Thứ Ba, 2 tháng 10, 2012

TIN GIÁO PHẬN QUI NHƠN THÁNG 9

Ø CHỦNG SINH TỰU TRƯỜNG
Lúc 14g30 chiều ngày 2.9.2012 các thầy Đại Chủng viện tập trung về Tòa Giám Mục để chào Đức Cha, Cha Tổng Đại Diện để nhập học ĐCV niên học mới  2012-2013. Trong số 36 thầy tựu trường năm nay có 10 thầy thần học III, 10 thầy vừa mãn năm thực tập mục vụ sẽ vào thần học I, 9 thầy triết II và có 7 thầy mới sẽ học năm thứ nhất, khóa XIII (2012-2020).
Cũng trong chiều ngày 2.9, phụ huynh của 7 thầy mới đã đến dự cuộc họp chung với cha Giám đốc chủng viện Giuse Huỳnh Văn Sỹ để biết thêm về công cuộc đào tạo chủng sinh ngày nay của giáo phận. Qua đó các gia đình ý thức tiếp tục cộng tác trong việc huấn luyện linh mục. Phụ huynh các chủng sinh sau bữa cơm tối tại chủng viện có cuộc gặp gỡ với Đức Cha Matthêô. Trong cuộc chuyện trò thân mật, Đức Cha đã thăm hỏi để biết hoàn cảnh từng gia đình chủng sinh đồng thời khích lệ từng gia đình trong vấn đề nuôi dưỡng ơn gọi.
Buổi tối cùng ngày các phụ huynh, 7 chủng sinh mới, cha Giám đốc và một số chú đã qui tụ tại đài Đức Mẹ chủng viện để lần chuỗi chung cầu nguyện đặc biệt cho các chủng sinh sắp tựu trường.
Lúc 5g10 sáng 3.9.2012 cha giám đốc Chủng viện đã dâng thánh lễ tạ ơn và cầu nguyện cho các chủng sinh ngày tựu trường được tốt đẹp. Sau điểm tâm, 7 chủng sinh mới quyến luyến chia tay gia đình để lên xe của TGM để đi Nha Trang cùng với cha giám đốc chủng viện và cha đặc trách VP TGM. Một năm học mới lại bắt đầu. Cầu chúc cho quý thầy hăng say học hành và tu dưỡng để gặt hái được những thành quả tốt đẹp nhất.
Đúng ra có 8 chủng sinh khóa mới sẽ tựu trường lần nầy, tuy nhiên vào giờ chót chỉ còn 7 vì anh Phaolô Nguyễn Thanh Quang thuộc giáo xứ Ngọc Thạnh đã xin rút và chuyển hướng vì tự thấy không thích hợp. Sau đây là danh sách chủng sinh Qui Nhơn gởi vào ĐCV Sao Biển khóa XIII (2012-2020):
     Stt;  Thánh; Họ Tên; Sinh; Cha mẹ; Giáo xứ
1. Phêrô Đỗ Tam Anh; 1986; Phêrô Nguyễn Đức Hạo & Anna Nguyễn Thị Yên, Tịnh Sơn
2. Matthêô Huỳnh Tấn Công; 1983, F.X Huỳnh Sang & Anê Võ Thị Sáng; Gò Thị
3. Gioakim Trương Đăng Khoa; 1990; Giuse Đình An & Maria Huỳnh Thị Thương; Gò Thị
4. Simon Nguyễn Nguyện; 1987; Vinh Sơn Nguyễn Đình Minh (c) & Anna Trần Thị Dương; Tân Dinh
5. PhaolôNguyễn Tấn Thái; 1986; Phaolô Nguyễn Đại & Anê Nguyễn Thị Phượng; Lục Lễ
6. Phêrô Võ Văn Trung; 1987; Bênêđictô Võ Văn Đề & Anê Võ Thị Ngọc Lê; Tân Quán
7. Stêphanô Nguyễn Anh Tùng; 1985; Simon Nguyễn Văn Thương & Maria Nguyễn Thị Phiên; Phú Hữu 
Ø ĐỨC CHA ĐI HUẾ DỰ LỄ TẠ ƠN                                                                         
Ngày 11/09, Đức Cha Matthêô cùng với cha Hạt trưởng Bình Định và cha VP lên đường đi Huế dự lễ tạ ơn do Tổng giáo phận Huế tổ chức để tạ ơn Thiên Chúa và Giáo Hội, chúc mừng Tân Tổng Giám Mục Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng khởi đầu sứ vụ mới và cám ơn Đức Tổng Stêphanô Nguyễn Như Thể.
