Thứ Bảy, 21 tháng 7, 2012

QUAN NIỆM DÒNG HỌ VÀ NHỮNG QUAN NIỆM KHÁC NHAU VỀ VAI TRÒ CỦA NÓ


Mai Văn Hai

Cho tới nay đã có nhiều quan niệm khác nhau về vai trò của dòng họ trong đời sống nông thôn. Một mặt nhiều người cho rằng dòng họ đóng một vai trò cực kỳ quan trọng đối với con người. Theo họ, “tông tộc mới thật là hạt nhân cơ bản của làng mạc, của xã hội, là chỗ dựa tinh thần vững chắc và vĩnh hằng của từng cá nhân”1. Mặt khác, một nhà nghiên cứu đã trích dẫn quan điểm trên để không tán thành. Ông quả quyết rằng dòng họ thực ra không giữ vai trò quan trọng đến thế. Vai trò của nó dường như đã bị phóng đại, và theo lời ông, được đặt tới một vị trí quá mức2.
Ý kiến đặt lại vấn đề này được nêu ra vào thời điểm trước công cuộc đổi mới kinh tế - xã hội (công trình nghiên cứu của tác giả trên xuất bản năm 1984), và dường như được xác nhận bởi thực tế đương thời. Khi ấy, trong bối cảnh của chương trình kinh tế – xã hội của nhà nước, dòng họ như đã mất đi nhiều chất keo gắn bó nội tại: ruộng họ (cơ sở kinh tế nuôi dưỡng sự thờ cúng tổ tiên trong dòng họ) được tập thể hóa. Phong trào xây dựng nếp sống mới ít nhiều xói mòn tục thờ cúng tổ tiên, và các nghi lễ thờ cũng được đơn giản hóa đến mức ở nhiều nơi, nhiều dòng họ, chỉ các “thủ lĩnh” (tộc trưởng, chi trưởng) làm lễ thờ cúng. Sự đứt đoạn của giáo dục chữ Hán từ đầu thế kỷ cùng những biến đổi kinh tế - xã hội từ năm 1945 cho tới trước công cuộc đổi mới… đã khiến cho việc dịch gia phả (thường viết bằng chữ Hán) và ghi chép gia phả bằng chữ quốc ngữ không còn ý nghĩa như trước.
Nhưng kẻ từ khi công cuộc đổi mới kinh tế - xã hội được nhà nước phát động năm 1986, vai trò của dòng họ dường như đang hồi sinh. Việc thờ cúng tổ tiên được khôi phục, phong trào xây đắp mồ mả, tu sửa từ đường, biên soạn gia phả, tộc phả và tìm về cội nguồn… diễn ra sôi nổi. Người ta thậm chí còn quả quyết dòng họ có một nền văn hóa riêng của mình, và từ đó đưa ra khái niệm “văn hóa dòng họ”. Nhiều người đi xa hơn nữa, lên tiếng cảnh báo về sự liên kết dòng họ và những hệ quả tiêu cực của nó đặt ra cho pháp luật và đường lối chính sách của Nhà nước.
Tại sao người ta lại “nhen lên một ngọn lửa đã hầu tàn” (theo lời tác giả nói trên) của quan hệ dòng họ? Vai trò thật sự của dòng họ là gì trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống nông thôn? Công trình nghiên cứu này mong muốn góp phần, dù nhỏ bé, vào nỗ lực giải đáp những câu hỏi trên. Nhằm mục đích đó, trước hết chúng ta cần điểm lại xem vai trò của dòng họ đã được đề cập đến như thế nào trong giới nghiên cứu khoa học xã hội từ trước tới nay.
I. DÒNG HỌ VÀ NHỮNG QUAN ĐIỂM VỀ VAI TRÒ DÒNG HỌ
1. Khái niệm dòng họ và quan hệ dòng họ
Dòng họ là toàn thể những người cùng huyết thống với nhau. Mỗi dòng họ thường bắt nguồn từ một thủy tổ - thường là người có công “khai sơn phá thạch”, khởi đầu cho dòng họ tại một địa vực nhất định, mặc dù khái niệm “vị thủy tổ” có thể chỉ mang ý nghĩa hết sức tương đối. Theo thời gian, dòng họ có thể sinh sôi nảy nở, bao gồm nhiều chi ngành, thế hệ nối tiếp thế hệ.
