Nguyễn Thanh Quang
baobinhdinh
Văn hóa Sa Huỳnh là một nền văn hóa nổi
tiếng trong thời tiền sử và sơ sử Việt Nam, được đặt tên theo khu di tích mộ
chum Sa Huỳnh (Đức Phổ, Quảng Ngãi) do M. Vinet phát hiện năm 1909, và chính thức
định danh Văn hóa Sa Huỳnh vào năm 1937.
Những dấu vết văn hóa của cư dân cổ Sa
Huỳnh trên đất Quy Nhơn được phát hiện khá muộn qua các cuộc điều tra, khảo sát
và đào thám sát từ năm 1978, đã hé mở cho thấy cả bề dày và bề rộng của không
gian lịch sử - văn hóa Bình Định nói chung và Quy Nhơn nói riêng.
Nhóm di tích tiền sử và sơ sử vùng đất
Quy Nhơn: Hội Lộc, Núi Ngang, Đồi Điệp là một trong những tập hợp các di tích
khảo cổ học, có cùng một tính chất, phát triển trong cùng một giai đoạn và cùng
một khu vực với nhóm Truông xe, Gò Lồi, Chánh Trạch, Thuận Đạo (Phù Mỹ) và Động
Cườm, Ca Công, Gò Tháp…(Hoài Nhơn) - vùng cồn cát ven biển, gần bàu nước: Thị Nại,
Trà Ổ, Bàu Năng.
Hội Lộc, Núi Ngang, Đồi Điệp ngày này
thuộc xã Nhơn Hội, thành phố Quy Nhơn, là một cồn cát trải dài một bên là đầm
Thị Nại, một bên biển. Năm 1978, các nhà khảo cổ học phát hiện tại Hội Lộc, dọc
cồn cát ven biển xuất lộ nhiều mảnh gốm màu đen xám rải hầu khắp bề mặt, đã tiến
hành mở hai hố thám sát: 3m2 và 1m2, ở độ sâu 0,15m đến 0,35m, kết quả thu được
một bàn mài xám nhạt, 24 mảnh cuội vỡ, 500 mảnh gốm các loại, hoa văn không rõ
nét, chủ yếu là mảnh vỡ của bình, hũ, nồi đựng đáy bằng. Ngoài ra, còn phát hiện
trong lớp đất màu xám có lẫn tro than.
Tại Núi Ngang, một ngọn núi nhỏ khá bằng
phẳng cách đầm Thị Nại khoảng 400m, cũng thuộc địa phận thôn Hội Lộc, qua khảo
sát phát hiện trên bề mặt có nhiều mảnh gốm vỡ, thuộc loại gốm thô pha nhiều
cát, nhiệt độ nung cao, màu nâu, xương gốm màu đen.
Đồi Điệp thuộc thôn Hội Bình, được phát
hiện năm 1997, dọc chân núi dưới lớp đất canh tác có một lớp vỏ sò điệp khá
dày. Tuy chưa có cuộc đào thám sát kiểm tra, nhưng qua xói lở tự nhiên làm xuất
lộ xác sò điệp dày khoảng 2m. Loại hình di tích như Đồi Điệp, các nhà khảo cổ
đã phát hiện trong các di tích ở Bàu Tró (Quảng Bình).
Loại hình hiện vật tìm thấy qua khảo
sát, đào thám sát tại Hội Lộc, Núi Ngang
và Đồi Điệp thuộc văn hóa Sa Huỳnh, chủ yếu là những mảnh bình, vò, nồi có nắp
đậy, nói chung là loại hình đồ gia dụng, có kích cỡ nhỏ, chưa phát hiện những mảnh
chum, vò lớn dùng để chôn xác người như khu mộ chum Động Cườm (Tam Quan Nam,
Hoài Nhơn). Mặc dù, chưa có cuộc khai quật khảo cổ học mở rộng diện tích để
nghiên cứu sâu, nhưng với những dấu tích vật chất còn để lại, các nhà khảo cổ học
đã khẳng định chắc chắn: Từ hậu kỳ đồng thau và sắt sớm (cách ngày nay khoảng
2500 năm), Quy Nhơn đã có cộng đồng cư dân tiền sử đến định cư và sinh sống.
