Thứ Tư, 16 tháng 3, 2011

GIẢNG LỄ TĨNH TÂM THỨ TƯ 16/3


Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính


Lc 11, 29 -32
“Khi dân chúng tụ họp đông đảo, Đức Giê-su bắt đầu nói: "Thế hệ này là một thế hệ gian ác; chúng xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giô-na. Quả thật, ông Giô-na đã là một dấu lạ cho dân thành Ni-ni-vê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy. Trong cuộc Phán Xét, nữ hoàng Phương Nam sẽ đứng lên cùng với những người của thế hệ này và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã từ tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Sa-lô-môn; mà đây thì còn hơn vua Sa-lô-môn nữa. Trong cuộc Phán Xét, dân thành Ni-ni-vê sẽ chỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giô-na rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Giô-na nữa”

Sau thế chiến thứ hai, mục sư Guenter Rutenborn ở Đông Đức đã viết vở kịch ngắn nói lên nỗi thất vọng băn khoăn của nước Đức. Vở kịch đã gây ảnh hưởng đến nỗi được diễn lại đến 1.000 buổi diễn. Tác giả đã bị dằn vặt bởi tính phi nhân của chiến tranh, ông đặt vấn nạn là ai chịu trách nhiệm về tất cả những sự việc này? Người thì nói là Hitler, người nói là dân Đức, người thì cho rằng chính là do Thiên Chúa. Chính vì thế mà Chúa cũng bị hầu toà trong vở kịch của Rutenborn mà hầu hết nhân chứng là các nạn nhân. Người ta tố cáo, quy trách nhiệm nhưng cuối cùng dường như chẳng quy tội được ai. Cuối cùng, vị chánh án quyết định: Thiên Chúa chịu trách nhiệm. Vậy là Thiên Chúa thành tội nhân. Và bản án dành cho Thiên Chúa như thế này: để Ngài làm người, một con nguời lang thang, vô gia cư, nghèo khổ, một người Do Thái bị khinh miệt. Khi chiếc búa của vị chánh án gỏ xuống, ba tổng lãnh thiên thần thi hành bản án. Gabriel nói: “Tôi sẽ đến với một trinh nữ tên là Maria. Cô ấy sẽ mang thai để Ngài làm một người Do Thái”. Micae nói: “Tôi sẽ đi truyền lệnh cho các thiên sứ cứ thả Ngài đi đứng tự do trên mặt đất khỏi cần phải bảo vệ”. Raphael nói: “Tôi sẽ có mặt khi Ngài chết và sẽ đứng bên mộ Ngài”. Rutenborn dùng việc con người trừng phạt Thiên Chúa như là lời tiên báo cho sự xuất hiện của chủ nghĩa vô thần, chính vì thế ông đặt tên cho vở kịch là “Dấu hiệu Giona”.
Là một nhân vật Cựu Ước, việc thiếu những dữ kiện lịch sử đã tạo cơ hội cho những chi tiết thần thoại và biến Giona thành một nhân vật dân gian của người Do Thái. Hình tượng một ngôn sứ Giona có tính cách văn chương huyền hoặc gắn liền với cuốn sách mang tên ông. Vì thế, cũng giống như các đoạn khác trong Kinh Thánh, sự thật lịch sử không nằm trong các tình tiết nhưng trong sứ điệp của câu chuyện.
Trong chương 7 của Tin Mừng Thánh Gioan, khi ông Nicôđêmô bắt đầu có cảm tình với Chúa Giêsu thì liền bị các ông pharisiêu đồng nghiệp khác dạy khôn rằng: “Cả anh nữa, anh cũng là người Galilê sao? Hãy cứ nghiên cứu rồi thấy rằng (ἐραύνησον καὶ ἴδε): không một ngôn sứ nào xuất thân từ Galilê” (Ga 7, 52). Trong câu này, các động từ được dùng ở “impératif aoriste” trong  nguyên bản tiếng Hy Lạp (“aoriste” là một thì đặc biệt trong ngôn ngữ Hy Lạp một cách nào đó tương tự với thì “parfait”) ngụ ý khẳng định dứt khoát rằng từ trước đến nay chưa từng có một vị ngôn sứ nào là người Galilê. Thế nhưng họ đã sai lầm: ngôn sứ Giona mà Chúa Giêsu nhắc đến xuất thân từ làng Gát Khêphe, cách Nazareth khoảng 4 dặm, trong vùng Galilê. Và câu chuyện ông ở trong bụng cá ba ngày được Chúa Giêsu nhắc đến như điềm tiên báo cho ba ngày Ngài ở trong ngôi mộ.
