góc độ nào đó, thế giới quan tôn giáo của người Việt là phiếm thần luận (panthéisme), vật linh, hồn linh (animisme) bọc quanh tam giáo (Nho, Phật, Lão) đã được người Việt Nam tiếp thu của Trung Hoa. Ở đây có thể nhận thấy Cadière đã chỉ ra hai cơ tầng tôn giáo: cơ tầng tôn giáo văn hóa bề nổi của Trung Quốc được Việt hóa và cơ tầng tôn giáo bề sâu, tôn giáo nguyên thủy hồn linh và phiếm thần ẩn trong tín ngưỡng dân gian của người bình dân Việt Nam...
Hai cơ tầng này vừa kết hợp vừa đan xen với nhau chằng chịt, phức tạp một cách biện chứng. Có thể nói công trình Những tín ngưỡng và thực hành tôn giáo của người Việt Nam là tiêu biểu cho sự đối thoại tôn giáo - văn hóa của Cadière, một linh mục Thiên Chúa giáo phương Tây, Pháp với tôn giáo - văn hóa Việt Nam và cả tôn giáo - văn hóa Trung Quốc với cái nhìn khống thiên kiến, tôn trọng tôn giáo - văn hóa của kẻ khác như một giá trị tự thân. Đặc biệt ông luôn có những so sánh liên văn hóa tôn giáo giữa tôn giáo cổ truyền Việt Nanl và Cơ đốc giáo phương Tây hoặc tư tưởng triết lý phương Tây dù còn rơi rớt một ít và rất khó thấy sự đánh giá cao thấp giữa tôn giáo của mình và tôn giáo của kẻ khác, nhưng nhìn chưng, toàn bộ công trình lớn này vãn giữ thái độ tôn trọng kẻ khác như một hệ giá trị văn hóa tôn giáo riêng...
2- Trước tác của Cadière dưới góc nhìn "đối thoại liên văn hóa - tôn giáo"
Cách tiếp cận liên và xuyên văn hóa đối với trước tác của Cadière chính là nhằm tìm hiểu sự đối thoại văn hóa, đối thoại tôn giáo, sự tương giao các nền văn hóa và tôn giáo diễn ra trong con người và tư tưởng của ông, giữa văn hóa phương Tây / châu Âu / Pháp với văn hóa phương Đông / châu á/ Việt Nam, giữa Thiên Chúa giáo của ông và các tôn giáo khác có phần xa lạ với ông, các tôn giáo của kẻ khác, dân tộc khác, giữa nhiệm vụ của vị thừa sai nhằm truyền bá tôn giáo của mình và với nhiệm vụ và chức trách khách quan của một nhà khoa học đi tìm sự thật, chân lý, và thể hiện nó một cách trungg thực, không thiên kiến...
Với tư cách của một nhà khoa học, với đầu óc tò mò hiếu kỳ khoa học vô hạn định mọi lĩnh vực, Cadière đặc biệt ưa thích khoa học ngôn ngữ, khoa học xã hội và nhân văn. Có thể nói ông là nhà bác học tự học. Bằng sự miệt mài học tập và miệt mài lao động khoa học với sức làm việc kinh khủng, ông vừa chiếm lĩnh những thành tựu của sử học, dân tộc học, khảo cổ học, nhân loại học, ngữ văn học, tôn giáo học, và triết học trước hết của Pháp và sau đó là của châu Âu. Đồng thời ông đã thể hiện những tiếp biến trở thành máu thịt này trong 250 công trình lớn nhỏ. Ông đã vận dụng các thao tác quan sát, điều tra phát vấn khách quan, suy luận, phân tích tổng hợp, điền dịch, quy nạp, đặc biệt phương pháp so sánh đối chiếu và cách tiếp cận liên ngành, liên lĩnh vực đã trở thành hệ phương pháp ưa thích của ông, do ông có sự hiểu biết rất rộng nhiều lĩnh vực và có kiến thức bách khoa, nhất là đào rất sâu vào các sắc thái ngữ nghĩa của ngôn ngữ để tìm hiểu bản chất và quan niệm của tư tưởng, văn hóa, tôn giáo.
