Chủ Nhật, 7 tháng 10, 2012

CÁCH MẠNG PHÁP DƯỚI CÁI NHÌN HƠI BỊ MÉO CỦA SÁCH LỊCH SỬ LỚP 8


 

Trần Thị Phương Hoa
Vietstudies

Con gái tôi vừa mới bắt đầu năm học lớp 8 Trung học cơ sở. Đầu năm cháu hồ hởi khoe “Mẹ ơi, năm nay con đăng ký tham gia câu lạc bộ Lịch sử với cả Hoá học mẹ ạ”, tôi rất vui vì cháu thích môn lịch sử và hỏi xem trên lớp cháu học thế nào. Hôm đầu đã nghe cháu kêu “Cô giáo giảng nhanh lắm mẹ ạ” Hôm nay thì cháu nhăn nhó “Mẹ ơi, bài hôm nay khó quá mẹ ạ, mẹ giảng lại cho con với”. Tôi ngó vào sách thì thấy “Bài 2- Cách mạng Tư sản Pháp cuối thế kỷ XVIII”. Tôi thành thật chia sẻ cùng con gái “Đúng là bài này khó thật con ạ, trên thế giới đến giờ người ta vẫn tiếp tục viết sách xung quanh chủ đề này cơ mà”.

Đúng thật như vậy, Cách mạng Pháp vẫn tiếp tục là thách thức và là niềm cảm hứng vô tận cho các học giả. Riêng năm 2012 đã có hàng chục cuốn sách mới ra liên quan đến chủ đề này, trong đó có cả một cuốn từ điển mới dành riêng cho Cách mạng Pháp. “Nào để mẹ xem sách giáo khoa viết gì nào”. Tôi đọc đi đọc lại bài học dài tám trang và buột miệng “còm men” “Giới thiệu về một cuộc cách mạng lừng lẫy thế này mà đưa ra một câu giới thiệu có hai mệnh đề nhưng cả hai mệnh đề đều vô nghĩa cả. Chán!!!.

Này nhé: Sách viết “Cách mạng Pháp có những điểm giống và khác với các cuộc cách mạng tư sản đầu tiên trên thế giới”… Ồ, trên thế gian này có 7 tỉ con người thì mỗi người đã có nét giống và khác với người khác rồi, nói chi đến một cuộc cách mạng, đây là một câu rất thừa, rất vô nghĩa. Vế tiếp theo, sách viết.. [cách mạng] có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển của lịch sử. Vâng, câu này cũng chẳng làm sáng tỏ thêm được bất cứ vấn đề gì, chỉ một sự kiện nhỏ cũng có thể đem lại ý nghĩa lớn đối với sự phát triển của lịch sử, đến nỗi người ta còn nói “Nếu cái mũi của Cleopat ngắn đi một chút thì lịch sử thế giới đã thay đổi”. Nghe đến đây thì chồng tôi gắt lên “Có giảng cho con thì giảng đi, cứ lý luận dài dòng”.

Khổ thân tôi, sao đang yên đang lành lại dấn thân thích thú môn lịch sử, để bây giờ khi đọc những dòng vô thưởng vô phạt, vô cảm thì cái máu yêu sử nó lại nổi lên hành hạ. “Viết thế này thì lắp cái gì vào mà chả được, còn đâu là hồn vía của cách mạng Pháp nữa hả trời”. Nhìn thấy con gái đứng thuỗn mặt ra tôi mới buồn bã nói với con “Con ạ, thường khi nói về một cuộc cách mạng, người ta phải chú trọng đến mấy điểm cốt yếu nhất: nguyên nhân cách mạng, lực lượng cách mạng và diễn biến cách mạng. Bài này có đề cập đến nhưng còn rất tản mát, chưa tập trung rõ ràng nên con thấy khó theo dõi thôi”. Ông chồng tôi lại nói với sang “Có giảng cho con thì giảng đi, sao lại chê sách giáo khoa thế”. “Cứ từ từ, để mẹ giảng xem có ra vấn đề không nào, sách viết tù mù quá”, “Lại còn cãi đài, tinh tướng”