Thật ra, sự kiện Giona ở trong bụng cá ba ngày không phải là một “dấu hiệu” gì đối với những người dân Ninivê bởi vì khi rao giảng ông không hề nhắc đến câu chuyện đó và cũng  không có một dòng chữ nào trong sách Giona cho thấy người dân thành Ninivê biết chuyện ông ở trong bụng cá ba ngày. Vậy thì khi Chúa Giêsu nói đến “dấu hiệu Giona” thì không chỉ là Ngài muốn nói đến ba ngày của Giona trong bụng cá như ba ngày Chúa Giêsu ở trong mộ mà còn cả lời rao giảng của Giona nữa, chính nhờ đó mà người dân Ninivê đã có thể ăn năn hối cải. Như Giona là một ngôn sứ từ xa đến để rao giảng sự thống hối cho dân Ninivê ngoại giáo, Chúa Giêsu cũng như vậy đối với người Israel đương thời mà Chúa Giêsu gọi là “thế hệ gian ác này”. Thánh Êphem đã giải thích rằng: “Bởi vì họ đã nghe rao giảng từ trời cao nhưng vẫn không tin, nên Thiên Chúa ban cho họ lời rao giảng từ chiều sâu. Lời rao giảng phát xuất từ chiều sâu, từ tận bên trong như chính Giona đi ra từ bụng cá. Qua sự phục sinh của Ngài, Thiên Chúa chúng ta cũng đã đi ra từ lòng đất. Lời rao giảng của Ngài chính là “dấu hiệu Giona”, lời xuất phát từ chiều sâu và mang lại sự sống”. Sự bất mãn của Giona vì dân Ninivê thống hối là thái độ bất khoan dung của Do Thái giáo vào thời của Chúa Giêsu và còn tượng trưng cho thái độ xấu của các luật sĩ và biệt phái. Cuối cùng, “dấu hiệu Giona” là Thiên Chúa yêu thương ngay cả kẻ thù của mình, luôn mở rộng bàn tay thương xót đối với những ai ăn năn hối lỗi trước khi ngài xét đoán. Đó là một tình yêu phổ quát, không thiên vị bất cứ người nào và Thiên Chúa minh hoạ tình yêu của Ngài qua sự phục sinh của Chúa Giêsu.
Trong bối cảnh của cuộc tĩnh tâm linh mục hằng năm này, “Dấu hiệu Giona” cũng nói lên nhiều điều với chúng ta là những người đang dùng thời gian tĩnh tâm để suy xét lại những gì mình đã làm trong một năm qua. Có thể cách đối xử của chúng ta cũng chẳng khác với Giona là bao. Làm chuyện gì thì ông chỉ làm chiếu lệ. Nhận được lệnh đi Ninivê, ông lập tức lên đường nhưng đi về hướng ngược lại. Khi đến Ninivê, một thành phố rộng bằng 3 ngày đàng, nhưng khi ông chỉ đi có một ngày đàng và rồi như Chí Phèo nằm ăn vạ. Ăn nói là nghề của ông, thế nhưng ông cũng chẳng thèm giảng thuyết bằng những bài giảng cho ra hồn mà chỉ lập đi lập lại một câu rất ngắn chỉ có 5 từ bằng tiếng Do thái có nghĩa là “Còn 40 ngày nữa thành Ninivê sẽ bị phá đổ”. Không một lời kêu gọi ăn năn thống hối, không một lời loan báo về sự tha thứ của Chúa, chỉ loan báo sự nghiêm trị của Thiên Chúa và giận dữ lên khi cảm thấy uy tín của mình bị lung lay vì Chúa chẳng ra tay trừng phạt như lời mình rao giảng.     
Cũng giống như Giona, trong công việc mục vụ, nhiều khi chúng ta làm việc Chúa nhưng dùng “bàn tay của Chúa” để khẳng định mình. Có những khi ta trượt ra ngoài quỹ đạo của Chúa và đấy là những lúc ta như Giona tạo nên những cơn giông bão trong cuộc đời mình và ngay cả cho những người chung quanh, và chính đó là lỗi có trọng lượng nặng nhất như Thánh Gioan Kim Khẩu đã nhận xét: “Trong khi cố gắng vất hết các đồ đạc để cho nhẹ thuyền đi, thì các thủy thủ mới khám phá ra rằng tội của Giona là thứ hàng hoá nặng nề nhất, vất ông xuống biển thì thuyền nhẹ tênh”. Ngôn sứ xưa và nay, thời nào vẫn thế, vẫn luôn được kêu gọi trở về với căn tính của mình. Và tưởng như không gì xúc tích hơn lời của Đức Giáo Hoàng Piô XI trong số 34 của Thông điệp Ad catholici sacerdotii: “Giữa một thế giới mà mọi sự đều có thể mua bán được, linh mục phải biết vượt qua tính vị kỷ, khinh chê mọi tham vọng thấp hèn và được thua trần thế, tìm kiếm các linh hồn chứ không phải tiền bạc, vinh quang Thiên Chúa chứ không phải vinh quang cho mình. Linh mục không phải là thương gia làm việc để kiếm lợi nhuận thế trần, không phải là công chức làm việc chiếu lệ cho xong bổn phận để nhắm đến con đường sự nghiệp; linh mục là người lính của Đức Kitô không vướng mắc vào những sự đời, như thế mới đẹp lòng Đấng mà họ hiến thân phục vụ (2 Tm 2, 3.4)”. Amen.