Vào lúc 7 giờ 30, tại Trung Tâm Mục Vụ, có chương trình Hội Quán Tri Ân phục vụ các món ăn đặc sản Huế. Sáng hôm sau, 12/09, tại nhà thờ Chính tòa Phủ Cam, thánh lễ tạ ơn do Đức Tổng Giám Mục F.X. Lê Văn Hồng chủ sự, với sự hiện diện của ĐTGM Leopoldo Girelli, ĐTGM Stêphanô Nguyễn Như Thể, ĐTGM Chủ tịch HĐGMVN Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, ĐHY G.B. Phạm Minh Mẫn, và 10 Giám mục khác, khoảng 150 linh mục (phần lớn thuộc tổng giáo phận Huế), đông đảo tu sĩ nam nữ, chủng sinh và giáo dân. Thánh lễ bắt đầu với phần giới thiệu các Giám mục và các Đức ông đồng tế, đọc tông sắc bổ nhiệm của ĐTC Bênêđictô XVI và thư của ĐHY Tổng Trưởng Thánh Bộ Truyền Giáo. Sau bài giảng của Đức Cha Giuse Võ Đức Minh và lời nguyện giáo dân là nghi thức thần phục của linh mục đoàn tổng giáo phận Huế. Thánh lễ kết thúc với lời nhắn nhủ của ĐTGM Leopoldo Girelli, lời chúc mừng của ĐTGM Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, lời tâm tình của ĐHY G.B. Phạm Minh Mẫn, lời chúc mừng và cám ơn của một linh mục đại diện giáo phận, đôi lời của ĐTGM Stêphanô Nguyễn Như Thể và của ĐTGM F.X. Lê Văn Hồng. Thánh lễ kéo dài từ 8 giờ đến hơn 10 giờ 30.  
Ø KHÓA THƯỜNG HUẤN LINH MỤC NĂM 2012           
            Từ ngày 19/9 đến 21/9/2012, các linh mục Giáo phận đã về Qui Nhơn để tham dự khóa thường huấn linh mục với chủ đề “Metanoia, hành trình về với Chúa”, được Đức cha Phêrô gợi ý. Đề tài cũng thích hợp với chủ đề của toàn Giáo phận trong năm 2012 là “Sám hối và Thanh tẩy”.
            Theo đúng chương trình, vào lúc 10g45, các cha đã tề tựu về phòng khách Tòa Giám Mục. Cha Tổng Đại Diện thay mặt quý cha tham dự khóa thường huấn có đôi lời chào quý Đức cha Matthêô và Đức cha Phêrô:   
 “Trước tiên chúng con xin chào quý Đức cha trong anh em vui mừng. Và qua đó, chúng con xin cám ơn Đức cha đã cho chúng con có tuần thường huấn này. Với chúng con, thường huấn không chỉ là văn ôn võ luyện như cha ông thường dạy, mà là sâu đậm hơn, là former, là làm thành cái phải thành, cho đến độ formation permanente. Thế nên, qua “kim chỉ nam” năm 1944, Thánh bộ Giáo sĩ nói: “Nó không bao giờ được chấm dứt, cả về phía Giáo hội trao ban lẫn về phía thừa tác viên lãnh nhận”… Nhìn vào đặc sủng của mình, qua chỉ dạy của Giáo hội, chúng con biết rằng thường huấn là một đòi hỏi bắt nguồn và phát triển từ bí tích truyền chức, là một cần thiết nội tại nơi chính ân huệ Chúa ban”
            Trong 3 ngày, chủ đề của khóa thường huấn được khai triển qua các đề tài: Metanoia, nền tảng Kinh Thánh và Thần Học (Ln. Phaolô Nguyễn Minh Chính); Metanoia theo Thánh Phaolô (Đức cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản); Metanoia, phương diện bí tích và giáo luật (Lm. Giuse Huỳnh Văn Sỹ). Ngoài ra, Đức cha Matthêô cũng dành một khoảng thời gian để nói về vấn đề sổ sách trong giáo xứ, kết hợp với phần giới thiệu phần mềm tin học “Quản lý giáo dân” V 2.1.0.8 của anh Matthêô Nguyễn Đức Khoan. Và cũng bởi vì đây là dịp các cha tụ họp đông đủ, nên nhân dịp này, qua cha Cha Tổng Đại Diện, các cha cũng mừng trước bổn mạng Vinh Sơn của Đức Cha Ban Mê Thuột. Cha nói: “Tâm đắc nhất của chúng con nơi linh đạo của vị thánh này là Ngài chọn con người khi Ngài nói “không phải là bỏ Chúa khi vì Người mà đi xa Người” (Non enim neglegitur Deus, si propter Deum ab illo discedatur).  Chúng con cầu chức cho Đức cha được Ngài truyền lại cho tâm hồn đó để không một ai trong Giáo phận của Đức cha thấy cô đơn xác hồn và không mất một ai trong con tim Giám mục của Đức cha”. Nhân dịp này, các cha cũng mừng trước Kim khánh Linh mục (22/12/1962-2012) của cha Phaolô Nguyễn Thọ, niên trưởng các cha Dòng Chúa Cứu Thế. Cha Tổng Đại Diện cũng thay mặt anh em linh mục trong Giáo phận có lời chúc mừng: “Chúng con xin được vượt qua 50 tuổi linh mục, mà như là mừng người anh em 50 tuổi đời. Thật vậy, đến giờ này, nét người, đi đứng, nói năng, sức khỏe và hoạt động của cha khó anh em nào xấp xỉ bát tuần mà tươi trẻ hùng mạnh như vậy. Mừng 50 năm linh mục và cũng mừng sức khỏe như tuổi 50. Và những ngày mới của cha ne dies novus sit eis pondus, sed solamen et gaudium, như lời kinh ngợi khen thứ Ba tuần III”.
            Bầu khí của tuần thường huấn diễn ra trong sự vui tươi, thoải mái và nhẹ nhàng. Sau phần thuyết trình, các cha chia ra làm 4 tổ để thảo luận về đề tài, đào sâu một số điểm và đóng góp ý kiến. Các cha thư ký mỗi tổ ghi chép và trình bày các ý kiến trong giờ thảo luận chung.