Nhưng dòng họ không chỉ bao gồm những người thuộc thế hệ trước mà cả người cùng thế hệ và cùng thời với nhau, bắt nguồn từ vị thủy tổ chung. Đặc điểm chung nhất của các dòng họ người Việt ở đồng bằng song Hồng là chế độ phụ hệ, nghĩa là quan hệ dòng họ được tính theo người cha.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là người mẹ không được xét đến trong khi tính quan hệ họ hàng. Ngoài họ nội, mỗi người còn có và duy trì quan hệ nhất định với họ ngoại. Nói cách khác, họ hàng không chỉ bao gồm những người cùng huyết thống, mà cả người có quan hệ thân tộc với nhau thông qua hôn nhân. Khái niệm “quan hệ dòng họ” được sử dụng trong nghiên cứu này bao hàm không chỉ người thuộc cùng một dòng họ, mà cả họ hàng theo nghĩa trên đây.
2. Các cách nhìn về vai trò dòng họ và quan hệ dòng họ
Như đã nêu ở trên, có thể quy các quan điểm chính về vai trò của dòng họ và quan hệ dòng họ thành 3 nhóm chủ yếu.
a) Quan điểm thứ nhất nhấn mạnh, thậm chí phóng đại vai trò của dòng họ và quan hệ dòng họ. Đây trước hết là sự “tự nhận thức” của nhiều người Việt ở đồng bằng sông Hồng1. Nhưng không riêng họ, chính quyền thực dân Pháp ở đầu thế kỷ này cũng quan niệm như vậy2. Chính vì thế mà, vào năm 1921, chính quyền này đã thiết định cho mỗi xã cái gọi là Hội đồng tộc biểu, bao gồm đại diện của các dòng họ, để thay thế cho thiết chế cổ truyền là Hội đồng kỳ mục trong việc tổ chức và quản lý làng xã. Nhưng cuộc cải cách đã thất bại, vì hội đồng của các vị đại diện các dòng họ, cũng không thể “bảo ban” đám “dân đen” đi phu, đi lính hay cúc cung nộp sưu, nộp thuế cho họ3. Cho nên, sau đó, trong hai lần nữa – một vào năm 1927 và một vào năm 1941 – chính quyền thực dân đã phải đưa ra các qui chế mới, trong đó có chiếu cố đến các cơ cấu cổ truyền hoặc mở rộng hơn nữa việc tham gia của những người có điền sản hoặc phẩm hàm vào bộ máy hành chính cấp cơ sở. Thất bại của cuộc cải cách này thường được coi như một bằng chứng về sự phóng đại vai trò của dòng họ.
Tuy nhiên, sau sự kiện cải lương hương chính, trong giới nghiên cứu vẫn không hiếm người – tuy mức độ có khác nhau, quan tâm và đánh giá cao vai trò của dòng họ và các quan hệ dòng họ ở nông thôn. Một trong những người tiêu biểu cho xu hướng này là Trịnh Thị Quang.
Trong một bài viết của mình, dựa trên cơ sở số liệu định lượng từ nhiều cuộc điều tra xã hội học khác nhau, Trịnh Thị Quang cố gắng tìm hiểu vai trò của dòng họ và quan hệ dòng họ mà tác giả gọi là “tổ chức thân tộc”. Thời điểm được tác giả xem xét không phải quá khứ xa xưa, khi “thân tộc là hạt nhân của nhiều quan hệ xã hội khác”1, mà là những năm 80, tức thời kỳ quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa được thành lập. Tác giả cho rằng quan hệ thân tộc vốn thường đảm nhận 3 chức năng: là một cộng đồng pháp lý, một cộng đồng kinh tế, cộng đồng sinh sống, đạo đức và tôn giáo. Tác giả chú ý xem xét những chức năng đó đã và đang biến đổi như thế nào.
Theo Trịnh Thị Quang, trong lịch sử, tổ chức thân tộc có tư cách pháp lý rõ rang, nhưng pháp luật xã hội chủ nghĩa đã xóa bỏ vai trò đó, bãi bỏ chế độ liên đới trách nhiệm và thay thế bằng trách nhiệm cá nhân. Như vậy, tổ chức thân tộc đã giải thể khá triệt để ở chức năng cộng đồng pháp lý.
Về chức năng cộng đồng kinh tế của tổ chức thân tộc, tác giả xét chế độ kế thừa theo dòng họ và sở hữu tập thể của dòng họ đối với ruộng họ và từ đường. Trong lịch sử, gia sản được kế thừa theo nguyên tắc nội tộc. Khi chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất bị bãi bỏ kể từ phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, chế độ thừa kế bị mất đi một cơ sở quan trọng (ruộng đất). Tuy nhiên, nguyên tắc nội tộc trong kế thừa gia sản vẫn phổ biến. Còn về sở hữu chung của dòng họ đối với ruộng họ và từ đường, thì phong trào hợp tác hóa cũng xóa bỏ một cơ sở căn bản của chế độ sở hữu đó (ruộng họ), khiến nhóm người cùng huyết thống không còn cơ sở kinh tế để duy trì những dịp liên hoan, ăn uống chè chén khi giỗ tổ hoặc họp họ. Tuy nhiên, một hình thức hoạt động mới đã phát sinh để thay thế cho sự mất mát đó: “Thay cho những chi phí vật chất lấy từ ruộng họ, ao họ, các gia đình đóng góp những suất gạo, tiền như nhau. Có gia đình còn đóng góp thêm những sản phẩm rau, đậu, thịt”2.
