Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2011

TẢN MẠN VỀ LUẬT PHÁP, HÀNH PHÁP, ĐẠO LÝ VÀ VĂN MINH



  Quảng Thanh
Tạp chí Hồn Việt

Bốn phạm trù luật pháp, hành pháp, đạo lý và văn minh luôn có liên hệ rất mật thiết với nhau. Luật pháp không nghiêm minh thì xã hội sẽ sinh loạn, nhưng dù văn bản luật pháp có nghiêm mà hành pháp không nghiêm thì xã hội cũng loạn. Xã hội nhiễu loạn thì đạo lý càng có nguy cơ suy đồi, càng thiếu văn minh. Một khi đạo lý suy đồi thì xã hội dễ sinh loạn, luật pháp lại dễ bị coi thường, dễ thiếu văn minh...
 Chính đạo lý suy đồi, luật pháp và hành pháp không nghiêm đã khiến cho nhiều người coi thường luật pháp, mà xảy ra nhiều hiện tượng như:
- Không chỉ những “tặc lớn” như “lâm tặc”, “vàng tặc”, “than tặc”... đều khó trị mà những “tặc nhỏ” như “đinh tặc” cũng kéo dài cả chục năm.
- Nạn “xin đểu”, móc túi hành khách trên xe khách, xe buýt... cũng thường xảy ra.
- Người điều khiển xe không tuân thủ luật giao thông: vượt ẩu, vượt đèn đỏ, chạy xe máy không đội mũ bảo hiểm hoặc đánh võng trên đường phố... Khi vi phạm luật còn ngang nhiên chống lại người thi hành công vụ, như đâm thẳng xe vào cảnh sát giao thông (CSGT), nhổ nước bọt vào mặt CSGT, tát tai CSGT…
Trong thời gian gần đây, báo chí đưa tin nhiều vụ cướp giật xuất hiện trên đường phố mà bọn cướp rất hung hãn, sẵn sàng chém, giết người để cướp của. Lại có những kẻ giết người một cách dã man, vô căn cứ như trường hợp Nguyễn Văn Dũng đã dùng dao đâm chết một bác sĩ và làm thương một bác sĩ khác tại bệnh viện đa khoa huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình sáng ngày 16/8/2011, khi biết anh của y chết (do để bệnh quá nặng mới đưa vào bệnh viện, nên các bác sĩ đã không thể cứu chữa được).
Những chuyện đáng tiếc như thế xảy ra, phải chăng nguyên nhân chính là do người dân coi thường pháp luật, khiến những cái xấu, cái ác… dễ dàng xảy ra?
Nhỏ nhặt như chuyện xả rác nơi công cộng, từ đường phố đến công viên, bãi biển... mà thủ phạm là những khách hàng lẫn người bán hàng đủ cả thành phần, trình độ... Thậm chí đêm 26/3/2011, ở 30 tỉnh thành trong nước ta có sự tụ tập của nhiều người trẻ để hưởng ứng chiến dịch Giờ trái đất, đó là việc rất tốt, thế nhưng đã có nơi, sau khi những người trẻ tiên tiến này giải tán thì để lại một bãi rác!
Việc xếp hàng chờ phục vụ, dân ta cũng mang tiếng là chưa được “văn minh”! Người viết đã trải qua những kỷ niệm khó quên trong văn hóa xếp hàng. Đã từng lấy hòn gạch thay vị trí của mình trong hàng từ lúc nửa đêm để chờ sáng sớm được mua gạo, nhưng hòn gạch vẫn được tôn trọng vì những người xếp hàng đều biết hòn gạch nào của ai. Tuy nhiên khi cung không đủ cầu, đưa đến nạn chợ đen thì rất dễ sinh loạn! Như khi đứng xếp hàng từ sáng đến chiều để mua vé xe lửa, đến khi ô cửa bán vé bắt đầu mở ra thì bị những người bặm trợn từ bên ngoài nhào vô “tống một phát văng ra khỏi hàng” để họ giành chỗ!
Ngày nay, những tình huống như thế không còn nữa. Nhưng tại một số quầy làm thủ tục lấy thẻ lên máy bay, thỉnh thoảng có những hướng dẫn viên du lịch không xếp hàng mà từ ngoài đi luôn lên quầy đặt một chồng vé và người làm thủ tục lại ưu tiên xử lý chồng vé ấy...
