Thứ Năm, 3 tháng 5, 2012

GIẢNG LỄ NHẬM CHỨC CHA SỞ TUY HÒA


(Cv 12, 24-13, 5a; 1 Cr 3, 5-9; Ga 12, 44-55)



Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính 
           
             Nếu muốn biết những gì xảy ra trong Giáo Hội ngay từ lúc mới thành lập thì cần thiết phải đọc sách Tông Đồ Công Vụ. Sách Tông Đồ Công Vụ là cuốn sách ghi chép lịch sử của Giáo Hội từ lúc mới thành lập, ngay sau khi Chúa Thánh Thần hiện xuống. Chính vì thế, chúng ta đọc thấy trong đó toàn là những điều đầu tiên xảy ra trong Giáo Hội. Chúng ta đọc thấy trong đó nỗi sợ đầu tiên của các tông đồ, chúng ta thấy niềm hy vọng đầu tiên của các tông đồ, bài giảng đầu tiên của Thánh Phêrô, buổi cầu nguyện đầu tiên, vị tử đạo đầu tiên của Giáo Hội, người bách hại đầu tiên trở lại là thánh Phaolô. Và trong bài đọc thứ I của phụng vụ hôm nay, chúng ta lại thấy điều đầu tiên đã xảy ra, khai mở cho lịch sử mục vụ truyền giáo: hai người đầu tiên được lệnh tách riêng ra để làm công việc mà Chúa sẽ chỉ định ở một nơi khác. Thật là một sự trùng hợp lý thú bởi vì Lời Chúa của thứ 4 sau Chúa Nhật thứ IV Phục sinh hôm nay không được cố ý lựa chọn trước mà lại ngẫu nhiên phù hợp với những gì mà cộng đoàn chúng ta đang họp nhau để cử hành phụng vụ. Hôm  nay, dưới sự chủ tọa của Đức giám mục giáo phận, chúng ta đang thực hiện một cuộc chuyển đổi giữa hai cha sở và hạt trưởng Tuy Hòa và Quảng Ngãi bằng một thánh lễ. Đây là một sinh hoạt hết sức bình thường trong Giáo Hội.
             Thật vậy, chính xác những gì diễn ra ở cộng đoàn Antiokia cách đây hơn 2000 năm được ghi lại trong bài đọc I cũng là những gì đang xảy ra hôm nay. Trước khi Barnaba và Phaolô được Chúa Thánh Thần can thiệp để tách riêng ra thì Thánh Luca đã nói rằng cộng đoàn Antiokia chuẩn bị rất kỷ càng: họ cầu nguyện, ăn chay, thờ phượng và cuối cùng là đặt tay. Đó là tất cả những gì mà cộng đoàn Tuy Hòa này đã làm trong những ngày gần đây, chỉ khác một điều là ngày xưa cộng đoàn Antiokia ăn chay còn hôm nay thì chúng ta lại ăn tiệc. Những ngày vừa qua thì quả thật “niềm vui nối tiếp niềm vui”, hết đoàn thể này đến đoàn thể thể khác đều tổ chức những bữa tiệc gọi là chia tay. Có gì cái gì lạc điệu không? Có gì vui lắm sao? Không, đây cũng lại là một điều hợp lý hợp tình vì chính Chúa Giêsu cũng đã nói rằng: Chẳng lẽ chúng ta lại ăn chay khi tân lang còn ở với chúng ta hay sao? Chúng ta cứ tiệc tùng ca hát nhảy nhót mãi cho đến ngày chú rể ra đi thì lúc đó mới ăn chay cũng không muộn.
           Và sau khi cầu nguyện, ăn chay thì các thủ lãnh cộng đoàn đã đặt tay trên Phaolô và Barnaba. Cả Barnaba hay Phaolô không tự mình quyết định. Họ là dụng cụ của Chúa Thánh Thần. Luca không miêu tả biến cố này như một cuộc phong chức với nghi lễ đặt tay bởi vì cả hai đều đã là những thầy dạy và là ngôn sứ trong cộng đoàn và là những nhà rao giảng hàng đầu ở đây. Từ ngữ ở đây cho thấy Phaolô và Barnaba được Thiên Chúa kêu gọi riêng ra để làm công việc đặc biệt cho Thiên Chúa và rằng chính  Thiên Chúa kêu gọi chứ không phải cộng đoàn Antiokia hay các thủ lãnh của cộng đoàn. Việc đặt tay trên hai ông là cử chỉ nhìn nhận của cộng đoàn và là sự tuân phục của các thủ lãnh cộng đoàn trước ý định của Chúa. Qua hành động này, họ không chỉ tôn trọng công việc mà Thiên Chúa đã giao phó cho hai ông nhưng qua đó họ khẳng định mối thân hữu huynh đệ với hai ông dù hai ông có đi ở nơi đâu, làm việc gì thì họ vẫn luôn ở bên cạnh hai ông. Phaolô và Barnabas không chỉ được chúa kêu gọi mà còn được Giáo Hội đại diện qua các thủ lãnh cộng đoàn ủy nhiệm cho một công việc mới.
