Thu San Nguyễn Thế Hùng
Khái niệm “nền kinh tế tri
thức” được nhắc đến nhiều trong các năm qua dưới những cách diễn đạt khác
nhau, nhưng quan điểm thông thường cho rằng nền kinh tế tri thức là nền kinh
tế trong đó “sự sản sinh, truyền bá và sử dụng tri thức” trở thành yếu tố quyết
định nhất giúp phát triển kinh tế và không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống.
Nền kinh tế tri thức1,
theo Ngân hàng thế giới “là nền kinh tế sử dụng hiệu quả tri thức cho sự
phát triển kinh tế và xã hội, bao gồm việc thu nhận và khai thác nguồn tri thức
toàn cầu cũng như thích ứng và sáng tạo tri thức để dùng cho các nhu cầu
riêng”; còn theo Tổ chức OECD, nền kinh tế tri thức “Là nền kinh tế dựa trực
tiếp vào việc tạo ra, phân phối và sử dụng tri thức và thông tin.” (Tổ chức Hợp
tác và Phát triển Kinh tế, OECD).
Các cách hiểu trên có thể
dẫn đến một kết luận rằng muốn xây dựng một nền kinh tế tri thức
thì cần phải có nhiều tri thức, nhiều người sáng tạo, sở hữu và
truyền bá tri thức, hoặc đơn giản phải có nhiều người lao động trí
óc, trong đó có nhiều nhà trí thức2.
Tích và tản tri thức
Chắc chắn rằng không phải chờ đến
khi hình thành nền kinh tế tri thức thì các nhà trí thức mới có vai trò phục vụ
cho sự phát triển và tiến bộ của xã hội. Ngay trong lịch sử nước ta, từ xa xưa
đã có những nhà trí thức đóng vai trò vô cùng quan trọng trong xây dựng và bảo
vệ tổ quốc.
Đơn cử ngay như Nguyễn Trãi, một
vị anh hùng dân tộc, cũng đồng thời là một nhà trí thức sáng ngời nhân cách.
Ông sinh trưởng trong một gia đình khoa bảng. Ông cùng cha thi đỗ tiến sỹ năm
đầu triều Hồ. Khi giặc Minh xâm chiếm nước ta, thành Thăng Long thất thủ,
Nguyễn Trãi lưu lạc trong dân gian 10 năm trước khi vào Lam Sơn tham nhập cuộc
khởi nghĩa của Lê Lợi. Ông được Lê Lợi tin dùng, bày mưu tính kế trong tổng
hành dinh đầu não của cuộc khởi nghĩa. Chiến lược của ông là không đánh thành
mà đánh vào lòng người, lấy nhân nghĩa thắng hung tàn, thu phục được sự đoàn
kết nhất trí của nhân dân, lung lay ý chí của kẻ thù, đem lại cho Lê Lợi hiệu
quả sánh ngang trăm vạn hùng binh.
Một nhà trí thức nổi tiếng khác là
Đào Duy Từ, lúc nhỏ cực kỳ thông minh, học đâu nhớ đấy, vô cùng sáng dạ. Nhưng
lớn lên ông không được đi thi vì vấn đề lý lịch3. Do đó, ông bỏ chúa
Trịnh ở Đàng Ngoài để theo chúa Nguyễn, trở thành người bày mưu tính kế ở cơ
quan quyền lực cao nhất ở Đàng Trong. Ông được chúa Nguyễn coi là Thầy. Chiến
lũy ở Quảng Bình do ông chỉ huy xây đắp được gọi là lũy Thầy. Nhờ kế sách của
ông mà vương quyền họ Nguyễn đứng vững trước những cuộc công phá liên tục của
chúa Trịnh, không những thế còn vươn xa về phương Nam, làm cho nước Việt có
diện mạo hình chữ S như hiện nay.
Như vậy, cuộc đời của hai nhà trí
thức Nguyễn Trãi và Đào Duy Từ, dưới góc nhìn trí thức, đều có những nét tương
đồng. Đó là họ đều tích luỹ đến mức cao nhất và rộng nhất những tri thức đương
thời, cả trong sách vở, cả trong cuộc sống thực tiễn. Khi tích đã đủ họ đều
tản những tri thức ấy dưới dạng các tư tưởng và chiến lược từ các trung tâm
quyền lực cao nhất.