Đến những hành vi sau đây, thì “được cái gì”, “mất cái gì”, “dư cái gì” và “thiếu cái gì”? Khoảng 4 giờ 30 phút sáng 26/1/2011, một ô tô chở bia từ thành phố Vinh (Nghệ An) hướng về Hà Tĩnh, đến gần cầu Bến Thủy đã đâm vào dải phân cách và lật, làm hàng ngàn lon bia 333 đổ ra đường. Thế là hàng ngàn người dân quanh vùng xúm lại chen nhau giành lấy bia dù không phải của mình, khiến CSGT mệt nhoài vì ách tắc giao thông kéo dài và chủ bia kêu trời không thấu!
Khi những hiện tượng như trên xảy ra thì hầu như người ta chỉ nói do dân trí ta thấp, do nhà trường không dạy đạo đức… Quả là tội nghiệp và oan cho những nhà giáo đứng lớp dạy!
Nhưng những hiện tượng kiểu đó có dễ xảy ra ở nước có nền pháp trị nghiêm minh như Singapore không? Ông Lý Quang Diệu đã xây dựng Singapore từ một vùng đất nghèo nàn, lạc hậu trở thành một đất nước giàu mạnh, văn minh, sạch sẽ bậc nhất châu Á chỉ trong mấy mươi năm. Mà khởi đầu của việc xây dựng là một nền pháp trị với việc xử phạt nghiêm minh từ các hành vi nhỏ nhặt nhất của dân chúng như phạt nặng tội xả rác, hút thuốc nơi công cộng, phá hoại tài sản công hay của người khác...
Một thí dụ điển hình là vụ Singapore xử phạt đánh mấy gậy vào mông một thanh niên Mỹ để trị tội “quậy phá” đã tạo ra cuộc khẩu chiến thú vị giữa Mỹ và Singapore vào năm 1994. Nguyên là cậu Mỹ Michael Fan, 18 tuổi, một hôm bỗng dưng nổi hứng lấy bình sơn xịt bậy lên một chiếc xe hơi của một ai đó tại Singapore. Cậu bị cảnh sát Singapore tóm cổ. Một phiên tòa của Singapore đã tuyên án cậu bị 4 tháng tù giam, nộp phạt 2.230USD và bị đánh 6 gậy vào mông!(1).
Sau khi tin được loan, cha mẹ cậu rất tức giận, cho rằng việc đánh gậy vào mông con họ là vi phạm nhân quyền. Dư luận báo chí Mỹ cũng lên tiếng phản đối ầm ĩ, thúc chính quyền Mỹ can thiệp với chính quyền Singapore để một công dân Mỹ khỏi bị cái nhục là bị Singapore quất roi vào mông. Tổng thống Mỹ Bill Clinton cực chẳng đã phải gởi lời xin Singapore tha cho cậu. Nhưng ông Shanmugam Jayakumar, Bộ trưởng Tư pháp kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Singapore, đã mạnh mẽ bảo vệ quyền của Singapore và phát biểu trong một hội nghị luật sư quốc tế rằng “không một chính quyền Singapore nào có thể điều hành đất nước hữu hiệu nếu công dân Singapore thấy chính quyền của họ khuất phục trước áp lực của báo chí Mỹ”.
Cho nên Singapore cứ sẽ quất gậy vào mông của Fan, chỉ giảm bớt 2 gậy! Cũng chính Tòa án này trước đó một tháng đã tuyên án quất 12 gậy và 8 tháng tù giam đối với một cậu học sinh 17 tuổi đến từ Hồng Kông. Như vậy là Singapore cứ “đét gậy vào mông” bất cứ “ông trời con” nào phạm luật của Singapore bất chấp từ đâu tới!
Nhưng việc quất mông của Singapore mang đầy tính “kỹ thuật và nghệ thuật”, nghĩa là rất “văn minh”! Người cầm gậy quất đã thực tập quất nhuần nhuyễn trên mô hình; trước khi bị quất thì mông người bị phạt sẽ được mang một cái “quần xịp nhà nghề” được chế tác đặc biệt để bảo vệ những chỗ cần thiết, và tuy cú quất đau thấu trời mà người bị quất vẫn không bị gãy xương, dập gân hay hư dây thần kinh!