Thêm vào đó, ông là con người có nghị lực phi thường, biết vượt qua những khó khăn, đặc biệt là từ giai đoạn làm tuyên úy trường Pellerin ở Huế (1913-1918) với sự thuận tiện dễ dàng trong nghiên cứu và cống hiến khoa học, nhất là cống hiến cho tờ Đô thành hiếu cổ, được điều chuyển sang làm cha xứ Di Loan (gần Cửa Tùng và sông Bến Hải). Đó là nơi xa môi trường khoa học, nơi ông phải đảm nhận trăm công nghìn việc, bận bịu với vai trò mục vụ và quản hạt, nhưng cuối cùng với nỗ lực vô cùng tận ông đã vượt qua những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua được để tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu khoa học và để lại bốn thành tựu lớn trong các lĩnh vực: sử học - dân tộc học giai đoạn cận đại; ngôn ngữ học, đặc biệt ngữ âm miền Trung và cú pháp tiếng Việt; dân tộc học tôn giáo; Huế học. Bốn lĩnh vực có thể gộp chung một khoa học đang thời sự hiện nay là Việt Nam học và ông là một nhà Việt Nam học xuất sắc và cũng và một trong những người đặt nền móng. Cadière đã sống 63 năm ở Việt Nam, ông đã sống với cường độ mãnh liệt trong cống hiến khoa học và mục vụ. Ông đã chọn Việt Nam làm quê hương để sống, chết và trước tác, với ước vọng muốn thấu hiểu chiều sâu sự bí ẩn bên trong của văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam, tư tưởng triết lý, tín ngưỡng, lịch sử và ngôn ngữ Việt Nam và thể hiện chúng bằng những công trình khoa học để giới thiệu cho nước Pháp và thế giới biết được bản sắc đặc sắc của văn hóa Việt. Ông đã làm được những điều đó và còn làm một cách xuất sắc: các công trình khoa học của ông, đặc biệt ở lĩnh vực ngôn ngữ học và dân tộc học tôn giáo, Huế học đều thể hiện điểm nhìn bên trong của người Việt, lăng kính Việt trong ngôn ngữ khoa học Pháp mà ông đã hóa thân cất tiếng nói. Và như vậy ông là người Việt còn hơn cả người Việt. Hay có thể nói ông là người nhập quốc tịch Việt (về tinh thần) gốc Pháp...
Nghiên cứu ngôn ngữ, văn hóa lịch sử, tín ngưỡng và tôn giáo Việt, nhưng cả 250 công trình của ông đều viết bằng tiếng Pháp, đối tượng độc giả mà ông nhắm tới là người Pháp và thế giới sử dụng tiếng Pháp, do vậy cách trình bày, lập luận, dẫn dắt, tạo hiệu ứng nơi người đọc bằng sự lạ hóa vừa bằng sự đối chiếu so sánh, vừa tạo phong vị khách quan của 1ôgíc nội tại. Bản thân các trước tác của ông đã có tính xuyên và liên văn hóa một cách hiển nhiên.
3. Phương cách tư duy và mô hình nghiên cứu đối thoại liên và xuyên văn hóa của Cadière.
Có thể nới phương cách tư duy nghiên cứu của Cadière là tư duy đối thoại liên văn hóa, liên chủ thể Tây - Đông, Pháp - Việt (chủ thể văn hóa Pháp, phương Tây, Thiên Chúa giáo của nhà nghiên cứu và chủ thể văn hóa Việt, phương Đông, châu Á với tín ngưỡng riêng), với sự chuyển hóa biện chứng giữa khách quan và chủ quan, giữa lăng kính bên ngoài và lăng kính bên trong. Trước hết chủ thể nghiên cứu là một nhà khoa học phương Tây đồng thời là một linh mục Thiên Chúa giáo, vậy để nghiên cứu cho trung thực thì phải rất khách quan, gạt bỏ thiên kiến, sự trịch thượng của vị chủng tộc Pháp, vị văn hóa châu Âu, vị tôn giáo của mình, phải quan sát, mô tả khách quan đối tượng nghiên cứu từ bên ngoài với nhãn quan vô tư, khoa học, sau đó cần nỗ lực thâm nhập sâu vào bên trong đối tượng nghiên cứu để đối tượng tự bộc lộ ý thức, quan điểm, lăng kính tư duy, cảm nhận, lôgíc tự thân ý kiến của mình như là một chủ thể. Chẳng hạn khi nghiên cứu tín ngưỡng và tôn giáo của người Việt, ngoài việc mô tả khách quan bên ngoài thì nỗ lực xâm nhập và lôgíc tự thân bên trong ý thức tín ngưỡng của người Việt để ý thức này lên tiếng về thần linh, về tổ tiên. Sau đó phải chuyển hóa ý thức này trong một ngôn ngữ Pháp vừa khách quan, khoa học để ý thức này có thể giao tiếp với một công chúng phương Tây, Pháp vốn còn xa lạ với nó. Ngoài cái đặc sắc khác biệt gây tò mò, ngạc nhiên, ông phải tìm cái chung, phổ quát xuyên hai nền văn hóa nằm trong sự tương đồng phổ quát của nhân loại. Ngoài ra, ông phải chỉ ra cái đặc sắc này mang một giá trị nhân bản nhất định thì mới thu hút được sự thông hiểu của độc giả Pháp, phương Tây. Có thể nói đại khái đó là diễn trình của phương cách tư duy nghiên cứu của tiểu luận Gia đình và tôn giáo ở Việt Nam mà Cadière phát biểu ở Luxembourg, cũng như viết lại hoàn chỉnh sau này. Phương cách tư duy này luôn phối kết và di động các lăng kính văn hóa, các ý thức văn hóa một cách biện chứng.
