Anna Le
Bản dịch của Lý Lan
Tạp chí Tia Sáng
Đề tài nghiên cứu của Anna Le là mối liên hệ giữa ẩm thực và căn cước. Việt Nam là như thế nào, cái gì là Việt Nam, cái gì không phải Việt Nam? Tưởng đơn giản, rạch ròi, mà hóa ra không phải vậy. Đây là bài viết bằng tiếng Anh của Anna Le sau khi trở về trường và nhớ lại những trải nghiệm của mình.
Nhiều thói quen du lịch của đám bạn Mỹ trắng cùng lớp đã hại tôi. Chẳng hạn, mặc dù tôi có thể dễ dàng sống bằng bánh xèo, bún thịt nướng và phở trong suốt thời gian ở Việt Nam, nhưng cứ thình thoảng tôi lại theo tụi nó để ăn “đồ Mỹ”. Hay kêu tắc xi trong khi có thể đi bộ và đáng lẽ nên đi bộ. Rồi ra dấu, chỉ chỏ như người thời tiền sử khi mua đồ ăn, và dùng cái máy tính mà những người bán hàng chìa cho chúng tôi để cò kè trả giá khi mua cái áo thun ...
Đêm Giáng sinh tôi cũng lại sa đà vô một trò du lịch mà tôi đã thề sẽ không bao giờ để mình dính vào. Tôi mượn cuốn sổ và cây viết của người bạn đồng hành, viết ra địa điểm mà tụi tôi muốn đến trên mặt giấy lùi xùi vì hơi ẩm, xé ra, đưa cho người lái tắc xi. Anh ta nhìn mấy chữ tôi viết, rên lên hơi cường điệu. Anh nói chỗ đó kẹt xe khủng khiếp. Tôi thông cảm việc anh không chịu len lỏi vào chốn trung tâm thành phố ấy. Đêm trước đó tất cả tụi tôi đều đã trải qua kinh nghiệm mắc kẹt giữ quận nhất trong mùa Giáng sinh. Thân thể tôi vẫn còn nhức nhối vì đã hít không biết bao nhiêu khói thải từ những cái xe bị đạp thắng liên tục, bụi bặm và hơi nước xịt từ những vòi phun lòng thòng ngớ ngẩn.
Tài xế không chịu chạy, tụi tôi cũng không chịu xuống xe, mà ngồi cãi vã với nhau xem phải làm gì với gã lái xe không chịu giúp tụi tôi hiện thực hóa giấc mơ ăn Noel ở thành phố Saigon. Cuối cùng tài xế chịu thua, đau khổ chở tụi tôi đến nơi. Nơi nào? Dĩ nhiên là Rex Hotel. Tụi tôi nồng nhiệt cám ơn anh. Tôi trả tiền và nói “Cám ơn chú”. Giọng nói biết ơn một cách chân thành của tôi kèm theo xưng hô bất nhờ “chú” thân mật như gọi người trong gia đình tức thì gây ra vô số đợt sóng cảm xúc tràn qua gương mặt người tài xế. Gương mặt nhăn nhó của anh ta biểu lộ rõ sự giận ghét. Ngôn ngữ thân thể của anh ta cho tôi biết anh cảm thấy bị lừa và mắc bẫy.
Anh nhìn khuôn mặt Việt Nam đeo đôi kính ngoại quốc của tôi. Tướng tá “mập mập” của tôi có lẽ khiến anh còn ngờ ngợ, chứ tiếng “chú” chắc chắn không phải là cách xưng hô của người nước ngoài. Anh dấm dẳng hỏi: “Cô LÀ…” Tôi nói tôi là Việt kiều, trả tiền xe, rồi ra khỏi tắc xi, và câu chuyện dừng ở đó. Nhưng tôi đã thất vọng thấy mình bị đối xử khác.
Phản ứng của “Chú” tài xế ít nhiều giống như dự đoán của tôi về cách người Việt Nam sẽ đối xử với tôi. Lớn lên ở Mỹ với sự bối rối của người Mỹ gốc Âu lẫn Á khi họ phải xác định chủng tộc của tôi. Ngay cả trên đường bay đến Việt Nam, tôi thấy thật buồn cười khi tiếp viên hãng hàng không Korean Airlines cứ nói tiếng Anh với mấy bạn cùng lớp ngồi cùng hàng phía trước và phía sau tôi, nhưng lại nói với tôi bằng tiếng Hàn! Những cuộc trò chuyện với nhiều người khác, chứ không chỉ với “chú” tắc xi quạu quọ, đều thường thường bao gồm câu hỏi “Cô là người gì?” Cho nên tôi đã không thể chuẩn bị được gì đối với những phản ứng mà tôi thật sự gặp ở những người Việt Nam khác.
“Tên tôi là Anna và tôi đến đây để tìm hiểu về ẩm thực, toàn cầu hóa và căn…”
“Cô là người Việt Nam?”
