Thứ Ba, 24 tháng 4, 2012

MỘT VÒNG THÀNH PHỐ




Đinh Lê Na

“Thành phố” là một khái niệm không mới, có thể nói là đã xuất hiện cùng với đời sống con người, mang khá nhiều ý nghĩa đặc biệt.
Trong tiếng Anh, có nhiều từ được dùng để chỉ thành phố hay những nơi tập trung đông dân cư như: city, town, urban hay polis,… mà thích hợp với từng trường hợp khác nhau sẽ có cách sử dụng thú vị riêng. Chẳng hạn, ta hãy xoay quanh khái niệm “polis” để qua đó tìm hiểu “thành phố” đã biến đổi như thế nào.
Theo tiếng Hy Lạp cổ, “polis” thường được hiểu theo nghĩa “thành bang (city-state)”, là đơn vị hành chính cơ bản của nhà nước thành bang Hy lạp cổ đại. Mỗi polis đều có một bộ máy cai trị, nơi đặt ra các luật lệ nhà nước (political) và xây dựng quân đội nhằm mục đích bảo vệ và xâm lăng. Mục đích này được duy trì từ lúc sơ khai đến kết thúc thời Trung Cổ ở Châu Âu, giai đoạn hình thành chiến tranh cát cứ giữa các lãnh thổ/thành phố với nhau. Từ đó, hình thành một số khái niệm khác như metropolis/metropolitan (thành phố mẹ) dùng làm hình mẫu cho thành phố thuộc địa.  Sang thế kỷ thứ 2, Con đường tơ lụa xuất phát từ Hàng Châu, Trung Quốc được xem là bước ngoặt tạo dựng mối giao thương vượt khỏi danh nghĩa quốc gia giữa các thành phố. Con đường tơ lụa trên biển, đến phiên mình, lại mở ra hình thức thành phố mới, thành phố Cảng (Quảng Châu, TQ thế kỷ thứ 7). Thời Phục Hưng (thế kỷ 5 đến 15) đưa thành phố trở thành cái nôi của kiến trúc, điêu khắc, hội họa, văn học và âm nhạc. Thời cận đại là sự ra đời của những thành phố công nghiệp, sản xuất lớn mà khởi đầu từ sự bùng nổ của hai cuộc cách mạng khoa học. Đến ngày nay, thế kỷ 21, là thời đại của những thành phố khổng lồ về quy mô dân số và diện tích. Một vài khái niệm mới như: metropolis (thành phố quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa của một nước (country) hoặc cả khu vực (region), có tính kiểu mẫu); metropolitan area (vùng thành phố (city) mở rộng ra ngoại ô (sub) và nông thôn (rural), có quan hệ chặt chẽ với nhau về mặt kinh tế, xã hội thể hiện qua việc đáp xe vào trung tâm (thông qua hệ thống metro) và công ăn việc làm); megalopolis (megapolis, megaregion, mạng lưới các “metropolitan area” được kết nối với nhau chẳng hạn bằng hệ thống tàu và đường cao tốc cực kỳ hiện đại); Global city (world city, nhấn mạnh vào tầm ảnh hưởng của thành phố đối với hệ thống kinh tế (đặc biệt là tài chính) toàn cầu);… đều để chỉ những vùng đô thị/thành phố như vậy.
Nhìn vào trục thời gian trên, có thể thấy đặc trưng mỗi thời kỳ dẫn đến sự ra đời của mỗi loại thành phố mang những cá tính khác nhau tạo nên những màu sắc không gian riêng. Jesuralem đầy màu sắc tôn giáo của thời khai sinh đạo Cơ đốc. Singapore của những tòa nhà cao tầng trong chính sách của thời lập quốc. Hay New York tham vọng từ những kẻ đầu tiên khai phá nên vùng đất của hải cảng tự nhiên lớn nhất thế giới [1] Xét mặt thành phố nói chung, thử điểm qua một vài loại thành phố trong lịch sử. Thành phố thành bang thời kỳ đầu lịch sử với mục đích bảo vệ chống kẻ thù mang những đặc điểm như chú trọng sức mạnh quân đội, xây tường thành cao và chắc chắn, (có thể có) hào sâu xung quanh, kiểm soát chặt chẽ và nghiêm ngặt ra vào cổng thành. Từ đó, mỗi thành phố cô lập như một pháo đài riêng biệt, phân chia rõ ràng ranh giới bên trong – bên ngoài. Bên ngoài là nguy hiểm, không