Chủ Nhật, 8 tháng 7, 2012

BÀN VỀ BÚT HIỆU "HÀN MẠC TỬ"



Mộ Hàn Mặc tử tại Ghềnh Ráng, Qui Nhơn

NGUYỄN ĐÌNH NIÊN
Tạp chí Sông Hương



(Trích từ “Kinh nghiệm về thân phận làm người trong thơ Hàn Mạc Tử”, Nxb. Southeast Asian Culture and Education (SEACAEF) 2009).

Trong suốt những năm đầu soạn tiểu luận này quả thực chúng tôi bị ám ảnh bởi cái tiểu chú của Vũ Ngọc Phan nằm ở dưới trang 76, Nhà Văn Hiện Đại quyển 3 (Vĩnh Thịnh tái bản, 1951) khi họ Vũ phê bình cuốn Hàn Mạc Tử của Trần Thanh Mại(1), chính chúng tôi đã khăng khăng gọi thi sĩ là Hàn Mặc Tử (có dấu ă). Nhưng, về sau, nhân đọc một tiểu chú của chúng tôi ở chương I, Phần thứ nhất, tiểu luận này Giáo sư Bảo trợ đã lưu ý chúng tôi phải xét kỹ hơn về bút hiệu của thi sĩ. Do bởi sự lưu ý ấy của Giáo sư Bảo trợ chúng tôi đã để ý tìm tòi, suy xét - và, chúng tôi đã thay đổi cách gọi. Thay vì gọi là Hàn Mặc Tử, chúng tôi đã gọi lại là Hàn Mạc Tử, như Trần Thanh Mại, Hoài Thanh(2) đã gọi.

Tiểu chú ở Chương I, Phần thứ nhất của Tiểu luận đã khiến Giáo sư Bảo trợ lưu ý hồi đó, chúng tôi viết nguyên văn như sau đây:

“(1) Các bút hiệu của Hàn Mặc Tử: Minh Duệ Thị rồi đến Phong Trần, Lệ Thanh, Hàn MẠC Tử và cuối cùng - theo lời đề nghị của Quách Tấn - thi sĩ đổi lại là Hàn MẶC Tử. Bút hiệu Hàn Mặc Tử được ghi trên tập Gái Quê, xuất bản năm 1936. Trong buổi nói chuyện giữa thi sĩ Quách Tấn và chúng tôi ngày 14 - 1 - 1970, Quách Tấn ngậm ngùi công nhận với chúng tôi là bút hiệu Hàn MẠC Tử hay hơn mới hơn, và nhất là đúng với cuộc đời Hàn Mạc Tử hơn là chữ “Hàn Mặc Tử”.”

Vấn đề Hàn MẠC Tử hay Hàn MẶC Tử lần đầu tiên được Quách Tấn kể như là một giai thoại văn chương ở trong Nguyệt san Lành Mạnh số 38, ra ngày 1/11/1959 trang 18. Sau này, giai thoại ấy có được đăng lại đầy đủ trên tập san Văn số 73 & 74 ra ngày 7/1/1967, trang 49. Quách Tấn đã viết nguyên văn như sau:

“Tử bèn lấy chữ đầu của sanh quán (Lệ Mỹ) và chữ đầu của chánh quán (Thanh Tân), ghép lại thành hiệu Lệ Thanh.

Tử rất lấy làm vừa ý. Nhưng được ít lâu gặp Tử, tôi lại trêu:

Bộ anh ngó “dễ thương” mà cái hiệu Lệ Thanh nghe cũng “yểu điệu thục nữ” quá! Âu tôi gọi là “Cô Lệ Thanh” cho thêm duyên.

Tử làm thinh. Nhưng ít lúc sau lại lấy hiệu Hàn MẠC Tử.

Hàn Mạc là bức rèm lạnh.

Tử cho là độc đáo, tìm đến khoe cùng tôi. Tôi cười:

Kể cũng ngộ thật! Tránh kiếp Phong Trần, lại đi làm khách hồng nhan. Sợ kiếp hồng nhan đa truân, lại đi làm kiếp Rèm Lạnh! Tránh lờ chun vào lưới. Sao mà lẩn quẩn quá thế?

Tử đâm khùng:

Anh này thật đa sự! Không biết đặt “cái đếch” gì cho vừa lòng anh?

Tôi đáp:

Đã có rèm thì thêm Bóng Trăng vào. Hỏi còn cảnh nào nên thơ bằng?