Mặc kệ ông chồng với niềm tin mù quáng đã được nuôi dưỡng đến gần nửa thế kỷ trong con người ông ấy, tôi cố gắng nói cho con gái sao cho thật dễ hiểu “Về nguyên nhân cách mạng Pháp thì có mấy điểm sau con ạ: thứ nhất, vào cuối thế kỷ 18, cuộc cách mạng công nghiệp đang tăng tốc ở châu Âu. Pháp mặc dù muộn hơn Anh trong cuộc cách mạng này nhưng cũng đã đạt được một số thành tựu đáng kể trong thương nghiệp, trao đổi buôn bán hàng hoá. Điều này quan trọng lắm vì nó liên quan đến sự trỗi dậy của tầng lớp tư sản, lực lượng lãnh đạo cách mạng. Thứ hai, đẳng cấp thứ ba ở Pháp dần nắm quyền lực kinh tế ngày lớn. Trong sách ghi đẳng cấp thứ ba có tư sản, nông dân, bình dân… Thế con biết tư sản gồm những ai không? Gồm có chủ nhà băng, chủ doanh nghiệp, thương nhân.. những người giàu có mới nổi lên từ cuộc cách mạng công nghiệp đó… Mà mẹ nói đến nguyên nhân thứ mấy rồi nhỉ..thứ hai.. À, nguyên nhân thứ ba chính là sự bất công ngày càng tăng con ạ. Đẳng cấp tăng lữ và quý tộc chẳng đóng góp gì về kinh tế nhưng lại có mọi đặc quyền đặc lợi, ngồi mát ăn bát vàng ấy. Còn đẳng cấp thứ ba, trong đó đặc biệt là giới tư sản làm ra nhiều của cải vật chất nhưng chẳng có quyền lợi gì, phải đóng thuế hầu hạ cho bọn tăng lữ quý tộc. Bất công như thế nên phải có cách mạng để thay đổi. Nhưng tất cả những điều ấy chưa đủ, phải cần một yếu tố đặc biệt quan trọng nữa con có biết không?”

Con bé nhanh nhảu “Cần nhân dân ạ” “Uh, nhân dân thì ở đâu chả có, lúc nào chả có, nhưng không phải lúc nào cũng có cách mạng. Một trong những lực đẩy tối quan trọng là mấy ông này này, ông Vôn-te, ông Rút-xô và vài ông nữa, những người đã tạo ra cả trào lưu Khai sáng ấy. Mấy ông này có uy tín lớn lắm, cả nước Pháp đều biết và yêu quý tôn trọng mấy ông vì nhờ có các ông người ta mới biết đến khái niệm dân chủ, tự do, mới dám đấu tranh chống lại cường quyền. Mà theo con thì cách mạng Pháp khác các cuộc cách mạng khác ở điểm nào?” “Ở điểm nó diễn ra ở Paris ạ” “Uh, nó diễn ra ở Paris, là trung tâm quyền lực cao nhất của chế độ quân chủ Pháp ấy. Mà chế độ quân chủ Pháp là chế độ tập quyền nhất, chuyên chế nhất, hơn hẳn ở Anh và Hà Lan là nơi diễn ra những cuộc cách mạng đầu tiên” “Ôi mẹ nói cái gì thế, tập quyền là gì ạ”, “Đấy, là ở trong nhà cái gì cũng do bố quyết, mẹ con mình chả được quyết cái gì cả” “Tức là quyền lực tập trung hết vào tay nhà vua ấy con ạ. Nhưng cái chế độ quân chủ trông thì lộng lẫy đẹp đẽ thế này mà thối nát quá, chẳng làm ra tiền gì cả lại chuyên đi vay nợ mà tiêu xài. Ồ, đây này, sách viết là nợ đến 5 tỉ livrơ. Mà chế độ quân chủ của Pháp được coi là hình mẫu của toàn châu Âu ấy chứ, vậy nên cách mạng diễn ra rất là gay go, giằng co nhau kéo dài chứ không có đơn giản là có ngay tự do bình đẳng đâu nhé. Vua chết chưa hết chuyện”. Nói đến đây thì tôi chợt bối rối, chẳng hiểu con bé hiểu được đến đâu những vấn đề quá phức tạp như vậy, đến cả bố nó chắc gì đã hiểu cơ chứ. Tôi nghĩ và nhìn trộm ông chồng đang rung đùi dán mắt vào màn hình máy tính. “À, rồi ta còn phải bàn đến một vấn đề tối quan trọng nữa là vấn đề lực lượng cách mạng. Tất nhiên nhân dân là lực lượng chủ chốt rồi, không có dân thì lấy ai ra mà đánh nhau chứ. Nhưng yếu tố quyết định tính chất của một cuộc cách mạng là lực lượng lãnh đạo cách mạng ấy con ạ. Cách mạng Pháp được gọi là cách mạng tư sản là vì lực lượng lãnh đạo là giai cấp tư sản hoặc trung lưu. Họ lật đổ chế độ phong kiến để xây dựng một nền cộng hoà, có nghị viện đại diện cho mọi tầng lớp nhân dân. Trong cuộc cách mạng Pháp thì lực lượng cách mạng thay đổi, từ những người cách mạng ôn hoà đến những người cách mạng cực đoan thay nhau dẫn dắt cách mạng. Gia-cô-banh là những người cách mạng cực đoan đấy con ạ, tức là họ dùng bạo lực để bảo vệ thành quả của cách mạng ấy”. Nói đến đây thì một lần nữa tôi lại thất vọng tràn trề với những gì mà sách giáo khoa lịch sử viết cho các con học. Này nhé sách gọi phái Gia-cô-banh là “chuyên chính dân chủ cách mạng” và đưa ra kết luận …một mình một kiểu trên thế giới này “Quần chúng nhân dân là lực lượng chủ yếu đưa cách mạng đạt tới đỉnh cao- nền chuyên chính dân chủ Gia-cô-banh”. Không hiểu khái niệm “chuyên chính dân chủ” được lấy từ đâu ra và thế nào là “đưa cách mạng tới đỉnh cao” nữa. Trong khi đó, có đọc trăm cuốn sách của các ông Tây viết sử thì cả trăm ông đều coi Gia-cô-banh là những người cách mạng cực tả và giai đoạn ngắn ngủi (1793-1794) mà phái Gia-cô-banh với thủ lĩnh là Rô-be-spie điều hành đất nước được gọi là Reign of Terror (thời kỳ khủng bố). Để bảo vệ thành quả cách mạng, họ đã bắt giam hàng trăm ngàn người, giết và làm bị thương hàng chục ngàn người khác, hic. Nhưng rồi những ai đi ngược lại với khẩu hiệu “Tự do, bình đẳng, bác ái” đều bị loại trừ, thế nên cách mạng Pháp là một cuộc cách mạng triệt để vì nó theo đuổi đến cùng mục tiêu tự do, dân chủ cho tất cả mọi người. “Mẹ thì mẹ không thích lắm mấy ông Gia-cô-banh này đâu con ạ, vì các ông ấy bạo lực quá, toàn giết người. Điều này đã bị ông Toc-cơ-vil chê đó vì bố mẹ ông ấy suýt bị giết oan vì những người cách mạng quá nhiệt huyết này”.