Tôi đã đến phi trường Tân Sơn Nhất, đang làm thủ tục hải quan. Viên chức mặc đồng phục xanh với những sọc đỏ dữ dằn nhìn vào tên tôi trong sổ thông hành: Le Xuan Anna Ngoc. Chẳng để ý đến chữ “Anna” kỳ cục, ông ta hỏi: “Lê Ngọc Xuân, hử?” Thành thật mà nói, trước đây tôi chưa từng nghe ai đọc trọn vẹn cái tên Việt Nam của tôi, và tôi có cảm giác chết trong lòng một tí khi ông ta phát âm nó đúng hơn cả tôi. Sợ líu cả lưỡi, tôi trả lời bằng tiếng Anh kèm theo nụ cười mơ hồ: “Chính là tôi.” Tôi lấy làm lạ với ông ta. “Lê Ngọc Xuân hử?” Đó có thực là tôi?
Ở một xưởng dệt chiếu ở đồng bằng sông Cửu Long, trong lúc tụi tôi đang xem một người tô màu lên chiếu, người lái đò nói: “Thấy không, cái cô đó coi bộ là người Việt Nam”.
Ở Hà Nội, tụi tôi lên tắc xi và lần đầu tiên tôi gặp nữ tài xế tắc xi ở Việt Nam. Tôi bảo chị ấy: “Đi chợ Đồng Xuân được hông?” Gương mặt chị bừng sáng lên niềm vui khi nghe ra tiếng Việt tập tọng của tôi, và chị hỏi tôi những câu hỏi công thức về quốc tịch và ngôn ngữ mà tôi thường bị hỏi, sau đó chị tiếp tục bô lô ba la trên suốt chặng đường còn lại với giọng Hà Nội mà tôi nghe khó hiểu quá.
Đừng vội trách tôi, đôi khi tiếng Việt của tôi kém cỏi đến nỗi tôi trở nên đứa ngớ ngẩn khi ông xe ôm trên đường phá ra cười, lặp lại câu tôi nói với đồng nghiệp đậu xe kế bên, tôi biết họ tưởng tôi là một du khách Đông Á vừa học lõm bõm vài câu tiếng Việt. Vào ngày cuối cùng tôi ở Việt Nam, ông xe ôm đó khen tôi nói tiếng Việt rất giỏi. Nếu ông ta biết tiếng Việt là ngôn ngữ đầu tiên tôi học nói với mẹ mình, ắt hẳn ông không cho đó là tiếng Việt giỏi của một người nước ngoài, mà là tiếng Việt dở của một người đồng bào với ông. Mặc dù bị một số người gạt bỏ như người nước ngoài, một số người khác vẫn coi tôi là người Việt Nam không chối cãi được, ngoài cả sự hình dung của tôi.
Bây giờ quay lại với đề tài ẩm thực và căn cước, đằng nào thì chúng ta cũng phải ăn mỗi ngày, nhiều lần mỗi ngày. Sau khi thưởng thức một tô bún thịt xào, tôi học được một bài học đáng giá về đặc tính Việt Nam. Tụi tôi hỏi người quản lý của một nhà hàng Việt Nam hết sức độc đáo vài câu hỏi liên quan đến thực phẩm và chủ trương ẩm thực của nhà hàng. Ông nói là những đầu bếp trong nhà hàng của ông ở miền tây lên, không thông qua trường lớp đào tạo chuyên môn, mà nấu nướng theo những thực đơn mang theo ở trong lòng của họ. Chúng tôi thảo luận về nguyên liệu dùng trong chế biến và thăm nhà bếp một lát, xem các đầu bếp trổ tài pháp thuật. Tôi hỏi có gì khác giữa nhà hàng này và tất cả những nhà hàng khắp nơi trên thế giới tự dán nhãn ẩm thực Việt Nam chánh cống. Khá nhiều điểm được nêu ra về quê nhà, tình yêu, nấu nướng với cả tấm lòng, nhưng điều khiến tôi chú ý nhất là khi ông quản lý nói về bột ngọt. Ông nói thẳng với tôi: “Chúng tôi có xài bột ngọt. Mấy nhà hàng khác quảng cáo là ‘không bột ngọt’ thì không phải Việt Nam chánh cống. Đồ ăn Việt Nam đúng điệu là phải có bột ngọt.”
A ha. Ngay tức thì tôi bỗng hiểu ra. Nhà hàng nào quảng cáo “không bột ngọt” trong món ăn để thuyết phục du khách thì, xin lỗi, món ăn của quí vị đâu còn chánh cống Việt Nam nữa. Nếu mình khoái món cải biên đông tây kết hợp và “không bột ngọt” là chủ trương thì đâu thể tự nhận là chánh cống Việt Nam. Bản sắc Việt Nam thì cứ là bất cứ cái gì Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam. Tôi bắt đầu hiểu.