Thứ Bảy, 5 tháng 3, 2011

LƯỢC SỬ GIÁO XỨ GIA CHIỂU






Lm. Gioan Võ Đình Đệ

I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ
Từ Tòa Giám Mục Qui Nhơn theo hướng Nam ra Bắc trên quốc lộ số 1, qua khỏi cầu Dợi khoảng 100 mét, rẽ trái về hướng Tây, trên con đường lên nguồn nhiều khúc quanh co sẽ đến thị trấn Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân, cách cầu Dợi 11km, cách Tòa Giám Mục 95 km. Nhà thờ Gia Chiểu toạ lạc trên đường 19 tháng 4, thôn Gia Chiểu, thị trấn Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định. Phần đất giáo xứ Gia Chiểu ngày nay bao gồm giáo xứ Đồng Quả và Đồng Dài ngày xưa.
II. LƯỢC SỬ
Vùng đất thuộc giáo xứ Gia Chiểu đã được các thừa sai Dòng Phanxicô đến loan báo Tin Mừng từ đầu thế kỷ 18. Năm 1726, Đức cha Phanxicô Perez, Giám mục Giáo phận Đàng Trong (1684-1728) đã lập một nhà thờ kính Tổng Lãnh Thiên Thần Micae tại Đồng Hâu. Trong thống kê tình hình Giáo phận năm 1850 của Thánh Giám mục Stêphanô Cuénot Thể, vị Giám mục thứ 10 của Giáo phận, có Đồng Hâu Đông: 350 tín hữu; Đồng Hâu Tây: 246 tín hữu, là 02 trong số 15 giáo điểm thuộc vùng Bồng Sơn Miền Núi[1] .
      Sau phong trào Văn Thân, từ năm 1889-1900 nhiều gia đình xin gia nhập Kitô giáo, các giáo họ được thành lập trong thời điểm nầy là Gia Chiểu, Linh Chiểu, An Chiểu, Đức Long, An Thoại, An Đông, tất cả trực thuộc giáo xứ Thác Đá. Gia Chiểu được chọn làm cư sở của các linh mục, nhà thờ Gia Chiểu đầu tiên do cha Phêrô Phan Nho (1867 - 1935) xây dựng. Tháng 06 năm 1914, Gia Chiểu được tách khỏi giáo xứ Thác Đá, nhập về giáo xứ Đồng Quả.
      Năm 1939, các giáo họ Gia Chiểu, Đồng Hâu, Gò Dê được tách khỏi giáo xứ Đồng Quả lập thành giáo xứ Gia Chiểu.
- Các linh mục quản xứ Gia Chiểu:
1.      Cha Phêrô Nguyễn Sĩ Tư được bổ nhiệm làm cha sở tiên khởi của Gia Chiểu. Cha làm việc tại đây từ năm 1939-1946.
2.      Cha Phêrô Trần Anh Tước ( 1946-1956 )
3.      Cha Gioan Baotixita Nguyễn Đức Quảng ( 1956-1972 )
      Từ năm 1965 - 1975 các huyện phía Bắc tỉnh Bình Định: Hoài Ân, Hoài Nhơn và An Lão, là vùng chiến tranh ác liệt. Các giáo xứ trong vùng dần dần không còn tên trong bản thống kê của Giáo phận. Riêng giáo xứ Gia Chiểu còn sinh hoạt đến mùa hè năm 1972, nhưng phần đông giáo dân đã di tản, chỉ còn ở lại số nhỏ 297 người. Cuối năm 1972, nhà thờ đã bị đạn bom loang lỗ, giáo dân tản lạc. Từ đây giáo xứ Gia Chiểu cùng đau đớn với các giáo xứ trong vùng: bị xóa tên trong thống kê hằng năm của giáo phận.
4.      Từ năm 1975 đến nay các cha sở Đại Bình chăm sóc mục vụ.
      Sau ngày 30/04/1975, hầu hết số giáo dân di cư đã ổn định công ăn việc làm, chỉ có một số ít trở về quê sinh sống với ruộng vườn. Trong chiến tranh, tất cả các cơ sở của giáo xứ trở thành hoang phế. 07 giáo xứ trong vùng chỉ còn lại giáo xứ Đại Bình là trung tâm sinh hoạt phụng vụ của bà con giáo dân.
