Thứ Hai, 1 tháng 10, 2012

SUY NGHĨ NHÂN ĐỌC BÀI "VĂN HÓA XUỐNG CẤP" - VÌ ĐÂU?


 
Hà Văn
TUẦN Việt Nam (VNN) ngày 21.8.2012 có đăng bài của tác giả Nguyễn Trọng Bình, nhan đề Văn hóa "xuống cấp" - vì đâu? Bài viết này không nhằm hướng tới bàn chuyện đúng - sai của tác giả bài viết kể trên mà chỉ coi đó như một gợi ý để trình bày vài suy nghĩ của mình;
Từ bài học của Phật hoàng Trần Nhân Tông...
Trong lịch sử Việt Nam, những năm kháng chiến chống Nguyên Mông (1258-1288) là một giai đoạn đặc biệt. Nó đặc biệt bởi nhiều lẽ như: Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới 3 lần đánh thắng một kẻ thù hung hãn, bạo ngược; lần đầu tiên ở nước ta nhà nước (Triều Trần) tổ chức Hội nghị Diên Hồng - tập hợp mọi lực lượng, xin ý kiến từ mọi tinh hoa của dân tộc về cái lẽ nên hàng hay nên đánh; lần đầu tiên một vị vua (Trần Nhân Tông - TNT) mới 35 tuổi tự nguyện rời bỏ ngai vàng, dấn thân vào Cõi Phật, lập nên Thiền phái đầu tiên (và duy nhất) của Đại Việt - Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử; lần đầu tiên những người nhỏ tuổi như Trần Quốc Toản hay những nô lệ (bán nô lệ, gia nô) như Yết Kiêu, Dã Tượng trở thành những anh hùng dân tộc; lần đầu tiên đất nước diễn ra 3 cuộc chiến tranh chống ngoại xâm chỉ trong vòng 30 năm...
Trong rất nhiều lần đầu tiên ấy, sự giống với thời đại chúng ta, sau 700 năm, quả là đáng kinh ngạc: Cũng trong 30 năm (1945-1975), dân tộc ta lần đầu tiên thành lập Mặt Trận (không khác lắm so với Diên Hồng), cũng chiến đấu và chiến thắng 3 đế quốc Nhật - Pháp - Mỹ trong 3 cuộc chiến tranh (chiến tranh giải phóng dân tộc, chiến tranh để lập lại hòa bình ở miền Bắc và chiến tranh thống nhất nước nhà)...
Chiến tranh - dù ở thời nào và với bất kỳ lý do nào đi nữa cũng dẫn đến sự thay đổi về nhân cách, sự đảo lộn các giá trị, sự phục hồi chậm chạp các căn nguyên văn hóa truyền thống, sự xâm hại từ nhiều phía đối với việc tái lập, phát triển lành mạnh các tri thức văn hóa, giáo dục... Nói “sự thay đổi nhân cách” chắc chắn sẽ gây sốc bởi chúng ta ít quen, ít muốn nghe thuật ngữ này nhưng đó là một thực tế của xã hội sau mọi cuộc chiến tranh. Thử hình dung người nông dân xưa quen với “việc cấy, việc cày tay vốn quen làm” nay lại phải quen với những công việc, hành động trong chiến tranh thì sự thay đổi quan niệm về giá trị là không thể không có. Câu hỏi nhẹ nhưng nhiều trăn trở khôn nguôi: Làm thế nào để đưa xã hội trở về với sự ổn định với các giá trị tốt đẹp đã có từ "ngày xưa" có từ trong lịch sử của dân tộc.
Con người có nhân cách và bản lĩnh phi thường TNT hiểu rõ, hiểu đúng đòi hỏi đó của lịch sử, của giống nòi: Việc rời bỏ ngai vàng để tìm đến với chân tu của ông không chỉ là tâm nguyện cá nhân mà là một tuyên ngôn, một sự định hướng, một phương cách thật hiệu quả để tái lập “ngày xưa”.
Sự hưng thịnh của Phật giáo thời Lý Trần đã được nhiều người nói đến nhưng tâm thức Phật tính thì hình như sự luận bàn vẫn là chưa đủ. Những chuyện xảy ra sau 30 năm lần một thật giống với sau 30 năm lần hai. TNT đốt tất cả thư hàng giặc bởi ông biết có những người bại trận là đồng bào của mình, TNT đau đớn than rằng đất nước bé bằng bàn tay, quan nhiều như thế dân làm sao sống nổi, TNT đứng từ đèo Hải Vân để nhìn thấy Mũi Cà Mau xanh vời vợi vì ông biết, để chống lại sự hung tàn của ngoại xâm, Việt điểu sào nam chi, tìm kiếm liên minh, mở rộng cõi bờ bằng con đường duy tình, thuận lý là điều cần và tốt...