Trước khi bế mạc khóa thường huấn, Cha Tổng Đại Diện đã cám ơn Đức Cha vì những gì đã thu nhận được trong khóa thường huấn: “Xưa nay chúng con vốn thuần Việt, và nếu có là Hán Nôm, chỉ quen sống các từ hoán cải, sám hối, ăn năn và còn dân dã hơn như lo buồn đau đớn trong “Cáo giải đệ thất thiên”, để từ đó sôi nấu làm lương thực thánh hóa đời sống mình với đức tin vào Chúa. Nay qua lớp thường huấn, chúng con thấy như thế chưa đã mà phải dùng từ “metanoia” sau khi nắm bắt chiều sâu của ý từ.
Thật vậy, lược qua và kín hút từ văn hóa truyền thống, tôn giáo, Do Thái và Hy Lạp, rồi đến Cựu Ước (ngôn sứ), Thánh Vịnh đến Tân Ước, Đức Kitô, các Tông đồ, Thánh Phêrô, Thánh Phaolô, Giáo luật, chúng con thấy được những gì hàm chứa trong “metanoia” là cốt lõi phong phú trọn ý. Có thể nói nó cô đọng trong hai câu trong huấn từ khai mạc của Đức cha: “Sám hối hay hoán cải không chỉ là một việc nhằm sửa đổi cách sống xấu xa, nhưng chủ yếu là một hành trình về với Thiên Chúa là Cha, không chỉ là một hành vi luân lý mà trước tiên là một hành vi đức tin. Chúng con nhớ đến bài tín lý thần học của tác giả Tanqueray họa ý contrition imperfectacontrition perfecta, mà gần như sách thiên của mình gọi là ăn năn tội vì mình và ăn năn tội vì Chúa. Và cha Trưởng ban thường huấn trong bài thuyết trình của mình đã cho một hình ảnh gần dân là Giuđa yêu mình còn Phêrô yêu Chúa. Cám ơn Đức cha về những gì chúng con thu thập được nhờ khóa thường huấn này. Và chỉ xin áp dụng một ví dụ cụ thể nho nhỏ cũng dễ gặp là khi có gì nơi chúng con mà Đức cha khuyên nên metanoia thì chúng con không chỉ nhằm có lợi cho mình mà còn là trở thành Alter Christus, làm và sống thâm sâu”.
Hành trình tiến về Năm Thánh kỷ niệm 400 Tin Mừng đến với Giáo phận ) 1618-2018) đã được khởi động. Chủ đề năm 2011 “Sám hối và Thanh tẩy” được liên tục đào sâu để “nhờ việc học hỏi, không những chúng ta có thêm sự hiểu biết về sự hoán cải, mà còn có thể thực hiện sự hoán cải thường xuyên trong cuộc đời linh mục của mình”. (Bài Huấn dụ của Đức cha Matthêô  
Ø LỄ BỔN MẠNG ĐỨC CHA MATTHÊÔ
            Ngày 21/9, Đức cha Matthêô đã chủ sự thánh lễ tạ ơn và mừng bổn mạng tại Nhà thờ Chính tòa nhân ngày lễ kính Thánh Matthêô, Tông đồ và Thánh sử. Vì đang trong thời gian các cha tham dự khóa thường huấn nên thánh lễ đồng tế có sự hiện diện của đông đủ quý cha, ngoài ra còn có sự tham dự đông đảo các tu sĩ nam nữ và giáo dân. Mở đầu thánh lễ, Đức cha Matthêô đã nói lên lời cám ơn, cám ơn Thiên Chúa, cám ơn mọi người đã hiện diện trong thánh lễ để cầu nguyện cho ngài nhân ngày lễ bổn mạng.
Trong phần chia sẻ Lời chúa, cha giảng lễ đã suy niệm về ơn gọi của Thánh Matthêô: tất cả được tóm gọn trong hành động “đứng dậy”, một hành động rất có ý nghĩa vì nó đồng nghĩa với sự phục sinh. Đó là một cuộc thoát xác, biến đổi từ một người tội lỗi trở thành một vị thánh sử. Cuối thánh lễ, cha Tổng Đại Diện đã có lời chúc mừng Đức cha nhân ngày bổn mạng: “Matthêô, vị bổn mạng của Đức cha vừa là thánh sử, vừa là tông đồ. Với hai chức năng đó, từ nơi Ngài, Chúa cho Đức cha lãnh nhận được nhiều bài học và khả năng hữu ích hữu dụng cho sứ mệnh giám mục, thầy dạy đức tin cũng như củng cố đức tin. Con đường đó sẽ đưa Đức cha nắm bắt truyền thống cũng như cơ cấu giáo phận để rồi tưới gội vào đó hồn tông đồ. Còn hơn nữa, khi khai thác về con người Matthêô, các nhà ngữ học và chiết tự đã rút ngắn từ Hy Lạp và Do Thái ngữ, để thấy rằng tên gọi “Matthêô” có nghĩa là “quà tặng của Thiên Chúa”. Do thế, chúng con kính chúc Đức cha ôm trọn “Matthêô”, quà tặng của Thiên Chúa để Đức cha vừa thủ đắc vừa trở thành quà tặng của Thiên Chúa. Phần chúng con hưởng trọn quà tặng của Đức Chúa khi có Đức cha là giám mục của Giáo phận Qui Nhơn kính yêu của chúng con”  
Trong thánh lễ, mọi người đã sốt sắng cùng với Đức cha Matthêu, hiệp ý tạ ơn Chúa vì những hồng ân Thiên Chúa đã ban cho ngài và qua ngài đến với mọi người trong giáo phận.   Cũng như ngày xưa Thánh Matthêu rời bàn thu thuế chỉ mang theo cây bút để viết nên Tin Mừng như một lời tạ ơn, Đức cha Matthêu cũng đã dùng cây cọ để vẽ nên bức chân dung của Chúa trong tâm hồn mọi người, tô điểm cho bức tranh giáo phận ngày càng tươi đẹp và nhiều màu sắc hơn. 