Tử hội ý, cầm bút vạch “vành trăng non” lên đầu chữ A của chữ MẠC thành ra Hàn Mặc Tử.

Chỉ thêm dấu Á (ă) mà đổi hẳn ý nghĩa của cả khóm chữ. Chữ Hàn trước kia nghĩa là Lạnh. Nhưng đi kèm với chữ MẶC là Mực trở thành HÀN là BÚT.

Hàn Mặc Tử là anh chàng Bút Mực”(3).

Chúng tôi thiết tưởng vấn đề không phải là gọi theo Trần Thanh Mại, Hoài Thanh (Hàn MẠC Tử) hay Vũ Ngọc Phan, Quách Tấn (Hàn MẶC Tử). Chúng tôi đã tìm để gặp lại thi sĩ Quách Tấn, và hỏi về danh xưng Hàn MẶC Tử hay Hàn MẠC Tử? Phản ứng đầu tiên của thi sĩ Quách Tấn sau câu hỏi bất ngờ của chúng tôi, chúng tôi ghi nhận là thi sĩ Quách Tấn tỏ dấu bối rối, và câu trả lời thứ nhất của Thi sĩ Quách Tấn như sau:

Hồi chúng tôi chơi với nhau chúng tôi không lưu ý và cũng không lưu tâm điều đó. Khi thì chúng tôi gọi là Hàn MẠC Tử khi thì gọi là Hàn MẶC Tử, chúng tôi không lấy làm điều.

Chúng tôi có thưa lại với thi sĩ, đại ý rằng: Hàn MẠC hay Hàn MẶC, nên xác định cho rõ ràng, vì đó là một điều quan trọng cho những người viết văn học sử về sau. Chúng tôi có trình bày với thi sĩ Quách Tấn đại lược rằng: Hàn MẠC Tử đã ký bút hiệu Hàn MẶC Tử (vì nghe theo lời khuyên của bạn, tức thi sĩ Quách Tấn) khoảng 1936 - 1937 - tức khoảng thời gian xuất bản Gái Quê (1936) - và ký Hàn MẠC Tử (nghĩa là lấy lại chữ do chính thi sĩ chọn lúc ban đầu) khoảng 1939, 1940 là những năm sau cùng nghèo nàn, bệnh hoạn của thi sĩ. Bằng cớ là trong bài TỰA tập thơ Tinh Huyết (1939) và bài BẠT tập thơ Một Tấm Lòng (1939), thi sĩ đã ký rõ ràng là Hàn MẠC Tử (không phải ă).

Khi nghe chúng tôi trình bày như thế, thì thi sĩ Quách Tấn lại như có vẻ không bằng lòng. Thấy vậy, chúng tôi có nói thêm:

Bích Khê, trong bài thơ nhan đề là Hàn Mạc Tử(4) đã gọi thi sĩ là A, MẠC chứ không Ă, MẶC.

Thấy Thi sĩ Quách Tấn quả quyết bảo Bích Khê gọi Hàn Mạc Tử là Hàn Mặc Tử (có ă), chúng tôi buộc lòng có xin phép thi sĩ Quách Tấn cho được xem lại bài thơ đó.

Thi sĩ Quách Tấn đứng dậy, mở tủ, lật chồng bản cảo của Bích Khê được thi sĩ cất giữ cẩn thận trong các kẹp bìa cứng. Cả hai mái đầu cùng cúi xuống trên trang giấy ố vàng. Bài thơ được viết bằng nét mực màu xanh: cả nhan đề và hai câu thơ nằm trong bài đều viết là HÀN MẠC TỬ (A không có dấu Ă). Lúc bấy giờ, thi sĩ Quách Tấn mới tỏ dấu chịu nhận sự nhận xét của chúng tôi.

Chúng tôi có kiếm được hai trang thủ bút của Hàn Mạc Tử. Hai trang này, chính là hai bài thơ nhan đề là: ở Đây thôn Vĩ Giạ Sao, Vàng, Sao, Hàn Mạc Tử chép gởi từ Quy Nhơn về Huế trao tặng cô Hoàng Thị Kim Cúc. Hai bài thơ này, thi sĩ ghi rõ ràng bút hiệu Hàn Mạc Tử (a, không phải ă) nhưng không có đề ngày tháng, ở dưới góc mỗi bài, có ghi 11/1939, nét chữ của cô Hoàng Thị Kim Cúc ghi từ lúc cô vừa mới nhận được.

