Chủ Nhật, 15 tháng 4, 2012

TIẾNG VIỆT - HIỆN ĐẠI HÓA XƯA VÀ HIỆN ĐẠI HÓA NAY



Trần Thị Phương Hoa
Vietstudies

Không cần nói thì ai cũng hiểu sức mạnh và quyền lực của ngôn ngữ. Các cụ ngày xưa mặc dù tỏ ra rất thoải mái “Lời nói không mất tiền mua/Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, nhưng ngay đấy lại cảnh báo với lời lẽ rất hình sự “Lời nói đọi máu”. Câu chuyện về cái lưỡi lắt léo của Edôp cho ta một bài học rằng ngôn ngữ có thể tâng người ta lên mây nhưng đồng thời có thể dìm người ta xuống bùn đen, có thể biến kẻ thù thành bạn bè và ngược lại. Ở tầm rất cao như tầm một dân tộc hay thấp hơn là một cá nhân, ngôn ngữ có giá trị như một tài sản vô giá vì ngôn ngữ thể hiện vốn sống, trình độ, trí tuệ, cảm xúc, tư duy, sự khôn ngoan, sự nghiêm túc, óc hài hước, lòng dũng cảm, trí sáng tạo… Đây còn là một tài sản đặc biệt vì một khi đã sở hữu nó rồi thì không thế lực nào có thể tước đoạt nó đi được. Tuy nhiên ngôn ngữ cũng có thể bị mai một, bị xói mòn nếu không được trau dồi, bồi đắp, và ở thái cực khác, ngôn ngữ cũng thể hiện sự hời hợt lười biếng, sự hèn nhát, thói giả dối...
Thường một dân tộc muốn vun đắp cho ngôn ngữ của mình phải dựa vào các nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà tư tưởng, nhà khoa học, nhà giáo dục. Nhưng sự phong phú ngôn ngữ của những “nhà” này lại phụ thuộc rất nhiều vào ngôn ngữ của tầng lớp bình dân và vào khả năng thẩm thấu ngôn ngữ đời sống kết hợp với năng lực chuyển đổi thành ngôn ngữ văn học. Việt Nam hiện đang đối diện với làn sóng hiện đại hoá, trong trào lưu toàn cầu hoá. Đó là thách thức hay cơ hội cho tiếng Việt? Cách nay 100 năm có lẻ, tiếng Việt trải qua một cơn địa chấn khi phải thay đổi hoàn toàn cả về hình thức lẫn nội dung. Ấy là khi chữ quốc ngữ được đưa vào trường học thay thế cho chữ Hán, và đồng thời, một lối tư duy mới về ngôn ngữ văn học cũng được áp dụng. Quá trình này diễn ra trong bối cảnh thuộc địa và các trí thức Việt Nam đã đóng một vai trò rất quan trọng trong việc giữ gìn và làm giàu cho ngôn ngữ mẹ đẻ. Trong khi ở Nam Kỳ, việc học và thi chữ quốc ngữ được thực hiện rất sớm, từ năm 1867, sau khi tất cả các quan học chính theo hệ thống Nho giáo bị triệu hồi về Huế; ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, chữ quốc ngữ được đưa vào trường học và thi cử muộn hơn nhiều. Trứơc kỳ thi Hương cuối cùng năm 1915 ở Bắc Kỳ, các trường Nho giáo vẫn học chữ Hán phục vụ cho việc thi cử. Mặc dù chữ quốc ngữ đã được đưa vào thi Hương năm 1909 nhưng trong số năm kỳ thi (bốn kỳ vòng loại và một kỳ phúc hạch), chỉ có một kỳ thi quốc ngữ, trong kỳ phúc hạch có một phần bài quốc ngữ. Ở các trường phổ thông kiểu mới (trường Pháp-Việt), học sinh thi hoàn toàn bằng tiếng Pháp, bằng cấp dùng tiếng Pháp. Hơn chín mươi lăm phần trăm các trường học dùng tiếng Pháp từ các bậc học thấp nhất. Trước sự đấu tranh của các trí thức (trong đó có vai trò nổi bật của ông Nguyễn Văn Vĩnh và ông Phạm Quỳnh), năm 1925 chính phủ Bảo hộ mới mở kỳ thi Sơ học yếu lược bằng tiếng Việt. Đây cũng là thời kỳ tiến hành cải lương hương chính, để thúc đẩy người dân học và thi chữ quốc ngữ, chính phủ quy định ai muốn làm lý trưởng phải biết thạo chữ quốc ngữ và ít nhất có bằng Sơ học yếu lược.