Ø  SINH HOẠT GIÁO HẠT BÌNH ĐỊNH
- Thành lập hai giáo xứ mới và bổ nhiệm cha sở
Ÿ Giáo xứ Cù Lâm
Sáng thứ năm, 30/08, vào lúc 8 giờ, Đức Giám Mục giáo phận đến nhà thờ Cù Lâm để chủ sự thánh lễ thành lập giáo xứ Cù Lâm và cha tân chánh xứ nhậm chức. Cùng đồng tế thánh lễ với Đức Cha có cha Tổng Đại Diện, cha chánh xứ Vinh Sơn Nguyễn Đình Tâm và cha phó xứ Phêrô Nguyễn Minh Trường của giáo xứ Trường Cửu, cha tân chánh xứ Giuse Nguyễn Văn Thành và 20 linh mục, với sự hiện diện của các thầy, các soeurs và đông đảo giáo dân trong giáo xứ Cù Lâm, cũng như từ các giáo xứ Trường Cửu, Ngọc Thạnh và những nơi khác.
Địa bàn giáo xứ Cù Lâm mới được thành lập là phần đất được tách ra từ giáo xứ Trường Cửu và gồm 2 giáo họ: Cù Lâm và Cầu Máng, với tổng số giáo dân là 590 người. Cù Lâm là một giáo họ có bề dày lịch sử rất cao nhưng cũng rất đau thương. Theo báo cáo của thánh Giám mục Stêphanô Thể gửi Hội Thừa Sai Paris năm 1850 thì giáo họ Cù Lâm lúc ấy đã có 28 tín hữu. Ngay từ đầu, giáo họ đã trải qua thử thách lớn lao trong cuộc bách hại thời vua Tự Đức và nhất là với phong trào Văn Thân. Phong trào này đã đốt phá bình địa nhà thờ và nhà giáo dân, chôn sống tập thể 25 giáo dân. Hiện nay giáo họ có một nhà thờ khang trang rộng rãi được xây dựng vào năm 2002 do cha cựu chánh xứ Phaolô Trương Đình Tu
Trước thánh lễ, Đức Cha đã chủ sự nghi thức làm phép nhà xứ do cha Vinh Sơn vừa mới xây dựng xong để làm nơi ở cho cha tân chánh xứ. Đầu lễ cha Tổng Đại Diện tuyên đọc văn thư thành lập giáo xứ và văn thư bổ nhiệm cha tân chánh xứ của Đức Giám Mục giáo phận. Thánh lễ tiếp tục với nghi thức nhậm chức của cha tân chánh xứ Giuse Nguyễn Văn Thành. Trước khi nhậm chức chánh xứ Cù Lâm, cha Giuse đã từng phục vụ tại giáo xứ Ngọc Thạnh với tư cách là cha phó trong thời gian gần 5 năm.
Sau thánh lễ, Đức Cha, quí cha và quí khách chia vui với giáo xứ và cha tân chánh xứ trong bữa tiệc thịnh soạn do cha tân chánh xứ khoản đãi.
         Ÿ Giáo xứ tân Quán
Vào lúc 8g30 ngày 5.9.2012, Đức Giám Mục giáo phận đã về chủ sự thánh lễ đồng tế thành lập giáo xứ mới Tân Quán và nhậm xứ của cha sở mới Giuse Nguyễn Đức Minh. Hiện diện trong thánh lễ nầy có 39 linh mục đồng tế và đông đảo tu sĩ, giáo dân xa gần. Trước khi về làm cha sở Tân Quán, Cha Giuse Nguyễn Đức Minh là cha phó giáo xứ Gò Thị kể từ năm chịu chức linh mục 2007.
