Thứ Bảy, 6 tháng 11, 2010

VỀ BẢN DỊCH CHIẾU DỜI ĐÔ SANG TIẾNG ANH: CÒN NHIỀU SẠN


Nguyễn Văn Minh
Nguyên trưởng ban Anh ngữ, NXB Ngoại Văn
Trích Xưa & nay, số 366, tháng 10/ 2010


Về mặt sai sót
Niên biểu và tên riêng:
- Thành Vương (Cheng Wang, 115-1079 TCN), của nhà Chu (Zhou).
Thực tế là nhà Chu tồn tại từ 1045-1079 TCN (theo Wikipedia). Vậy chú thích về niên biểu này là sai. Vả chăng, ta phải tôn trọng bản gốc chứ không được thêm hay bớt để chú thích (mà lại sai) như vậy.
- Vua Thành Vương không phải là Cheng Wang mà là Ping Wang (viết liền thành Pingwang cũng được) bởi vì Cheng Wang là vị vua thứ hai của đời Chu, ngay sau vị vua thứ nhất là Chu Vũ Vương (King Wu of Zhou). Chả nhẽ chỉ sau một đời vua mà kinh đô đã được thay đổi đến 3 lần? Vả lại tiếng Việt nói “đến vua Thành Vương”. Chữ đến đây ám chỉ qua nhiều vị vua nối tiếp nhau.
- Thời Tam Đại: Tam Đại có nghĩa là 3 triều đại (Hạ, Thương và Chu). Từ “Đại” ở đây có nghĩa là triều đại (dynasty) chư không phải là vĩ đại (great). Ba nhà nước này còn ở thời kỳ sơ khai, mông muội lắm (tương truyền rằng vua còn ở trong lều cỏ cơ mà), chưa đóng vai trò gì trong lịch sử Trung Hoa cổ đại cả. Vì vậy Tam Đại là Three Sovereigns (hay Three Monarchs cũng được) mà không cần phải chú thích thêm dài dòng làm gì. Còn như Tam Đại mà dịch là Three Great Dynasties là sai, chỉ có Three Monarchs mà thôi. Không có chuyện “great” ở đây gì cả.
Ngữ pháp và ngôn ngữ Anh
- Người Anh nói và viết “take aim in” chứ không nói “in aim at”.
- Ten thousands of generations là sai ngữ pháp. Ở đây phải bỏ từ “ten” đi. Khi người Anh nói hay viết “hàng ngàn”, người ta dùng thousands of chứ không bao giờ nói hay viết con số (như số 10, ten, ở bản dịch) ở trước từ “thousands” cả Điều này nằm trong phạm trù sơ đẳng trong tiếng Anh; có lẽ ai học nghiêm chỉnh đến trình độ B đều biết như thế cả.
- (Thế) rồng cuộn mà dịch là coiled dragon là sai. Lý do là động từ coil (hay quá khứ phân từ coiled dùng như tính từ ở đây) có nghĩa là cuộn tròn (như con rắn, hay như cuộn dây điện; vòng nọ nối tiếp vòng kia). Như ta đã biết rồng không bao giờ cuộn tròn cả mà chỉ uốn mình như hình “sin”. Hoạ chăng chỉ có rồng chết may ra mới cuộn tròn mà thôi. Mà rồng đã chết thì làm sao có thể vươn lên được. Tóm lại cái khi thế vươn lên của ngài Lý Công Uẩn đã mô tả đâu còn nữa.
- Khi vua Lý Công Uẩn đọc Chiếu dời đô thì hiển nhiên ngài đang ở Hoa Lư, trước khi lên đường về La Thành để lập kinh đô mới cho chính thời kỳ trị vì của ngài và của các vua đời sau. Vì vậy viết It is also an excellent capital for a royal dynasty for ten thousands of generations là không được. “is” phải được thay bằng will be hay would be mới đúng. Tóm lại, phải dùng thì tương lai của động từ to be.
Về mặt văn phong của bản dịch
Dịch giả đã dịch theo cách word for word. Cụ thể là tiêu đề Chiếu dời đô (3 từ) mà dịch nguyên xi là Royal edit on the Transfer of the Capital (8 từ) thì quá vụng. Cũng theo cách này, tại sao dịch giả lại không bỏ bớt từ Royal (vì không cần thiết lắm) và thay on the transfer of bằng on transferring (4 từ rút gọn thành 2) mà vẫn giữ nguyên ý. Hơn nữa, tại sao ta có thể dịch theo cách khác, đúng cấu trúc tiếng Anh và giữ nguyên ý, mà vẫn gọn hơn nhiều như Capital –Moving Decree hay Capital – Moving Edit (chỉ còn 3 từ thậm chí 2 từ vì khi đếm chữ để tính nhuận bút, trong tiếng Anh 2 từ có gạch nối thường được coi là một từ, như bản tiếng Việt)?
Cho phép tôi lấy thêm một ví dụ nữa để minh hoạ: câu “thật là chốn hội tụ trọng yếu của bốn phương đất trời” mà được dịch thành It is the most beautiful site bringing together men and riches coming from the four cardinal directions thì tôi tin rằng người Anh hay Mỹ, Úc … chẳng hiểu ta định nói gì, nghe tức cười lắm. Thực ra câu này muốn nói rằng: “Đây là nơi đắc địa nhất trong nước”, thế thôi!