Thứ Ba, 16 tháng 11, 2010

CÁI TÂM KHÔNG VỘI

Hoàng Thảo
Tuổi trẻ cuối tuần, 24/10/2010

1. - Cách đây không lâu, cánh thợ mộc vùng quê đi làm cốt để có bữa cơm tươi hơn cánh cày cuốc, còn tiền công chẳng là bao, đúng như câu ca “Làm thầy nuôi vợ, làm thợ nuôi thân”. Vậy mà khi làm nhà cho một gia đình kia, bác cả cùng đám thợ của mình đã không được như ý. Bữa cơm thường ngày của họ thường với những miếng cá ở phần đầu, phần đuôi chứ ít khi được miếng to, miếng nạc ở phần giữa thân cá.
Nhưng sự bực dọc của họ cũng qua khi ngôi nhà rường mới được hoàn tất. Ngày hoàn công, xong chuyện tiền bạc, bà chủ nhà - người đầu bếp của đám thợ - xin được có “lễ vật” tạ ơn riêng cho họ. Bà khệ nệ bưng ra một hủ đầy cá muối toàn những miếng to, miếng nạc trông rất ngon lành. “Các anh đi làm dù gì cũng được gia chủ tui đãi cơm trắng cá tươi. Chỉ thương các chị ở nhà. Vậy nên tui xin...”.
Bà chủ nhà vừa dứt lời, bác cả cùng đám thợ bạn đều ngẩn người.
Thay vì hoan hỉ nhận tiền và của lễ ra về, bác cả bỗng đề nghị chủ nhà tìm gấp một cây gỗ để ngày mai bác cùng các bạn thay cho cây cột ở góc nhà “vì nó không mấy được tốt”. Thật ra, đó là cây cột đã bị họ “trở đầu” - đưa phần ngọn của cây gỗ làm cột đứng táng trên mặt nền, một cách “trù yểm” theo quan niệm của giới thợ làm nhà nhằm “hại” gia chủ vì đã đối xử không tốt với họ.
2. - Chuyện từ một chị ở vùng xuôi lên mở quán ở một thị tứ vùng cao.
Chị kể với tôi chuyện buôn bán với những người Ca Dong, Xơ Đăng bản địa. Lần đầu bán quế cho chị, họ đòi chị đãi họ một chầu bia khi họ cõng quế từ nhà đến quán cho chị. Nhưng hôm đó chị chỉ cho họ một tiệc rượu. Tuy không ai lên tiếng trách chị sai lời nhưng trong tiệc rượu ai cũng có vẻ không vui.
Xong bữa rượu, chị lấy những phần quà đã được chị đặt sẵn ở góc sạp, bỏ vào mỗi chiếc gùi một phần. Ngoài những thứ vốn quý với người vùng cao như bột ngọt, muối nêm, đường, mì gói, chị không quên bỏ vào mỗi phần quà vài trục chỉ đen, trắng và một bao kim khâu. “Ơ! Mình không ngờ cái bụng bà chủ biết thương hết cả nhà mình thế này. Vậy mà mình cứ nghĩ...” - những người bán quế ngạc nhiên trước phần quà bất ngờ cùng buột miệng.
Sự đối đãi mở đầu đó cũng là cách ứng xử lâu dài của chị với những con người ở chốn rẻo cao này.
3. - Chuyện cũng mới xảy ra ở làng tôi.
Do con gà mái mới mua về bị sổng lồng, đôi vợ chồng trẻ nọ đã đốt đèn đến nhà vợ chồng ông cụ ở gần bên tìm kiếm. Ông bà cụ bảo họ cứ ra chuồng gà nhà mình tìm kiếm, nếu tìm thấy thì bắt mang về. Sáng ra, biết là đôi vợ chồng nọ đã bắt nhầm con gà của mình, ông bà cụ vẫn im lặng.
Bẵng đi một năm sau, con gà mái kia đã sinh mấy lứa con đùm đề. Cảm kích lòng tốt của vợ chồng ông cụ, đôi vợ chồng trẻ đã mang trả lại con gà mái cùng biếu vợ chồng ông cụ một cặp gà choai. Nhưng vợ chồng ông cụ chỉ cảm ơn và nhất quyết tặng lại cho họ vì “các cháu hãy còn khó khăn”. Sự việc bên ngoài biết được cũng là do chính đôi vợ chồng nọ tự nói ra với người trong xóm.
Người có tâm thường không đối đãi vội vàng, lộ liễu.
Nhưng lại giống như sự gieo trồng, điều tốt lành nhiều khi đến rất sớm.