Về chức năng cộng đồng sinh sống, đạo đức và tôn giáo của dòng họ, Trịnh Thị Quang phân tích sự giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên trong dòng họ, cũng như sự kiểm soát đối với hành vi của từng người, và hoạt động giỗ tổ với tư cách một hình thức tôn giáo. Số liệu điều tra xã hội học cho phép tác giả khẳng định rằng tuyệt đại đa số các gia đình vay tiền và thóc của họ hàng khi túng thiếu khó khăn. Khi một gia đình có những việc lớn (làm nhà, cưới xin, ma chay, v.v…), họ đều tìm đến sự hỗ trợ của họ hàng.
Tiếp nữa, những quy phạm đạo đức trong một dòng họ nào đó vẫn tồn tại và có sức mạnh nhất định. Cuối cùng, như đã nêu trên, các thành viên của một dòng họ đã sáng tạo ra một hình thức mới để thích ứng với điều kiện kinh tế mới, và tiếp tục hoạt động thờ cúng tổ tiên chung của mình: tục “góp giỗ”.
Để kết luận, Trịnh Thị Quang khẳng định cả sự thay đổi lẫn sức sống khá bền vững của quan hệ dòng họ trong thời kỳ hợp tác hóa nông nghiệp: “Rõ rang nếu như chức năng cộng đồng pháp lý và kinh tế của thân tộc đã bị thủ tiêu về cơ bản, thì chức năng cộng đồng sinh sống, đạo đức và tôn giáo vẫn sống một cách dẻo dai, dưới nhiều dạng thức khác nhau”1.
b. Trái với quan điểm trên, nhà nghiên cứu Trần Từ đã nỗ lực xác định lại vai trò của dòng họ qua công trình nổi tiếng và thường được trích dẫn “Cơ cấu tổ chức của làng Việt cổ truyền ở Bắc bộ” (1984). Mặc dù công trình này không đề cập riêng về dòng họ, nó dành số trang nhiều hơn cả để bàn về chủ đề này so với các công trình được dẫn ra ở đây.
Dưới tiêu đề “Tập hợp người theo huyết thống: họ”, Trần Từ hiểu họ theo một nghĩa đơn nhất là những người có quan hệ máu mủ thuộc một dòng họ.
Một mặt tác giả nhận định rằng dòng họ đóng một vai trò nhất định trong lịch sử xây dựng làng mới: những người đầu tiên bỏ quê đi lập làng mới thường là họ hàng với nhau, và thổ cư các gia đình thành viên thường áp sát nhau, chiếm vị trí trung tâm trên khu đất mới1. Hơn thế nữa, dòng họ còn đóng vai trò “một chỗ dựa tinh thần, và đôi khi chính trị nữa” (chứ “không phải một viện trợ vật chất”) cho các thành viên2 trong làng Việt cổ truyền vốn chằng chịt vô vàn mâu thuẫn.
Theo tác giả, vai trò của dòng họ dừng lại ở đây, và “ngoài tác dụng lịch sử ấy ra”, tác giả “chưa thấy đâu là vai trò tích cực của tổ chức họ trong mâu thuẫn làng mạc”3. Trần Từ triển khai nhận định của mình về vai trò không lớn, không tích cực của dòng họ trong làng Việt ở những khía cạnh sau:
Trước hết ông cho rằng gia tộc Việt “từ lâu đã giải thể đến mức gia đình nhỏ rồi, thậm chí trong tuyệt đại đa số các trường hợp là gia đình hạt nhân”4 theo nghĩa “mỗi gia đình nhỏ là một bếp riêng, với quyền sở hữu riêng và nền kinh tế riêng của mình5. Như vậy, dòng họ không phải là một “đơn vị kinh tế”, vì các thành viên trong một dòng họ không ăn chung, không ở chung, và không có đất đai trồng trọt cùng sở hữu”6. Các hình thức sở hữu công cộng của dòng họ như ruộng họ, ao họ vẫn có đấy, song chẳng đáng là bao, hoa lợi bất quá cũng chỉ đủ dùng vào những ngày giỗ tổ, sửa sang từ đường hay một vài sinh hoạt lặt vặt khác. Trong điều kiện đó thì “đèn nhà ai nhà nấy rạng”: quyền lực của các vị trưởng chi trưởng tộc chỉ dừng lại ở việc tế lễ mang tính chất tôn giáo để tưởng nhớ các thế hệ đi trước trong ngày giỗ tổ mà thôi.
