Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

5 ĐỐI THOẠI TRUYỀN GIÁO CỦA THÁNH PHAOLÔ

Thánh Phaolô rao giảng ở Athens
tranh của Raphael (vẽ khoảng năm 1513-1514)


 Lm. Mariasusai Dhavamony, S.J.

Dẫn nhập

Những khác biệt trong các tôn giáo đòi hỏi Kitô hữu có những mối liên hệ đặc thù khác biệt đối với mỗi một tôn giáo. Hiến chế Lumen gentium (số 16) nói đến những đường lối khác nhau mà trong đó “những ai chưa lãnh nhận Tin Mừng cũng được an bài bằng nhiều cách để thuộc về Dân Thiên Chúa”, bắt đầu với dân tộc đã nhận lãnh Giao Ước cho đến “những ai vẫn còn thiếu bất kỳ niềm tin nào vào Thiên Chúa”. Tuyên ngôn Nostra aetate bắt đầu với những ai còn mơ hồ về “một mãnh lực dấu ẩn lảng vảng trên mọi sự (số 2) cho đến “mối dây thiêng liêng nối kết dân của Giao Ước Mới với dòng dõi Abraham” (số 4). Tiếp cận các tôn giáo bằng nhiều cách khác nhau đã có những khuôn mẫu nơi Thánh Phaolô. Bằng nhiều cách thế khác nhau, Ngài đã liên kết Tin Mừng với người Do Thái trong Hội đường Antiokia Pisidia (Cv 13, 15-41); với các triết gia thuộc phái Khắc kỷ và chủ thuyết hưởng lạc tại thành Athens (Cv 17, 18-31); với những người theo Đa thần thuyết vũ trụ ở Lystra (Cv 14, 11-18); với những người Ngộ đạo thuyết ở Tiểu Á (các thư Êphêsô, Côlôssê); với những người đa thần và có tôn giáo mơ hồ tại Côrintô (I Cr 10, 19-22).
1. Đối thoại với người Do Thái tại Hội đường Antiokia Pisidia.
Cv 13, 15-41 gồm diễn văn khai mạc của Thánh Phaolô, một kiểu mẫu rao giảng của Ngài cho người Do Thái. Bài nói chuyện gồm hai phần: tóm tắt lịch sử cứu độ chú trọng đến chứng từ của Gioan Tẩy giả (cc. 16-25); loan báo Đức Giêsu, Đấng đã chết và sống lại, chính là Đấng Messia được trông đợi, và gợi ý của Thánh Phaolô về sự công chính hoá do đức tin. Trong khi quyền ưu tiên của người Do Thái đối với Tin Mừng đã được nhìn nhận, sự từ chối Tin Mừng của họ đã trở thành lý do phụ thuộc để đưa Tin Mừng đến với dân ngoại, chứ không phải lý do đầu tiên, (cf. Cv 10-11). Trong khi Phaolô là nhà truyền giáo xuất sắc cho dân ngoại, ngài cũng không làm gì hơn các nhân vật khác của Giáo Hội sơ khai để thúc đẩy việc rao giảng cho dân Do Thái. Giáo lý của Thánh Phaolô về Lề Luật và Ân Sủng, nghĩa là thần học của ngài về sự công chính hoá là nền tảng trong quan điểm thần học của ngài. Đối với Phaolô thì Lề luật không đưa đến sự cứu rỗi mà dẫn đến tội lỗi, mặc dầu chính Lề luật là điều tốt (Gl 3, 19; “Vậy Lề Luật để làm gì? Chính là để gây ra các sự vi phạm mà Lề Luật đã được đặt thêm, cho tới khi Đấng là dòng dõi Abraham đến, Đấng được hưởng lời hứa”; Rm 4, 15: “Luật gây nên cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, còn ở đâu không có Lề Luật, thì cũng không có vi phạm”). Lề luật phục vụ cho mục đích của Thiên Chúa là chuẩn bị cho con người đón nhận mạc khải về sự công chính của Ngài trong Đức Kitô, Đấng đặt dấu chấm hết cho Lề luật như là một phương cách cứu rỗi (Rm 10, 4: “Quả thế, cứu cánh của Lề Luật là Đức Ki-tô, khiến bất cứ ai tin đều được nên công chính”). Đối với người dân ngoại, quay về với Lề luật như là một phương tiện cứu rỗi thì cũng giống như trở về với tình trạng nô lệ của mình trước kia đối với các mãnh lực vũ trụ nguyên sơ (Gl 4, 8-10). Mạc khải mới này trong Đức Kitô là dành cho tất cả mọi người; Nó có liên hệ đến hết mọi người (Rm 1, 14) vì tất cả đã bị kết án trong Ađam thế nào thì cũng được cứu chuộc trong Đức Kitô như (Rm 5,12 tt). Như vậy, dựa trên nền tảng của công trình mà một mình Đức Kitô thực hiện, Thánh Phaolô quả quyết không có sự phân biệt nào giữa người Do Thái và Hy Lạp (Rm 3, 22 tt.). Người Do Thái và dân ngoại được liên kết trong một biến cố cứu rỗi, bắt nguồn từ cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô. (P. Rossano, Il Nuovo Testamento (traduzione e commento), Torino, 1963, 1964; Id. Meditazioni su San Paolo, Roma, 1967).