Ở Trung Kỳ, việc học chữ quốc ngữ còn chậm hơn. Năm 1913, Đông Dương tạp chí vui mừng thông báo tại lễ trao phần thưởng tại trường Quốc tử giám Huế, Thượng thư Bộ học Cao Xuân Dục đã phát biểu với văn bản viết bằng chữ quốc ngữ. Sự kiện này được Đông Dương tạp chí coi là “kỳ tích kỷ niệm cho lịch sử văn chương quốc ngữ” bởi vì “Quan Hiệp Cao nguyên khi xưa ở Hội đồng cải lương học vụ (Hội đồng Hoàn thiện giáo dục bản xứ) đã tỏ ra rằng ngài muốn giữ Nho học, không muốn dùng quốc ngữ. Tháng 9 năm ngoái (1912), Đông Dương tạp chí gửi vào Kinh trình Cao tướng công một quyển sách mới để dạy chữ Quốc ngữ. Cao tướng công xem xong sách ấy, thì chịu ngay cái thuật dạy là tài, mà chữ quốc ngữ thật là tiện diệu.. Ngày nay quan Học bộ thượng thư lại dùng ngay chữ quốc ngữ mà diễn tại một trường học to nhất trong nước”[1]. Trong bài phát biểu của Thượng thư Bộ học Cao Xuân Dục có mô tả chương trình mới của Quốc tử giám “Học quy tràng Quốc tử giám đã định rằng buổi sớm học chữ Nho, buổi hôm học chữ quốc ngữ”. Tuy nhiên ngài cũng tỏ một ý tiếc rằng trong kỳ thi Hội năm 1913, người đạt điểm cao nhất về chữ quốc ngữ không phải học sinh trường Quốc tử giám”.
Nam Phong đã nhắc lại nội dung của bài chính tả trong kỳ thi Sơ học yếu lược (sau khi học sinh học hết ba lớp bậc Sơ học) đầu tiên năm 1925. Đó là bài ca ngợi chữ quốc ngữ “Nước ta tên gọi Việt Nam, nên quốc ngữ của ta gọi là Nam ngữ. Ôi! Nam ngữ! Nam ngữ! Ta là người Nam sinh trưởng ở đất nước Nam, sống chết ở nước Nam, nói tiếng nước Nam, viết tiếng nước Nam…truyền bá tư tưởng văn minh học thuật được tiện lợi bằng thứ chữ thần thánh ấy. Cho nên nói rằng: Nước Nam ta mai sau này hay dở cũng nhờ về chữ quốc ngữ, tưởng cũng không phải là nói ngoa vậy” (Nam Phong, năm 1927, trang 370). Đứng ở ngã ba của lịch sử, có thể nói tiếng Việt đã được đặt vào tay ba bà đỡ: văn hoá dân gian Việt Nam; văn chương, khoa học Pháp và văn chữ Hán. Kho tàng tục ngữ dân ca cung cấp cho tiếng Việt những tiếng tượng thanh tượng hình giàu âm sắc, giọng điệu; trong khi đó lối kể chuyện và bố cục văn Pháp ảnh hưởng tới tính mạch lạc, hàm súc, gần gũi nhưng sang trọng cho ngôn ngữ văn chương Việt; và khẩu khí vững vàng cứng cỏi của văn chữ Hán đem lại sự nghiêm cẩn, chỉn chu trong lối hành văn tiếng Việt mới. Sự kết hợp của những yếu tố trên đã tạo ra những tác phẩm kinh điển đi vào lòng người. Đọc văn nghị luận của cụ Phạm Quỳnh mà không hề thấy khô khan giáo điều, đọc văn báo chí của cụ Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Tất Tố, Phan Khôi thấy cảm phục văn chương của các bậc thầy ngôn ngữ, rất giản dị mà mang đậm dấu ấn tư duy, trí tuệ và cảm xúc của từng cá nhân.
