Thứ Bảy, 28 tháng 4, 2012

CẦN GIÁO DỤC LIÊM SỈ CHO CÔNG CHỨC


(Kienthuc.net.vn) - Việc một doanh nghiệp tặng xe trị giá 2,6 tỷ đồng cho Bộ Giao thông Vận tải, sau đó đã "trúng thầu", theo ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương là "điều lạ". Ông cho rằng, cần phải làm rõ động cơ của việc tặng quà này?

 Dư luận đang "nóng" lên chuyện một doanh nghiệp dầu khí tặng xe cho Bộ Giao thông Vận tải và có thông tin doanh nghiệp này trúng thầu một công trình của ngành giao thông. Ông thấy sao?
Tôi có biết thông tin này qua báo chí. Tôi thấy, việc "tặng", "cứu trợ", "viện trợ", "giúp đỡ" thì đã có trong xã hội từ trước tới nay. Tuy nhiên, trường hợp này là một điều hơi lạ.
Nghĩa là, khi còn đương chức, ông không thấy có hiện tượng nào như thế?
Đúng vậy.
Vì sao ông lại thấy nó "lạ"?
 Bởi lẽ như tôi đã nói, việc trao tặng nhau thường nằm trong chương trình viện trợ, cứu trợ, thường của những người có điều kiện hơn giúp đỡ người khó khăn hơn. Trường hợp này hơi khác khi một doanh nghiệp "quan tâm" đến cơ quan Nhà nước.
Nhưng thông thường, sự quan tâm thì không hẳn đã là xấu?
 Đương nhiên. Ví như chúng ta quan tâm tới bạn của mình, hỏi han, giúp đỡ khi bạn gặp khó khăn thì là điều nên làm chứ! Tuy nhiên, cần phải xem xét động cơ.
 Bộ Giao thông Vận tải có nghèo đến mức thiếu xe không? Vì sao Bộ lại nhận xe? Có phải đơn thuần về mặt tình cảm? Nếu Bộ nghèo, thiếu xe thật thì doanh nghiệp đó đã thật sự giàu chưa? Họ lấy đâu ra tiền mua xe đó? Tiền đó có ảnh hưởng đến thu nhập của chính người lao động trong công ty đó không? Tất cả những cái đó cần phải làm rõ.
 Nghĩa là, ông nghi ngờ động cơ của việc tặng quà này?
 Tôi không muốn võ đoán. Hãy để người trong cuộc tự trả lời. Tuy nhiên, tôi e rằng việc tặng quà này không đơn thuần là sự vô tư. Và tôi cũng nghĩ, Bộ không thiếu xe để mà cần được tặng đâu!
Không thể cái gì cũng đổ thừa cho cơ chế
 Nhưng thực tế, chúng ta đã có quy chế về việc tặng quà, nhận quà rồi còn gì? Ngay ông Thứ trưởng Bộ Tài chính cũng đã xác nhận với báo chí rằng, quy định hiện hành chưa có hướng dẫn cụ thể trường hợp nào doanh nghiệp không được tặng xe và cơ quan quản lý không được phép nhận! Thế thì họ cứ tặng thôi.
 Đúng là chúng ta đã có những quy định cụ thể (Quyết định số 64 ngày 10/5/2007 của Thủ tướng ban hành quy chế về việc tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng của cơ quan, tổ chức, đơn vị có sử dụng ngân sách Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức; Quy định số 47-QĐ/TW ngày 01/11/2011 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm).
Tuy nhiên, cần phải xem lại việc phổ biến những văn bản trên và các hướng dẫn thực hiện đã đến được với đông đảo người dân chưa? Những người trong cơ quan công quyền đã chủ động tìm hiểu chưa? Các cơ quan quản lý đã giám sát việc đưa quy định vào cuộc sống chưa?
Vả lại, không thể cái gì cũng đổ thừa cho cơ chế rằng cơ chế còn bất cập, chưa đầy đủ... mà phải xem xét cả động cơ thực hiện nữa.