Tiếp nữa, về mặt cư trú, Trần Từ cho rằng làng Việt cổ truyền là một đơn vị tụ cư được tập hợp chủ yếu theo quan hệ láng giềng7. Nói cách khác, cư dân trong một làng thường chỉ là “hàng xóm”, “người làng” của nhau. Về cơ bản, họ là những “người dưng” sống cùng với nhau. Như vậy, về mặt cư trú thì dòng họ sống rải rác, chứ không co cụm với nhau, và người dân thường không sống bên cạnh họ hàng của mình, mà với hàng xóm. Các hộ gia đình trong làng xã cổ truyền đó không chỉ được tập hợp theo nguyên lí huyết thống (dòng họ), mà còn theo nguyên lí địa vực (ngõ, xóm), nguyên lí lớp tuổi (giáp) hay nguyên lí lợi ích và tự nguyện (phe, hội, phường…). Qua các mắt xích trong mạng lưới các quan hệ chằng chéo ấy người ta thấy rằng các quan hệ dòng họ đã bị hòa lẫn, nếu không muốn nói là bị chìm lấp sau các quan hệ xã hội khác.
Cuối cùng, theo Trần Từ, cùng với việc tư hữu hóa ruộng đất, cư dân trong các làng mạc cổ truyền ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ, cũng từ lâu rồi, đã phân hóa thành những giai cấp và tầng lớp đối đầu nhau thực sự. Sự khác biệt về uy tín, quyền lực và tài sản không chỉ tồn tại trong các xóm ngõ, trong các phe giáp hay phường hội, mà tiếc thay, còn xuyên thấm vào cả trong các quan hệ huyết thống. Bản thân dòng họ “đã là một cái túi chứa mâu thuẫn rồi”. “Mâu thuẫn giai cấp chui vào lòng tổ chức họ, đan xen rối rắm với quan hệ huyết thống, khiến người trong cuộc đôi khi cũng không biết tình cảm họ hàng dừng lại ở đâu, và mâu thuẫn giai cấp bắt đầu từ đâu”1. Nhiều nguồn tư liệu, đặc biệt là trong thời kỳ cải cách ruộng đất, đã chỉ ra rằng, ngay trong cùng một dòng họ người ta cũng không nề hà gì khi cần phát canh thu tô, cho vay nặng lãi, thậm chí tìm cách tước đoạt, tố cáo, qui tội lẫn nhau…
Tóm lại, Trần Từ cho rằng “họ” quá lắm, cũng chỉ có thể được xem là một dạng đặc biệt của gia đình mở rộng, mà tác dụng chính đối với các thành phần của nó (tức các gia đình nhỏ hợp thành nó) là tạo ra niềm cộng cảm dựa trên huyết thống2. Theo ông, tổ chức họ và niềm cộng cảm gắn với nó vốn có vai trò quan trọng trong các thị tộc nguyên thủy, nhưng khi chuyển sang nền kinh tế trồng trọt ruộng nước, các gia đình nhỏ với nội dung kinh tế hoàn chỉnh đã hoạt động như một bếp độc lập, do vậy vai trò của dòng họ phai nhạt và niềm cộng cảm “đã hầu tàn”. Để nhen lên ngọn lửa đã hầu tàn ấy, họ cần nhiều chấ đốt: gia phả như một “cương lĩnh” về quan hệ đồng huyết, tộc trưởng và chi trưởng như là “thủ lĩnh”; việc thờ phụng tổ tiên và nhà thờ họ với tư cách sợi dây liên kết tôn giáo; và ruộng họ với tư cách cơ sở kinh tế1.
Ngoài niềm cộng cảm nói trên, thì quan hệ đồng huyết, theo Trần Từ, không còn vai trò quan trọng như bản thân người dân gán cho nó. Theo lời tác giả, “vị trí” cao, thậm chí “quá đáng”2 của dòng họ chỉ là trong “cấu trúc hữu thức”3. Nghĩa là dòng họ chỉ đóng vai trò hết sức quan trọng trong tâm tưởng, chứ không phải trong hành vi thực tế của con người.
Ông lý giải “vị trí quá đáng” mà tổ chức họ chiếm lĩnh trong “cấu trúc hữu thức” của người Việt bằng hai nguyên nhân chính:
1. Ảnh hưởng kéo dài của Nho giáo và tục thờ cúng tổ tiên.