Đối diện với làn sóng hiện đại hoá ngày nay, ngôn ngữ Việt cũng có nhiều biến đổi. Tuy nhiên đôi khi hiện thực thay đổi quá nhanh, trong khi ngôn ngữ vẫn lẹt đẹt ì ạch chạy đằng sau thực tiễn. Trong trường hợp khác, tư duy ngôn ngữ nông cạn và lười biếng đã không gánh được thực tiễn đầy sinh động và biến ảo. Sự kiện cuốn sách “Sát thủ đầu mưng mủ” được phổ biến rộng rãi nhận được nhiều ủng hộ nhưng cũng khiến nhiều người thất vọng. Sự ghép vần dễ dãi và vô nghĩa có thể giết chết tiếng Việt. Tiếng Việt có vần điệu nhưng chỉ vần điệu không tạo ra tiếng Việt. Bên trong vỏ bọc vần điệu là những trải nghiệm, đúc kết. Nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo đã kể một câu chuyện về sự vênh nhau giữa khả năng ngôn ngữ và kinh nghiệm sống. Ông có một người bạn nước ngoài rất giỏi tiếng Việt, tự tin đến mức thách nhà ngôn ngữ ra câu đố thành ngữ tục ngữ Việt Nam (điều mà nhiều người Việt thậm chí bó tay). Sau nhiều câu đố và giải đố thông suốt, Giáo sư Cao Xuân Hạo đưa ra câu “Chó treo mèo đậy”. Đến câu này thì ông bạn ngẫm nghĩ và hẹn hôm sau trả lời. Hôm sau người bạn gặp lại và thừa nhận rằng câu này khó quá, có lẽ ông chịu, mặc dù đã suy nghĩ rất lung “Tại sao chó thì treo lên, mèo thì đậy lại. Có phải khi ăn thịt chó người ta treo nó lên, còn khi ăn thịt mèo thì đậy lại không?”. Giáo sư Cao Xuân Hạo mới trả lời rằng ấy là vì ngày xưa nhiều nhà không có chạn bát nên muốn cất thức ăn khỏi chó mèo thì phải treo nó lên để tránh chó, còn nhà có mèo thì đậy lại (vì mèo biết leo trèo, treo lên cũng không an toàn). Một trường hợp gây bàn luận nhiều trong dân gian là câu “Ếch tháng ba gà tháng bảy”, người thì cho rằng đó là thời điểm thịt ếch và gà ngon, người thì lại bảo không nên ăn vì khi đó thịt chúng gầy (mùa giáp hạt). Và còn rất nhiều, rất nhiều những câu nói có vần điệu trong dân gian khiến ta phải tìm tòi, suy ngẫm.
Nếu tiếng Việt ở vào 100 năm trước có ba bà đỡ như đã nói ở trên thì ngày nay ta vẫn còn bà đỡ thứ nhất, đó là kho tàng văn học dân gian. Tuy nhiên, dường như sự khôn ngoan thông thái của nhà nông đã không còn phù hợp với xã hội công nghiệp hoá ngày nay nữa. Nhiều kinh nghiệm dân gian khiến học sinh và bố mẹ chúng khóc dở mếu dở, chẳng hạn câu “Công cấy là công bỏ, công làm cỏ là công ăn”. Học sinh thành phố không hiểu đã đành, đến bố mẹ chúng gặp câu này cũng nháo nhác cả lên vì cả đời có bao giờ biết đến cấy, biết làm cỏ là gì. Sau đây là lời trao đổi của các bố mẹ trong một diễn đàn
Hội viên 1: Các cụ giải thích giùm em câu tục ngữ “Công cấy là công bỏ, công làm cỏ là công ăn”. Con gái em hỏi mà em không biết giải thích một cách đầy đủ cho nó làm bài. Xin cám ơn các cụ.