Xem xét hai ví dụ trên chúng ta
thấy người trí thức chỉ thành hình khi có đủ hai quá trình:
- Quá trình thứ nhất - Quá trình tích: Một nhà trí thức cần phải tích luỹ tri thức liên tục, tích lũy trong mọi hoàn cảnh, trước hết phải tích lũy thật sâu tri thức thuộc một lĩnh vực chuyên biệt nào đó. Khi đã đạt đến một mức nào đó, nhà trí thức tương lai có thể thi lấy một tấm bằng (tiến sỹ chẳng hạn), hoặc chẳng cần mảnh bằng nào hết. Sau khi đã tích khá khá, anh ta dần dần phải tìm hiểu được các quy luật phổ biến và vĩnh hằng đang chi phối cuộc sống nhân loại tại thời điểm anh ta đang sống. Nhờ việc hiểu rõ một số quy luật, anh ta bắt đầu có thể mở rộng sự hiểu biết của mình sang các lĩnh vực khác ngoài chuyên môn. Quá trình đào sâu và mở rộng tri thức cũng vẫn là quá trình tích lũy, những ở trình độ cao hơn, nhiều sáng tạo hơn. Quá trình này đối với một nhà trí thức là không có điểm kết. Anh ta không được phép dừng lại sau khi đã đạt đến một học vị, một bằng cấp nào đó. Nếu dừng lại anh ta sẽ được gọi là một vị "cựu trí thức". Nhưng khác với với các "cựu quan chức", các "cựu trí thức" có thể quay lại "sở nhiệm" của mình bất cứ lúc nào, chỉ cần anh ta khởi động lại quá trình tích luỹ.
- Quá trình thứ nhất - Quá trình tích: Một nhà trí thức cần phải tích luỹ tri thức liên tục, tích lũy trong mọi hoàn cảnh, trước hết phải tích lũy thật sâu tri thức thuộc một lĩnh vực chuyên biệt nào đó. Khi đã đạt đến một mức nào đó, nhà trí thức tương lai có thể thi lấy một tấm bằng (tiến sỹ chẳng hạn), hoặc chẳng cần mảnh bằng nào hết. Sau khi đã tích khá khá, anh ta dần dần phải tìm hiểu được các quy luật phổ biến và vĩnh hằng đang chi phối cuộc sống nhân loại tại thời điểm anh ta đang sống. Nhờ việc hiểu rõ một số quy luật, anh ta bắt đầu có thể mở rộng sự hiểu biết của mình sang các lĩnh vực khác ngoài chuyên môn. Quá trình đào sâu và mở rộng tri thức cũng vẫn là quá trình tích lũy, những ở trình độ cao hơn, nhiều sáng tạo hơn. Quá trình này đối với một nhà trí thức là không có điểm kết. Anh ta không được phép dừng lại sau khi đã đạt đến một học vị, một bằng cấp nào đó. Nếu dừng lại anh ta sẽ được gọi là một vị "cựu trí thức". Nhưng khác với với các "cựu quan chức", các "cựu trí thức" có thể quay lại "sở nhiệm" của mình bất cứ lúc nào, chỉ cần anh ta khởi động lại quá trình tích luỹ.
- Quá trình thứ hai - quá trình tản:
Một trí thức phải tản kiến thức của mình đã tích luỹ theo nghĩa đóng góp nhiều
hơn và tốt hơn cho cuộc sống hiện tại. Nhiệm vụ của anh ta không đơn thuần là
nâng cao chất lượng cuộc sống của cá nhân, gia đình và dòng họ, mà hơn hết, thước
đo nhân cách của nhà trí thức là anh ta có nghĩa vụ mang lại hạnh phúc cho một
cộng đồng xã hội to lớn hơn cái nhóm nhỏ được tạo nên từ gia đình, bạn bè, cạ cụm,...
xung quanh anh ta. Ví dụ, các nhà phát minh sáng chế, họ đã tản kiến thức thu
được dưới dạng các sản phẩm hữu ích (vật thể hoặc phi vật thể) để tạo ra năng
suất lao động cao hơn, biến lao động trở thành niềm vui sáng tạo, chứ không phải
là các công việc khổ sai.