      Ngày 31/7/2000, Tòa Giám Mục gởi đơn xin xây dựng nhà thờ tại Gia Chiểu. Sau thời gian hiệp thương, chính quyền địa phương đề nghị 02 vị trí trong thị trấn Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài An, để Toà Giám Mục chọn lựa, vì vị trí nhà thờ cũ đã được nhà nước xây dựng các cơ quan. Đức Giám mục thành lập đoàn khảo sát thực địa do chính ngài làm trưởng đoàn. Sau khi khảo sát và tham khảo ý kiến các linh mục trong đoàn, Đức giám mục quyết định chọn vị trí khu đất như ngày hôm nay.
      Ngày 08/10/2004, Tòa Giám Mục đã nhận được quyết định số 2858/QĐ-CTUB của UBND tỉnh Bình Định giao 5.320 m² đất tại thôn Gia Chiểu, thị trấn Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài An, để xây dựng nhà thờ, nhà xứ và nhà sinh hoạt.
      Ngày 01/12/2004, quyết định số 3183/ UB - NC của UBND tỉnh Bình Định cho phép Toà Giám Mục Qui Nhơn xây dựng mới nhà nguyện tại thị trấn Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân.
       Ngày 25/01/2005, giấy phép xây dựng số 05/ GPXD của Sở Xây Dựng tỉnh Bình Định cấp cho Toà Giám Mục xây dựng các hạng mục tại nhà thờ Gia Chiểu: Nhà thờ, nhà xứ và nhà sinh hoạt.
       Trong thời gian tiến hành các giấy tờ hành chánh, hai gia đình có đất và nền nhà trong khu đất được giao cho Toà Giám Mục không chấp thuận việc đền bù, giải toả của chính quyền. Toà Giám Mục phải chờ đợi đến đầu năm 2007 chính quyền địa phương và hai gia đình nầy mớigiải quyết ổn thỏa.
       Ngày 12 tháng 3 năm 2007, Phòng Tài Nguyên và Môi Trường huyện Hoài Ân cùng các cơ quan và các ban ngành liên hệ đã tiến hành đo đạc thực địa, cắm mốc giao đất cho Toà Giám Mục.
       Ngày 04/4/2007, Sở Xây Dựng Bình Định cấp giấy phép gia hạn số 24/GPXD với nội dung như giấy phép xây dựng số 05/ GPXD ngày 25/01/2005.
       Ngày 11/4/2007, khởi công xây dựng tường rào khuôn viên khu đất.
       Ngày 23/5/2007, khởi công đào móng xây dựng nhà thờ.
       Theo kế hoạch, mỗi gia đình sẽ đóng góp ngày công theo chu kỳ vòng tròn cho đến khi hoàn tất công trình. Ngày khai móng xây tường, những khuôn mặt hốc hác sạm nắng và đôi tay gân guốc của chủ chăn cũng như đoàn chiên đã toát ra niềm hạnh phúc, vì nỗi khát khao có một nơi sum họp thờ phượng Chúa và hôm sớm được Chúa Giêsu Thánh Thể ủi an nay đang được hình thành.
       5. Cha Giuse Nguyễn Đình Bút thụ phong linh mục ngày 04/03/2005 và được bổ nhiệm làm phó xứ Đại Bình. Ngày 02/04/2008, Đức Giám mục giáo phận đã bổ nhiệm cha Giuse Nguyễn Đình Bút, một người con lớn lên trong lòng của quê hương Hoài Ân, đã từng thâm cảm nỗi niềm của bà con quê mình, đến ở biệt lập tại Gia Chiểu. Hôm nay, ngày 22.09.2009, Đức Giám mục Giáo phận đã quyết định tái thành lập giáo xứ Gia Chiểu và bổ nhiệm Cha Giuse Nguyễn Đình Bút làm cha sở.