Hội viên 2: Chắc chắn 100% là con gái em học lớp 7 đúng không? Vì thằng cu nhà mình (học lớp 7) cũng hỏi mình hôm nọ câu này (bọn này sắp thi Học kỳ I rồi). Bó tay toàn phần vì cả đời chưa bao giờ đi cấy hay làm cỏ cả! Đành giải thích tạm rằng "đi cấy thì chưa chắc đã thu hoạch được vì đôi khi vẫn bị thiên tai mất mùa, nên công này có thể phải/bị bỏ. Còn làm cỏ là để giúp cây mọc tốt, có lợi nên...công này coi như có ích, xơi được"!!!Vậy cụ nào biết chắc xin chỉ giáo để em còn về giảng lại cho thế hệ trẻ phát, không có thi cử đến nơi rồi.
Hội viên 3: Phần giải thích của cụ xem như chỉ đúng một nửa! Đúng là dân thành thị, chẳng biết gì về trồng trọt! Phải chi HN mở rộng sơm sớm tí thì đâu đến nỗi! Câu này về nghĩa đen đó là "cấy" mà không "làm cỏ" thì chỉ có vứt! Vì bản chất cây lúa có tính cạnh tranh với cỏ dại rất chi là kém, nếu không có chuyên chính bằng cách làm cỏ kỹ càng thì đám cỏ dại sẽ nuốt chửng đám lúa ngay. Tức là không phải rủi ro về thiên tai vì nếu thiên tai thì làm cỏ cũng đâu có ý nghĩa gì?! Nâng quan điểm chính chị: "Gieo trồng cũng quan trọng nhưng không quan trọng bằng chăm sóc cây trồng."
Hội viên 4: Cấy = đẻ (Bố, mẹ); Làm cỏ = Chăm sóc , dạy dỗ (Thầy, cô, trường, lớp).
Các cụ đẻ con ra nhưng chẳng ăn uống, nhờ vả được gì ngay đâu? mà phải nộp xiền cho đám làm cỏ kia ăn... Ý nói...các cụ phải hiểu mà nộp xiền cho đám ...làm cỏ
Không hiểu cuối cùng các bố mẹ chọn cách trả lời nào để giúp con, nhưng hình như bản thân họ cũng đã rút ra được bài học từ kinh nghiệm dân gian và ứng dụng cho thực tiễn hiện nay “Công thày cô là quan trọng và công ấy là công phải tốn tiền”.
Ngày nay chúng ta cần những nhà văn hoá như Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Quỳnh xưa kia, những người không chỉ cổ vũ cho tiếng Việt mà bản thân còn là những bậc thày về sử dụng tiếng Việt, đưa tiếng Việt đến với mọi tầng lớp người dân. Hiện nay, số lượng các nhà ngôn ngữ đang ngày càng tăng lên. Nhưng nếu đọc các công trình của họ thì hẳn không phải ai cũng ngộ ra được vì đa phần sử dụng quá nhiều thuật ngữ chuyên ngành. Các nhà ngôn ngữ học Việt Nam có thể tham khảo thêm kinh nghiệm viết sách của nhà kinh tế học Paul Krugman, chủ nhân giải thưởng Nobel năm 2008 qua cuốn sách “Sự trở lại của kinh tế học suy thoái và cuộc khủng hoảng năm 2008”[2]. Giới kinh tế học vẫn nổi tiếng với những công trình “dày đặc phương trình, những biểu đồ bí hiểm, những thuật ngữ chuyên ngành khó hiểu”. Paul Krugman cho rằng những thứ bí hiểm đó là thực ra chỉ là dàn giáo làm bệ đỡ cho toà lâu đài tri thức, “khi toà lâu đài đã được xây tới một mức nào đó, người ta sẽ dỡ bỏ những dàn giáo đi, những gì còn lại chỉ là ngôn ngữ giản dị và dễ hiểu”.

[1] Đông Dương tạp chí (1913), “Phát phần thưởng tại tràng Quốc tử giám ở Huế”, ngày 10/10/1913
[2] Paul Krugman (2009), Sự trở lại của kinh tế học suy thoái và cuộc khủng hoảng năm 2008, Nguyễn Dương Hiếu và cộng sự dịch, lời giới thiệu của Trần Hữu Dũng, Nhà xuất bản Trẻ.