Tuy nhiên, quá trình tản của trí thức có nhiều cấp độ. Cấp độ một
là ở bục giảng, trên sàn diễn hay trong các phòng thí nghiệm. Ở cấp độ này, nhà
trí thức làm việc gần giống các nhà chuyên môn. Cấp độ hai là nhà trí thức đã
thức nhận được các luật vĩnh hằng và phổ quát. Họ có thể viết sách để truyền bá
các tư tưởng ấy. Sách của họ có thể là các tác phẩm bằng chữ, bằng hình ảnh, bằng
âm thanh, v.v. Cấp độ ba là nhà trí thức hoá thân thành trung tâm trí tuệ để
tích thu tri thức cộng đồng. Nhà trí thức lúc đó không còn là một cái tôi bé nhỏ.
Họ trở thành các trung tâm trí tuệ không ngừng mở rộng, không ngừng thu nạp
thêm tri thức mới, không ngừng toả sáng truyền bá hiểu biết đến những góc khuất
của cuộc sống.
Khi trí thức song hành hài hòa cùng quyền lực
Có thể tạm hình dung sự kết hợp giữa quyền lực và trí thức theo
nguyên lý âm-dương. Trung tâm trí tuệ mang đặc tính âm, luôn có tiềm năng kết hợp
một cách hài hoà với trung tâm quyền lực mang đặc tính dương. Trong một cộng đồng
cụ thể, khi có sự kết hợp hài hoà giữa hai trung tâm quyền lực và trí tuệ thì sẽ
tạo nên một sức mạnh cực kỳ to lớn thúc đẩy sự phát triển của cả cộng đồng.
Cái may của Nguyễn Trãi, cũng là phúc lớn của dân tộc Việt nam là
tài năng của Ông đã lọt vào mắt xanh của Lê Lợi. Sự kết hợp ấy được thể hiện
trong câu "Nguyễn Trãi vi thần, Lê Lợi vi quân". Sự kết hợp hài hòa
giữa hai trung tâm, Lê Lợi- trung tâm quyền lực, Nguyễn Trãi - trung tâm trí tuệ,
đã tạo nên sức mạnh to lớn, đưa đến chiến thắng vang dội quét sạch giặc Minh khỏi
bờ cõi, làm cho nước Việt không phải làm quận huyện của nước Tầu một lần ngàn
năm nữa.
Ở tầm mức cao nhất, trí thức là phần âm, giúp bổ khuyết những phần
còn thiếu của quyền lực để tạo ra sự hài hòa âm dương của sự phát triển. Vì vậy,
quyền lực, với tư cách một vương quyền hay một thể chế, không nên coi trí thức
là kẻ thù để đến nỗi phải nêu khẩu hiệu "đào tận gốc, trốc tận rễ",
mà ngược lại phải coi trí thức như là nỗi khao khát tìm kiếm suốt đời của mình.
Thiếu sự hỗ trợ của tri thức, quyền lực có thể bị tha hóa, biến nhà chính trị
thành kẻ quái dị đáng thương vây quanh bởi những kẻ xu nịnh rẻ tiền. Không chỉ ở
quy mô quốc gia, ở những quy mô hẹp hơn, đối với bất cứ cá nhân, tổ chức nào mà
sự kết hợp giữa trí tuệ và quyền lực không hài hoà thì đều tất yếu dẫn đến sự
tan rã, suy kiệt và sụp đổ.
Tri thức thúc đẩy tiến bộ như thế nào?
Nhìn lại quá trình chuyển đổi phương thức sản xuất lần thứ nhất của
nhân loại, chúng ta thấy rằng đây là thời điểm loài người chuyển từ kinh tế săn
bắn hái lượm sang kinh tế nuôi trồng. Lúc đó, loài người đã tích lũy được một
khối lượng tri thức rất lớn về vật nuôi, cây trồng, về giống cây, giống con, về
thời tiết, phân tro, về sâu bệnh, dinh dưỡng, về chế biến, bảo quản,... Rõ ràng
rằng lúc đó các bộ lạc còn sống bấp bênh nhờ hái lượm đã từng thèm khát và
khâm phục gọi các bộ lạc có nền kinh tế nuôi trồng là các nền kinh tế uyên bác.