Hiện tình giáo xứ Gia Chiểu:
Stt
GIÁO HỌ
NHÀ THỜ
NHÀ NGUYỆN

Xây dựng
Hiện trạng
gdân
1
GIA CHIỂU
lâu
đang xây
71
261
2
Phú Trị
chưa
không có
25
110
3
ĐỒNG QUẢ
lâu
còn nền
28
107
4
Đồng Quả Hạ
lâu
còn nền
65
303
5
Hội Tĩnh
lâu
còn nền
16
70
6
Đồng Gí
lâu
mất vết tích
13
55
7
Gò Dê
lâu
còn nền
22
79
8
Đồng Hâu
lâu
còn nền
27
99
9
Ngãi Điền
lâu
còn nền
87
368
10
Truông Ổi
lâu
còn nền
20
84
11
ĐỒNG DÀI
lâu
còn nền
22
82
12
Long Quan
lâu
xây cơ quan
3
7
TỔNG CỘNG
399
1625

     
 III. LINH MỤC, TU SĨ XUẤT THÂN TỪ GIÁO XỨ
- Xuất thân từ giáo họ Đồng Hâu
1. Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Do (1823 - 1872)
       Trong thời kỳ cấm đạo của triều đình Minh Mạng, cha Stêphanô Cuénot Thể được tấn phong Giám mục ngày 03/05/1835 tại Singapore và được bổ nhiệm làm Giám mục phó Giáo phận Đàng Trong. Trước khi Đức cha Cuénot về đến Gò Thị, Đồng Hâu là một trong những nơi an toàn được vinh dự đón Đức cha Cuénot Thể đến ẩn trú. Trong thời gian Đức cha trú ẩn tại Đồng Hâu, cậu Phanxicô Xaviê Nguyễn Do là người địa phương được chọn giúp việc cho Ngài. Người được chọn giúp việc cho Đức cha, năm 1848 được Đức cha chọn làm thầy sáu Do, rồi cha Do hay còn được anh em Dân tộc Tây Nguyên gọi là cha Lành, rất cụ thể như bản tính hiền lành của cha.
       Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Do, một người được Thiên Chúa tiền định cho công cuộc truyền giáo Tây Nguyên của vị Giám mục truyền giáo, Đức cha Cuénot Thể. Sau nhiều lần thất bại trong việc mở các nẻo đường đem Tin Mừng đến Tây Nguyên, Đức cha Cuénot quyết định chọn thầy Do vừa mới từ chủng viện Pinang trở về làm người mở đường truyền giáo Tây Nguyên qua ngõ Trạm Gò, An Sơn. Lên đường thi hành chỉ thị của Giám mục, thầy sáu Do với bộ quần áo rách rưới được ông Quyền, một lái buôn tại An Sơn nhận làm người chăn nuôi gia súc cho ông, một công việc mà ngày xưa đã làm cho đứa con hoang đàng rơi nước mắt, là nỗi cơ cực anh ta phải gánh chịu vì thiếu tình yêu (x. Lc 15,11-20). Ngược lại, ngày nay công việc ấy làm cho thầy Sáu hạnh phúc, vì đó là niềm vui của một con tim tràn đầy yêu thương, yêu thương các linh hồn, vâng yêu thánh ý Chúa qua lời chỉ dạy của Giám Mục. Từ người chăn nuôi gia súc tại gia đình đến người đầu bếp cho ông lái buôn rày đây mai đó trong các buôn làng Dân tộc, thầy sáu Do học tiếng Dân tộc, biết được ngõ ngách giao thông, người con đất Đồng Hâu trở thành người tiên phong khai mở thành công con đường phát triển và truyền giáo Tây Nguyên. Thầy Thám, em ruột thầy sáu Do, nối bước chân người anh dẫn đường đoàn truyền giáo thứ hai là cha Dourisboure và cha Desgouts lên Tây Nguyên xây dựng nông trường đầu tiên tại Kontum vào năm 1856.
            2. Cha Giacôbê Nguyễn Hữu Thiên (1892 - 1947)
3. Ba linh mục và một nữ tu trong một gia đình:
           Trước phong trào Văn Thân 1885, Đồng Hâu cũng như Gò Dê, mỗi giáo họ trên 400 tín hữu. Sau Văn Thân, Đồng Hâu còn 38 và Gò Dê còn 17 tín hữu. Trong số những người còn sống sót có gia đình thầy Ba Đàn (thầy thuốc) đã cung cấp cho Hội Thánh 03 linh mục và 01 nữ tu:
               3.1. Cha Simon Nguyễn Chính (1856 – 1919), một nhà truyền giáo, lập các họ đạo dọc theo quốc lộ 19 như Đông Viên, Mỹ Ngọc, Trường Cửu, Hòa Tân, Đông Lâm, Trán Long, Nhơn Nghĩa, Thủ Thiện và viết nhiều sách giáo dục – truyền giáo như: Thánh Đạo Đại Nguyên, Con nít học nói, Tự vị nho, Thiên Chúa luận, Gương tốt đồng nhi...
               3.2. Cha Antôn Nguyễn Toàn Chân (03/02/1876 – 18/01/1966), là bậc sư biểu trong giáo giới, làm giáo sư chủng viện từ khi thụ phong linh mục cho đến khi hưu dưỡng. Môn sinh của ngài có 04 Giám mục và hơn 150 linh mục phục vụ trong giáo phận Qui Nhơn, Kontum, Nha Trang và Đà Nẵng.
                3.3. Cha Tôma Thiềng (1887 - 1941), có tiếng là một linh mục thánh thiện.
                3.4. Nữ tu Marie Mélanie Nguyễn Thị Đồng (1896 -  08/9/1963), Bề trên người Việt đầu tiên của Hội Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn [2] .
- Xuất thân từ giáo họ Gia Chiểu:
1. Cha Phêrô Lê Nho Phú
-  Xuất thân từ Đồng Quả (giáo xứ cũ):
Giáo họ Đồng Quả (Kim Sơn ):
1. Cha Phêrô Nguyễn Kỳ Hội (1916 – 1984).
2. Cha Phaolô Nguyễn Thanh Bình (1920 – 2007).
3. Cha Inhaxiô Nguyễn Văn Bảo, Dòng Chúa Cứu Thế, (1921 – 1974).
4. Nữ tu Brigitte Nguyễn Thị Trọn, Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn.
       Giáo họ Phú Hữu ( Đồng Quả Hạ):
5. Cha Simon Nguyễn Kim Ngọc (1911 – 1979).