Cái khó khăn - và cũng là khuyết điểm - của chúng tôi là chúng tôi không có trong tay được một trang thơ, có ký bút hiệu kèm theo ngày tháng rõ ràng của Hàn Mạc Tử. Năm 1969 thi sĩ Quách Tấn có cho chúng tôi xem tận mắt hai trang thơ thủ bút của Hàn Mạc Tử đề ngày (?) năm 1939 và có cả bút hiệu rõ ràng. Hai trang thủ bút này, theo lời thi sĩ Quách Tấn, là ở từ một người bạn của Hàn Mạc Tử đã gởi tặng lại cho thi sĩ Quách Tấn (Chúng ta đều biết là sau 1945, thi sĩ Quách Tấn mất tất cả bút tích bản cảo của Hàn Mạc Tử. Sau khi hồi cư, thi sĩ Quách Tấn đã tuyên bố công khai điều đó). Tháng 9 - 1970, chúng tôi có đến khẩn khoản xin thi sĩ Quách Tấn cho mượn hai trang thủ bút quý giá ấy để làm photo - copy, thì thi sĩ Quách Tấn cho biết:

- Hai trang đó đã mất rồi. Không biết đã cho ai mượn rồi bị thất lạc!

Chúng tôi đành chỉ biết ngơ ngẩn, thất vọng. Đối với gia đình Hàn Mạc Tử, bà Nguyễn Thị Như Lễ, và ông Nguyễn Bá Tín rất sốt sắng trong việc cung cấp tài liệu cho chúng tôi, nhưng rất tiếc là không còn giữ được gì ngoài trang thư tuyệt mệnh, ký tên húy: “Con bất hiếu: TRÍ”. (Sau khi Hàn Mạc Tử mất, vâng theo di ý người đã khuất và vâng lệnh mẫu thân, ông Nguyễn Bá Tín đã thâu thập tất cả những gì có liên quan đến Hàn Mạc Tử: thư từ, thơ văn, bút tích gởi vào Nha Trang cho thi sĩ Quách Tấn. Giấy ủy quyền, do Ông Nguyễn Bá Tín, thay mặt người đã khuất, ký trao cho Quách Tấn).

Chúng tôi cũng có tìm gặp thi sĩ Hoàng Diệp, “người bạn nối khố của Hàn Mạc Tử” và là tác giả tập Hàn Mặc Tử, Khai Trí xuất bản 1968, và chúng tôi có đề cập vấn đề này. Sau khi im lặng nghe chúng tôi trình bày vấn đề Hàn Mạc Tử hay Hàn Mặc Tử, tác giả tập biên khảo Hàn MẶC Tử, đã tỏ dấu phân vân, không biết phải gọi sao cho đúng: MẶC hay MẠC? Thi sĩ Hoàng Diệp đã nói với chúng tôi như sau:

- Sở dĩ tôi gọi là Hàn MẶC Tử vì chúng tôi cả tin theo mẩu giai thoại “thêm vành trăng non trên chữ MẠC” của Quách Tấn, chứ tôi không để ý, không phân biệt, nên tôi không tra cứu lại.

Chúng tôi có tìm gặp ông Trần Tái Phùng ở Huế. Ông Trần Tái Phùng là anh đầu của cô Thương Thương. Chúng tôi có hỏi ông Trần Tái Phùng về vấn đề bút hiệu này: Hàn Mạc Tử hay Hàn Mặc Tử? Ông Trần Tái Phùng nói với chúng tôi rằng:

- Hàn MẠC Tử, đúng. Hàn Mặc Tử là sai. Một thư Hàn Mạc Tử viết gởi cho tôi có nói rằng: “Người ta thường gọi lầm tôi là Hàn Mặc Tử; phải gọi tôi là Hàn MẠC Tử, mới đúng”. Thư này, cũng như tất cả bút tích Hàn Mạc Tử viết cho ông Trần Tái Phùng, theo lời ông Phùng, ông để tại Ban Mê Thuột là nơi ông làm việc, và đã bị thất lạc tất cả, sau 1945.