Làm thế nào đưa người dân thoát ra khỏi mọi hệ lụy của 30 năm chiến tranh?; câu hỏi ấy đã được TNT cụ thể hóa bằng việc tiên phong mở đường cho Thiền phái mới - chấn hưng Phật giáo. Không quá lời khi nói rằng Cõi Phật là con đường duy nhất đúng, cần - cho đất nước sau 30 năm tàn khốc với cái chết và nỗi đau của hàng triệu con người...
Đến bài học của trả giá ngày nay...
Sự xuống cấp văn hóa sau 30 năm chiến tranh, nguyên do đầu tiên - cơ bản nhất là: Chúng ta đã duy trì quá lâu trong xã hội mới trạng thái cực đoan của thời chiến, vô hình dung tiếp nối tâm thức chiến tranh trong thời bình. Những sai lầm ấy đã được công cuộc đổi mới năm 1986 sửa sai nhưng thật ra, nhận chân về lịch sử cho thấy chỉ sửa sai nửa vời.
Bệnh thành tích có từ thời chiến tranh khi “vì động viên”, một chiếc máy bay rơi được 3 địa phương kể công nên tính thành 3 chiếc; trận đánh nào cũng thắng, sự tài giỏi không thể sai lầm là định hướng bất diệt... Và, thế là, một khi cái dối gian (bệnh thành tích) lên ngôi thì cái xấu, cái dối trá mặc nhiên hoành hành. Ít ai để ý rằng chỉ từ năm 1991, lần đầu tiên sản xuất vượt chỉ tiêu của kế hoạch còn 16 năm trước đó, thành công chỉ tồn tại trên giấy(!)?
Kinh tế thị trường ồ ạt “xông vào” mảnh đất mà các giá trị cũ mới còn lẫn lộn sáng tối đã phá nhanh, phá nát cái nền móng vốn chẳng lành lặn và chắc chắn gì từ thời chiến tranh để lại. Nguy hiểm hơn, người ta coi thường văn hóa, giáo dục bằng cách có rất nhiều mỹ từ nói và dạy về các giá trị ảo, trong khi đời thường không phải thế. Hàng chục năm nghề giáo phải sống trong nghèo túng thì làm sao giáo dục cất đầu? Người viết bài này nhiều tháng liền mỗi tuần đến chủ nhật lại phải đạp xe đạp hàng chục cây số để đi trồng sắn ở núi cao, khôi hài đến mức người ta đặt chệch tên cho ông lãnh đạo cao nhất của địa phương là “Bụi Sắn”. Bóng ma của “cách mạng văn hóa” thấp thoáng thì thần chết của đạo đức hiện về. Nhà thơ đứng ra quản giá lương tiền thì chẳng khác chi chuyện nhà văn đi làm toán. Cơ chế tiếp tục nương nhẹ cái sai, cái dở có nghĩa là cứ việc dở thêm đi. Sự chụp giựt các “giá trị” sống (quyền, tiền) đau đớn đến mức mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phải bày tỏ rằng thời nay người ta chỉ sợ người có tiền, có quyền...
Việt Nam không thể tụt hậu mãi hoài là mệnh lệnh của 90 triệu trái tim. Không thể xây dựng một nền văn hóa lành mạnh dựa trên nền tảng của sự dối trá. Trên VTV1, 18:10, 21.8.2012, GS Văn Như Cương đã nói rất hay rằng nếu cuộc thi (tuyển sinh đại học 2012) của hàng triệu người, vài điểm không môn sử, môn toán giống như vài hạt lúa sau khi xay xát là chuyện bình thường, nhưng trong mẻ gạo đó có đến 5.000 hạt điểm không thì không thể bình thường. Mọi sự tái lập, ước mong định hình văn hóa, giáo dục hiện nay chỉ nằm trong hai chữ nói thật. TNT coi Phật giáo là rường cột thực ra chỉ là trở về với cái thật, cái thiện. “Giới vọng ngữ” là một trong 5 điều cấm cốt lõi của Phật tính - không nói DỐI trong bất kỳ cảnh huống nào, điều kiện nào, thành công nào, sẽ đem đến giá trị THẬT của văn hóa và đạo đức; tức là hướng thiện từ bản chất. Tiếc thay, nói thật là hai chữ khó nhất, thời nay!