Thứ Năm, 5 tháng 1, 2012

BÌNH NHƯỠNG, THÀNH PHỐ DẦN HÉ MỞ

 

(Nhịp Cầu Thế Giới) “Bình Nhưỡng phác họa một sự thay đổi ngầm của xã hội Triều Tiên dưới vỏ bọc bề ngoài không thay đổi của một hệ thống quyền lực cha truyền con nối” – đó là cái nhìn về những đổi thay ở Bắc Hàn qua con mắt đặc phái viên Philippe Pons của tờ “Le Monde” (Pháp), trong bài viết đăng trên báo ngày 27-12-2011.

 Bình Nhưỡng hôm nay chìm trong tang lễ với những đám đông trong nước mắt và những lá cờ rủ. Nhưng ngay trước ngày lãnh tụ Kim Chính Nhật qua đời, thành phố này vẫn còn là một công trường xây dựng náo nhiệt nhằm hướng tới ngày 15-4, kỷ niệm 100 năm ngày sinh của “cha già dân tộc” Kim Nhật Thành. Một sự kiện trọng đại phải có để mờ ra một trang mới, kỷ nguyên của một đất nước giàu và mạnh. Nhiều con đường được rào lại, vỉa hè được tu bổ, hàng loạt xe chở đất hối hả, mặt tiền của nhiều toà nhà được làm mới, những công trình mới được khởi công! Có thể nói thành phố trở thành một đại công trường

 Tại quận Mansudae, cách không xa quảng trường trung tâm mang tên Kim Nhật Thành, nhiều tòa nhà cao tới năm mươi tầng đang được xây dưng. Trong thứ âm thanh hỗn độn của tiếng nhạc và những bài hát được phát ra từ loa phong thanh, hàng ngàn đàn ông và phụ nữ - trong đó đa phần là binh sĩ - đang hối hả nghiền đá dăm để đổ vào các máy trộn bê tông và dùng những gầu nhỏ xúc đi, rồi đưa lên cao thông qua hệ thống giàn giáo được điểm tô bằng những lá cờ đỏ mệt mỏi trong cái giá lạnh của mùa động. Dù có sự hiện diện của một số máy móc như xe tải và cần cẩu nhãn hiệu Nhật Bản, nhưng cuốc xẻng và sức lao động của những đôi tay vẫn là chủ đạo

 Trong đêm tối, công việc vẫn được tiếp tục tới lúc bình minh rạng mở dưới ánh sáng những ngọn đèn. Trên các tầng cao, ánh sáng những mỏ hàn lóe lên trong đêm tối. Phần lớn công nhân ngủ trong những căn lều được dựng lên ở vườn hoa bên cạnh. Trong số đó, rất nhiều người là sinh viên - dĩ nhiên là những tình nguyện viên. Từ mùa hè vừa rồi, các trường đại học đều trở nên vắng vẻ. Không quen với hình thức lao động này, sinh viên tình nguyện mệt mỏi vì giá lạnh, thiếu thốn thức ăn và kiểu làm việc không ngừng nghỉ. “Trong cuộc đua với cái đích là ngày 15-4, người ta đổ bê tông với tiến độ hai tầng mỗi ngày”, họ nói với chúng tôi. “Thế còn con số tai nạn lao động?”. Đó là một câu hỏi không có lời đáp. “Một khi Triều Tiên đã quyết, mọi thứ đều có thể” - có thể đọc được khẩu hiện đó trên một tấm biểu ngữ.

 Nổi bật lên trên nền thành phố là công trình kim tự tháp bằng sắt và kính của khách sạn Ryukyong, một trong những tòa nhà cao nhất thế giới (105 tầng, 300m), sáng lên dưới ảnh mặt trời như một biểu tượng của sự hồi sinh của Bình Nhưỡng. Bắt đầu khởi công vào năm 1987, công trường tạm dừng sau 4 năm và trong 20 năm sau đó, tòa nhà uy nghi vẫn chỉ là một cái vỏ bằng bê tông, nơi trú ngụ của chim chóc. Đó là biểu tượng của sự sa sút mà Triều Tiên phải nếm trải: sự sụp đổ của nền kinh tế và nạn thiếu lương thực. Từ năm 2008, công trường được khởi động lại. Hiện thời thì kim tự tháp chói ngời này đang mới chỉ là một cái vỏ rỗng: nội thất bên trong phải được hoàn thiện vào tháng 4 sang năm, nhưng cũng chỉ đến tầng 25.