Để chuẩn bị cho thánh lễ đặc biệt nầy, cha sở Tân Dinh Gioakim Huỳnh Công Tân đã lo sửa sang lại nhà thờ, nhà xứ… Cơ sở vật chất của nhà thờ, nhất là nhà xứ Tân Quán còn khá khiêm tốn. Giáo xứ Tân Quán là nơi xuất thân khá nhiều người dâng mình cho Chúa. Theo thống kê trong dịp mừng kỷ niệm 100 xây dựng nhà thờ Tân Quán (1911-2011), giáo họ Tân Quán (không kể Diêm Điền) đã có 1 Giám Mục, và 23 linh mục, 7 nam tu sĩ và 1 tu sinh, 5 Đại chủng sinh và 26 nữ tu, 3 tập sinh, 3 tu sinh nữ. Đó là những hoa quả tốt đẹp dâng lên cho Chúa và Giáo Hội. Giáo dân ở đây có nếp sống truyền thống đạo đức và tinh thần phụng sự Nhà Chúa rất nhiệt thành. Việc thành lập giáo xứ Tân Quán là mong ước của Đức Cha Phêrô Nguyễn Soạn với nhiều yêu thương lẫn trăn trở. Trong dịp kỷ niệm 100 năm xây dựng nhà thờ Tân Quán, Đức Cha Phêrô nói rằng «Tân Quán vẫn luôn mới trong trái tim tôi. Yêu thương nhiều trăn trở cũng nhiều. Nói trăn trở tức là muốn nói đến lo lắng và hy vọng. Không lo lắng sao được khi dòng chảy thời gian và phong trào tục hóa hiện nay có thể làm xói mòn những truyền thống đạo đức vốn có xưa nay của Tân Quán. Và làm sao không hy vọng khi ơn Chúa tiếp tục tuôn đổ và lòng nhiệt thành nhà Chúa của người Tân Quán không bao giờ phôi pha. Bởi đó, tôi ước mong trong tương lai không xa Tân Quán sẽ trở nên một giáo xứ lớn mạnh về mọi mặt, đặc biệt mọi người Tân Quán dù xa hay gần biết giữ gìn và phát huy những truyền thống tốt đẹp của cha ông hầu làm vinh danh Thiên Chúa».
Hôm nay mong ước đó đã trở nên hiện thực. Đức Cha giáo phận Matthêô Nguyễn Văn Khôi đã thực hiện mong ước của vị tiền nhiệm và làm thỏa lòng mong mỏi của người giáo dân Tân Quán.
- Lễ an táng thân phụ soeur Maria Kim Sa
Sáng 10/09, vào lúc 8 giờ, Đức Giám Mục giáo phận về nhà thờ Sông Cạn để chủ sự thánh lễ an táng của ông Luy Huỳnh Đông Ý, thân phụ của soeur Maria Kim Sa, Dòng Đức Bà. Ông cố Luy cũng là cựu chủng sinh Qui Nhơn niên khóa 1967. Cùng đồng tế thánh lễ với Đức Cha có cha Hạt trưởng Giuse Lê Kim Ánh, cha chính xứ Sông Cạn Phêrô Võ Thanh Nhàn, cha phó Giuse Nguyễn Bá Thành và 15 linh mục, với sự hiện diện của các soeurs Dòng Đức Bà từ Sài Gòn ra, 7 anh em cựu chủng sinh cùng lớp từ các nơi trở về, trong đó có cha Antôn Nguyễn Huy Điệp, gia tộc ông cố Luy và bà con giáo dân trong giáo xứ. Cha Antôn giảng lễ, nhắc lại những kỷ niệm ngày xưa ở chủng viện Qui Nhơn.
- Lễ tuyên hứa của Hội Đồng Giáo Xứ Phú Hữu
Ngày 16/09, vào lúc 9 giờ sáng, Đức Cha Matthêô đến nhà thờ giáo xứ Phú Hữu để chủ sự thánh lễ Chúa nhật 24 thường niên cùng với cộng đoàn giáo xứ và nghi thức tuyên hứa của 60 thành viên Hội Đồng Giáo Xứ mới được bầu lên theo Quy chế Hội Đồng Giáo Xứ giáo phận Qui Nhơn. 60 thành viên Hội Đồng Giáo Xứ đại diện cho 1751 giáo dân thuộc 12 giáo họ. Hy vọng con số khá lớn các chức việc tân cử mà phần đông còn trẻ sẽ giúp cha chính xứ cách tích cực và hiệu quả trong việc điều hành, xây dựng và phát triển giáo xứ, nhất là đẩy mạnh công tác truyền giáo.
- Thánh lễ an táng thân phụ của Cha Gioakim Nguyễn Đức Quang
Ông cố Phanxicô Xaviê Nguyễn Đức Long là thân phụ cha Gioakim Nguyễn Đức Quang, cha sở giáo xứ Cây Rỏi, đã qua đời tại gia vào lúc 17 giờ 50 ngày 25 tháng 9 năm 2012. Được biết Ông cố bị tai biến lần thứ hai và đồng thời bị bệnh tiểu đường nên nằm liệt giường và kiệt sức dần dần.
Vào lúc 9 giờ thứ 5 ngày 27 tháng 9 năm 2012 tại nhà thờ giáo họ Đại An, giáo xứ Phù Cát, Đức Giám Mục giáo phận đã chủ sự Thánh lễ an táng với khá đông các linh mục trong và ngoài giáo phận. Cha sở Phù Cát Phaolô Nguyễn Văn Khiêm giảng trong thánh lễ và cử hành nghi thức tiễn biệt. 
Ø  SINH HOẠT GIÁO HẠT QUẢNG NGÃI
- Giáo xứ Quảng Ngãi khai giảng niên khóa giáo lý
Sáng Chúa Nhật ngày 9/9/2012, cộng đoàn dân Chúa giáo xứ Quảng Ngãi đã long trọng khai giảng niên khóa giáo lý mới: Niên Khóa 2012-2013. Đây là niên khóa giáo lý đầu tiên dưới sự chỉ đạo của cha tân chánh xứ Giuse Trương Đình Hiền được thể hiện qua định hướng tổng quát mang tên: Phương án mục vụ huấn giáo niên khóa 2012-2013.