2. Vai trò thật sự quan trọng trong sinh hoạt làng xã của một số họ đặc biệt (họ đại khoa), và tình đoàn kết trong nội bộ của các dòng họ này. Tuy không phải mọi thành viên của họ đại khoa đều đỗ đạt hoặc có nhiều tài sản, nhưng “một người làm quan cả họ được nhờ”, mọi thành viên của họ vẫn được kiêng nể4.
c) Cuối cùng, ngoài hai quan điểm trên về vai trò của dòng họ, còn có quan điểm thứ ba, nằm giữa và dung hòa hai quan điểm đó. Đây là quan điểm được nêu ra rất vắn tắt trong một tham luận gần đây của Trần Quốc Vượng dự Hội nghị khoa học về văn hóa các dòng họ.
Trước hết, tác giả Trần Quốc Vượng không tán thành khuynh hướng quá coi trọng vai trò của họ vì theo ông, đất đai (nền tảng vật chất của nhà nông) là ruộng công của làng được chia cho các nhà dân làng (chứ không phải cho các họ). Ruộng họ ít, và lúa thu hoạch từ đó chỉ đủ chi dùng những ngày giỗ tổ. Như vậy, xét về mặt kinh tế học nông nghiệp cổ truyền, nhà và làng (chứ không phải họ) mới có vai trò đáng kể.
Nhưng đồng thời Trần Quốc Vượng cho rằng khuynh hướng coi nhẹ dòng họ - mà Trần Từ là một đại biểu – “cũng không đúng”1. Theo ông, dù sao họ vẫn là “một đơn vị cộng cảm mà đỉnh cao bản sắc văn hóa tâm linh” là tục thờ cúng tổ tiên. Ngoài ra, họ còn có vai trò điều tiết việc lựa chọn bạn đời trong hôn nhân, trong khẩn hoang, trong tương trợ kinh tế và tạo nên lực liên kết giữa các thành viên2.
II. MẤY NHẬN XÉT SƠ BỘ
Sau khi tóm lược những quan điểm của các nhà nghiên cứu khác nhau về vai trò dòng họ và quan hệ dòng họ, chúng ta thử đi vào xem xét từng quan điểm một.1. Tránh được những thái quá của khuynh hướng quá đề cao hoặc quá hạ thấp vai trò dòng họ, quan điểm của Trần Quốc Vượng xem ra thỏa đáng hơn cả. Tiếc rằng tác giả chỉ dừng ở những nhận xét chung mà không chứng minh bằng những chứng cứ cụ thể, xác thực. Vì vậy, tuy dễ được đồng tình, nhưng với tư cách một luận điểm khoa học, tác giả chưa thuyết phục được người đọc hoài nghi. Người ta có thể ngả theo tác giả vì tin rằng “chân lý nằm ở khoảng giữa 2 cực đối lập” chứ không phải vì sức thuyết phục của những bằng chứng khoa học.
2. Trong khi đó, bài viết của Trịnh Thị Quang đã nêu rõ được vai trò của dòng họ ở thời điểm tập thể hóa nông nghiệp. Tác giả đã xem xét dòng họ và quan hệ dòng họ như nó hiện có, và ở một mức nào đó, như nó vốn có, rồi so sánh, chỉ ra những thay đổi và những nét ổn định của nó. Tóm lại, tác giả phân tích vai trò của dòng họ và quan hệ dòng họ trong thế năng động. Hơn thế nữa, quan điểm của tác giả được hậu thuẫn bằng những số liệu thực nghiệm, bằng định lượng, thu được từ một số nghiên cứu xã hội học khác nhau trên những địa bàn cụ thể. Nhờ thế, tác giả đã xác định được địa chỉ và thời điểm của từng hiện tượng được mô tả. Nói cách khác, tác giả đã ít nhiều chứng minh luận điểm của mình với các bằng chứng cụ thể. Điều lý thú là tác giả đã nêu được một phát sinh mới của dòng họ và quan hệ dòng họ (hình thức góp giỗ) để thay thế cho cơ sở kinh tế cũ (ruộng họ) đã bị hợp tác hóa (cố nhiên trước đây việc góp giỗ cũng đã có, song chỉ đóng vai trò bổ sung cho nguồn hoa lợi thu được hàng năm từ ruộng họ). Nhờ vậy người đọc thấy được rằng dòng họ và quan hệ dòng họ có năng lực thay đổi để thích ứng với tình hình mới, và điều đó chứng tỏ sức sống của nó.
Tuy nhiên, về mặt phương pháp luận, bài viết của Trịnh Thị Quang có nhiều điều gây hoài nghi.
Thứ nhất, tác giả không khảo sát một hay một số làng cụ thể, mà triển khai luận điểm của mình trên cơ sở số liệu thực nghiệm bằng định lượng ở nhiều nơi khác nhau, rồi ghép lại thành một bức tranh chung. Mỗi làng, mỗi trường hợp được tác giả dẫn ra làm chứng có thể xác thực, nhưng liệu nó có đại diện cho các làng khác, trường hợp khác hay không? Câu hỏi này còn bỏ ngỏ.