 Sáng rực rỡ vào đêm, Bình Nhưỡng với 3 triệu dân không mang dáng vẻ thủ đô của một nước với nền kinh tế lụn bại, trong đó người dân chịu nhiều khó khăn và thiếu thốn. Xe hơi nhãn hiệu nước ngoài ngày càng nhiều, thậm chí đã có lúc nạn tắc đường nho nhỏ xảy ra tại các ngã tư, tạo nên đôi chút cãi vã giữa các tài xế và giới cảnh sát trong trang phục màu xanh ngọc đang điều khiển giao thông.

 Rất nhiều người lui tới những khu chợ lớn có mái che, nơi người dân có thể mua thực phẩm, quần áo và đồ dùng gia đình: mỗi ngày có cả chục ngàn khách lui tới khu chợ lớn nhất thành phố Tongil. Tại quận Potongang nằm ở trung tâm thủ đô, một cửa hàng hai tầng, rộng 6.000 m2 vừa mới được mở để bán hàng xa xỉ phẩm nhập ngoại như máy móc điện tử, quần áo và mỹ phẩm có thương hiệu. Các sản phẩm có nguồn gốc nước ngoài nhất là sản phẩm điện tử, được nhập hợp pháp.

 Có khoảng 1 triệu điện thoại di động (cho dân số 24 triệu người) đang được sử dụng tại Triều Tiên. Chủ yếu dành cho tầng lớp tinh hoa vì giá khá đắt. Theo nhà quản lý mạng Orascom (1 công ty Ai Cập) thì nhu cầu sử dụng đang tăng lên với cấp số nhân. Mạng của công ty này phủ sóng toàn bộ Bắc Hàn và cho phép truy cập các trang web của nhà nước, thoạt tiên là trang của Đảng “Rodong Sinmun” (*). Thực ra thì tại Bắc Triều Tiên có hai mạng điện thoại: một mạng không gọi được ra nước ngoài và một mạng dành cho người nước ngoài cho phép gọi và nhận các cuộc gọi quốc tế. Hai mạng này không gọi được cho nhau. Điện thoại di động mang từ nước ngoài vào bị tạm thu ở cửa khẩu và trả lại khi xuất cảnh.

 Công viên giải trí được trang bị các thiết bị của Ý và một số trò chơi điện tử của Nhật, đón tiếp khách thăm quan với chuột Mickey và Kẻ hủy diệt (Terminator). Những nhà hát, rạp chiếu phim mới, những nhà hàng mới mở. Những thiếu nữ duyên dáng với điện thoại di động bên tai qua lại dưới một áp phích cổ động hứa hẹn một tương lai sáng lạn của chủ nghĩa xã hội (ở xứ sở này). Bình Nhưỡng đang đổi thay, dù những lo lắng tiềm ẩn rằng một cách xử sự hay một câu bình luận nào đó có thể dẫn tới trừng phạt vẫn ăn chặt trong tiềm thức người dân tại một đất nước vốn bị tố cáo là có rất nhiều trại cải tạo tù chính trị. Tiếp xúc trực tiếp với người dân vẫn chỉ đơn giản là những xã giao không thực xởi lởi. Ở Triều Tiên cũng như Hàn Quốc, người dân đều thích nói đùa. Nhưng tâm lý chung của họ là không thích chỉ trích.

 Bình Nhưỡng là tủ kính của đất nước, nơi những người được ưu ái nhất của chế độ mới được sinh sống. Ðô thị này sử dụng hết mọi nguồn lực và của cải quốc gia nên không phản ánh tình hình thực tế ở các thành phố tại tỉnh lẻ. “Người nước ngoài nhìn Bắc Hàn như một xứ sở mà cư dân đói khát và chính quyền kiểu Stalinist thì đang trên đà hấp hối. Giống như mọi quan niệm áp đặt khác, những hình ảnh này không hoàn toàn sai nhưng bị đơn giản hoá: tình hình thực tế phức tạp hơn nhiều” - Andrei Lankov, một chuyên gia về Bắc Hàn tại Ðại học Kookmin ở Seul nói.