Trong mô hình nghiên cứu của ông, đối tượng nghiên cứu không phải cái hàn lâm, cái bác học, cái trừu tượng mà là đối tượng trong cái hàng ngày, cái sống động, hiện sinh, có tính bình dân, dân gian và có tính xã hội. Chẳng hạn khi ông nghiên cứu ngôn ngữ của người Việt thì đó là ông nghiên cứu lời ăn tiếng nói trong đời sống hàng ngày của người dân quê bình dân, trong sự giao tiếp sống động mang tính xã hội. Từ việc nghiên cứu đó mà ông rút ra ý thức về cú pháp Việt, ngữ âm Việt, lôgíc nội tại của cú pháp và ngữ âm Việt này, chứ không lấy cú pháp Pháp, phương Tây để áp đặt. Chính trong việc nghiên cứu tục ngữ, ngạn ngữ, ca dao của người Việt đang sử dụng mà ông phát hiện ra tư tưởng triết lý của người Việt.
Sự độc đáo của mô hình và phương pháp làm việc của Cadière ở chỗ ông nghiên cứu chiều sâu của xã hội Việt Nam bao quát qua nhiều biểu hiện xuyên và xuyên và liên lĩnh vực: lịch sử, ngôn ngữ, các phương ngữ, các địa danh, những truyền thống phong tục, nghệ thuật, triết lý dân gian, tư tưởng tôn giáo và ngay cả những thực hành ma thuật, địa lý phong thủy...
Có thể nói ông luôn chú ý phối kết các phương pháp, các cách tiếp cạn như: phân tích ngữ nghĩa học (hay ngữ văn học) kết hợp với phương pháp tiếp cận liên ngành; phương pháp so sánh đối chiếu liên văn hóa các dân tộc và các vùng miền ở Việt Nam kết hợp với phương pháp loại hình và phương pháp lịch sử. Cho nên, sử của ông là sử dân tộc học, dân tộc học của ông lại là dân tộc học tôn giáo, mỹ thuật Huế của ông luôn được khảo sát gắn với nhãn quan so sánh với mỹ thuật Trung Quốc và mỹ thuật miền Bắc. Ngữ âm tiếng Việt phương ngữ miền Trung của ông luôn luôn có sự so sánh đối chiếu với ngữ âm chung cả nước, ngữ âm miền Bắc, giữa ngữ âm Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ, ông luôn đi tìm loại hình và biến thể, tính biện chứng giữa cái chung và cái riêng. Khi ông nghiên cứu tục ngữ, ngạn ngữ của người Việt Nam thì gắn với việc tìm hiểu vũ trụ quan và nhân sinh quan của người bình dân, cớ nghĩa là gắn với triết lý dân gian người Việt. Nghiên cứu quy hoạch, kiến trúc của xứ Thần kinh, ông lại gắn với địa lý phong thủy và các truyền thuyết lịch sử siêu nhiên.
Phương pháp làm việc của ông luôn kết hợp điều tra, thực địa điền dã, phát vấn, phỏng vấn, với việc vừa tham khảo các tư liệu sách vở, nhưng ông luôn xuất phát từ tư tưởng thực tiễn, kiểm nghiệm thực tế ở thực địa để kiểm tra, đính chính các điều đã viết ở các tài liệu đó để đánh giá độ xác thực của chúng.
Đối với các nguồn tài liệu viết ông luôn luôn có sự phân tích, đánh giá, đối thoại lại về quan điểm văn hóa chẳng hạn khi tham khảo các tài hếu viết về đề tài gia đình và tôn giáo người Việt của các nhà nghiên cứu có quan điểm duy Trung Quốc luận hay duy châu Âu luận thì ông luôn có sự đối thoại lại xử lý và tiếp thu những hạt nhân rất uyển chuyển tinh tế.
