Henri Poincaré
Nếu tôi nói chân lý ở đây, dĩ nhiên trước hết nói đến chân lý khoa học; nhưng tôi cũng nói đến chân lý đạo đức, trong đó cái người ta có thể gọi là công lý chỉ là một mặt. Có thể nói, nếu người ta muốn, tôi chơi chữ, rằng có phải cùng một tên mà tôi đã ghép lại hai nội dung không có gì liên quan nhau; rằng chân lý khoa học, điều người ta có thể chứng minh, không hề giống chân lý đạo đức, cái người ta phải cảm nhận.
Nhưng tôi không thể tách rời hai thứ, cái mà người này có thể yêu thì người khác lại không yêu. Để tìm ra chân lý này hay chân lý kia, người ta phải nỗ lực làm cho tâm hồn hoàn toàn tự do khỏi thành kiến và đam mê; chúng ta phải có sự thành thật vô điều kiện. Hai loại chân lý này, một khi được khám phá, sẽ gây cho ta niềm vui; từ giây phút chúng ta nhận ra chúng, chân lý này hay chân lý kia sáng tỏ ra cùng một ánh hào quang, hệ quả là chúng ta phải nhìn nhận nó hay nhắm mắt lại. Cả hai lôi cuốn ta cũng như trốn bỏ ta; chúng không bao giờ đứng yên cố định; nếu ta tin đã đạt được chúng, thì sẽ thấy ta còn phải đi xa hơn nữa, và ai theo đuổi chúng sẽ bị “đọa đày” chẳng bao giờ được sống yên tĩnh nữa.
Nhưng tôi muốn nói rằng, ai sợ hãi chân lý này thì cũng sợ hãi chân lý kia;…nói ngắn gọn: tôi kết hợp lại hai chân lý bởi lẽ sự yêu thương hay trốn chạy đều có cùng những lý do như nhau.
Nếu ta không lo ngại chân lý đạo đức thì chúng ta lại càng không có lý do sợ hãi chân lý khoa học. Và nhất là chân lý khoa học không tranh chấp với đạo đức. Khoa học và đạo đức có những lãnh vực riêng của chúng, hai lãnh vực tiếp xúc nhau nhưng không đan xen nhau. Cái này chỉ ta mục đích để ta vươn tới, cái kia chỉ ta các phương tiện để ta đạt tới mục đích đã định. Do đó chúng không bao giờ mâu thuẩn nhau, vì chúng không bao giờ gặp nhau. Không thể có một khoa học đạo đức, cũng như không thể có một đạo đức khoa học. […]
Vì thế, con người tuy không hạnh phúc bằng khoa học, nhưng ngày nay con người lại càng không hạnh phúc nếu không có khoa học.
Tôi từng có dịp nhấn mạnh rằng trực giác cần có vị trí trong toán học. Nếu không, các mái đầu xanh sẽ không tìm thấy ý nghĩa của toán học, chúng sẽ không biết yêu nó và chỉ nhìn thấy trong đó chỉ là một mớ hỗn độn chữ nghĩa. Đặc biệt chúng sẽ không bao giờ có khả năng ứng dụng toán học.
Tôi không muốn nói rằng khoa học được làm ra cho các ứng dụng; không chút nào như thế; người ta phải học khoa học vì khoa học. Nhưng một cái nhìn vào lãnh vực ứng dụng sẽ bảo vệ chúng ta khỏi chủ nghĩa hoài nghi.
Sự phát triển công nghệ hiện đại, nhìn chung, sẽ không khả thi nếu không có tiến bộ của khoa học. Một người thiếu hiểu biết hôm nay sống trong một môi trường đang được khoa học kiến thiết lại và nhận lấy ảnh hưởng của khoa học một cách không ý thức. Chính khoa học đã đem lại một kiến trúc cho các giấc mơ mà trong những thế kỷ khác có thể hoàn toàn khác.
(Từ Giá trị của Khoa học)
Nguyễn Xuân Xanh trích dịch
(Từ Giá trị của Khoa học)
Nguyễn Xuân Xanh trích dịch