Thứ hai, tác giả không cho biết phương pháp thu thập tư liệu thực nghiệm của mình là gì. Người đọc chỉ có thể đoán rằng đó là phương pháp điều tra xã hội học dựa trên cơ sở chọn mẫu ngẫu nhiên. Tuy vậy, số liệu này đáng tin cậy đến đâu, thì khó lòng xác minh được. Những điểm yếu, hay khiếm khuyết này, ở mức độ nào đấy, đã giảm sức thuyết phục trong luận điểm của Trịnh Thị Quang.
3. Công trình nghiên cứu của Trần Từ đã gây tiếng vang rộng rãi sau khi ra đời, và từ đó đến nay được coi là một cống hiến lớn lao vào việc tìm hiểu làng Việt cổ truyền. Nó đã trở thành một cuốn sách “gối đầu giường”1, “để đời”1 không những đối với nhiều thế hệ Việt học, mà còn “thuộc vào di sản thế giới”2.
Nhiều tài liệu thực nghiệm có liên quan đến dòng họ đã xác nhận nhiều ý kiến chính xác của Trần Từ: sự phổ biến của gia đình hạt nhân và vai trò tương đối độc lập của nó trong sản xuất kinh tế, quan hệ láng giềng với tư cách là một trong những nguyên lý của sự tụ cư ở làng Việt, v.v…
Với sự ra đời của công trình này, dường như đã hiển nhiên không mấy ai tin rằng dòng họ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong đời sống làng xã nữa. Tuy nhiên, theo thiển ý của chúng tôi, khi đề cập đến vai trò của dòng họ, bên cạnh nhiều nhận định sâu sắc, xác đáng, Trần Từ cũng đưa ra một số ý kiến ít sức thuyết phục hơn và trước hết, phương pháp nghiên cứu và phương pháp để tác giả chứng minh luận điểm của mình còn có một số điều cần bàn. Không tham vọng đi sâu vào phân tích đúng sai trong các ý kiến của tác giả về vai trò của dòng họ, ở đây chúng tôi chỉ giới hạn ở một số vấn đề về mặt phương pháp luận. Có thể nêu lên những điểm sau:
a) Phương pháp nghiên cứu của nhân học và xã hội học hiện đại thường xuất phát từ một đơn vị nghiên cứu cụ thể (gọi là “mẫu nghiên cứu”), ví dụ một hoặc một số cộng đồng dân cư nào đó, một số lượng người được phỏng vấn nhất định, v.v…3. Trong “Cơ cấu tổ chức của làng Việt cổ truyền ở Bắc Bộ”, Trần Từ không chọn một làng để điều tra cụ thể nhằm giúp bạn đọc định danh rõ ràng từng hiện tượng nào đó có thể thấy ở đâu. Như chính tác giả thừa nhận, ông chỉ dùng một làng (làng Bằng) để xác định những hiểu biết từ nhiều cụ già; sau đó dựa vào nhiều cụ hơn nữa để kiểm nghiệm những gì biết được ở làng này, trên một diện rộng hơn4. Theo lời ông, ông chưa thực sự đi điền dã tại một làng nào cả, vì ngay tại làng Bằng, ông “cũng chưa điều tra cho thực cơ bản từ đầu”1.
Do vậy, tất cả những gì Trần Từ cung cấp cho người đọc qua cuốn sách này là những nhận xét chung, khái quát hóa từ nhiều làng, mà tách rời các địa danh thực. Điều đó khiến người đọc quen với phương pháp nghiên cứu hiện đại, nếu thắc mắc hoặc có câu hỏi nào đó, thì khó lòng xác minh.
Nói vắn tắt thì cách tốt nhất để không tán thành quan điểm của các nhà nghiên cứu khác, và để nêu lên, chứng minh quan điểm của mình (ở đây là về vai trò của dòng họ) là nên “nói có sách, mách có chứng”. Nhưng đó là điều còn thiếu ở công trình nghiên cứu của Trần Từ.
b) Khác với xã hội học, nghiên cứu dân tộc học không chú trọng nhiều đến số liệu định lượng dưới hình thức các con số, tỉ lệ phần trăm, v.v… Hẳn bởi thế mà tài liệu điền dã dân tộc học mà Trần Từ dựa vào, không những không được tác giả dẫn chứng cụ thể (như trên đã nêu), mà cơ bản hơn, không được kiểm nghiệm bằng định lượng để xác minh những nhận xét của tác giả mang tính phổ biến đến độ nào. Người đọc hoài nghi rất có thể ngờ vực, nhưng khó lòng kiểm chứng tính xác thực và nhất là tính tiêu biểu, tính đại diện của những gì tác giả nói cho họ nghe.