Hàng loạt trống đồng Đông Sơn được phát
hiện trong những năm 90 của thế kỷ trước và những năm vừa qua trên địa bàn các
huyện: Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, Phù Cát, An Lão, có chôn theo nhiều mảnh gốm thô
mang đậm phong cách văn hóa Sa Huỳnh đã có thêm nhận thức mới: Từ trước Công
Nguyên người Sa Huỳnh đã có sự giao tiếp với không gian văn hóa Đông Sơn ở phía
Bắc và không gian văn hóa Đồng Nai ở phía Nam; Đến thế kỷ thứ X, không gian xã
hội văn hóa Champa cũng có sự giao tiếp và tiếp nối với không gian xã hội văn
hóa Thăng Long – Đại Việt ở Bắc và không gian xã hội Phù Nam, Chân Lạp ở Nam.
Có thể xem Quy Nhơn – Bình Định từng là nơi tiếp nhận và hội tụ các luồng văn
hóa Bắc Nam, chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Ấn Độ miền Nam Á và văn hóa Trung
Hoa miền Hoa Nam.
Giả thuyết khoa học được đề ra từ những
năm trước về những di tích Sa Huỳnh muộn, có thể cũng là những di tích Champa sớm,
đã và đang được làm sáng tỏ. Như vậy, chủ nhân văn hóa Sa Huỳnh là tổ tiên trực
tiếp của những cư dân đã xây dựng quốc gia Champa. Quy Nhơn hiện nay có đủ di
tích của hai nền văn hóa đó.
Miền đất tụ linh , tụ phúc
Người xưa nhìn nhận trong bao la có một
khối sinh lực nào đó ở tầng trên. Dòng sinh lực vũ trụ này dần được đồng nhất với
mọi nguồn hạnh phúc, chảy xuống mặt đất, làm nảy nở thành sự sống. Nhưng dòng
chảy thiêng liêng ấy chỉ xảy ra ở những mảnh đất hội được các điều kiện nhất định
nào đó, mà bằng kinh nghiệm con người đã nhận thấy được. Nơi đó, họ thường dựng
các kiến trúc tín ngưỡng, tôn giáo. Quy Nhơn là một miền đất như vậy.
Các công trình tôn giáo, tín ngưỡng
xưa nhất hiện còn trên vùng đất Bình Định ngày nay đó là các đền tháp Champa. Đối
với đền tháp phục vụ cho mục đích tôn giáo, việc lựa chọn địa điểm, cảnh quan đảm
bảo các yếu tố tâm linh, vị trí xây dựng các đền tháp đều có nghiên cứu kỹ, phù
hợp với ý nghĩa văn hóa mà các đền tháp muốn truyền đạt. Theo quan niệm của người
Champa, những công trình xây dựng liên quan đến các loại hình kiến trúc đền
tháp là thuộc về nhà vua. Do đó, việc lựa chọn vị trí xây dựng càng nghiêm ngặt
hơn và do nhà vua quyết định.
Địa điểm người Champa chọn xây dựng
tháp thường là các gò đất cao, đồi núi, vị trí như vậy trước hết thỏa mãn là biểu
tượng núi Mêru – nơi cư ngụ các thần linh Ấn Độ giáo. Gò, núi cao còn được coi
là biểu tượng hóa thân của thần Visnu thành rùa đội núi Mêru nổi lên theo huyền
thoại khuấy sữa biển trong sử thi Ấn Độ. Vị trí này có thể còn được trông thấy
tháp từ xa, án ngữ cả một vùng rộng lớn, tạo nên vẻ uy nghi, tôn nghiêm cho
công trình kiến trúc như chức năng nó đảm nhận.
Trong 14 tháp cổ Champa hiện còn được
phân bố trên 5 huyện, thị, thành phố như sau: huyện Phù Cát 1 tháp, huyện Tây
Sơn 4 tháp, huyện Tuy Phước 5 tháp, thị xã An Nhơn 2 tháp và thành phố Quy Nhơn
2 tháp.
Ở Quy Nhơn, ngoài Tháp Đôi hiện còn,
có một phế tích Champa được phát hiện ở Đồi Điệp thuộc xã Nhơn Hội và dấu vết gạch
Chăm cũng được tìm thấy ở Hải Giang (xã Nhơn Hải) và xã Nhơn Châu. Về tượng
Champa có tượng thần Siva ở chùa “Phật Lồi” (Linh Sơn tự), thôn Hải Giang, xã
Nhơn Lý; tượng Avalokitesvara (một dạng Bồ Tát) ở chùa Phước Sa xã Nhơn Lý; phù
điêu vũ nữ ở lăng Ông, thôn Hải Minh, phường Hải Cảng.