Theo thiển ý của chúng tôi, không thể căn cứ vào các bìa sách của Hàn Mạc Tử đã đươc in sau khi thi sĩ mất (1940) mà xác định vấn đề này. Cũng không thể căn cứ vào cách gọi của các tác giả đã viết về Hàn Mạc Tử để xác định tên gọi của thi sĩ. Vấn đề này, theo thiển kiến, sẽ giải quyết tức khắc, khi mà trong tương lai, các thủ bút của Hàn Mạc Tử được công bố. Khi viết tiểu luận này, mặc dù chúng tôi vẫn hằng nghĩ: chúng tôi không dám tự nhận tâm thành của chúng tôi đã có đủ - nhưng sự thực là chúng tôi đã gặp phải cái tình cảnh như tình cảnh Trần Thanh Mại đã gặp ngày trước: có người đã nhất quyết giữ kỹ những gì họ có về Hàn Mạc Tử. Nhưng, chúng tôi vẫn hi vọng trong tương lai, năm mươi năm sau tác giả từ trần, khi mà thời hạn tác quyền chấm dứt, những tài liệu và thủ bút Hàn Mạc Tử không còn ở tình trạng được giữ lại làm của gia bảo như hiện nay, chúng ta sẽ có thêm nhiều tia sáng mới soi rọi cho vấn đề.

Vấn đề Hàn Mặc Tử hay Hàn Mạc Tử, chúng tôi thiết tưởng đó cũng là một vấn đề vô cùng tế nhị: vấn đề đó đã được diễn biến như sau. Chúng tôi cố gắng trình bày một cách hết sức vô tư và khách quan.

Điều nhận xét thứ nhất của chúng tôi là, Hàn Mạc Tử không phải là mẫu người chỉ giữ cho mình một bút hiệu. Thi sĩ vốn thích sử dụng nhiều bút hiệu. Trong tập Nắng Xuân, sách chơi xuân năm Đinh sửu (1937), gồm 32 trang, do “M. Nguyễn Trọng Trí, 20 Avenue Khải Định Quy Nhơn xuất bản”, Hàn Mạc Tử đã ký một lúc bằng những bút hiệu sau:

Bài “Xuân về”, ký Anh Hoa (bìa ruột)

Bài “Nắng Xuân”, trang 1, ký Trọng Minh.

Bài “Mùa xuân chín”, trang 4, ký Hàn Mặc Tử (ă).

Truyện ngắn “Đi tìm mùa Xuân” trang 6 - 7, ký Lệ Thanh.

Bài “Lạnh hơn Bắc cực” trang 9 - 10, ký Cô Bạch Bình Giang.

Bài “Thi sĩ Chàm” trang 14, ký Hàn Mặc Tử (ă).

Chuyện ngắn “Ngày Xuân” trang 15 - 16 - 17, ký Tịnh Nhơn.

Chuyện tình duyên “Xuân xanh” trang 18 - 19, ký Cô Đài Trang.

Con người thích sử dụng nhiều bút hiệu ấy, ban đầu, lấy bút hiệu là Minh Duệ Thị, rồi sau đổi là Phong Trần, rồi Lệ Thanh. Ký Lệ Thanh một thời gian, thi sĩ thấy không vừa ý, nên lại đổi và ký là Hàn Mạc Tử. Rồi sau đó ít lâu, theo lời khuyên “thêm vành trăng non trên đầu chữ A” của Quách Tấn, thi sĩ ký Hàn MẶC Tử, có nghĩa là “người văn chương”, “khách văn mặc”. Đó là khoảng thời gian thi sĩ in tập Gái Quê, 1936. Lật tập Gái Quê, bản in lần đầu, in xong ngày 23 October 1936 tại nhà in Tân Dân, chúng tôi nhận thấy những chi tiết sau đây:

(1) Ngoài bìa tập Gái Quê; Bìa màu trắng, chữ Gái Quê màu lục. Chữ HAN - MAC - TƯ cả ba chữ đều không có dấu, màu đen, nằm ở góc bìa bên phải(5).

(2) Nhưng ở trang 3, tên của tác giả : HÀN - MẶC - TỬ (chữ in, có dấu ă).

(3) Trong bài TỰA hai trang do Phan Văn Ký viết tất cả chữ Hàn - Mặc - Tử đều có dấu ă.

Chính Vũ Ngọc Phan (trang 76, Nhà văn hiện đại, quyển ba) đã căn cứ vào trang 3 của tập Gái Quê để bắt bẻ Trần Thanh Mại đã ghi sai bút hiệu của thi sĩ.

Căn cứ vào tập Gái Quê, chúng ta phải xác nhận rằng đây là khoảng thời gian thi sĩ ký Hàn Mặc Tử (khoảng 1936 - 1937).