Thực vậy họ gọi những người nuôi trồng là những kẻ "cultiver" (những
người có văn hoá). Sự khâm phục ấy đã biến đổi động từ "trồng trọt"
thành danh từ "văn hóa". Tại thời điểm đó, khối lượng tri thức của
nhân loại đã tăng lên một cách đột biến. Quá trình chuyển đổi phương thức sản
xuất lần thứ nhất này dẫn đến sự hình thành nhiều trung tâm văn minh nhân loại
từ Ai Cập, Lưỡng Hà, đến Ấn Độ, Trung Hoa, v.v.
Lịch sử lại thêm một lần chuyển đổi phương thức sản xuất lần thứ
hai, mới chỉ xảy ra cách đây vài trăm năm, là quá trình thay thế sức sản xuất
từ cơ bắp sang sức máy. Lúc đó, công suất của những cỗ máy hơi nước, của các
động cơ điện thường hay được so sánh với sức ngựa kéo (HP hay CV). Cách so sánh
này vẫn được ghi trên nhãn mác của những cỗ máy hiện đại nhất tại thế kỷ 21
này. Tại lần chuyển đổi thứ hai này, tri thức của loài người về các quá trình
lý hoá, cơ điện, nhiệt động, kết cấu, lắp ghép, v.v, cũng tăng lên đột biến.
Quá trình chuyển đổi phương thức sản xuất lần thứ hai gắn liền với sự lớn mạnh
của chủ nghĩa tư bản, sự bành trướng toàn cầu của chủ nghĩa thực dân.
Hiện nay, chúng ta bắt đầu đi vào quá trình chuyển đổi phương thức
sản xuất lần thứ ba, có bản chất là sự tối ưu hóa sản suất bằng các con chíp
điện tử. Trong công cuộc chuyển đổi này, mọi hoạt động sản xuất, văn hóa, thể
thao, khoa học, công nghệ, văn học, nghệ thuật, v.v, đều thấp thoáng bóng dáng
sự hỗ trợ của các con chíp điện tử. Tốc độ chuyển đổi phương thức sản xuất lần
thứ ba rất nhanh, phạm vi rất rộng, không trừ một góc khuất nào trên khắp hoàn
cầu.
Nhiều hiện tượng mới, cả tích cực và tiêu cực đều đồng thời diễn
ra. Hơn nữa, nhận thức của chúng ta về quá trình chuyển đổi mày có lẽ đã, đang
và sẽ còn rất nhiều khiếm khuyết. Bởi vì, đơn giản là chúng ta đang sống trong
chính quá trình chuyển đổi đó. Đứng bên cạnh con voi đã rất khó khăn để mô tả về
Con voi, thế thì đứng trong bụng con voi lại càng khó nói về nó hơn. Cái gọi là
"nền kinh tế tri thức", thực chất chính là một cuộc chuyển đổi lớn
lao, mạnh mẽ và vô cùng dồn dập về phương thức sản xuất, trong đó hiểu biết
của loài người về mọi phương diện đang tăng lên theo cấp số nhân giống như hai
lần chuyển đổi trước đây.
Nguy cơ tụt hậu
Nhìn lại lịch sử, chúng ta thấy rằng trong lần chuyển đổi phương
thức sản xuất thứ nhất, những bộ lạc khư khư giữ phương thức hái lượm nhanh
chóng bị thôn tính và xoá sổ, mất đất, mất tên. Tương tự như vậy, tới lần chuyển
đổi thứ hai, nhiều quốc gia chậm tiến đã bị các nước phát triển hơn thôn tính
làm thuộc địa. Nhật Bản là một trong những dân tộc hiếm hoi, do đã nhanh chóng
tăng cường tri thức về máy móc, nên mới thoát hiểm không bị nhấn chìm bởi làn
sóng thuộc địa hoá.
Điều này dẫn đến một suy đoán là, trong lần chuyển đổi phương thức
sản xuất thứ ba này vốn đang diễn ra với tốc độ vô cùng khẩn trương, các dân tộc
và quốc gia không nỗ lực thay đổi, thích nghi, thì tất yếu bị tụt hậu xa hơn. Nếu
như người lãnh đạo các nước này nhận thức sai về nền kinh tế trí thức, nếu họ
chỉ ưa các mỹ từ, không nhìn sâu vào quá trình chuyển đổi, không biết ứng dụng
nguyên lý lớn (nguyên lý tích tản) để mổ xẻ các vấn đề thời cuộc, nhất định họ
đã và sẽ còn chìm lâu trong sự trì trệ.