       Hãy để riêng  Barnaba và Saolô để làm công việc mà ta sẽ kêu gọi họ”. “Hãy để riêng” là từ riêng của Thánh Luca, ám chỉ công việc mà hai ông sắp lãnh nhận là một công việc nhà chung, dành cho cộng đoàn chứ không phải việc riêng tư cá nhân. Hãy để riêng, hãy tách riêng ra: người mục tử là những người được Thiên Chúa để riêng ra, tách riêng ra. Họ tách riêng ra khỏi một nơi ở ổn định, một căn nhà tiện nghi;  tách riêng ra khỏi an nhàn của một cuộc sống đã thành thân quen; tách riêng ra khỏi những người yêu dấu mà họ đã từng nhìn thấy họ trưởng thành trong đức tin Kitô giáo; tách riêng ra khỏi những người mà chính bàn tay họ đã ghi dấu ấn đức tin trên mỗi giai đoạn cuộc đời từ khi sinh ra, rước lễ lần đầu, lập gia đình, thậm chí có trường hợp ban bí tích cuối cùng; tách riêng ra khỏi những bạn bè thân quen cũ, để đi đến một nơi “Chúa sẽ chỉ cho”, một nơi xa xôi đến nỗi độ cao của núi cũng bị trách móc: “Núi cao chi lắm núi ơi, núi che mặt trời không thấy người thương”. Nhưng dầu cho non sông cách trở thì mọi người vẫn nhớ đến nhau, cầu nguyện cho nhau, khuyến khích nhau để giữ vững đức tin. Đó là mối liên hệ duy nhất, sợi dây ràng buộc duy nhất giữa cộng đoàn giáo dân và người mục tử. Chính Thánh Phaolô, từ một nơi xa xăm, đã từng viết thư về cho cộng đoàn Êphêsô xưa cũ rằng (Cv 20, 17–38): "Giờ đây tôi biết rằng: tất cả anh em, những người tôi đã đến thăm để rao giảng Nước Thiên Chúa, anh em sẽ không còn thấy mặt tôi nữa…. Thật tôi đã không bỏ qua điều gì, trái lại đã rao giảng cho anh em tất cả ý định của Thiên Chúa…. Anh em phải canh thức, và nhớ rằng, suốt ba năm, ngày đêm tôi đã không ngừng khuyên bảo mỗi người trong anh em, lắm khi phải rơi lệ. Giờ đây, tôi xin phó thác anh em cho Thiên Chúa và cho lời ân sủng của Người”. Vậy thì rốt cuộc là gì? Đối với người mục tử, dầu đang ở tại cộng đoàn hay là đã xa rời cộng đoàn thì chính đức tin của cộng đoàn mới là điều quan trọng. Đó mới là điều đáng quan tâm đối với những người thợ làm vườn của Thiên Chúa. Người đi kẻ đến chỉ là những người giúp cho cộng đoàn có đức tin, người gieo trồng và vun tưới đức tin. Bài đọc thứ II đã khẳng định điều đó: (1 Cr 3, 5-9) : “Apôlô là gì? Phaolô là gì? Đó là những tôi tớ đã giúp cho anh em có đức tin, mỗi người đã làm theo khả năng Chúa ban. Tôi trồng, anh Apôlô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên.Vì thế, kẻ trồng hay người tưới chẳng là gì cả, nhưng Thiên Chúa, Đấng làm cho lớn lên, mới đáng kể. Kẻ trồng người tưới đều như nhau, nhưng ai nấy sẽ được thù lao theo công khó của mình. Thật vậy, chúng tôi là cộng sự viên của Thiên Chúa. Anh em là cánh đồng của Thiên Chúa, là ngôi nhà Thiên Chúa xây lên”.  Thật vậy, mỗi một cộng đoàn là cánh đồng của Thiên Chúa và Thiên Chúa luôn ban ân sủng của Ngài cho mỗi cộng đoàn dưới hình thứ một hạt giống. Lời Chúa hay đức tin đều được gieo vãi vào lòng người dưới hình thức một hạt giống và không ai có thể kiểm soát, điều khiển sự tăng trưởng của nó ngoài Thiên Chúa. Tất cả công việc của một mục tử làm là rao giảng Lời Chúa, cung cấp dưỡng chất và nước cho hạt giống, nhưng chính Chúa mới làm cho hạt giống đó nẩy mầm và trổ sinh.
Vậy thì kính thưa quý ông bà anh chị em
Cuộc chuyển đổi hôm nay chắc hẳn sẽ không làm cho cuộc sống đức tin của cộng đoàn khác đi. Chúng ta chỉ đưa tiển một người gieo trồng và tiếp nhận một người vun tưới, Chúa vẫn ở lại với chúng ta và làm cho đức tin chúng ta lớn lên. Qua mỗi con người mục tử, chúng ta chúng ta đón nhận Lời và hạt giống đức tin không phải của người mục tử ấy mà là của chính Thiên Chúa cũng chính xác như trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu nói rằng: “Ta đã không tự mình nói ra điều gì, nhưng Cha là Ðấng sai Ta, chính Người đã ra lệnh cho Ta phải nói gì và phải công bố gì. Và Ta biết rằng lệnh của Người là sự sống đời đời”. Amen