Nếu các đền tháp người Champa hầu hết
xây dựng trên gò đồi cao hoặc núi cao (tháp Hòn Chuông, Phù Cát) cửa quay hướng
Đông, nhìn ra biển, đón dương khí…thì các công trình tín ngưỡng, tôn giáo của
người Việt: miếu, đình, đền, chùa cũng thường xây trên gò đồi và sườn núi, hướng
Nam hoặc Đông Nam, nhìn về cõi ly minh, đón dương khí.
Có lẽ quan niệm về địa cuộc, về đất
thiêng của người Champa và người Việt có sự tương đồng. Thực tế chứng minh như:
tại phế tháp Tân Kiều (Nhơn Mỹ, An Nhơn) có chùa Bửu Sơn, tại phế tích Thập
Tháp (Nhơn Thành, An Nhơn) có chùa Thập Tháp, tại phế tích Khánh Vân (Phước
Quang, Tuy Phước) có miếu làng; dưới chân tháp Dương Long (Tây Bình, Tây Sơn)
có ngôi miếu Thanh Minh, chân tháp Bánh Ít (Phước Hiệp,Tuy Phước) có chùa
Nguyên Thiều; ngay cạnh tháp Bình Lâm (Phước Hòa, Tuy Phước) có chùa Thiên Trúc và đình Bình Lâm (bị sập
trong chiến tranh). Và chân Tháp Đôi Quy Nhơn vừa có chùa Tháp Đôi vừa có miếu
Thanh minh.
Sự hình thành làng xóm của người Việt
có vai trò to lớn của các yếu tố tinh thần là tình họ hàng, nghĩa xóm giềng và
nhiều phong tục tập quán khác mang màu sắc truyền thống huyền nhiệm. Có những tập
tục muốn tạo sức mạnh buộc mọi người tin theo đã thần bí hóa thành thuyết phong
thủy.
Gạt đi cái vỏ mê tín, thì phong thủy
là nước và gió, tức biểu hiện của địa hình có cao thấp để hướng dẫn dòng chảy của
nước và sự chuyển động của gió, mà làng xóm và nhà cửa phải biết lợi dụng để tạo
sự hài hòa với thiên nhiên. Thế đất đẹp phải có núi đồi, gò bãi hay đường bờ từ
phía sau tỏa ra vây bọc hai bên rồi cùng chầu vào, hoặc những điểm cao đột khởi
làm án che phía trước hay làm chuẩn để tựa phía sau, và đối lại là những vùng
thấp tụ thủy làm minh đường ở mặt trước hay làm não đường ở đằng sau, có đứt đoạn
đột khởi, lại có liền dải hai bên phải và trái tạo nên sự đăng đối nhịp nhàng.
Vị trí lập làng không chỉ có địa thế
đẹp, mà còn phải thuận tiện cho việc làm ăn để có đời sống kinh tế và văn hóa
phong phú. Người xưa đã đúc kết “Nhất cận thị, nhị cận tân, tam cận giang, tứ cận
lộ, ngũ cận điền” (một gần chợ, hai gần bến đò, ba gần sông, bốn gần đường, năm
gần ruộng). Khái quát là miền đất bồi có các đầu mối giao thông và thuận tiện
việc làm ăn, tức là thế đất ăn lan ra mặt nước theo hình tượng quen thuộc và rất
dân dã: “Thè lè lưỡi trai: không ai, chính nó/ Khum khum gọng vó: chẳng nó thì
ai!”
Vị thế làng xóm thường quy tụ nếu
không dọc bờ sông nước, thì cũng ở vùng đầm phá, gần cửa biển.
Đô thị Việt Nam nói chung và đô thị
Bình Định nói riêng được hình thành trên cái nền làng xã. Đô thị ở Bình Định đầu
tiên xuất hiện ở Nước Mặn (Phước Quang, Tuy Phước) rồi chuyển đến Gò Bồi (Phước
Hòa, Tuy Phước) và cuối cùng chuyển về Quy Nhơn. Sự hình thành, suy tàn, dịch
chuyển và tồn tại đô thị ở đây cũng dựa trên cơ sở kinh nghiệm được đúc kết từ
người xưa “Nhất cận thị, nhị cận tân, tam cận giang, tứ cận lộ,…”.
Đến hôm nay, đô thị Quy Nhơn đã gần
200 năm hình thành và phát triển (căn cứ bia ghi công đức chùa Ông Nhiêu năm
1837, có chức danh phố trưởng Trần Đức Hiệp), chúng ta có thể khẳng định Quy Nhơn
“đất lành chim đậu”. Quy Nhơn – một miền đất tụ linh, tụ phúc.