c) Khi chứng minh luận điểm của mình về vai trò mờ nhạt của dòng họ trong lĩnh vực kinh tế, Trần Từ đã khoanh phạm vi xem xét của mình ở khía cạnh “đơn vị kinh tế”. Đúng là trên tư cách đơn vị kinh tế, dòng họ không có gì đáng kể, như Trần Từ đã nêu. Nhưng vai trò kinh tế của dòng họ không thể quy lại gói gọn chỉ riêng ở tư cách “đơn vị kinh tế” như ông đã hạn hẹp nó. Còn có những lĩnh vực khác trong hoạt động kinh tế mà họ có thể phát huy vai trò của mình mà tác giả không tính tới. Sau đây trong nghiên cứu này, ta thấy những lĩnh vực, những khía cạnh mà họ, tuy không là đơn vị kinh tế, nhưng vẫn có vai trò kinh tế.
d) Khi đề cập đến vai trò mờ nhạt của họ và quan hệ huyết thống trong việc hình thành các điểm tụ cư, Trần Từ chứng minh rằng gia tộc chỉ tập hợp với nhau trong những gia đình hạt nhân1 và làng là một đơn vị tụ cư được tập hợp chủ yếu theo quan hệ láng giềng. Do đó cư dân một làng thường chỉ là hàng xóm của nhau. Nói cách khác, gia đình nhỏ (hoặc hạt nhân) biệt lập với hệ thống thân tộc bao quanh, nó cô lẻ trong những gia đình chỉ là láng giềng bên cạnh. Vì thế tác giả mới coi gia đình nhỏ (được xem là TA) lẻ loi trong xã hội bao quanh (được xem là HQ)2.
Rất tiếc là tác giả không đặt những nhận định này của mình trên cơ sở số liệu định lượng. Nói theo tinh thần khách quan khoa học và mềm dẻo của chính tác giả, những cố gắng của ông khi vẽ nên bức tranh làng Việt cổ truyền (trong đó có vai trò của dòng họ) chỉ nên coi là những giả thuyết làm việc3. Đã là giả thuyết làm việc, thì nó cần được kiểm chứng bằng thực nghiệm một cách cụ thể, điều mà tác giả chưa làm. Về phương diện này, đúng ra Trần Từ mới chỉ nêu nhận xét có tính giả thuyết, mà không kiểm nghiệm, càng không hậu thuẫn nhận xét của mình bằng số liệu định lượng. Rồi đây, trong chương về quan hệ dòng họ trong cư trú, chúng tôi sẽ cố gắng đưa ra những số liệu thực nghiệm để so sánh với ý kiến của Trần Từ.
Tiếp nữa, không thể phủ nhận rằng quan hệ giai cấp đã thâm nhập vào dòng họ. Nhưng cũng không thể chối cãi được rằng mâu thuẫn giai cấp ít nhất chưa nhập vào tới quan hệ gia đình trực huyết (cha mẹ, con cái), và cha mẹ, con cái lớn vẫn có thể và phải liên kết với nhau trong hoạt động kinh tế, trong đời sống chính trị, v.v… Mâu thuẫn giai cấp cũng chưa tới mức ngăn cản thành viên của một dòng họ cư trú gần nhau.
e) Như đã nói ở trên, khi lý giải vị trí quá đáng mà dòng họ chiếm giữ trong tâm thức người Việt, Trần Từ cho rằng đó là do vai trò của một số dòng họ đại khoa, và điều đó kéo theo tình trạng “một người làm quan, cả họ được nhờ”. Có điều, tác giả không hỗ trợ cho ý kiến của mình bằng tài liệu thực nghiệm về số dòng họ đại khoa tại một làng nào đó, và bao nhiêu làng có họ đại khoa. Có thể nói không phải làng nào và thời nào cũng có họ đại khoa; họ đại khoa không phổ biến, như chính tác giả ghi nhận1. Như vậy, tác giả dùng một trường hợp không hẳn điển hình để chứng minh một nhận xét khái quát về vai trò dòng họ, khiến ý kiến của ông chưa thật sự thuyết phục.
Tóm lại, bên cạnh những ý kiến sâu sắc và xác đáng về dòng họ, Trần Từ cũng có một vài nhận xét chưa được sự hậu thuẫn của tài liệu thực nghiệm, nhất là bằng định lượng, và do đấy chưa thật đủ sức thuyết phục. Người đọc quan tâm đến dòng họ rất mong muốn tác giả đưa ra những tài liệu thực nghiệm, và nếu định lượng càng tốt, để được thuyết phục bởi nhận xét và lập luận của tác giả, nhưng tiếc thay, điều đó lại không có.