Mặt khác, phương pháp trình bày các công trình khoa học của ông luôn chú trọng việc cung cấp các dữ liệu xác thực với việc miêu tả vừa tổng thể toàn vẹn đối tượng vừa tỉ mỉ chính xác từng chi tiết, có thề kèm hình vẽ, hoặc ảnh chụp nhiều góc độ để sau này dựa vào đó có thể tái phục dựng nguyên trạng. Các bài viết của ông về Huế sau này giúp cho việc phục hồi nguyên trạng các di tích với các chi tiết rất chính xác về kiến trúc kinh thành Huế, cung điện, lăng tẩm Huế. Hoặc khi ông nghiên cứu các môtíp trang trí của mỹ thuật Huế, ông luôn để đính kèm các tranh vẽ hoặc ảnh chụp. Ông biết tất cả có thể mất đi với thời gian nên lưu giữ lại nó như một ký ức sống động trong các bài viết của mình.
Điều cốt tủy của phương cách tư duy và mô hình nghiên cứu đối thoại liên và xuyên văn hóa của ông là đầu óc và tấm lòng rộng mở. Ông có cái tâm, một tấm lòng, sự thiện cảm, sự thấu hiểu và cả tình yêu đối với nền văn hóa kẻ khác khi nghiên cứu. Đó là trường hợp khi ông viết tiểu luận Gia đình và tôn giáo ở Việt Nam hoặc hai bài viết chùa Quốc Ân vào năm 1914, 1915 ở tạp chí Đô thành hiếu cổ (BAVH). Các bài viết về chùa Quốc Ân cho thấy sự cởi mở của tinh thần đối thoại các tôn giáo, ngoài ra ta còn thấy sự đồng cảm về thân phận, nhà truyền giáo nước ngoài đến sống và chết ở Huế, Việt Nam. Trong thân phận nhà sư Tạ Quang Thiệu, người Trung Quốc đến trụ trì ở chùa Quốc Ân Huế, hành đạo ở Huế và chết ở đó, Cadière lại thấy trong đó thân phận nhà truyền giáo đến Việt Nam của mình. Dù khác tôn giáo nhưng đồng thân phận. Ông cũng thấy thân phận người nông dân Việt Nam cần cù, chất phác nhưng mà khổ rất giống với thân phận người nông dân quê ông ở Pháp, đó cũng là sự nhận thức biểu hiện xuyên văn hóa mang tính nhân bản của ông.
Khác vời phần lớn các nhà nhân chủng học, dân tộc học Pháp và châu Âu trước chiến tranh thế giới thứ hai, thường nghiên cứu các xã hội của các tộc người nguyên thủy không chữ viết, không lịch sử, Cađière luôn có ý thức rằng đối tượng nghiên cứu của ông là xã hội Việt Nam, một xã hội đã có một nền văn minh khá cao và độc đáo có lịch sử sôi động hào hùng, có chữ viết, có tư tưởng triết lý dân gian và hệ tôn giáo riêng. Cho nên ống vừa có thái độ tôn trọng vừa có thái độ thiện cảm nền văn hóa của kẻ khác này. Sau này nghiên cứu kỹ và sau, ông đâm ra hiểu và mê say, tự xem đó là nền văn hóa của chính mình mà ông có nhiệm vụ giới thiệu cho độc giả quê hương gốc ông và thế giới. Ý thức văn hóa của ông diễn ra một quá trình hoán chuyển văn hóa kẻ khác (văn hóa Việt) trở thành văn hóa máu thịt của chính ông. Văn hóa Pháp, văn hóa tôn giáo và văn hóa khoa học Pháp và phương Tây trong ông lại giúp cho việc ông nghiên cứu văn hóa Việt có chiều sâu hơn, có tính mới mẻ hơn và dễ giúp ống truyền bá nó ra thế giới hơn...
Với những đóng góp to lớn cho việc nghiên cứu và quảng bá văn hóa Việt, văn hóa Huế ra thế giới, Léopold Michel Cadière xứng đáng được vinh danh là một nhà khoa học lớn, một nhà Việt Nam học và Huế học xuất sắc, một danh nhân văn hào đáng tôn xưng trong lòng người Huế nói riêng và người Việt Nam nói chung. Tên tuổi của ông mãi mãi xứng đáng được lưu truyền với hậu thế.
1. BAVH, 1930, tr. 353-413.
2. EFEO, 1955-1958, 1992, 3 tập.