 Bình Nhưỡng phác họa một sự thay đổi ngầm của xã hội Triều Tiên dưới vỏ bọc bề ngoài không thay đổi của một hệ thống quyền lực cha truyền con nối. Một sự thay đổi còn lâu mới tác dụng đồng đều trên toàn bộ dân chúng. Tới những năm đầu thập kỷ 90, điều kiện sống của phần đông dân chúng là khắc khổ nhưng khá công bằng. Có một số (không nhiều) được hưởng đặc quyền đặc lợi, nhưng không dễ thấy. Hiện nay thì có vẻ dễ dàng thấy rõ được hơn sự bất bình đẳng.

 Sáng cũng như chiều, có thể thấy những hàng dài vô tận đàn ông và phụ nữ chờ đợi nhẫn nại để được lên xe buýt, thậm chí là thùng xe tải, trong khi những người khác đi bộ. Những quầy hàng sơ sài bày ở đầu góc vỉa hè bán một vài thứ hàng hóa. Lúc bình minh lên, những phụ nữ mệt nhọc đi vào thành phố bán rau. Người bán rong đứng ở hàng thấp nhất của thứ kinh tế thị trường sơ khai bắt đầu hình thành sau nạn đói vào cuối những năm 90 thế kỷ trước. Nền kinh tế bên này dù sao cũng là kết quả của quyết định tự do hóa được đưa ra từ trên cao (cấp Trung ương) - giống như Trung Quốc thời Đặng Tiểu Bình - cũng như làn sóng ngầm từ người dân ở dưới.

 Ban đầu, những khu chợ do cư dân lập nên sau khi hệ thống phân phối nhà nước sụp đổ được dung thứ. Nhưng chính quyền chặt chẽ hơn với những cải tổ năm 2002 liên quan đến quyền tự chủ của các doanh nghiệp quốc doanh và tiến hành tiền tệ hóa các hoạt động kinh tế. Với những bước tiến và lùi được đánh dấu bằng làn sóng trấn áp, nền kinh tế bên lề đã sinh ra những ý tưởng “bán hợp pháp”: các xưởng “tư” nằm trong các xí nghiệp quốc doanh, trao đổi tiền tệ lậu… Nền kinh tế bên lề này phát triển mạnh mẽ, sự tiến triển của nó có vẻ là không thể đảo ngược.

 Tập đoàn đầu tư Daepung (**) được hình thành nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài là một minh chứng cho những thay đổi đang diễn ra. Xuất phát trực tiếp từ Ủy ban Quốc phòng Quốc gia - cơ quan quyền lực nhà nước tối cao vốn do Kim Chính Nhật đứng đầu - Daepung có quyền tự chủ cho phép “kết hợp những nguyên tắc chính trị với những đòi hỏi kinh tế”, như lời ông Ju Kuang Cho, Phó chủ tịch tập đoàn phát biểu. Một công thức ít bóng gió nhất là: “Nói tóm lại, chúng tôi khá mềm dẻo”.

 Nền kinh tế ngầm này vốn không được điều tiết chính thức (vì chỉ duy nhất hệ thống XHCN được tồn tại chính thức) đã làm phân hóa thêm sự bất bình đẳng giữa những người “xu thời” và những người mà cuộc sống vốn phụ thuộc vào hệ thống phân phối. Sư bất bình đẳng này còn xuất phát từ sự thiếu các phương tiện để tiếp cận kinh tế ngầm: không có quan hệ với chính quyền thì không gì có thể diễn ra. Những khu chợ lớn được quản lý bởi các doanh nhân “có quan hệ rộng” với tầng lớp lãnh đạo ở Bình Nhưỡng và các mối bên Trung Quốc, cũng như các doanh nhân nhỏ hơn. Tất cả đều cần phải có lót tay. Tiền hối lộ là thứ dầu bôi trơn cần thiết, đối với cả các giao dịch nhỏ nhất. Tuy bị chính quyền nghiêm trị (Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2004 và 2007 đã tăng gấp ba lần các tội danh liên quan đến lĩnh vực kinh tế) nhưng hối lộ cũng là một phần của các “thương vụ”.

 Ghi chú (của NCTG):

 (*) “Lao động Tân văn”, cơ quan ngôn luận chính thức của Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, do Thông tấn xã Rodong phát hành.

 (**) Trụ sở đặt tại Hồng Kông.

 Quân Nguyễn chuyển ngữ