Vậy vấn đề thời cuộc lớn nhất hiện nay là gì? Đó chính là vấn đề
nhận thức cho đúng hạt nhân phát triển, bao gồm quyền lực (Power – P) và trí tuệ
(Intellectual – I), hay có thể gọi là hạt nhân (P,I). Nhận thức về hạt nhân
(P,I) cho phép chúng ta từ bỏ cách xài cụm từ "sử dụng chất xám". Chất
xám với tư cách là một con người không thể bị sử dụng thông qua một hợp đồng
lao động với đồng lương rẻ mạt. Quan niệm như vậy sẽ giết chết sự sáng tạo. Chất
xám, hay nhà trí thức, phải được trân trọng ở tầm mức cao nhất. Bất cứ một tổ
chức hay cá nhân nào tạo ra được một hạt nhân (P,I) đều có thể xác lập một cơ hội
phát triển mạnh mẽ. Hạt nhân (P,I) luôn luôn có trách nhiệm, và về nguyên lý nhất
định phải lãnh trách nhiệm, trong việc tìm ra cách thức mới để sáng tạo ra sản
phẩm phục vụ cuộc sống theo cách tốt đẹp hơn, nhân văn hơn. Cũng là sản phẩm
lúa gạo, nhưng trong nền kinh tế tri thức một tổ chức có hạt nhân (P,I) sẽ sản
xuất ra lúa gạo với năng suất cao hơn, hiệu quả hơn, hủy hoại môi trường ít
hơn. Ngược lại, một tổ chức độc quyền không có hạt nhân (P,I), sẽ sản xuất xăng
dầu, xi măng, điện năng, gỗ giấy, v.v, với chi phí ngày càng tăng, làm cạn kiệt
tài nguyên, và hủy hoại môi trường ngày càng nhiều.
Cuối cùng, chúng tôi đề xuất một định nghĩa: "Nền
kinh tế tri thức" là nền kinh tế sản xuất ra những sản phẩm phục vụ cho cuộc
sống con người bằng các qui trình ngày càng trí tuệ hơn, nhờ vào việc nền kinh
tế ấy đang xây dựng và mở rộng ngày càng nhiều các hạt nhân phát triển
(P,I). Ngược lại, những quốc gia hoặc khu vực nào chưa có ý
thức tạo dựng các hạt nhân phát triển (P,I) thì nhất quyết chưa thể
xếp vào hạng các nền kinh tế tri thức.
---
1. Tri thức: Những hiểu biết mà người ta phải học mới có, học cả trong sách vở lẫn trong thực tế. Tri thức giúp một con người hoặc một cộng đồng hành động đúng trong một bối cảnh nào đó. Khi bối cảnh thay đổi tri thức ấy cũng thay đổi theo. Vậy tri thức la các luật nhỏ (local laws).
2. Trí thức là người thức nhận được các luật lớn (permanent and universal laws) bằng một trong hai cách:
---
1. Tri thức: Những hiểu biết mà người ta phải học mới có, học cả trong sách vở lẫn trong thực tế. Tri thức giúp một con người hoặc một cộng đồng hành động đúng trong một bối cảnh nào đó. Khi bối cảnh thay đổi tri thức ấy cũng thay đổi theo. Vậy tri thức la các luật nhỏ (local laws).
2. Trí thức là người thức nhận được các luật lớn (permanent and universal laws) bằng một trong hai cách:
- Cách tuần tự: học tập dần dần để tích lũy các luật
nhỏ
- Cách đốn ngộ: suy ngẫm để đi đến việc xé bỏ màng vô
minh
Nói chung trí thức là người thức tỉnh khỏi vô minh nhờ
rèn luyện tâm trí. Rất nhiều người có bằng cấp cao nhưng chưa thức
tỉnh thì chưa là trí thức. Họ đang trên đường đi đến. Nhưng có thể
vì tâm hẹp hòi, u xám, mà họ ngày càng rời xa quá trình thức tỉnh.
3. Cha mẹ Đào Duy Từ làm nghề ca xướng, thành ra theo quy định của chế độ cũ ông không được đi thi.
3. Cha mẹ Đào Duy Từ làm nghề ca xướng, thành ra theo quy định của chế độ cũ ông không được đi thi.