Được biết, theo định hướng mục vụ của Phương án nầy, niên khóa giáo lý đặt trọng tâm vào ý nghĩa, mục đích và nội dung của chương trình mục vụ Năm Đức Tin sắp được Đức Giáo Hoàng khai mở vào dịp đầu tháng 11 sắp tới. Chính vì thế, tên gọi và cũng là trọng tâm của toàn niên khóa 12-13 đó chính là "Bước vào cánh cửa đức tin". Cũng theo định hướng mục vụ của Phương án nầy, chương trình giáo lý của giáo xứ sẽ được thực hiện xuyên suốt trong thời lượng 11 tháng, từ 9/9/2012 đến 4/8/2013. Trong thời gian huấn giáo nầy, các học viên giáo lý và mọi thành phần dân Chúa sẽ tập chú cách đặc biệt vào việc "tái khám phá, vun trồng và làm chứng đức tin" qua việc cử hành Phụng Vụ, học hỏi và đào sâu giáo lý Công Đồng Vatican II, học hỏi Sách Giáo Lý Công Giáo của Giáo Hội...
Mặc dù con số học viên tham dự còn ít ỏi và cơ sở đáp ứng mục vụ giáo lý còn hạn chế, nhưng với nỗ lực của mọi thành phần dân Chúa trong giáo xứ, hy vọng việc dạy và học giáo lý trong niên khóa giáo lý 2012-2013 sẽ được thực hiện tốt hơn và chu đáo hơn. Xin Chúa chúc lành cho công cuộc huấn giáo của giáo xứ.
Ø SINH HOẠT GIÁO HẠT PHÚ YÊN
- Lễ giỗ giáp 03 năm cha Phêrô Tuần Nguyễn Cao Hiên tại Đông Mỹ.
Sáng ngày 18/9, Giáo xứ Đông Mỹ đã tổ chức thánh lễ giỗ giáp 3 năm ngày mất của Cha Phêrô Nguyễn Cao Hiên. Với sự hiện diện và chủ tế của Đức cha Matthêu, thánh lễ đồng tế đã được cử hành cách trọng thể cùng với khoảng 20 linh mục và sự tham dự đông đảo của các giáo dân thuộc giáo xứ Tịnh Sơn, Sơn Nguyên, Mằng Lăng và Đông Mỹ, những giáo xứ trong giáo hạt Phú Yên mà cha đã từng phục vụ.
Sau thời gian làm giáo sư và linh hướng Tiểu chủng viện Qui nhơn, cha về nhận xứ Qui Hải, Qui Nhơn. “Kể từ ngày 21/3/1971, cha Phêrô từ Qui Nhơn đến nhận xứ Tịnh Sơn, Phú Yên cho đến ngày 05/7/2001, từ Đông Mỹ, cha rời khỏi Phú Yên về nghỉ dưỡng tại Làng Sông, hơn 30 năm hiện diện, hội nhập, đồng hành keo sơn cùng dân Chúa ở Phú Yên nầy, bà con đã biết, đã thấy tấm lòng mục tử của cha. Trong bom đạn chiến tranh tàn khốc, cha vẫn bám trụ với đoàn chiên ở Tịnh Sơn. Trong kham khổ khó nghèo, cha đồng hành với dân lành thôn dã. Trong giản dị chân quê cha tiếp nhận mọi người. Trong yêu thương nghĩa tình, cha tiếp cận an ủi những tâm hồn đau khổ. Là hiện thân của Đức Kitô mục tử, cha đã có mặt trong từng ngõ ngách của các giáo xứ cha được bổ nhiệm trong hạt Phú Yên nầy, thường xuyên thăm viếng mọi nhà, giáo dân cũng như lương dân, nhất là những người khổ nghèo. Đôi bàn tay gân guốc của cha dâng lễ hằng ngày, giọng nói trữ tình pha lẫn chút khôi hài lạc quan của cha, dáng đi thong thả mà chắc nịch của cha, gương mặt dịu hiền của cha, ánh mắt trong sáng với cái nhìn nhân lành của cha nay đã tan vùi trong lòng đất lạnh, nhưng trong cái nhìn đức tin thì đó chính là hạt lúa giống đã được gieo vào lòng đất để sinh ra những hạt lúa mới.
Được sống cha Phêrô, ai ai cũng nhận thấy một điều là sức chịu đựng và sự hy sinh của cha, một sự chịu đựng và hy sinh đến khó hiểu, nếu không phải chỉ vì lợi ích cho các linh hồn và vì lòng yêu mến, muốn vâng theo ý Chúa cho đến chết nên đã cam chịu với một tâm tình phó thác tột độ như thế…. Phải nói là cả cuộc đời của cha Phêrô là một chui dài, là một trạng thái yêu Chúa, thương người, giống như một sợi chỉ vàng xuyên suốt cuộc đời, chớ không phải là những hành động ngẫu hứng l tẻ. “Cha đã làm tất cả để chứng tỏ cho người ta thấy là Chúa Giêsu đang ở giữa chúng ta””.
Cha về với Chúa vào lúc 19 giờ 15 ngày 19 tháng 9 năm 2009 tại Dòng Đức Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc, Thủ Đức. Với tất cả mọi công trạng được người đời nhìn nhận, chúng ta tin chắc hiện giờ Chúa cũng đã nhìn nhận ngài trên quê trời vĩnh cửu.  