2. Đối thoại với những người theo thuyết Đa thần vũ trụ tại Lystra
Sách Công Vụ 14, 11-18 có đoạn ghi lại phản ứng của những người chứng kiến phép lạ Thánh Phaolô chữa lành người què. Đám đông la lên “Thần linh mặc lốt người phàm đã xuống với chúng ta!” Họ gọi Barnabas là thần Zeus và Phaolô là thần Hermes (tiếng Latinh là Mercury), người phát ngôn của thần linh, vì Phaolô là người phát ngôn chính. Các tư tế của đền thờ thần Zeus đề nghị mọi người cùng với họ dâng của lễ và mang bò có gắn vòng hoa đến. Phaolô và Barnabas xé áo mình ra (dấu hiệu không đồng tình) và la lên rằng mình chỉ là những con người giống như đám đông. “Chúng tôi loan Tin Mừng cho các bạn, là hãy bỏ những cái hão huyền này đi, mà trở lại cùng Thiên Chúa hằng sống, Đấng đã tạo thành trời đất với biển khơi cùng muôn loài trong đó. Trong những thế hệ đã qua, Người để cho muôn dân đi theo đường lối của họ. Tuy vậy Người không ngừng làm chứng cho mình, khi thi ân giáng phúc, ban mưa từ trời và mùa màng sung túc cho các bạn, và cho các bạn được no lòng, được an vui.” (Cv 14, 15-18). Khi rao giảng để bài trừ đa thần, thường thì phải đặt đối chọi giữa Thiên Chúa thật với thần linh giả tạo, Thiên Chúa hằng sống với các ngẫu tượng vô quyền lực, rồi sau đó kêu gọi hoán cải. Niềm tin vào các thần linh ở Tiểu Á rất mạnh đến độ người ta có thể dễ dàng tin rằng các thần linh có thể xuất hiện trên mặt đất. Đoạn văn trong sách Công vụ nói rằng Thiên Chúa đã làm chứng cho mình qua trật tự được sáng tạo bằng cách “cho mưa và mùa màng sung túc, cho các bạn được no lòng, được an vui” (Cv 14, 17). Thánh Phaolô nhấn mạnh đến quy luật quan phòng của Thiên Chúa trên dân ngoại khi ngài ở Lystra. Thiên Chúa dùng mạc khải chung để tiếp cận với người chưa được rao giảng Tin Mừng. Chứng từ của Thiên Chúa hiện diện khắp nơi và Chúa Thánh Thần dùng chứng từ này để đến với người chưa tiếp cận với Tin Mừng và đem họ vào trong mối liên hệ cứu rỗi với Thiên Chúa. Thần Zeus là thần của Bầu trời, thần của ánh sáng và ban ngày. Hermes là con của Zeus và Maia, sứ giả của các thần linh, thần của khoa học và hùng biện, etc. Zeus là vị thần tối cao của người Hy Lạp, Cha và là vị Cứu Thế của con người, là thần của chiến thắng, nhà lập pháp tối thượng, đấng bảo vệ tài sản và tự do (P. Rossano, “Paolo” trong Nuovo Dizionario di Teologia, n. 7: Gli Ebrei e i non cristiani, Ed. Paoline, Cinisello Balsamo, 1988; “Religioni non cristiane”, trong: Dizionario del Conc. Ecum. Vat. II; “La Creazione nel Nuovo Testamento”, Studia Missionalia, 1969, tr. 315 tt.).