Giáo họ Hội Tĩnh:
6. Nữ tu Anna Nguyễn Thị Như Hồng, Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn.
Giáo họ Ngãi Điền:
7. Cha Simon Huỳnh Tấn Công (1919 – 2003).
8. Cha Giuse Nguyễn Đình Bút
- Xuất thân từ Đồng Dài (giáo xứ cũ)
1. Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Xuân Văn (1922 – 2002)
          IV. THAY LỜI KẾT
          Khí thiêng núi rừng hùng vĩ của nhánh núi Kim Sơn thuộc dãy Trường Sơn và sự trái ngược phong thủy thường xuyên của các nhánh sông Lại Giang giữa hai mùa mưa nắng, như đã rèn cho người dân trong vùng tính bền bỉ, điềm tĩnh trước những thử thách của cuộc đời:
                  Đã cam tháng đợi năm chờ,
      Duyên em đục chịu, trong nhờ, quản bao.
           Cảnh thiên nhiên ấy cùng với ơn Thánh Thần đã hun đúc tinh thần đức tin của các tín hữu trong vùng. Nối gót cha ông, đoàn tín hữu giáo xứ Gia Chiểu hôm nay đang viết tiếp trang sử đức tin của mình.
“Con chúc tụng Chúa hằng thương chỉ dạy,
Ngay cả đêm trường, lòng dạ nhắn nhủ con.
Con luôn nhớ có Ngài trước mặt,
Được Ngài ở bên, chẳng nao núng bao giờ”. (Tv 15,7-8)




[1] Xem Mémorial Mission de Qui Nhơn, số 58/1909, tr. 151.
[2] Xem Thông tin Địa phận, số 47, tr. 43-48