Ø  TIN HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ
- Suy Tôn Thánh Giá - Tước hiệu Hội Dòng
Tại Nhà Mẹ Hội Dòng, vào lúc 09 giờ 30 sáng ngày 14.9.2012, Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi - Giám mục Giáo phận đã chủ sự Thánh Lễ Suy tôn Thánh Giá. Cùng đồng tế với Đức cha có cha Giuse Lê Kim Ánh - Hạt trưởng hạt Bình Định, cha Giuse Phạm Thanh - Linh hướng Hội dòng và 30 cha thuộc hạt Bình Định. Hiệp dâng Thánh Lễ còn có quý Thầy, đại diện quý Soeurs cộng đoàn thánh Phaolô Qui Nhơn, Phan Sinh Thừa Sai Qui Hòa, cộng đoàn Nữ tỳ Chúa Giêsu tình thương đến chia sẻ, cầu nguyện cùng Hội dòng trong tình nghĩa gia đình Giáo phận. Về hiệp dâng Thánh lễ, còn có một số cựu tu sinh của Hội dòng và đông đủ các chị em vùng Qui Nhơn, các em Học viện hiệp thông trong niềm vui và ân phúc. Thánh lễ được cử hành trọng thể trong bầu khí trang nghiêm, sốt sắng và tràn đầy ý nghĩa.
    Khởi đầu Thánh Lễ, Đức cha Matthêô nêu lên ý nghĩa của lễ Suy tôn Thánh Giá, một ngày lễ đặc biệt đối với các chị em Mến Thánh Giá, những người đã chọn Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh làm đối tượng duy nhất của cuộc đời mình. Đặc sủng Mến Thánh Giá là cái nhìn tiên tri của Đức Cha Lambert de la Motte, ngài đã đoán trước là Giáo Hội sẽ gặp khó khăn, ngài lập dòng Mến Thánh Giá tại Việt Nam và Thái Lan với linh đạo yêu mến Thánh Giá Chúa Kitô, để những ai chấp nhận đau khổ, trung tín theo Chúa Giêsu thì được cứu độ và là nền tảng cho sự phát triển Giáo hội.
    Trong bài giảng lễ, Đức cha đã dẫn giảng hình ảnh Thánh Giá rất gần gũi trong đời sống và có một ý nghĩa sâu sắc. Nhìn lên Thánh Giá chúng ta thấy sự nặng nề của tội lỗi, chính tội lỗi loài người đã đóng đinh Chúa Giêsu vào thập giá; thấy được sự tự hủy, khiêm hạ và vâng phục của Chúa Giêsu; thấy được tình yêu của Thiên Chúa Cha dành cho nhân loại. Thánh Giá là biểu tượng của tình yêu tha thứ và chữa lành của Thiên Chúa. Như Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Chúa Giêsu cũng bị giương cao lên thập giá để cứu sống nhân loại. Trong y học, con rắn là biểu tượng của sức khỏe và sự sống. Khi các phi hành gia đi ra ngoài vũ trụ, cần có khí để thở,  phải mặc áo có gắn ống dẫn khí từ áo đến mũi. Nhà thiết kế chiếc áo, đã đặt tên hai ống dẫn khí J 316 và J 317, là hai câu Tin Mừng thánh Gioan: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống đời đời (Ga 3,16); Thiên Chúa đã sai Con của Người xuống thế gian …, nhờ Con của Người mà được cứu độ.” (Ga 3,17)
    Thánh Giá hình chữ T, Chúa Giêsu chịu đóng đinh giang tay hình chữ Y. Đây là hai mẫu tự đầu của chữ “Tình Yêu”, Chúa Giêsu chết trên Thánh Giá là bằng chứng tình yêu lớn nhất của Thiên Chúa đối với nhân loại. Con người hôm nay coi thánh giá như một món đồ trang sức với nhiều thánh giá được làm bằng những kim loại quý. Người môn đệ Đức Giêsu thì không như vậy. Làm môn đệ bước theo Đức Giêsu trên mọi nẻo đường của cuộc sống. Đời sống cộng đoàn sẽ gặp nhiều thập giá. Thập giá của hơn thua trong công việc, hơn thua giữa các chị em. Có người tạo thập giá cho người khác, có người bắt người khác vác thập giá của mình, có người lại đóng đinh người khác vào thập giá của mình. Nếu chúng ta biết thương yêu, đón nhận nhau, chấp nhận thua thiệt, mất mát, đón nhận chị em của mình với những khác biệt… thì đời sống cộng đoàn sẽ được hóa giải. Lúc ấy, thập giá sẽ nhẹ nhàng, còn ngược lại thập giá của đời sống chung sẽ rất nặng nề và đè bẹp chúng ta… Và, Đức cha cầu chúc cho chị em Mến Thánh Giá luôn sống hạnh phúc và trở nên những chứng nhân của tình yêu Chúa cho mọi người.
Sau Thánh Lễ, chị Phó Tổng Phụ trách Maria Võ Thị Tuyết đại diện Hội dòng kính cảm ơn Đức Cha Matthêô đã đến dâng Thánh Lễ, sự hiện diện của Đức cha là niềm vui và khích lệ cho Hội dòng. Ghi ơn Đức Cha Phêrô, tuy vắng mặt, nhưng Đức Cha vẫn hướng về để hiệp thông và nguyện cầu cho Hội dòng. Cảm ơn quý Cha, quý Soeurs dòng bạn, quý Thầy, quý cựu tu sinh không quản ngại thời gian đã đến chia sẻ tâm tình với Hội dòng.