Nói chung, hầu hết các nghiên cứu nêu trên ra đời trước công cuộc đổi mới kinh tế - xã hội mà Nhà nước phát động năm 1986, nên không được thấy và lường trước sự hồi sinh của dòng họ hiện nay. Thực tiễn mới này đòi hỏi những nghiên cứu mới về vai trò của dòng họ, để bổ sung cho các nghiên cứu hiện có. Như chính Trần Từ đã khiêm nhường tự nhận xét một cách đáng khâm phục “mỗi cố gắng giải đáp chỉ là một giả thuyết làm việc, mà rồi đây, người đi điền dã sẽ có dịp thay thế dưới anh sáng của tài liệu mới”2. Lược ghi các quan điểm và thành tựu của những người đi trước, đồng thời coi đó như những tiền đề để xuất phát, công trình của chúng tôi không có mục đích gì hơn ngoài việc cung cấp tài liệu mới và một vài điều còn thiếu trong những nghiên cứu hiện có về vai trò dòng họ và quan hệ dòng họ.
Cách tiếp cận của chúng tôi là không quá đi sâu vào nghiên cứu tổ chức và bản chất của quan hệ họ hàng như các nhà nhân học thường làm. Chúng tôi quan tâm hơn cả đến khía cạnh này: trong thực tế đời sống, dòng họ và quan hệ dòng họ vận hành như thế nào trong các lĩnh vực khác nhau (trong cư trú, trong hoạt động kinh tế, trong việc tổ chức quyền lực và quản lý làng xã, trong việc tìm kiếm các niềm cộng cảm)? Không đi sâu phân tích đúng sai, càng không có ý định phê phán các ý kiến đã thành hình, chúng tôi chỉ đơn giản làm một việc: tiến hành khảo sát vai trò của quan hệ dòng họ ở thực địa cụ thể là hai làng Đào Xá1 và Tứ Kỳ2 trên địa bàn dân thổ sông Hồng, tại một thời điểm nhất định, không chỉ bằng phương pháp quan sát, mà còn kết hợp với phương pháp thống kê và bảng hỏi dựa trên chọn mẫu ngẫu nhiên. Mục đích của chúng tôi không gì khác hơn là giúp bạn đọc ít nhiều có dữ liệu thực nghiệm bằng định lượng để đối chiếu với những quan niệm đã thành hình về vai trò dòng họ và các quan hệ dòng họ. Những kết quả khảo sát ấy sẽ được lần lượt trình bày trong các chương tiếp theo.




1. Trần Từ, Cơ cấu tổ chức của làng Việt cổ truyền ở Bắc Bộ, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 1984, tr. 44.
2. Sách đã dẫn.
1. Trần Từ, Sđd, tr. 44.
2. Sđd.
3. Trần Quốc Vượng, Đôi lời về văn hóa dòng họ ở Việt Nam, trong cuốn Văn hóa các dòng họ ở Nghệ An, Nxb Nghệ An, 1997, tr. 75.
1. Trịnh Thị Quang, Mấy vấn đề quan hệ thân tộc ở nông thôn, Tạp chí “Xã hội học” số 2, năm 1984, tr. 47.
2. Bài đã dẫn, tr. 49.
1. Như trên, tr. 51.
1. Trần Từ, Sđd, tr. 43.
2. Sđd.
3. Sđd.
4. Sđd, tr. 38.
5. Sđd, tr. 41.
6. Sđd.
7. Sđd, tr. 32 và 38.
1. Trần Từ, Sđd, tr. 44.
2. Sđd, tr. 41.
1. Sđd, tr. 41, 42.
2. Sđd, tr. 49.
3. Sđd.
4. Sđd, tr. 45.
1. Trần Quốc Vượng, Sđd, tr. 76.
2. Bài đã dẫn.
1. Nguyễn Từ Chi, Góp phần nghiên cứu văn hóa và tộc người, Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin. Hà Nội, 1996, tr. 572.
1. Nguyễn Từ Chi, Sđd, tr. 10.
2. Nguyễn Từ Chi, Sđd, tr. 559.
3. Không phải ngẫu nhiên mà một bạn đọc từ xa đã đặt một câu hỏi làm tác giả “giật mình”: “Anh đã đi điền dã tại bao nhiêu làng?” (Trần Từ, Sđd, tr. 5).
4. Trần Từ, Sđd, tr. 6.
1. Sđd, tr. 6.
1. Sđd, tr. 38.
2. Sđd, tr. 39.
3. Sđd, tr. 9.
1. Sđd, tr. 99.
2. Sđd, tr. 8.
1. Đào Xá (An Bình, Nam Sách, Hải Dương).
2. Tứ Kỳ (Hoàng Liệt, Thanh Trì, Hà Nội