Với cách phạt này, người Singapore không cho là hành động dã man hay vi phạm nhân quyền như người Mỹ nói, mà là bài học sơ đẳng nhất trong đạo học làm người theo văn hóa Đông phương của người Singapore! Ông Jayakumar còn cho biết Singapore cương quyết bảo vệ những luật nghiêm khắc như án tử hình bắt buộc đối với những người buôn bán ma túy và “giam tù để đề phòng” (preventive detention) mà không cần sự xét xử tại tòa án đối với “những tên thuộc những băng nhóm xấu xa và những tên buôn lậu ma túy khét tiếng” mà không thể bị tòa kết án vì “không ai dám đứng ra làm chứng”.
Như thế, muốn xây dựng một đất nước hùng mạnh, phát triển bền vững, người dân được an cư lạc nghiệp trong văn minh, văn hóa cao thì ngoài những điều kiện cần khác như các chính sách đúng đắn về quốc phòng, giáo dục, y tế, kinh tế... còn phải có một nền pháp trị không những với luật pháp nghiêm minh mà việc thi hành luật cũng phải nghiêm minh.
Nhưng như thế nào là nghiêm? Không thể nào nghiêm minh khi mà nhà nước có những chính sách không thích hợp gây hậu quả nghiêm trọng về các mặt kinh tế, xã hội khiến người dân chán nản, coi thường chính quyền; không thể nghiêm minh được khi mà người có chức có quyền lại tham nhũng, nhận hối lộ mà vẫn không bị luật pháp trừng trị thích đáng. Không thể nào nghiêm minh khi nhiều người quyền thế câu kết với những kẻ cơ hội, lợi dụng những sơ hở của luật pháp để làm giàu rất nhanh, bất chính trên tài sản của nhà nước và của đa số dân nghèo. Trong tình cảnh đó, người dân bắt chước coi thường luật pháp là chuyện tất nhiên. “Thượng bất chính, hạ tất loạn” là câu nói xưa nay vẫn còn nguyên giá trị.
Một điều cũng nên lưu ý là không nên lầm tưởng rằng khi có tiến bộ khoa học kỹ thuật, tạo ra đủ loại sản phẩm thỏa mãn các nhu cầu cao của con người và có một nền pháp trị nghiêm thì xã hội văn minh và không còn cái ác. Thật ra, có khoa học kỹ thuật cao, có luật lệ nghiêm minh được ghi thành văn bản thì chưa phải là văn minh đích thực khi con người thiếu cái đạo lý sống làm người lương thiện, khi con người chỉ “thiện”, “bác ái” với những người cùng phe nhóm, với những gì họ nghĩ lầm là có lợi cho họ, khiến họ có thể dễ dàng làm những việc ác...
Các hiện tượng đã và đang xảy ra ở các nước phát triển phương Tây minh chứng điều này. Chẳng hạn Anders Breivik ở Na Uy, do niềm tin tôn giáo mù quáng, ngày 23/7/2011 đã âm mưu cho nổ bom và vài giờ sau lại dùng súng bắn làm chết 92 người vô tội, không hề thù oán gì với y cả; hay như Shawn Morgan đã trùm bao plastic làm chết ngạt em bé gái 3 tuổi con nhà hàng xóm tại bang Missouri (Mỹ) ngày 6/8/2011(3); hay một người đàn ông ở bang Louisiana (Mỹ) hôm 16/8/2011 đã lấy gậy đánh rồi dùng dao chặt đầu, tay chân đứa con trai 7 tuổi bị tật nguyền của y và đem đầu đứa bé để gần đường cốt cho mẹ cậu bé thấy!(4).
Vì vậy, trong khi nhà nước ta theo đuổi chính sách phát triển sản xuất, kinh doanh để cố chạy theo phong cách của các nước tiên tiến phương Tây mà lơ là, quên đi những mặt tốt trong đạo học làm người tử tế vốn đã có sẵn trong văn hóa truyền thống của cha ông, là cái nền tảng của văn minh đích thực, khiến nhiều người đua nhau làm giàu bất chấp mọi thủ đoạn trong bối cảnh luật pháp thiếu nghiêm minh, chính sách kinh tế xã hội còn nhiều sai lầm nên bất công có đất nảy nở, sự cách biệt giàu nghèo trong xã hội càng tăng… thì cái ác trong xã hội sẽ tăng lên là điều không thể tránh khỏi.


--------------------------------------------------------------------------------
(1), (2)
 William Branigin, Singapore Reduces American's Sentence, Washington Post, 5 May 1994.
 (3)
 http://news.yahoo.com/suspect-missouri-child-killing-makes-first-court-appearance-171724531.html
 (4)
 http://news.yahoo.com/video/us-15749625/police-la-man-decapitated-disabled-son-7- 297784.html