Nhưng, về sau, khi bệnh phung bộc phát thi sĩ nằm nhiều ngày trong bệnh hoạn, lẻ loi, nghèo túng nằm nhiều ngày trong “tiều tụy”, thi sĩ tự gẫm phận mình, tự nhìn mình, thấy rằng cái hình ảnh “khách văn chương” “chàng văn mặc” không có đúng với thực trạng đau buồn thê thảm của mình nữa. Do đó, thi sĩ lấy lại bút hiệu Hàn Mạc Tử (a, không phải ă) mà thi sĩ đã tự chọn cho mình độ trước. Hàn Mạc Tư có nghĩa là “anh chàng rèm lạnh”, mà nếu xét theo tiếng đồng âm (homonyme) thì lại còn có nghĩa là anh chàng nghèo mạt” (nghèo mạt rệp) hoặc chết” (tử) trong sự nghèo nàn (mạc) và lạnh lẽo cô quạnh (hàn)” nữa. Nhưng, bởi cái lý do rất tế nhị của tình bạn, có lẽ, Hàn Mạc Tử đã không gởi thư báo cho Quách Tấn biết sự lấy lại bút hiệu ở tình trạng ban đầu ấy. Và, có lẽ, chính thi sĩ Quách Tấn cũng không hề chú ý điều này.

Chúng tôi may mắn có giữ được tập Tinh Huyết bản in lần đầu, in xong ngày 30 décember 1939 tại nhà in Thụy Ký , 98 phố Hàng Gai Hà Nội, có cả chữ ký của Bích Khê. Lật tập Tinh Huyết này, dưới bài TỰA viết cho Bích Khê, Hàn Mạc Tử đã ký rõ ràng là Hàn Mạc Tử (a không phải ă) (ở trang XIX).

Ở trang 21, dưới dòng chữ NHẠC và LỆ(6), Bích Khê đề TẠNG HÀN MẠC TỬ (a, không phải ă). Ở phần cải chính, không thấy điều gì chứng tỏ có lỗi thuộc về ấn loát.

Chúng tôi lại tìm tập thơ Một Tấm Lòng (bản in lần đầu, in xong ngày 30 juillet 1939 tại nhà Thụy Ký Hà Nội) của Quách Tấn. Chúng tôi ghi nhận như sau:

1) Dưới bài BẠT (từ trang 89 đến 93) viết cho Quách Tấn, thi sĩ đã ký rõ ràng là HÀN MẠC TỬ (a, không phải ă) dưới dòng chữ: “Quy nhơn ngày mồng chín tháng năm năm Kỷ Mão (25/6 /1939)” (trang 93).

2) Ở trang bìa ruột, có in hai dòng chữ:

TẢN - ĐÀ đề tựa

HÀN - MẠC - TỬ đề bạt (a không phải ă).

- ở trang 27: dòng chữ TẶNG HÀN MẠC TỬ

- trang 31: chữ HÀN MẠC TỬ dưới bài “Hoa Vận”.

- trang 32: chữ HÀN MẠC TỬ dưới bài “Cảnh khuya cảm tác”.

- trang 33: chữ HÀN MẠC TỬ dưới bài “Canh khuya không ngủ”.

- trang 40: chữ HÀN MẠC TỬ dưới bài “Chùa hoang”.

- trang 52: chữ HÀN MẠC TỬ in dưới bài “Con ngựa trăng giây cương thừng”.

Tóm lại, căn cứ vào bút hiệu HÀN MẠC TỬ đã ghi dưới TỰA tập Tinh Huyết, dưới bài BẠT tập Một Tấm Lòng và dưới năm bài thơ Đường Luật in trong tập Một Tấm Lòng (cả hai tập Tinh Huyết Một Tấm Lòng đều in năm 1939) thiết tưởng giả thiết của chúng tôi về bút hiệu của thi sĩ tác giả Gái Quê, đã ký là HÀN MẠC TỬ (a, không phải ă) trong những năm sau cùng của đời thi sĩ (1939, 1940) không phải là vô căn cứ. Do sự lưu ý, biền biệt đó của chúng tôi, trong tiểu luận này, chúng tôi xin phép được gọi là HÀN MẠC TỬ - bút hiệu đã được thi sĩ dùng trong những năm cuối cùng đời thi sĩ.

Chúng tôi thiết tha mong mỏi các thủ bút của thi sĩ, sẽ được công bố trong tương lai, sẽ soi sáng hơn cho vấn đề này. Cuộc đời thi nhân vốn thường chứa đựng nhiều ẩn số. Đó cũng là một trong những ẩn số mà các cây bút nghiên cứu viết lách về Hàn Mạc Tử sẽ phải gặp phải.

