Thứ Ba, 17 tháng 1, 2012

CHUYỆN VỀ NHỮNG VÒI NƯỚC CỔ

Vòi nước công cộng ở Paris

Nguyễn Thị Hậu
Nhịp Cầu Thế Giới online

“Một bài học giản đơn cho một “không gian đô thị bền vững”: khi cộng đồng chú ý đến nhu cầu của từng con người thì mỗi con người cũng có ý thức gìn giữ không gian ấy cho cả cộng đồng.”

Trong các thành phố châu Âu ta dễ dàng bắt gặp những vòi nước cổ trên đường phố

Ngày xưa người ta xây những vòi nước công cộng dành cho kẻ lỡ độ đường hoặc chính người trong cộng đồng sử dụng. Thường bên vòi nước công cộng còn có cả bồn nước lớn có mái che dành cho các bà nội trợ mang quần áo đến giặt, cũng là nơi gặp gỡ chuyện trò, hò hẹn gái trai. Bây giờ chỉ còn lại những vòi nước trên hè phố, nhiều người lơ đãng không biết rằng mình vừa đi qua một chứng tích của cuộc sống từ vài trăm năm trước.

Vòi nước cổ thường được đúc bằng gang, dựng thành trụ trên vỉa hè hay gắn vào tường ngôi nhà ven đường. Miệng vòi có khi đúc thành hình miệng thú. Dòng nước từ vòi chảy nhè nhẹ thẳng xuống cống thoát nước phía dưới. Vòi nước dùng cần bơm tay hay tự chảy (do áp lực từ tháp nước) nhưng đều là nước sạch có thể uống được ngay.
Hầu hết các vòi nước cổ được bảo tồn khá tốt: chúng được sơn chống rỉ, bệ gang hay bệ đá phía dưới được quét dọn thường xuyên không có rác làm nghẹt cống. Xung quanh vòi nước cũng sạch sẽ. Quan trọng là nguồn nước dẫn đến những vòi này luôn đảm bảo vệ sinh nên những người đi đường vẫn thường ghé miệng uống nước từ vòi một cách tự nhiên và thích thú. Uống nước từ vòi nước mà mạch nước có từ hàng trăm năm trước không chỉ là giải khát mà còn mang lại cảm giác dường như đang sống ở thời xa xưa.
Hệ thống cấp nước ở những thành phố này thời xưa gần như có chung một nguyên tắc: nước từ nguồn trên núi, từ sông hay suối, hoặc từ giếng bơm… đều được dẫn đến tháp nước chung của một thành phố (nếu thành phố lớn thì có nhiều tháp nước). Tại đó nước được lọc sạch và theo các ống dẫn về từng khu vực mà đầu tiên là đến các vòi nước công cộng. Sau này hệ thống nước vào từng ngôi nhà nhưng những vòi nước trên đường phố vẫn được duy trì để sử dụng. Sinh họat từ một nguồn nước nên cư dân có thói quen bảo vệ nguồn nước chung.
Không chỉ có vòi nước công cộng, các thành phố châu Âu còn có nhiều Đài phun nước ở quảng trường, có khi trong khu vườn, trong công viên… Tại những quảng trường – mở rộng từ giao lộ của những con đường chính trong thành phố, đài phun nước thường có các nhóm tượng nổi chìm mờ trong làn hơi nước phun ra từ chính những bức tượng ấy. Các tia nước được phun ra theo nhiều hình dạng khác nhau. Nước ở đây như chưa bao giờ ngừng chảy và du khách hầu như ai cũng dừng chân ghé lại, ngồi chơi trên bệ đá, khỏa bàn tay mình vào bể nước trong biếc, có thể hứng từ những tia nước ấy để uống hay để xoa lên mặt lấy phước, lấy may. Họ chụp hình, đôi khi những bức hình rất đẹp bởi phía sau màn nuớc bỗng ánh lên ngũ sắc cầu vồng… Những đài phun nước ở trung tâm thành phố, nhiều người cầm đồng tiền nhỏ, đứng quay lưng vung tay ném qua đầu mình xuống bể nước trước khi tạm biệt, để mong ước có ngày được trở lại nơi đây.
Chỉ từ câu chuyện vòi nước cổ hay những đài phun nước cũng cho ta biết về “quy hoạch đô thị” của những thành phố này từ hàng trăm năm trước. Nó được tính toán đến từng chi tiết nhưng lại hữu hiệu lâu dài bởi vì không chỉ là việc xây dựng các công trình, nhà cửa, đường xá, quảng trường, đài phun nước, công viên cho cộng đồng, mà còn là những vòi nước trên đường cho từng khách bộ hành từng gia đình… Bài học giản đơn cho một “không gian đô thị bền vững”: khi cộng đồng chú ý đến nhu cầu của từng con người thì mỗi con người cũng có ý thức gìn giữ không gian ấy cho cả cộng đồng.