Chủ Nhật, 8 tháng 4, 2012

SỰ TÍCH CHA PETRUS CAO



Trích Mémorial de Quinhon,
số 29 Novembre 1923, tr. 239-240



Cha Vêrô Cao, là con Vêrô hương Thi và bà Maria Lài, sinh ra năm 1864, tại sở Mỹ Trang, địa phận Nước Nhỉ. Nguyên hai ông bà trước là người ngoại giáo, song vì ông hương là người văn vật, biết nghiệm xét việc ngụy chơn. Nhơn khi ấy các Thầy học tại trường Nước Nhỉ năng đi dạo chơi tới Mỹ Trang, ông hương hễ thấy, thì có ý xét cách ở các Thầy ấy thế nào. Khi thấy các Thầy đi ngang qua đám cấy, đám làm cỏ, và những nơi có phụ nhơn thiếu nữ, chẳng những không chọc ghẹo giễu cợt như các học trò nho, mà lại chẳng thèm liếc mắt nhìn xem, một giữ sự nết na đằm thắm, thì ngẩn trí vô hồi; về nhà những nhắc đi nhắc lại với vợ con mà ngợi khen không xiết. Lần hồi tìm dịp làm quen với các Thầy mà chuyện vãn. Sẵn lúc ấy có bọn chầu nhưng ở Mỹ Trang, cố chính Thủ (P. Fourmond) sai thầy sáu Ngữ qua dạy; ông hương lén đến ngồi nghe dạy liên tiếp 3 ngày, rồi ra mặt chường thầy sáu mà xin tùng giáo cả nhà. Vậy cả gia thất ông hương Thi đều trở lại, và giữ đạo sốt sắng, đến năm 1885 phải đổ máu ra vì đạo Chúa.
Vì khi ông hương trở lại, thì đem hai con là Vêrô Cao và Vêrô Tài dâng cho cố chính Thủ; cố nuôi Vêrô Tài, còn Vêrô Cao thì cố giao cho cố Sĩ (P. Macé) nuôi làm chú giúp. Cố Sĩ thấy trò Vêrô Cao nết na đằm thắm, ăn nói khiêm từ, bèn cho vào học Latinh tại trường Làng Sông. Đến năm 1885 nhà trường phải quân giặc Văn Thân đốt phá, các cha và học trò xuống trú ngụ tại Qui Nhơn; Đức cha Hân bèn lựa 24 trò gởi sang Pinang, thì Vêrô Cao cũng được vào trong số 24 trò ấy.
Khi Vêrô Cao ở trường Pinang tuy năng rét năng đau, song học hành cũng chẳng thua ai, lại luật mẹo giữ hẳn hiên trọn vẹn.
Đầu năm 1892 trở về bổn quốc, ra giúp cố Bửu (P. Geffroy) tại Bồng Sơn 4 năm. Đoạn về trường Làng Sông học sách đoán và chịu chức lần lần cho đến năm 1898 chịu chức Thầy cả, cùng vào Phú Yên giúp địa phận Mằng Lăng, ở tại sở Gò Duối 14 năm. Đoạn đổi ra Tân Thành địa sở Gò Thị, rồi vào Hộ Diêm. Ở đó ít lâu rồi ra làm cha sở Ninh Hòa. Từ đó người lâm bịnh đau trong tì vị ăn uống không được, lại sưng hai chơn. Năm nay người yếu quá, thì Đức Cha cho người về Mằng Lăng dưỡng bệnh tại nhà em là Thầy Tài. Thuốc Tây thuốc Nam thảy đều uống thử, mà bệnh cứ gia tăng; thầy thuốc coi thì nói gan phổi người thảy đều hư, vô phương cứu được.
Vậy trước ít ngày người lâm chung, cố Gioang đã làm đủ các phép Bí tích sau hết cho người. Đến ngày 24 Octobre thì người phú linh hồn cho Chúa cách êm ái dịu dàng.
Bổn tính người rất vui vẻ, và có lòng thương giúp kẻ nghèo nàn thiếu thốn, nên ở đâu bổn đạo cũng thương. Tiền bạc có bao nhiêu cũng về tay kẻ khó, nên khi qua đời trong rương chẳng có một xu; sở hụi tống táng em người là thầy Tài đều chịu hết.
Chúng tôi cậy vì danh Chúa nhơn từ cho linh hồn Thầy Vêrô đặng lên chốn nghỉ ngơi.