Nhân dịp này, chị Phó Tổng Phụ trách dâng lời chúc mừng Bổn mạng Đức Cha Matthêô vào ngày 21.9, nguyện cầu và kính chúc Đức Cha sức khỏe, thần lực khôn ngoan để hướng dẫn Giáo phận theo thánh ý Chúa.
    Đáp từ, Đức cha Matthêô dí dỏm nói: ngài có duyên với Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn, từ ngày lãnh sứ vụ Giám mục, hai năm liền 2010, 2011, Đức cha đã làm lễ thánh Bổn mạng Matthêô tại cộng đoàn Mến Thánh Giá ở Nauy, hôm nay lại được mừng Bổn mạng vào ngày 14.9 tại Nhà Mẹ của Hội dòng. Để kết lời, Đức cha nhắn nhủ mỗi thành viên trong Hội dòng, dù đang phục vụ ở bất cứ nơi đâu, hãy gắn bó, yêu thương Giáo phận Qui Nhơn hơn nữa, coi Qui Nhơn là Giáo phận của mình, phần đất của tổ tiên mình. Đức cha chúc Hội dòng ngày càng phát triển, thăng tiến về mọi mặt và các chị em luôn là chứng nhân sống động của Chúa nơi môi trường mình phục vụ.
    Sau Thánh Lễ, Đức cha, quý cha, quý chị em và khách mời đã chụp hình lưu niệm và dùng cơm trưa vui vẻ, đầm ấm tại phòng cơm của Hội dòng
- Thăm xóm đạo vùng xa
Sáng Chúa Nhật 23.9.2012, một số chị em đã lên đường đi thăm một xóm đạo vùng sâu, ở chân núi huyệnTây Sơn. Trên chiếc xe Dasu, chị TCV Rosa Bạch Tuyết, trưởng nhóm, cùng đi với chị hiệu trưởng Yến Trâm, hiệu phó Thu Hồng, 4 chị giáo: Tố Cơ, Băng Thảo, Trịnh Oanh, Diễm Thư và 5 em Dự tu của Dòng: Bích Huyền, Kim Khánh, Ngọc Thy, Mỹ Phú, Thúy Vân đã lên đường, hướng về Tây Sơn, đến ngã ba thủy điện Vĩnh Sơn, xe đi một đoạn đường bê tông dài, rồi bắt đầu rẽ qua con đường đất gồ ghề để tiến vào xóm đạo Tân Thuộc, thuộc giáo xứ Kiên Ngãi. 
Xóm đạo Tân Thuộc gồm có 17 gia đình Công Giáo, nhưng chỉ có 14 gia đình có tham gia sinh hoạt đạo. Anh Phaolô Võ Trung Tài là trưởng ban hành giáo xóm đạo cho biết:
Vì sống quá xa, không thể thường xuyên đến nhà thờ, vì thế,  hằng tuần, vào mỗi tối Chúa Nhật, anh chị em tụ họp đọc kinh liên gia, xoay quanh từ nhà này sang nhà khác. Một năm, một vài lần cùng nhau “trẩy hội lên đền” về nhà thờ Kiên Ngãi dự lễ Phục Sinh, Giáng Sinh và dịp tết Nguyên Đán”.
Được biết, xóm đạo Tân Thuộc trước năm 1975 thuộc họ đạo Đồng Phó, nhưng sau biến cố 1975 một thời gian dài các gia đình không được sự chăm sóc mục vụ của cha xứ. Đến năm 1997, cha sở Anrê Hoàng Minh Tâm đến thăm, qui tụ, ban bí tích cho người lớn và rửa tội cho trẻ em. Sinh hoạt xóm đạo dần dần khởi sắc. Đa số, người dân sống bằng nghề nông: trồng trọt lúa, mì, mía và chăn nuôi. Vì kế sinh nhai, nhiều hộ gia đình có chồng, con đi lao động xa, cuộc sống đạo chắc chắn gặp nhiều khó khăn.
Sau khi thăm hỏi, chị em đã trao cho mỗi gia đình một bức ảnh lòng Chúa Thương Xót, một quyển Kinh Thánh bằng hình, một chuỗi 10 hạt và một ít nhu yếu phẩm. Sau một giờ gần gũi chuyện trò, chị em đã cùng 14 gia đình chia sẻ bữa cơm trưa “agape”, đạm bạc, chan hòa tình huynh đệ do các chị mang lên từ Nhà Mẹ Hội dòng. 
Một chút tâm tình nhỏ do chị em ghi lại:
Một ngày “ra đi” chẳng là gì so với cánh đồng truyền giáo mênh mông bát ngát của Giáo phận. Qua đó, đã giúp tôi ý thức hơn về sự cấp bách lời mời gọi truyền giáo của Giáo phận. Chắc là tôi chưa giúp gì cho Chúa hay cộng đoàn nơi đây, nhưng đã giúp tôi nhìn lại bản thân: chưa đủ nhiệt huyết hay có đó nhưng lại thiếu đường hướng để đến với muôn dân. Ước gì  tuổi trẻ của tôi có thể giúp cho nhiều người nhận biết Chúa hoặc hiểu biết chúa hơn, dù chỉ một người thì cũng làm tôi vui sướng biết chừng nào. Trong năm sám hối và thanh tẩy của Giáo phận tôi sẽ cố gắng sửa đổi bản thân để bất cứ khi nào Chúa cần, tôi sẵn sàng làm điều Chúa muốn!”.