3. Đối thoại với các triết gia phái Khắc kỷ và chủ nghĩa khoái lạc của thành Athens
Cv 17, 18-31 là diễn từ của Thánh Phaolô nói đến tri thức về Thiên Chúa. Dân ngoại bị cáo buộc là không biết Thiên Chúa (c. 23) vì họ thờ ngẫu tượng (c. 29). Họ có lỗi vì không nhận biết Ngài (c. 30) vì tất cả mọi người đều có thể nhận biết Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo và người điều khiển vũ trụ (cc. 24-29). Dân ngoại thường dâng tặng các bàn thờ cho các thần vô danh vì sợ sự trừng phạt của các vị thần mà họ không biết. Thánh Phaolô đã biến điều này thành một lợi thế: vị thần mà Phaolô rao giảng chính là vị mà họ tôn thờ mà không biết. Vì Thiên Chúa là Đấng đã tạo dựng nên thế giới và mọi sự trong đó nên Ngài là Chúa Tể của trời và đất, Ngài không cư ngụ trong những đền đài do tay con người làm nên cũng không dựa vào bất cứ điều gì của con người. Ngài không cần gì cả; chính Ngài ban phát mọi sự cho mọi người, ngay cả sự sống và hơi thở. Trật tự của vũ trụ đủ để nhận biết Thiên Chúa. “Và Ngài dựng nên vũ trụ để muôn dân phải tìm kiếm Ngài và cảm nhận được con đường về với Ngài, gặp được Ngài. Ngài không xa cách với bất kỳ ai bởi vì chính trong Ngài mà chúng ta sống, cử động và hiện hữu như một số thi sĩ của quý vị đã nói: tất cả chúng ta cũng thuộc dòng giống của Ngài – Cv 17, 27-28” (câu trích từ tập Phainomena (Φαινόμενα) của thi sĩ Aratus, thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên; và triết gia Cleanthes, thuộc phái Khắc kỷ). Thánh Phaolô kêu gọi sự sám hối dựa trên nền tảng sự phán xét. Sự phục sinh của Đức Kitô chứng minh niềm tin vào sự trở lại của Ngài vào cuối thời gian như là Đấng xét xử và là Đấng cứu thế (P. Rossano, L'Apostolo e i filosofi, tr. 193-209; 220-224, Ed. Paoline, n. 7, 1967; “De religionibus non christianis in historia salutis”, Acta Cong. Internatio. De Theologia Conc. Vaticano II, ed. Vaticana, 1968, tr. 432-436; L'Ideale dell'assimilazione a Dio nello Stoicismo e nel Nuovo Testamento, Alba, 1954; San Paolo e I'Ellenismo in Rivista Biblica, 1955; La Bibbia e Ie religioni degli uomini, Seminarium, 1972, tr. 243 tt).
Trong diễn từ Cv 14, 15-17; 17, 22-31, Thánh Phaolô nhìn nhận chiều kích phổ quát của hành động cứu thế tập trung vào Đức Kitô. Cuộc tìm kiếm tôn giáo được xem như là cách diễn tả và biểu lộ tính tạo vật của con người cũng như hiện hữu của con người là được mời gọi đến với Đức Kitô. Thiên Chúa mời gọi con người dò dẫm, động chạm tới và gặp gỡ Ngài dầu Ngài không xa mỗi người trong chúng ta (Cv 17, 27). Đây là bản năng Kitô quy (Christocentric) bởi vì Đức Kitô là tương lai của nhân loại, là hình ảnh của hiện hữu nhân linh hoàn hảo mà chúng ta được rập khuôn (1 Cr 15, 48-49) (P. Rossano, “Christ's Lordship and Religious Pluralism in Roman Catholic Perspective” trong: G.H. Anderson and T.F. Stransky, Christ's Lordship and Religious Pluralism, Orbis Books, 1981, tr. 100 tt). Vấn đề mạc khải siêu nhiên trong các tôn giáo được đặt ra ở đây. Mạc khải sơ khởi (uroffenbarung) là mạc khải không theo chủ đề, không thể loại, là mạc khải chung được nhìn nhận bên cạnh mạc khải đặc thù trong lịch sử của Kitô giáo (P. Rossano, “Teologia e Religioni”, trong: R. Latourelle e G. O'Collins, Problemi e Prospettive di Teologia Fondamentale, Queriniana, Brescia, 1980; P. Rossano, “Dialogue, Maieutic and Kerygma in St Paul”, trong Bulletin, 13 (1970), n. 1, tr. 46-51).
