Thứ Tư, 11 tháng 4, 2012

BÀN THÊM VỀ TỪ GỐC HÁN



Anhmotsach
http://blog.yahoo.com/_CTK46KVTYHJR7Y2CH3K6XGUOZA/articles/393719/index

Báo LĐCT số 13 (6-8.4.2012) có đăng bài “Dùng từ gốc Hán” của tác giả Tống Văn Công (TVC). Vấn đề tác giả đặt ra trong bài viết là cần phải sử dụng từ Hán Việt theo đúng nghĩa vốn có của nó như trường hợp các từ thường bị dùng sai : quyết liệt, yếu điểm, mạn phép, doanh nhân…; đồng thời không nên “sáng tạo” những kết cấu “cọc cạch” giữa một từ thuần Việt với một từ gốc Hán theo cấu trúc tiếng Hán để tạo nên một cụm từ/từ “nửa ta nửa Tàu” theo kiểu: út nữ, cây mai quán, quốc giỗ… Đây là vấn đề hoàn toàn chính đáng và rất đáng quan tâm đối với tất cả mọi người trong việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
Tuy nhiên, cuối bài viết tác giả đã nêu một nhận định làm chúng tôi cảm thấy ít nhiều băn khoăn: “Phải là hai từ đều có gốc Hán mới có thể tạo từ kép (từ ghép-NV) như: thứ nữ, Mai Hoa quán, quốc lễ…”. Nhân đang đọc cuốn “Từ vựng gốc Hán trong tiếng Việt” của TS. Lê Đình Khẩn (NXB Đại học Quốc gia TP.HCM, 2002), chúng tôi xin bày tỏ thêm một số nhận xét, nhằm giúp cho vấn đề nêu trên được nhận diện thỏa đáng, thấu đáo hơn.
Trước hết, các ngữ liệu tác giả đưa ra khảo sát có thể phân thành hai loại đơn vị là từ ghép (thứ nữ, quốc lễ) và cụm từ (Mai Hoa quán). Cụm từ thì được tạo thành từ các đơn vị là từ (Mai Hoa + quán), còn từ ghép thì được tạo thành từ các đơn vị là tiếng (thứ + nữ, quốc + lễ); có thể gọi chung là từ ngữ gốc Hán.
Trong tiếng Việt hiện nay, bên cạnh loại từ thuần Việt, thì từ gốc Hán chiếm khoảng 60% vốn từ (H. Maspéro, 1912). Số từ ghép trong vốn từ gốc Hán này được phân chia thành nhiều loại. Trong đó có một loại là các từ được ghép bởi các thành tố gốc Hán, gọi là “từ ghép thuần Hán”: sơn hà, quốc gia, ngôn ngữ…; và có một loại khác có tên gọi “từ ghép hỗn hợp gốc Hán” là những “từ ghép được tạo thành bởi ít nhất là một thành tố đọc theo âm Hán Việt, các thành tố còn lại có thể là tiếng thuần Việt hoặc các tiếng ngoại lai đã được Việt hóa cao độ.” (tr.139, sđd) theo nhiều kiểu, ví dụ:
(a) Kiểu X hóa (trong đó X là thành tố không phải gốc Hán): xanh hóa, vôi hóa, bê tông hóa, ngói hóa, xi măng hóa, axít hóa…
(b) Kiểu X trưởng : lớp trưởng, nhóm trưởng, toán trưởng, ga trưởng…
(c) Kiểu trưởng X: trưởng ga, trưởng lớp, trưởng ban, trưởng tàu, trưởng nhóm…
(d) Kiểu tái X : tái mù, tái nghiện…
v.v…
Trở lại các ngữ liệu mà TVC dẫn ra, chúng ta dễ dàng xác định được từ ghép út nữ cấu tạo theo kiểu (b) nêu trên, còn từ quốc giỗ thì được cấu tạo theo kiểu (c). Cá nhân người sử dụng phỏng theo cách cấu tạo từ gốc Hán để tạo thành từ mới theo các kiểu trên là hiện tượng bình thường, vốn có trong nhiều ngôn ngữ, chứ hoàn toàn không phải là “cố bắt chước cách kết cấu của từ kép gốc Hán đã Việt hóa, để đặt ra từ mới gồm một từ gốc Hán với một từ thuần Việt” (TVC).
Ngoài ra, bên cạnh loại từ ghép theo kiểu hỗn hợp Hán-Việt như kể trên, trong tiếng Việt còn có những từ ghép mà các thành tố của nó ngoài yếu tố thuần Việt, hoặc yếu tố gốc Hán còn có những yếu tố vay mượn từ các tiếng ngoại lai khác như: quán ba (bar - tiếng Anh), nhà ga (gare - tiếng Pháp), xe ca (car - tiếng Anh), sa hoàng (sar - tiếng Nga), axít hóa, xi măng hóa, bê tông hóa…
Nhưng, tại sao với các từ theo kiểu vôi hóa, tái nghiện, lớp trưởng, thậm chí các từ nhà ga, axít béo, bê tông hóa có kiểu kết hợp các thành tố “cọc cạch” như vậy mà không thấy ai có ý kiến gì, sử dụng một cách bình thường; còn những từ quốc giỗ, út nữ, cây mai quán… lại gây cho người đọc sự chú ý và khó chấp nhận chúng như những từ bình thường khác? Rõ ràng, đây là những từ ghép mới xuất hiện, chưa được sử dụng nhiều. Do đó, việc nhận thấy chúng lạ lẫm là điều tất nhiên. Tuy nhiên, chúng là những từ “chưa quen nhưng không xa lạ”; theo thời gian, chắc chắn chúng sẽ được dùng ngày càng nhiều hơn và sẽ mặc nhiên gia nhập vào vốn từ vựng tiếng Việt, như những trường hợp kết hợp “cọc cạch” đã dẫn.
Tham khảo “Từ điển tiếng Việt” của nhóm Hoàng Phê - một trong ít cuốn từ điển có uy tín về mặt khoa học hiện nay – chúng tôi đã dễ dàng kê ra hàng loạt từ kết hợp theo kiểu nửa ta, nửa Tàu mà TVC đã phản đối: thầy giáo, cô giáo, nhà văn, thầy địa, hương khói, giấy phép, ngày sinh, người hùng, nhà băng, nhà báo, xiêm áo, sinh đẻ, phân chia, lỡ thì, hình ảnh, ca hát, sợ hãi, nhà vệ sinh, xe cơ giới, sách giáo khoa, thuyền buồm, ghe thuyền, lỗ vốn, cao tuổi, giảng dạy, thuốc bổ, súng trường,…
Cuối cùng, việc dùng từ Hán Việt, không phải bao giờ cũng vì lí do “từ gốc Hán nghe sang trọng hơn từ thuần Việt” như TVC nhận xét. Có những trường hợp buộc phải dùng từ Hán Việt vì không có từ thuần Việt có nghĩa tương đương để thay thế như: du kích, độc lập, kinh nghiệm… Nhưng quan trọng hơn, là có những trường hợp bắt buộc phải dùng từ Hán Việt - dù vẫn có từ thuần Việt tương đương, trong những trường hợp trang trọng, vì từ Hán Việt vốn có đặc tính cố hữu đó. Chỉ có thể nói Hội Phụ nữ, Báo Nhi đồng, nhà hộ sinh, phu nhân tổng thống… chứ không ai/bao giờ nói hội đàn bà, báo con nít, nhà giúp đẻ, vợ/bà xã tổng thống
Đôi lời góp thêm cùng tác giả và bạn đọc.