ai bảo vệ; bên trong là an toàn, là tiệc tùng vui chơi, là âm nhạc và cả sự tuân thủ luật lệ. Thành phố cảng thời khám phá thế giới (bằng tàu) được nhận ra bởi vị trí địa lý; bởi tàu thuyền tấp nập, bởi những con người và hàng hóa từ khắp các nơi tụ về, mở ra một không gian khác của cầu cảng, của giao thương, buôn bán, của những luồng văn hóa mới, của không gian cởi mở. Thành phố toàn cầu (global city) ngày nay trở thành là nơi của kết nối, là những điểm nút quan trọng tỏa đi khắp thế giới, bất chấp biên giới địa lý quốc gia và bất chấp cả thời gian. Đó là nơi đặt trụ sở của các tập đoàn Quốc tế, là trung tâm tài chính, văn hóa, giáo dục, công nghệ mà tầm ảnh hưởng của nó không bao giờ giới hạn lại trong phạm vi một khu vực cụ thể nào. Thành phố, tự nó, đã biến đổi không gian từ một cá thể cô lập, sang một cá thể mở và một cá thể nối kết. [2]
Xét trên mật độ dân số, có thể thấy từ một nhóm nhỏ dân cư định cư trong một thành phố nhỏ Jericho, Ả Rập, nằm gần bờ sông Jordan từ khi trái đất kết thúc thời kỳ lạnh và hạn hán Younger Dryas, 9000 năm TCN, đến nay thành phố đã thực sự bùng nổ về dân số, là biểu hiện rõ nét nhất của sự gia tăng dân số toàn cầu. Một số thành phố có mật độ dân số cao như Mumbai, Ấn Độ (22,937ng/km2), Delhi, Ấn Độ (29,149 ng/km2), Seoul, Hàn Quốc (17,288 ng/km2),… [3]. Ban đầu, phải mất 250,000 năm, dân số nhân loại mới đạt được mức 1 tỉ người vào khoảng đầu thế kỷ 19. Hơn một thế kỷ sau đó, vào khoảng 1930, nhân số tăng gấp đôi lên tới 2 tỉ. Kể từ đó đến nay, dân số tăng nhanh chóng: khoảng 30 năm, dân số nhân loại tăng từ 2 tỉ lên tới 3 tỉ vào năm 1960. Tỉ thứ tư chỉ cần 14 năm và tỉ thứ năm và thứ sáu chỉ cần 13 năm và 12 năm. Giữa thế kỷ 19, cùng với vac-xin, việc xây dựng hệ thống cống rãnh và cải thiện vệ sinh, mà chủ yếu tập trung ở thành phố hay trung tâm đã làm giảm tỷ lệ tử vong do dịch tả, thương hàn, tạo nên một cột mốc cho sự gia tăng dân số thế giới. Sự gia tăng dân số nhanh chóng này, kéo theo những luồng dân di cư tập trung đến các thành phố lớn theo cả hai hướng nội quốc gia và xuyên quốc gia (cross-national immigration) và cũng với đó là sự mở rộng sâu quy mô thành phố: các tòa nhà chung cư cao tầng đặc kín người, các khu ngoại ô cách trung tâm cả chục/trăm km, các khu ổ chuột,…đặc biệt là với các thành phố ở các nước đang phát triển. Bộ mặt thành phố nói chung đã thay đổi từ hình thức đơn giản với cư dân địa phương, văn hóa bản địa và các vấn đề lãnh thổ được giải quyết bằng chiến tranh sang sự xung đột và dung hòa về văn hóa, lợi ích kinh tế, quan điểm tôn giáo với lực lượng nhập cư đa dạng; sự tranh giành giữa con người của nếp sống cũ và quá trình đô thị hóa, sự ảnh hưởng lẫn nhau bằng chính trị và kinh tế thay cho vũ khí,… đang diễn ra ngay trong cùng một địa điểm và thời gian [4].
---

[1] Đọc thêm “Bell, Daniel & De Shalit, Avner, The Spirit of the Cities – Why the identity of the city matters in a global age, 2011, Princeton university press, 360p” về cá tính của một số thành phố tiêu biểu được đề cập.
[2] Đọc thêm “Yifu, Tuan 1977,  Space and place – The perspectives of experience, Minneapolis, University of Minnesota Press, 237p.” về sự biến đổi không gian và địa điểm.
 [3] Số liệu năm 2009, lấy theo Wikipedia
[4] Theo chương 6 “Cities and urban life” trong “Giddens, Anthony 1938. Sociology 6th 2009. Policy press.”