4. Đối thoại với Ngộ đạo thuyết của Tiểu Á (Êphêsô và Côlôssê)
Rossano trích dẫn L. Cerfaux: “Đối mặt với những suy tư của người Êphêsô và Côlôssê, Thánh Phaolô đã trình bày Đức Kitô và Giáo Hội trong vũ trụ quan của họ; Với lối nói đơn giản, ngài khẳng định rằng hệ thống của Kitô giáo đã đáp ứng được sự toàn vẹn của vũ trụ. Tư tưởng của ngài gặp gỡ với thuyết “corpus magnum” của người Hy Lạp. Dựa theo triết thuyết của người Hy lạp cho rằng Zeus là đầu và trí năng của thế giới, ta cũng có thể giải thích rằng Đức Kitô là đầu của Giáo Hội, cũng như đối với Seneca thì Nero là thủ lĩnh và là tinh thần của Nhà Nước, hay đối với Philo thì vị Thượng Tế là thủ lĩnh của dân tộc Do Thái. Những quan niệm về hoàng tộc này đã hình thành nên lối so sánh đầu tiên về thân thể và chi thể ...” (cf. Paul en dialogue avec Corinthe et Ephese, Parole et Mission, 1971, p. 216). Nếu Đức Kitô là Đầu của Thân thể là Giáo Hội, Ngài cũng là Đấng Sáng Tạo và Nguyên Lý của toàn thể vũ trụ. Đức Kitô là tác giả, trung tâm và là cùng đích của toàn thể sáng tạo. Ngộ đạo thuyết nhìn nhận hai nguyên lý làm nền tảng của vũ trụ: Thiên Chúa tách biệt với thế giới vật chất bằng một vực thẳm thinh lặng mà trong đó gồm có các hữu thể trung gian như các mãnh lực, các eon (năng lực hiện hữu bên ngoài thời gian) và các thiên thần. Đức Kitô là tác giả của toàn thể sáng tạo (Cl 1, 16-17), Đức Kitô là đầu của toàn thể sáng tạo và cũng là đầu của sáng tạo mới và tất cả các hiện hữu siêu nhiên vì cùng được cứu rỗi (Cl 1, 18-20). Chủ đề chính trong Thư gởi tín hữu Êphêsô là toàn thể sáng tạo đã bị phân rã như thế nào do bị chia lìa với Đấng Tạo Hoá vì tội lỗi, và được Đức Kitô tái sinh như thế nào nhờ kết hợp được mọi thành phần lại thành một thân thể với Đức Kitô là đầu để thân thể này tái hợp với Thiên Chúa. Nhân loại (người Do Thái và dân ngoại) và thế giới các Thiên thần được kết hợp với nhau vì họ cùng được cứu rỗi do một hành động duy nhất. Dân Do Thái được chọn làm dân Chúa và làm chứng nhân của Ngài cho đến khi Đấng Messia trở lại. Dân ngoại được kêu mời chia sẻ sự cứu rỗi đã dành cho dân Do Thái; Họ được cứu rỗi nhờ lãnh nhận Chúa Thánh Thần như đã hứa (Ep 1, 10 tt). Để chuyển tải tin mừng của mình cách rõ ràng và hấp dẫn, Thánh Phaolô đã ý thức dùng ngôn ngữ của tôn giáo hoàng gia để trình bày mạc khải về Thiên Chúa chân thật. Chính vì thế mà Đức Kitô xuất hiện như là “Vua, Chúa Tể, Đấng Cứu Tinh, Thần vĩ đại, vĩnh cửu, bất huỷ hoại, Thiên Chúa duy nhất là Đấng mạc khải tình yêu và ơn cứu rỗi của Ngài”. Đây là cách đối thoại của Kitô giáo với các yếu tố thuộc tôn giáo văn hoá cổ xưa. Công đồng Vatican II mời gọi chúng ta đối thoại với các nền văn hoá và tôn giáo của toàn thế giới (P. Rossano, Paul en dialogue avec Corinthe et Ephese, art. cit., pp. 217 ff. cũng xem P. Rossano, “Vangelo e culture a Efeso e nella Provincia d'Asia al tempo di S. Paolo e di S. Giovanni”, trong Civilta classica e cristiana, 1 (1980, n. 1, pp. 283-298)).