N.Đ.N
(SDB 6-12)

------------------
(1) Tiểu chú của Vũ Ngọc Phan: “Quyển Gái Quê xuất bản năm 1936 và in tại nhà Tân Dân Hà Nội, biệt hiệu tác giả in rõ ràng là Hàn Mặc Tử; như vậy mới có nghĩa, chứ Hàn Mạc thì không có nghĩa gì cả”
(2) Hoài Thanh ghi là Hàn Mạc Tử trong suốt bài viết về Hàn Mạc Tử (từ trang 203 - 224), Thi Nhân Việt Nam) nhưng ở dưới trang 203, Hoài Thanh có ghi thêm tiểu chú (1): “Hai chữ “hàn mạc” trong tự điển khổng có, chí có “hàn mặc” nghĩa là văn chương”.
(3) Đôi nét về Hàn Mặc Tử, văn số 73 & 74 ngày 7 - 1 - 1967 trang 49.
(4) Đăng lần đầu trên tờ Người Mới số 5 ra ngày 23 - 11 - 1940, mười ba ngày sau khi Hàn Mạc Tử từ trần. Theo thi sĩ Quách Tấn, Bích Khê đã viết bài thơ này trước khi Hàn Mạc Tử chết: lúc bấy giờ Bích Khê đương bị bệnh ho lao, Hàn Mạc Tử đương nằm ở Tuy Hòa. Bài thơ này nguyên văn như sau:

HÀN MẠC TỬ
Bóng nào nhợt như ma
Khắp châu thân hổn hển
Huyền hồ nhìn không ra
Lưu luyến đường thiết tha
Chờm chờm trên giường bệnh
Bóng nào nhợt như ma
Khắp châu thân thấp thểnh
Huyền hồ nhìn không ra?
Hay là tôi hóa dại
Đã chết đi một nửa
Hay là trời ban mai
Bị mù sương vây bủa
Lầm buồn ngập hoàng hôn
Ảnh hưởng tới linh hồn
Tiều tụy!
Hiện ra hình ủy mị?
Bóng nào trắng dần ra
Trên đầu đơm vòng hoa
Khắp thân in màu tuyết
Tỏ tỏ gần như nguyệt
Biếc biếc gần như thu
Đều quy trên nét mặt
- Hoàng hôn mai nở sắc
Buồn ban mai trắng ra
Ôi, ôi không là ma
Đừng nhìn trong ý tứ
Quạnh quẽ nhìn không ra
Gần rồi không còn xa:
HÀN MẠC TỬ!
Châu lệ thắm tình say
Gặp gỡ có hôm nay
Chiêm bao ngày liền ngày

Ngoài mình ai mà hay!
“Anh ơi từ đâu đến?
“Em buồn em đang bệnh
“Anh ơi sao ra hai
“Huyền hồ trong phôi thai
“Hóa thân trong phương phi
“Người em rày mệt quá
“Mà nay gặp cố tri
“Hai tay đây rả rả!
“Dìu lấy cùng nhau đi”

Lời nứt ra hơi hướng
Dìu dịu tỏa trong buồng
“Anh ơi tôi mới đến
“Là hiện thân của bệnh
“Quằn quại đau xót xa
“Máu mủ nhìn không ra!
“Giờ phương phi phương phi!
“Là hình thơ tinh vi
“Là hình thơ qui y
“Mướt trong màu tuyết vẽ!
“Hai ta đều quạnh quẽ
“Đứt ruột nhớ thương nhau
“Nấn ná sẽ lìa nhau!”

Rùng mình ta nhìn ra
Huyền hồ đã như ma!
- Ổi không phải là ma,
“Gần rồi mà còn xa?
“Lại đâu là quê nhà
“HÀN MẠC TỬ! HÀN MẠC TỬ!
“Tuy hòa! Tuy hòa!
Bích Khê

(5) Vì ba chữ HAN - MAC – TƯ in ngoài bìa tập Gái Quê đều không có dấu, nên độc giả muốn đọc là MẠC hay MẶC đều được. Phải chăng, đó chính cũng là chỗ dụng ý của thi nhân?
(6) Nhạc và Lệ là phần đầu của tập Tinh Huyết từ trang 21 đến 38, gồm 11 bài thơ.