“Ối giời, mẹ nói gì với con thế? Toc-cơ-vil là ông nào? Thôi, mẹ giảng gọn gọn chứ đừng bây ra thêm nữa”- ông chồng tôi lại la toáng lên. “Được rồi, còn về diễn biến của cuộc cách mạng này cũng khá là phức tạp đấy con ạ, vì nó là sự giằng co mà. Nhưng đại để có thể chia ra làm hai: giai đoạn đầu là từ năm 1789 đến 1791, đây là giai đoạn cách mạng khá ôn hoà, nghị viện được thành lập, hiến pháp được thông qua dựa trên Tuyên ngôn về nhân quyền, quyền lợi quý tộc bị thu hẹp.. Giai đoạn hai từ 1792 đến 1794, đây là giai đoạn có diễn biến phức tạp với những cao trào cách mạng, thậm chí có lúc cực đoan, cụ thể nền cộng hoà thứ nhất được thành lập (1792), Vua Louis XVI bị chém. đầu (1793), lực lượng phản cách mạng trong nước kết hợp với quân đội nước ngoài tấn công thành quả cách mạng, lực lượng cực đoan Gia-cô-banh sử dụng bạo lực trấn áp phản cách mạng nhưng dân vẫn không được hưởng tự do, bình đẳng, dân chủ, dân quyền chưa được thực thi nên lực lượng lãnh đạo ôn hoà mới lại lên thay thế. Cách mạng còn kéo dài đến năm 1799, cho đến khi Napoleon nổi lên nắm quyền lực. Nào, thế bây giờ con nắm được vấn đề chưa?” “Nhưng mà con không biết nói theo mẹ hay theo sách ạ?” “Cứ nói theo sách cho chắc con ạ”- ông chồng tôi vẫn rung đùi nói với sang. “Hừ, nói theo sách thì vui lòng cô giáo, chỉ không hiểu người Pháp sẽ nghĩ gì khi các nhà sử học Việt Nam cho rằng thời kỳ khủng bố là đỉnh cao của cuộc cách mạng Pháp?”

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 15-9-12