Nhưng chính cơ chế định hướng cho động cơ đấy chứ?
 Đúng vậy. Nhưng cơ chế thôi chưa đủ. Sự định hướng động cơ ấy còn nằm trong nhận thức, lòng tự trọng, tính liêm sỉ của mỗi người. Thế nên mới có chuyện, có những người nghèo khó nhưng khi nhặt được của rơi sẵn sàng trả lại người mất.
Vì sao lại thế? Vì họ có tính liêm sỉ đấy! Còn như những người có chức quyền, giàu sang rồi mà vẫn tham lam, nhận biếu xén này nọ, thậm chí những người đến nhờ cậy, quà cáp cho họ còn đang phải chật vật lo miếng ăn thì thật đau lòng. Vì con người đối với nhau như thế thì không còn gì là liêm sỉ nữa.
Người làm công vụ phải có liêm sỉ trước tiên
Theo ông, trong xã hội bây giờ, người liêm sỉ có nhiều không?
 Tôi nghĩ rằng người tốt vẫn còn nhiều. Tuy nhiên, kẻ vô liêm sỉ cũng không ít, đáng lo nhất trong số đó có một bộ phận có chức quyền.
Điều đó có ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển chung của xã hội?
 Nó dẫn đến một xã hội thiếu đi sự văn minh, công bằng và minh bạch. Cho nên cần phải giáo dục tính liêm sỉ cho mọi người.
 Nhưng giáo dục bằng cách nào?
 Phải giáo dục từ trong nhà trường, phải làm thường xuyên. Trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức thì người đứng đầu phải nêu gương. Người làm công vụ phải có liêm sỉ trước tiên. Muốn vậy thì phải làm tốt từ khâu tuyển chọn cán bộ, viên chức.
 Theo ông, giáo dục tính liêm sỉ cho cán bộ, viên chức có khó không?
Khó đấy nhưng không có nghĩa là không làm được. Đã có nhiều tài liệu, sách vở nói về điều này. Vấn đề là người ta có chịu khó đọc và thực hiện nghiêm túc không? Tự bản thân người ta có ý thức cần liêm sỉ không? Có coi rèn luyện tính liêm sỉ giúp mình thành người tử tế không?
 Cấp trên nên quan tâm tới cấp dưới
 Ông nghĩ sao về việc cấp dưới tặng quà cho cấp trên?
 Tôi cho rằng cần phân biệt quà đó là gì và nên khuyến khích cấp trên quan tâm, giúp đỡ cấp dưới, nhất là những người gặp khó khăn.
Cấp trên quan tâm cấp dưới? Liệu ông có đòi hỏi cao quá, vì có những khi cấp dưới lên tới hàng trăm, hàng nghìn người, làm sao mà quan tâm cho xuể?
Điều đó chẳng có gì là khó khăn cả. Người lãnh đạo giỏi ngoài chuyên môn, năng lực thì rất cần có tấm lòng. Cái đó chính là liêm sỉ đấy!
Thưa ông, sẽ khó có cơ chế nào quy định được chi tiết việc tặng quà cũng như món quà đem tặng. Bởi cuộc sống thì muôn vẻ, mà việc tặng quà nhiều khi chỉ mang yếu tố tình cảm, dễ bị người ta lợi dụng để mưu cầu những mục đích khác. Nên chăng ta cấm tiệt việc tặng quà sẽ hạn chế tiêu cực?
Đừng nghĩ cấm đoán theo kiểu cực đoan như thế. Bởi như chị vừa nêu, tặng quà nhiều khi là vì tình cảm thật sự trong sáng, tốt đẹp.
 Vậy theo ông, làm gì để có thể tránh việc biến tướng khi tặng quà cho sếp, cho các cơ quan công quyền?
 Như tôi vừa nói, phải giáo dục tính liêm sỉ. Thứ nữa, phải hoàn thiện pháp luật. Nhưng quan trọng nhất vẫn là tính liêm sỉ. Khi có liêm sỉ thì người ta sẽ biết mình nên làm gì và không nên làm gì cho đúng với lương tâm.
 Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!