5. Đối thoại với người Đa thần và người thờ cúng mơ hồ ở Côrintô
Trong I Cr 10, 19-22: trước khi đối phó với vấn đề đồ cúng các ngẫu tượng, Thánh Phaolô trích dẫn Cựu Ước để nhắc nhở người Côrintô về những mối nguy của thờ ngẫu tượng để ngăn ngừa họ tham dự các bữa ăn đồ cúng (I Cr 10, 14-22). Phaolô ám chỉ về sự phụ thuộc vào thần thánh khi viết: “Anh em biết rằng khi còn là người ngoại, anh em bị lôi cuốn mãnh liệt vào việc thờ cúng các ngẫu tượng câm sao?” (I Cr 12, 2). Ngộ đạo thuyết của người Côrintô phát triển chung quanh việc thờ cúng thần bí các thần Dionysius và Isis. Phaolô đã phản ứng phù hợp với môi trường triết lý của thính giả. Rossano nhắc đến các chủ đề: tính nội tại thần bí, sự hiện diện của Thiên Chúa, của Đức Kitô và Chúa Thánh Thần trong người Kitô hữu, và thân thể như là đền thờ của Thiên Chúa. Hãy so sánh với các câu nói của Sextus thuộc triết phái Pythagore: “Được Thiên Chúa tuyển chọn, bạn có một điều gì đó linh thiêng trong thân thể. Vì thế hãy cư xử với thân xác như là đền thờ của Thiên Chúa”. “Một linh hồn thánh thiện là nơi cư ngụ của Thiên Chúa”. “Thiên Chúa hiện diện trong tâm hồn của người thông thái”. “Hãy tôn vinh điều thiêng liêng ở trong bạn và đừng làm cho nó trở nên phàm tục với những ham muốn của thân xác”. Những tư tưởng tương tự cũng được tìm thấy nơi các triết gia Seneca, Posidonius, Thuyết bí nhiệm (Hermetism) và thuyết Tân - Platon. Những điều tương tự đã được nói cách rõ ràng trong I Cr 3, 16 tt; 6, 19; 12, 6; 15, 28. Trong II Cr 6, 16, cách nói của Kitô giáo về bản tính và số phận cá nhân của con người, nghĩa là Nhân học (anthropology) và Cánh chung học (eschatology) Kitô giáo, cũng có liên quan đến môi trường văn hoá Hy lạp của người Côrintô, đặc biệt là trong II Cr 5, 1-10 (J. Dupont, L'Union avec Le Christ suivant St. Paul, Bruges, 1952, tr. 170). Sự đối chọi giữa nơi ở của tâm hồn trong thân xác và bên ngoài thân xác là đặc tính của nền văn hoá Hy Lạp. Các phản đề giữa tính tạm thời trên mặt đất này và sự vĩnh cửu trên trời, xem thân xác như ngôi nhà, lều tạm, chiếc bình, và xem cái chết như là cuộc di cư, cuộc ra đi, sự tách ra, đó là những yếu tố của nền văn hoá Hy Lạp (L. Cerfaux, L'itineraire spirituel de Saint Paul, Paris, 1966, p. 73). Dùng hình ảnh thân xác như là tiêu chuẩn để tìm tòi ý nghĩa và là phương tiện để diễn tả Giáo Hội học trong thư I Côrintô, đó là do được gợi hứng từ triết lý Hy lạp. Quan niệm về thế giới như là một “magnum corpus” (thân thể vĩ đại) được phổ biến rộng rãi vào thời Thánh Phaolô (W. L. Knox, St Paul and the Church of the Gentiles, Cambridge, 1939, pp. 159-163; P. Rossano, Paul en dialogue avec Corinthe et Ephese, Parole et Mission, 1971, tr. 209, đặc biệt là tr. 213 tt). Chắc chắn rằng Thánh Phaolô cảm thấy khó xử về vấn đề ăn đồ cúng. Có lẽ nhiều lần ngài đã thay đổi quan điểm với sự tôn trọng. Nhưng không khi nào ngài chấp nhận quan điểm cho rằng người Kitô hữu thì không bao giờ được dùng đồ cúng cho ngẫu tượng hoặc những thứ thịt không được giết mổ theo luật lệ của người Do Thái. Ngài khẳng định rằng đồ cúng có thể được ăn (I Cr 10, 25.27). Ngài tránh né câu trả lời thẳng bằng cách nại đến lương tâm, không phải lương tâm của thực khách mà là lương tâm của người Kiô hữu yếu đuối (C.K. Barrett, Essays on Paul, SPCK, London, 1982, chương 3: “Things sacrificed to Idols”, đặc biệt tr. 45-53).

chuyển ngữ
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính