Thứ Năm, 23 tháng 9, 2010

ĐỨC CHA EUGÈNE-ÉTIENNE CHARBONNIER TRÍ

EUGÈNE-ÉTIENNE CHARBONNIER TRÍ
Giám Mục Đông Đàng Trong
(1865 – 1878)


Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính

Đức Cha EUGÈNE-ÉTIENNE CHARBONNIER[1], lấy tên Việt Nam là Trí, sinh tại Pierrevert (Địa Phận Digne), ngày 21 tháng Năm 1821. Nhiệt thành với ý hướng tông đồ, sau khi chịu chức cắt tóc, ngài đã xin nhập chủng viện Thừa Sai Hải Ngoại Paris ngày 28 tháng 10 năm 1846. Kết thúc chương trình thần học, lãnh chức linh mục ngày 17 tháng Sáu 1848, và ngày 9 tháng Tám năm ấy ngài cùng với thừa sai Néron lên thuyền đi thi hành nhiệm vụ ở Tây Đàng Ngoài (Thanh Hoá, Ninh Bình, Hà Nội, Sơn Tây, Hưng Hoá, nam Tuyên Quang).
Khi đến địa phận (tháng Ba 1849), các Kitô hữu thừa hưởng được sự bình yên : Vua Tự Đức  vừa lên ngôi và những chiếu chỉ đầu tiên cho phép họ hy vọng những ngày mai tươi sáng. Thế nhưng niềm hy vọng chỉ vụt qua trong thoáng chốc, những chỉ dụ mới đặc biệt chống lại các nhà thừa sai cũng như cuộc tử đạo của các thừa sai Schoeffler Đông và Bonnard Hương làm cho họ hiểu rằng thử thách vẫn còn. Đây là thời gian luôn có sự thay đổi luân phiên giữa yên bình và bách đạo, chính trong tình hình này mà vị tân thừa sai học hỏi được nhiều kinh nghiệm nơi Đức Cha Retord Liêu, Giám mục hiệu toà Acanthe. Charbonnier học được nơi ngài sự nhiệt thành, lòng đạo đức, các đức tính tông đồ. Với những đức tính này, ngài được chọn làm Tổng Đại Diện năm 1857.  
Giáo Hội Annam chuẩn bị đón nhận một cuộc bách đạo khủng khiếp. Liên minh Pháp- Tây Ban Nha dự định hỏi tội Vua Tự Đức về cái chết của nhiều nhà truyền giáo. Nghe tin này, nhà Vua tuyên chiến với Kitô giáo. Hàng nghìn tân tòng bị bắt bỏ tù, tra tấn, lưu đày hoặc hành hình. Tại Tây Đàng Ngoài, 30 linh mục bản xứ đổ máu vì Đức Kitô, 11 người khác chết vì đói và khổ cực.  Các thừa sai không còn nơi nương tựa nữa, họ lẩn trốn trong hang sâu, trên rừng trên núi, trên biển trên sông.
Thất bại khi tìm cách bơi ra chiến thuyền của Pháp, các thừa sai Charbonnier Trí và Mathevon Hương bị một tiều phu khám phá ra và bắt giải giao cho quan vào 29 tháng 1861. Chiếc gông đè nặng trên vai, cùm sắt trên tay, nhưng niềm vui chịu đau khổ vì Đức Kitô sáng ngời trên khuôn mặt họ, sau này Charbonnier viết lại: «Tôi thấy mình như Chúa chúng ta bị dẫn vào thành Giêrusalem, đó là niềm vui dịu êm nhất thay thế cho nỗi đau thương tôi đang gánh chịu». Trước mặt các quan toà, họ trả lời khôn ngoan và cương quyết. Họ bị tra tấn dã man vì không chịu khai ra các kitô hữu đã cho họ trốn tránh. Họ đối đầu với sự tàn ác của lý hình bằng sự thinh lặng. Charbonnier viết: «Thiên Chúa ban cho tôi sức chịu đựng khổ hình đến nỗi vị quan cho dừng ngay hình phạt». Quan lại, lính tráng, lý hình tỏ vẻ thán phục. Quan toà nhìn nhận cái thiện của một tôn giáo đã cho con người sự can trường như thế. Ngày kia, một vị quan lớn đến cầm theo thánh giá, truyền cho ngài dẫm lên. Cha Charbonnier viết lại rằng: «Tôi đã không thể tin được rằng họ dám đề nghị một thừa sai Âu Châu bội giáo. Tôi rất kinh ngạc, sự phẫn nộ làm máu lên đến đầu và tôi nói với ông ấy rằng: «Bẩm quan, ngài biết rằng cha mẹ tôi đã dạy dỗ phải luôn tôn kính hình tượng của Thiên Chúa. Tôi sẽ không bao giờ làm điều gì xúc phạm đến Ngài». Mấy ngày sau, chiếc gông được thay thế bằng chiếc củi gỗ.
Trong suốt 11 tháng trời, cả hai luôn bị đem ra cho lương dân sỉ nhục, chịu đựng mọi hành hạ và bệnh tật. Trong thời gian giam cầm dai dẵng này, Charbonnier tổ chức lại cách dùng thời gian như một chủng sinh : đối với những vị tử đạo, nhà tù chẳng phải là một chủng viện Thiên Quốc hay sao? Việc cầu nguyện chiếm phần lớn thời gian rảnh rỗi. Ngài cũng không quên mình là tông đồ, vì thế việc rao giảng cũng được lưu ý trong bản quy luật của mình.  
Thế nhưng phúc tử đạo đã không đến với họ. Sau khi vua Tự Đức ký hiệp ước với Pháp, họ được trả tự do vào tháng Bảy 1862 và được dẫn vào Sài Gòn.  Khổ hình đã vắt kiệt sức lực, Charbonnier bị bệnh lị và phải trở về Pháp theo lệnh của bác sĩ. Tuy nhiên,  Thiên Chúa đã sẵn dành cho ngài một danh hiệu mới nên cũng cho ngài nhanh chóng phục hồi sức khoẻ.
Lúc bấy giờ địa phận Đông Đàng Trong mất đi vị chủ chăn: Đức Cha Cuénot Thể chết rũ tù trước ngày hành quyết (14 novembre 1861).Trong thời gian trống ngôi, quyền điều hành giáo phận được trao cho Cha Tổng Đại Diện là thừa sai Harrengt Nhơn qua đời ngày 20 tháng Sáu 1863. Thời gian sau đó, thừa sai Roy Từ kế tục công việc cho đến khi có giám mục mới. Ngày 9 tháng Chín 1864, Cha Charbonnier được chọn làm Đại diện Tông Toà Đông Đàng Trong, Giám mục hiệu toà Domitiopolis, và được tấn phong tại nguyện đường Chủng Viện Thừa Sai Hải Ngoại Paris ngày 27 tháng Chạp 1864 do Đức Cha Meirieu, Giám Mục địa phận Digne, phụ phong là Đức Cha Sohier Bình, Đại Diện Tông Toà Bắc Đàng Trong, và Đức Cha Thomine-Desmazures, cựu Đại Diện Tông Toà Thibet. Sau khi nhận lãnh phép lành của Đức Giáo Hoàng Piô IX, Đức cha Charbonnier rời nước Pháp lên đường nhận nhiệm vụ ngày 13 tháng Tư 1865.
Ngày 22 tháng Sáu, Đức Cha đến cảng Sài Gòn và tìm kiếm phương tiện để đi về địa phận. Lúc này, nạn hải tặc hoành hành trên khắp vùng duyên hải nên phái đoàn của Đức Cha phải chia ra làm hai. Từ Sài Gòn, ngày 5 tháng Bảy 1865, Cha Van Camelbeke Hân cùng với một cộng sự trẻ đã đi thuyền buồm đến ba tỉnh phía nam của địa phận là Bình Thuận, Khánh Hoà và Phú Yên. Cũng ngày 11 tháng ấy, dưới sự sắp xếp của Đô Đốc Roze, Đức Cha đã dùng pháo thuyền Mitraille để đi từ Sài Gòn đến trung tâm của địa phận lúc bấy giờ nằm ở phía bắc của tỉnh Bình Định là địa sở Gia Hựu.
Đến Bình Định, Đức Cha được tiếp đón trọng thể. Lợi dụng sự tự do tôn giáo vừa mới được ban hành, giáo dân tụ họp nhau lại từ khắp các phủ huyện, lẫn vào đám đông luơng dân cũng tuôn đến vì tò mò. Cùng với tiếng đàn ca, họ đưa vị Giám Mục mới của mình đến tận ngôi nhà thờ đơn sơ của ngài. Thật là một cảnh tượng cảm động khi thấy những người tân tòng mà nhiều người trong số họ đã anh dũng tuyên xưng đức tin trong đợt bách hại vừa qua và trên mình còn mang dấu vết của lòng can đảm (trên má còn thích chữ «tả đạo» và tên sinh quán), nhiều người khác đã từng chứng kiến những người thân của mình được gặt hái cho vụ mùa Nước Trời bằng lưỡi hái của đao phủ, thật cảm động khi thấy họ tháp tùng vị Giám Mục đến tận những nơi là chứng nhân cho sự đau thương của mình và đoan hứa trung thành với ngài, trong khi ngài chúc lành cho cả đao phủ lẫn nạn nhân.
Đây là những gì mà thừa sai Curt Báu, nhân chứng mắt thấy tai nghe, đã thuật lại về cuộc đón tiếp này[2]: “Họ tuốn về từ khắp nẻo, Đức Cha chịu khó tiếp những người mang quà đến biếu ngài: vì đây là tục lệ của xứ sở không bao giờ đi tay không đến với bề trên. Những vùng xa xôi đều cử đại diện tới. Khi thấy vị chủ chăn mới ân cần tiếp đón, không giữ được sự cảm xúc, họ nói về những cực khổ đã qua, về những nỗi khó khăn hiện tại. Giọng nói nghẹn đi vì tiếng nức nở khi thuật lại cuộc tử đạo của những người thân gục ngã dưới lưỡi gươm đao phủ hoặc chết trong lưu đày. Thật là một cảnh tượng cảm động khi thấy những người can đảm này, đã cam chịu tất cả để trung thành với Chúa, họ đến để tuyên hứa với giám mục của mình, và chính ngài cũng là một người tuyên xưng đức tin. Họ hứa luôn đi trên con đường mà ngài có nhiệm vụ dẫn dắt họ và chính họ cũng đã theo con đường ấy cho đến hiện nay bằng cái giá của biết bao hy sinh!
Ba ngày sau, người ta tổ chức một cuộc rước kiệu trọng thể để tạ ơn Thiên Chúa đã an ủi giáo hội tận nơi xa xôi này. Hàng ngũ chỉnh tề, cờ xí được trưng ra. Khoảng ba chục thanh niên, đầu đội mũ giấy màu đỏ và vàng óng mà người Annam rất thích, cầm những cây nến gắn trên đầu những chân đèn dài mà có thể dùng làm giáo được. Cũng không thiếu tiếng đàn ca: các học sinh hát bài vivat do Cha Roy sáng tác nhân dịp này, rồi đến các bài hát bằng tiếng Annam. Cũng có nhiều trống con, một chiếc trống cái, một loại đàn giống như guitare có ba dây, khá ngạc nhiên là giữa một ban nhạc như thế ta còn thấy cả một cây kèn clarinette. Cuối cùng, dưới chiếc lọng do bốn người cầm, Đức Giám Mục tiến bước với mũ trên đầu và gậy trên tay, đi hai bên là các Cha Roy và Curt. Ngài không ngừng chúc lành cho đám đông chen chúc trên đường đi. Đoàn kiệu đi qua những chiếc cổng xanh dờn làm bằng lá dừa. Đây là một cảnh tượng lạ lùng mà giáo dân cũng như lương dân nhìn không chán mắt. Nào ai có thể vô cảm trước sự phục sinh của một giáo hội tưởng chừng như đã tan biến vào hư vô?
Vào trong ngôi nhà nguyện lợp tranh, Đức Cha nhận nước thánh và được xông hương. Người ta hát bài thánh ca: Ecce sacerdos magnus (Đây là thượng tế), rồi đến bài Te Deum, lời cầu cho giám mục. Cha Roy quay về phía những người tham dự nhắc họ nhớ lại những ngày bách hại mà họ vừa trãi qua, về Đức Cha Cuénot đã sống giữa họ và chết trong ngục; về Cha Harrengt và sự ra đi sớm sủa của ngài trong khi điều hành giáo hội này. Đấng Quan Phòng không quên họ và đây là vị chủ chăn mới mà ngài gởi đến. Cũng như họ, ngài đã trãi qua con đường thử thách và đến dẫn dắt đi họ trên con đường cứu rổi.
Đến phiên mình, Giám Mục bày tỏ niềm hạnh phúc được ở giữa con cái và đặt niềm tin tưởng vào thiện chí của họ. Ngài trấn an rằng họ sẽ luôn tìm thấy ở ngài một người cha để an ủi và nâng đở họ. Đức Cha dâng thánh lễ, chúc lành cho giáo dân và sau đó được đưa về trường Gia Hựu, chổ ở tạm thời của ngài. Giáo dân được mời dự tiệc mà hầu như toàn là quà cáp của họ. Tối hôm đó, buổi chầu Thánh Thể trọng thể đã kết thúc ngày tươi đẹp này”.
Vừa đến nơi, Đức Cha Charbonnier chỉ nhận thấy toàn là thiệt hại: các cơ sở trong địa phận bị mất hầu hết, kitô hữu bị tàn sát vì cuộc bách hại, linh mục và thầy giảng chết vì đói khát và lưỡi dao của đao phủ. Vài tháng trước khi Đức Cha Charbonnier đến, một nạn đói hoành hành cả Đông Đàng Trong. Trong bức thư đề ngày 10 tháng Giêng 1865, Cha Roy viết[3]: “Thử thách lớn nhất trong lúc này đó là nạn đói. Chưa từng thấy một cảnh tượng như thế bao giờ. Không chỉ thiếu gạo mà vải vóc cũng chẳng có, dầu ăn, cửa tiệm trống rổng, thực phẩm các loại trở nên đắt đỏ. Người ta chết như vào thời dịch tả. Người nghèo đến từ tám, mười dặm đường, ngay cả từ những tỉnh khác, họ chết trước cửa nhà tôi … Người ta kéo dài cuộc sống một cách thảm thương bằng cách đào bới rể cây trên núi, rồi họ yếu dần đi và lịm tắt sau những đau đớn chậm chạp. Tôi đã làm tất cả những gì có thể được để cất đi những nỗi đau thương này nhưng than ôi! mọi nhu cầu đều đến cùng một lúc: phải chuộc lại những đứa trẻ công giáo bị bán cho lương dân vì túng quẩn; phải nghĩ đến việc tập trung tại các trung tâm công giáo con cái của những tân tòng bị lấy mất hết mọi nguồn lợi khi ra tù và sống tại các làng người lương, phải kéo họ ra khỏi nguy cơ chết mà không được lãnh các bí tích hoặc con cái họ không có đức tin. Nhưng để làm được điều đó thì chi phí rất cao! Những giáo dân giàu có cũng đã bị bại sản như những người khác trong cơn bách hại. Ta không còn có thể trông cậy vào họ được nữa để xây dựng lại những ngôi nhà nguyện, nhưng dù sao thì cũng phải có những nơi hội họp để giữ cho giáo dân có thói quen cầu nguyện cũng như giảng dạy để họ giữ vững đức tin”
Hai tháng sau khi Đức Cha đến, địa phận lại phải gánh chịu một nạn đói lớn và sau đó là dịch bệnh. Niềm vui kéo dài chưa được bao lâu, thử thách một lần nữa lại ập đến. Cha Curt viết[4]: “Cánh tay Thiên Chúa luôn đè nặng trên đất nước Annam. Khô hạn kéo dài từ ba năm nay đã gây ra một nạn đói kinh khủng: mỗi ngày, hai hoặc ba trăm người nghèo đến trước cửa Đức Cha. Họ chỉ có manh áo rách che thân, đây là những bộ xương di động và phần lớn bị biến dạng vì bệnh phong cùi. Trại tế bần đầy những đứa trẻ con bị các bà mẹ bán đi để đổi lấy nắm gạo. Những người nghèo này chết vì cơ cực và đói lã nằm dọc theo đường và thường mỗi sáng Đức Cha gặp ba hoặc bốn xác chết ngay trước cửa. Nếu người ta có muốn kéo dài cơn hấp hối của những người bất hạnh này để chỉ dạy cho họ con đường Nước Trời thì cũng vô ích. Trong khi đó, như để gia tăng nỗi bất hạnh, nạn dịch lại đến để làm cho tình hình thêm khó khăn. Nó hoành hành kinh khủng. Từ sáng đến tối chúng tôi luôn bận rộn ban các bí tích cho những người hấp hối. Người ta kể lại với tôi rằng dịch bệnh đã xóa sạch cả một làng lương dân”
Nhờ ơn Chúa, mọi tai nạn rồi cũng qua và mặt trời ửng sáng lên sau cơn mưa. Những báo cáo và thư từ vào năm 1870 cho thấy rằng Đông Đàng Trong hưởng được sự yên bình tương đối cho phép các thừa sai, nếu không thể trãi dài hoạt động thì ít nhất cũng có thể thăm viếng các sở họ và tiếp nhận đây đó những người mới theo đạo. Để tái thiết địa phận, Đức Cha Charbonnier phải bỏ ra hết mười ba năm. Dĩ nhiên, công cuộc tái thiết nào cũng đòi hỏi một nguồn tài chính dồi dào. Trong một bức thư ngài viết: «Theo đánh giá chung, tôi có thể nói thêm rằng từ khi nguời Pháp đến, vật giá gia tăng gấp đôi. Một hộc thóc tôi thấy bán ở Đàng Ngoài chưa đến 2 quan mà ở đây hiện giờ rẻ lắm cũng là 5 quan. Sấp vải giá 2 quan được bán với giá 6 quan». Về công việc trong Địa Phận, Đức Cha viết thêm: «Vào thời Đức Cha Cuénot, số trường học bị sút giảm vì cuộc bách hại nay đã phát triển. Hiện thời chổ ở rộng rãi và có khoảng 30 học sinh. Những học sinh này hằng năm tiêu tốn mỗi người khoảng hơn một trăm francs, và nhà nguyện mà chúng tôi vừa mới xây dựng xong, chỉ riêng nó thôi cũng tốn hết 8.000 quan. Hiện thời chúng tôi giảng đạo ở 5 làng lương dân, nghĩa là bên cạnh mỗi làng người lương, chúng tôi lập thêm một làng gồm toàn «những người đạo mới».
Trong thư ngày 1 tháng Giêng 1871, sau khi phúc trình bảng tổng kết hằng năm, ngài viết: «Mặc dầu những trở ngại gặp phải cũng như thiếu thốn phương tiện, kết quả này cũng an ủi phần nào ; thế nhưng một ý nghĩ ảm đạm phát sinh: sang năm chúng tôi sẽ làm gì đây? Ai sẽ đảm trách các cơ sở và 635 em cô nhi ? Trợ cấp của Bộ Đức Tin có còn không ?». Và Đức Cha kết thúc bức thư với những lời được xem như là điệp khúc của các thừa sai : «Hãy cầu nguyện và hy vọng». Số thống kê trong địa phận lúc này là 29.826 giáo dân. Nhân sự gồm 1 Giám mục, 10 thừa sai ngoại quốc, 25 linh mục bản xứ. Chủng viện có 1 thầy sáu, 8 phụ phó tế, 2 chức nhỏ và 4 cắt tóc. Trường chủng viện ở tỉnh Bình Định có 30 học sinh ; đây là trường dự bị cho trường lớn ở Pulo-Pinang.
Tháng Chạp 1872, Đức Cha gởi tường thuật chi tiết về chuyến đi kinh lý trong địa phận của mình. Trên đường đi, giáo dân và cả lương dân đổ xô đến với ngài : người thì muốn được dạy dỗ và khuyên nhủ, kẻ thì tò mò muốn tham dự vào những lễ nghi long trọng của đạo Công Giáo. Ngài viết: «Lương dân tuốn đến, xem và thán phục. Họ thú nhận rằng đạo công giáo rất tốt, nghi lễ thật uy nghi mà nơi họ không có gì sánh bằng. Do đó sự trở lại đạo sẽ không còn xa mấy. Ma quỷ biết điều đó và triều đình Huế cũng vậy, họ ra sức ngăn cản hết sức có thể. Những cuộc kiểm kê người công giáo mà các ngài đã nghe biết chẳng có một mục đích nào khác. Cách sách nhiễu này có được kết quả mà triều đình mong muốn. Lương dân khiếp sợ. Làm sao mà không sợ khi thấy giáo dân trẻ già, nam lẫn nữ, bị hành hạ, mất tiền bạc của cải, phải kê khai danh tính cho các quan lại, chừng như một cuộc bách đạo mới được chuẩn bị để chống lại họ. Các quan lại đã bắt chước triều đình theo bản năng hoặc do mật lệnh. 
Trong huyện của thừa sai Galibert (Lợi), một làng ngoại giáo xin theo đạo. Công việc tiến triển tốt đẹp, một số đã học giáo lý và chúng tôi hy vọng rằng dần dần những người khác sẽ làm theo. Ông quan hay tin, lập tức ra lệnh bắt những người đạo mới và ông thầy dạy đạo …Nhờ vào nỗ lực của thừa sai Galibert và sự cương quyết của vài người tân tòng nên tránh được mọi phiền phức, thế nhưng kết quả rỏ ràng rằng giáo dân trở nên lo lắng và bất an ; một gia đình đã quay trở lại ngoại giáo và các lương dân đã không nhắc đến việc trở lại nữa, trừ vài trường hợp hiếm hoi. Đó là cách mà triều đình Huế và các quan lại ngăn chận những cuộc trở lại đạo».
Cuộc thăm viếng tỉnh Quảng Nam kéo dài trong 2 tháng: thăm viếng các sở họ, số người chịu bí tích Thêm Sức vượt quá 2.000 người. Trên đường trở về, Đức Cha thánh hiến hai nhà thờ mới. Sau đó ngài trở về Bình Định để cử hành lễ Chầu Dầu và thánh hiến một nhà thờ tráng lệ nữa. Một nữa số linh mục bản xứ đã tề tựu về tham dự hai nghi lễ này. Nhân dịp này Đức Cha đã tổ chức tĩnh tâm chung do chính ngài giảng phòng cùng với sự giúp đở của thừa sai Van Camelbeke. Cuộc tĩnh tâm này mang lại nhiều kết quả khả quan.
Trong báo cáo năm 1874, Đức Cha Charbonnier nói về những báo động mà chính ngài cũng như các thừa sai đã phải phập phồng sống trong lo sợ. Đây đó người ta đồn đãi về dự định của những người văn thân, họ chuẩn bị tàn sát, cướp bóc và đốt nhà các giáo dân với sự tiếp tay của các quan lại. «Các nhân sĩ muốn giết hết hoặc là, bằng mọi trường hợp, tống khứ người Pháp và giáo dân, dựa trên những lý do đạo đức theo quan điểm Khổng giáo. Nghĩa là người nào không chống lại sự bất công, người ấy mất hết phẩm cách, như Khổng tử đã nói : Kiến nghĩa bất vi vô dũng dã (Thấy việc nghĩa mà không làm là không đáng làm người). Và «bất công» của thời cơ này là sự có mặt của những phần tử dị chất làm rối trật tự Khổng giáo và xã hội. …nếu nước Việt Nam trở nên một thứ Quốc gia Thiên Chúa giáo, các nhân sĩ sẽ là những nạn nhân hàng đầu vì họ có thể sẽ bị đuổi khỏi chính quyền và bao nhiêu công lao họ tự đào tạo, thi cử sẽ tiêu tan. Các nhân sĩ chắc chắn lo sợ còn hơn còn hơn các quan chức, bởi vì họ còn chưa có được một quy chế xã hội vững chắc, họ mới chỉ là người dự bị vào quan trường»[5].
Từ Quảng Nam, ngày 21 tháng Sáu 1874 thừa sai Galibert viết cho Giám Mục rằng: «Chúng ta có sắp bị tàn sát như lời người ta đồn đãi không? Con không thể nào biết được, thế nhưng chắc chắn rằng họ đã rèn giáo mác từ nhiều tháng nay và  binh khí của các ông quan nhỏ được trao toàn quyền sử dụng cho người văn thân. Phần con thì không một tất sắt trong tay, thập giá của người thừa sai sẽ thay thế tất cả. Con đã sẵn sàng nếu phải chết giữa giáo dân … chết trong hoàn cảnh như thế là chết vì đức tin». Nỗi lo sợ của Đức Cha và các thừa sai đã không trở thành hiện thực : ngày 15 tháng ba năm 1874, triều Nguyễn ký với Pháp một hòa ước được gọi là "Hòa ước năm Giáp Tuất" chấp nhận chủ quyền Pháp trên toàn thể sáu tỉnh Nam Kỳ, Cao Mên và Lào, cho Pháp đặt trú sứ tại Huế ngang hàng với thượng thơ, hủy bỏ tất cả các chỉ dụ cấm đạo, cho các thừa sai được tự do giảng đạo trong nước Việt Nam. Cùng với hòa ước này, hai bên cũng ký một thương ước cam kết mở cửa thương mại các cửa khẩu Thị Nại của tỉnh Bình Định, Ninh Hải của tỉnh Hải Dương, thành phố Hà Nội và sông Nhị Hà lên cho đến tận Vân Nam. Điều kiện chính trong thương ước này là quyền thu thuế 5 % giá trị hàng hoá khi ra vào (thuế muối là 10 %). Hàng hoá xuất từ Sài Gòn đến các cảng này hoặc từ các cảng này xuất đi Sài Gòn chỉ phải chịu một nữa thuế. Việc thu thuế bắt đầu tại các cảng nói trên do công chức người Pháp đảm trách cho đến khi người Annam thành thạo công việc. Cảng Thị Nại của Qui Nhơn mãi đến năm 1876 mới mở cửa thế nhưng hầu như không có hoặc rất ít tàu mang cờ Pháp qua lại cảng này. Nói chung, « thương gia Pháp chưa bao giờ có một vị trí mạnh tại Viễn Đông, ngay tại Việt Nam cũng thế, dầu đó là nơi họ có nhiều thuận lợi nhất: sự hiện diện của các thừa sai, các lãnh sự Pháp … »[6]. 
Nhờ những nổ lực kiên trì và sự khôn khéo của Đức Cha Charbonnier mà địa phận Đông Đàng Trong chổi dậy từ đống đổ nát do các cuộc bách hại. Nhiệm vụ của ngài đã hoàn tất, giờ tưởng thưởng đã đến: giữa tháng Sáu 1878, bị chứng lị hành hạ nặng nên  cần thay đổi không khí. Ngài dự định sang Hồng Kông, nhưng vừa đến Sài Gòn thì bệnh trở nặng, các bác sĩ khuyên ngài ở lại. Thừa sai Bossard Bạch, phụ trách truyền giáo ở An Khê,  người tháp tùng ngài đến Sài Gòn đã viết lại rằng : «Một ngày kia, tôi đề nghị trao đổi với ngài. Tôi cho ngài sức khoẻ của tôi để lấy bệnh tật và một nữa công nghiệp của ngài. Ngài nói lại rằng : «Ồ ! Không ! Hãy để tôi chết và cha sống, Chúa nhân lành đã muốn thế, phải chấp nhận tất cả». Thật vậy, Thiên Chúa không chấp nhận sự trao đổi này và khoảng 2 giờ chiều thứ Tư ngày  7 tháng Tám 1878, linh hồn ngài nhận lãnh chứng từ vinh quang trước toà Chúa mà Đức Giêsu Kitô đã hứa cho những ai tuyên xưng đức tin của mình trước mặt người đời: «Omnis ergo qui confitebitur me coram hominibus, confitebor et ego eam coram Patre meo qui in cœlis est» (Mt 10, 32).  Thân xác ngài yên nghĩ gần mộ của Đức Cha Pigneau de Béhaine và Đức Cha Miche. Khi nhận lãnh địa phận, vỏn vẹn chỉ có 4 thừa sai, 22 linh mục bản xứ, 22 chủng sinh, 8 cộng đoàn với 300 nữ tu và khoảng 26 ngàn giáo dân. Khi mất đi vào năm 1878, ngài để lại 18 thừa sai, 21 linh mục Annam, 95 thầy giảng, 80 chủng sinh, 400 nữ tu và 37.000 giáo dân, xây dựng được 177 nhà thờ hoặc nhà nguyện và nhiều cơ sở đào tạo hàng linh mục bản xứ cũng như giáo dục thanh niên.  
Để có một cái nhìn về công việc truyền giáo của địa phận trong thời kỳ tranh tối tranh sáng này, xin giới thiệu 2 bức thư: một bức thư viết năm 1865 của chính Đức Cha Charbonnier gởi cho Hội Đồng của Hội Thừa sai kể về chuyến đi nhận nhiệm sở của mình tại Gia Hựu và một bức thư viết năm 1868 của Cha F.X. Van Camelbeke, lúc bấy giờ là Tổng Đại Diện (và sau này là Giám Mục địa phận từ năm 1884 đến năm 1901), gởi cho người em là giáo sư tu từ ở Nantes, kể về chuyến kinh lý ra hai tỉnh phía bắc của địa phận là Quảng Ngãi và Quảng Nam.  


Cửa Kim Bồng hiện nay

Bình Định, lễ thánh Phanxicô Xaviê, ngày 3 tháng Chạp 1865[7]

Thưa chư vị,

Đã một năm trôi qua từ ngày tôi thưa chuyện với chư vị, với tư cách là tân giám mục về những trăn trở và nhu cầu trong giáo phận. Hôm nay tôi xin tóm lược những gì đã xảy ra trong khoảng thời gian này để chư vị tường tận.
Tôi tin rằng mình sẽ thiếu sót bổn phận đầu tiên của giám mục nếu rời Âu Châu mà không bái kiến vị Giám Mục của các giám mục, người Đại Diện Chúa Giêsu Kitô. Cuộc hành trình vỏn vẹn chỉ vài ngày ở Roma, những gì tôi đã thấy và nghe ở đó, và trên tất cả và sự chúc lành của Đức Giáo Hoàng chí tôn chí thánh, chắc chắn sẽ có một ảnh hưởng hữu ích trong suốt cuộc đời giám mục của tôi.
Thứ Tư ngày 19 tháng Tư 1865, đồng hành cùng hai thừa sai mới là Cha Curt và Derenne (Châu), tôi lên tàu ở Marseille để đi Đông Đàng Trong và ngày 20 tháng Năm đã đến Singapour. Thư của Cha Roy báo cho tôi biết rằng một chiếc thuyền của người Annam sẽ đến đón tôi ở Sài Gòn vào khoảng cuối tháng Sáu để đưa tôi về địa phận. Lợi dụng sự chậm trể này, tôi đi thăm chủng viện ở Pulo-Pinang, nơi chúng tôi có 21 sinh viên thần học và latinh đang theo học. Chủng Viện gồm khoảng hơn một trăm học sinh. Tôi hoàn toàn hài lòng với cách giáo dục về khoa học và đạo đức cho những thanh niên này.
Tôi đã đến Sài Gòn ngày 22 tháng Sáu. Tại đây, một thừa sai thứ ba chờ đón tôi, Cha Van Camelbeke. Của cải chúng tôi tương đối nhiều mà bọn hải tặc hoành hành trên khắp bờ biển Annam. Tôi quyết định phân tán ra: Cha Van Camelbeke, người đã thành thạo ngôn ngữ, cùng với Cha Derenne đi đến các tỉnh gần với nhượng địa của Pháp nhất và do đó là nơi ít sợ hải tặc, trong khi Cha Curt và tôi đi Bình Định, nằm ở trung tâm địa phận. 
Chúa nhân từ đã chúc lành cho việc làm đầu tiên này của tôi trong chức vụ giám mục. Cha Van Camelbeke đã có thể thăm viếng ba trong sáu tỉnh của địa phận và ban bí tích Thêm Sức cho hơn hai nghìn người. Vừa khi ngài đến một sở họ kia, niềm vui và sự tin tưởng dâng lên trong mọi tâm hồn. Tôi gửi chư vị bức thư của vị thừa sai nhiệt thành này đã viết cho tôi: đây là một bài tường thuật về cuộc chạy đua tông đồ trên con đường hơn năm mươi dặm và kéo dài trong 5 tháng.
Về phần chúng tôi, không phải là không lo lắng khi nghĩ đến chuyến đi về Bình Định; nhưng nỗi lo sợ tan biến ngay lập tức nhờ Đô Đốc Roze, nhiếp chính ở Sài Gòn. Ngày tôi đưa Cha Van Camelbeke và Derenne lên thuyền đi, tôi có hỏi Đức Cha Miche về các phương tiện để thực hiện hành trình. Vào ngày 5 tháng Bảy, Đức Cha báo cho tôi hay có một chuyến tàu hộ tống đang thả neo trên sông sẽ đi Hồng Kông vào ngày 12. Nó có thể kéo theo một chiếc thuyền Annam chở chúng tôi ra khơi đi cho đến nửa chặng đường, rồi từ đó chúng tôi hướng về địa điểm cập bến. Theo ý kiến này, tôi tìm gặp ngài Đô Đốc, ông dễ dàng tán thành dự định này. Rồi ông nói thêm: “Nhưng hộ tống hạm rất lớn và sóng của nó có thể nhấn chìm chiếc thuyền của Đức Cha; một chiếc tàu thuỷ nhỏ sẽ thích hợp hơn”
Và rồi tự tay trãi tấm bản đồ lên bàn tìm cửa biển Kim Bồng, ông nói: “Con không tiếc gì khi điều một tàu chiến đi đến tận nơi … Con sẽ viết thư cho thuyền trưởng và Đức Cha có thể lên đường khi nào đã sẵn sàng”.
Bốn ngày sau, mọi sự đã sẵn sàng, Cha Curt và tôi dùng bữa tối ở nhà ngài Đô Đốc. Vị thuyền trưởng mà chúng tôi đến thăm nhà đêm hôm trước cũng ở vào số những khách mời. Với sự tốt bụng vốn có, ngài Đô Đốc nói với chúng tôi: “Tôi tập họp mọi người lại đây để bàn thảo chi tiết của cuộc hành trình”. Chúng tôi quyết định sẽ khởi hành vào ngày mai lúc 7 giờ. Ngài Đô Đốc không muốn nghe lời cám ơn, ông nói: “Phục vụ các thừa sai là một vinh dự đối với con”.
Chúng tôi rời Sài Gòn ngày 11 tháng Bảy và đến Bình Định vào thứ Tư ngày 14. Ông quan coi cửa khẩu để chúng tôi đi bình yên. Giáo dân rất vui mừng thế nhưng hai tháng sau tôi phải chứng kiến họ chết vì đói … Sau nạn đói là dịch bệnh và đoàn chiên của tôi chết hàng loạt. Xin hãy cầu nguyện nhiều cho chúng tôi. Sự trợ giúp vật chất của chư vị rất cần thiết vì chúng tôi không còn gì cả và lời cầu nguyện của chư vị còn khẩn thiết hơn để vực dậy từ đống đổ nát hoang tàn do cuộc bách hại.
Thành thật tri ân.
Trong Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta.
Eugène
Giám Mục hiệu toà Domitiopolis

Phần còn lại của hang đá Đức Mẹ ở Gia Hựu



Đại Diện Tông Toà Đông Đàng Trong

Đông Đàng Trong, tháng Giêng 1868[8]

Chú em thân mến,
Cách đây vài tháng, tôi đã rời sở Gia Hựu, thuộc tỉnh Bình Định, để tháp tùng Đức Cha Charbonnier đi thăm hai tỉnh nằm ở phía bắc địa phận này là Quảng Ngãi và Quảng Nam. Tôi thuật lại cho chú về chuyến đi này.
Chúng tôi lên đường vào ngày 16 tháng Chạp 1867, cùng đi có vài linh mục bản xứ và chức việc các sở họ mà chúng tôi sẽ viếng thăm, bắt đầu bằng tỉnh Quảng Ngãi. Từ khi ký những hiệp ước cuối cùng, người ta có thể hành đạo công khai mà không gặp sự chống đối ác ý nào của chính quyền địa phương. Vì thế, trong tỉnh Quảng Ngãi, dường như không gì có thể cản lại đà tiến, các kitô hữu có thể tha hồ tổ chức những cuộc biểu dương tôn giáo cách tưng bừng mà cho đến lúc bấy giờ đã bị cấm đoán vì cuộc bách đạo. Giáo dân từ xa đến gặp gỡ giám mục của mình, với cờ xí và ban nhạc. Họ long trọng rước ngài đến tận ngôi nhà nguyện của trạm dừng chân, vừa đi vừa hát thánh ca. Bọn trẻ con mặc áo quần ngũ sắc diêm dúa, mang đôi cánh giả làm cơ binh các thiên thần. Chúng hò hét những âm thanh chát chúa lẫn vào tiếng rùm beng lạc nhịp của trống chiêng. Hẳn nhiên, mọi sự đều rất thô sơ. Âm nhạc thì không nhịp phách cũng chẳng được hoà âm khéo léo như chúng ta thường quen tai nghe ở Âu Châu. Nhà nguyện thì lấp lánh nến đèn, thường chỉ được trang hoàng bằng cây thánh giá hoặc một bức ảnh màu. Chỉ một lần duy nhất, chúng tôi ngạc nhiên nhìn thấy tượng Đức Mẹ Maria đặt trên bàn thờ, bao quanh là hoa nến. Đây là cả một sự xa xỉ hiếm hoi ở xứ này. Với niềm hạnh phúc vô bờ, chúng tôi quỳ dưới chân Mẹ nhân lành đang mĩm cười dang tay về phía mình! Bằng cả sự hứng khởi của tâm hồn và cung giọng hân hoan, mọi người thưa lại lời kinh Magnificat mà chúng tôi bắt lên để chào đón Mẹ Maria!
Điều làm cho tất cả những nghi thức long trọng này mang một vẻ đẹp thật sự chính là tình cảm đạo đức đã thấm nhập vào những người dân này và ngời sáng trên mọi khuôn mặt, đó là sự ham muốn lắng nghe Lời Chúa, đó là thái độ xúc động và trầm lặng của mọi người, đó là vẻ hạnh phúc thiên thần của những người đến gần bàn thánh.
Ngày 25 tháng Chạp, Đức Cha Charbonnier cử hành lễ trọng thể trong nhà nguyện của một sở họ. Sự hiện diện của vị giám mục đã làm cho ngày lễ Noel nên trọng thể hơn dưới mắt những kitô hữu tốt lành của chúng ta. Họ đã không tiếc gì màn trướng, câu đối, đèn nến! Giáo dân đã hội tụ về đây từ cách xa mười lăm hai mươi dặm, mang theo lương thực cho nhiều ngày, họ về đông gấp sáu lần sức chứa của nhà nguyện. Đức Cha Charbonnier hát đại lễ, tôi giúp ngài như một linh mục phụ tế, hai linh mục bản xứ làm nhiệm vụ phó tế và phụ phó tế, các thầy giảng cầm sách lễ. Tôi không biết diễn tả thế nào về sự thán phục của những bổn đạo này khi lần đầu tiên họ được nghe lễ hát cử hành tại chính nơi mình ở, thế nhưng tôi có thể nói được với chú về một ấn tượng sâu đậm và dịu êm vẫn còn đọng lại nơi tôi. Khi ngày dần tàn, đám người rời bỏ cung thánh nơi mà họ đã hưởng nếm niềm vui rất thanh khiết, nơi mà họ cảm thấy rất gần với Thiên Chúa.
Tôi chỉ kể vắn tắt những chi tiết này vì không thích hợp để dông dài về thắng lợi. Khi qua tỉnh Quảng Ngãi để vào Quảng Nam, chúng tôi đã gặp phải điều tệ hại và sĩ nhục trên đường đi. Tôi sẽ nói nhiều hơn về phần khó chịu này, nhưng cũng không kém phần xứng đáng trong chuyến đi.
Trong tỉnh Quảng Nam, bọn người văn thân có đông hơn ở những tỉnh khác ở Đông Đàng Trong. Đám người này là kẻ thù dai dẵng của chúng ta bởi vì đối với họ mọi chân lý, mọi khoa học đều nằm trong sách vở của Khổng Tử. Nếu họ không còn có thể tạo nên chiến tranh bằng những cuộc bách hại công khai nữa, thì họ vẫn có thể âm thầm xúi giục, cố ý sách nhiễu để làm hại các bổn đạo cũng như ngăn cản lương dân trở lại đạo. Những hiệp ước do chính phủ Annam ký kết với Nước Pháp để đạt được sự hoà bình đã không thể làm họ thay đổi khuynh hướng. Vì thế, đừng ngạc nhiên khi thấy rằng, dầu cho triều đình Huế có thiện ý, các quan lại vẫn có trăm ngàn cớ để né tránh các hiệp ước và cản trở công việc của các nhà truyền giáo. Ngày 21 tháng Giêng 1868, chúng tôi đi Quảng Nam. Vừa đến phủ đầu tiên, chúng tôi trình giấy thông hành do Đô Đốc Pháp ký bảo đảm cho chúng tôi quyền giảng đạo trong sáu tỉnh của địa phận. Thấy giấy tờ hợp lệ, quan tri phủ để chúng tôi tiếp tục hành trình. Bước đầu tiên vượt qua khá dễ dàng này dường như là một điềm lành và chúng tôi tiến bước đầy tin tưởng. Khi chạm đến ranh giới lảnh thổ của một quan huyện kia, chúng tôi gặp một người chỉ huy lính cấp bậc đội trưởng, dàn dọc theo bên đường là hai trăm lính trang bị giáo mác. Trong khoảnh khắc, đoàn chúng tôi bị đám người này bao vây. Chúng tôi đã là những tù nhân.
Viên chỉ huy lên giọng kẻ cả hỏi chúng tôi đi đâu.
Đức Cha Charbonnier trả lời: “Chúng tôi đi giảng đạo và thăm viếng giáo dân”.
“Có giấy thông hành không? Trình ra đây”
Ngay lập tức chúng tôi trình các giấy tờ viết bằng chữ Hán. Ông ấy chỉ liếc nhìn và nói:
“Quan tri huyện truyền cho các ông về dinh, các ông đi không?”
Đức Cha trả lời: “Nếu quan huyện truyền lệnh, tại sao chúng tôi không đi?”
Thật ra làm sao mà chúng tôi có thể chống cự lại hai trăm tay sai trang bị giáo mác và dây thừng sẵn sàng trói những ai có ý định phản kháng chứ? Thế là chúng tôi đành phải rẽ theo hướng đi mới, có lính tiền vệ, hậu vệ và đội quân hai bên. Viên chỉ huy trưng dụng quân ở mỗi ngôi làng mà chúng tôi đi qua, chẳng bao lâu, đoàn áp tải lên đến sáu trăm người. Ban đêm, họ đốt đuốc để canh chừng chúng tôi. Chúng tôi cứ đi như thế cho đến 1 giờ sáng. Đến huyện đường, Giám mục và tôi được dẫn trình diện đầu tiên trước quan tri huyện. Dầu cho bấy giờ đã là nữa đêm nhưng tất cả nhân sự của huyện đường đều có mặt, vũ khí cầm tay. Quan huyện chờ chúng tôi, ngồi trên bục cao sâu bên trong pháp đình, phía dưới là các cận thần, viên thư lại tay cầm tờ giấy và bút lông. Đám binh lính tóm chặt lấy tay chúng tôi lôi đi về phía quan huyện và dừng ở giữa sân, giữa hai hàng cận vệ. Chúng tôi bị đem làm trò cho đám người xấc láo này. Một người Annam cầm đèn soi sát mặt giám mục để thoả mãn cho đám người tò mò muốn nhìn thấy mặt mũi một người ngoại quốc, nhất là hàng râu rậm của ngài.
Quan tri huyện, một thanh niên khoảng vừa hai lăm tuổi, bắt đầu khinh khỉnh cao giọng hỏi cung bằng tiếng Annam:
“Các ông là ai ? Đi đâu ? »
Đức Cha trả lời : « Tôi là giám mục, người đi theo tôi đây là linh mục. Chúng tôi đi thăm giáo dân và rao giảng đạo Chúa Trời »
« Có giấy thông hành không ? »
« Thưa quan có, chúng tôi có giấy tờ hợp lệ »
Một anh lính lấy giấy tờ từ tay giám mục và trao cho quan huyện, ông truyền đọc to lên. Theo ông, những giấy tờ này chưa đủ vì không có phép của các quan trên lãnh thổ mà chúng tôi đi ngang qua. Ông truyền lệnh bắt giam chúng tôi để chờ triều đình Huế xét xử.
Vị Giám Mục lên tiếng với ông rằng : « Từ ba năm nay, chúng tôi đã đi đây đó khắp năm tỉnh với giấy tờ này và giấy thông hành này hợp lệ trước các quan phủ huyện khác, do đâu mà lại không giá trị gì chỉ trong tỉnh này ? »
Ông quan bối rối trả lời bừa :
« Bởi vì các quan khác không làm đúng bổn phận của mình »
Tuy nhiên, vì không dám trút cơn giận dữ trên chúng tôi nên ông đã bắt những người tuỳ tùng. Ba linh mục và sáu thầy giảng bản xứ bị bắt với chúng tôi đã được dẫn đến, tra hỏi, rồi bị kết án : linh mục ba mươi trượng và các thầy giảng hai mươi trượng.
Tức khắc, đám lính đổ xô vào những người bất hạnh đáng thương này, bắt họ nằm dài ra mặt úp xuống đất, chân tay bị trói cột căng vào các trụ cọc. Trận đánh roi bắt đầu dưới mắt chúng tôi. Không thể nào nói hết sự phẫn nộ khi thấy những người đồng hành thân yêu bị xử phạt, cuộc hành hình xé nát tâm can chúng tôi theo tiếng vút của phát roi và tiếng la của nạn nhân.
Đức Cha la lớn lên : « Bẩm quan, đây là những giúp việc và là con cái tôi. Đánh họ là đánh chính tôi »
Ông quan đáp lại : « Cứ đánh nữa, đánh mạnh lên ! »
Sau cuộc xử phạt man rợ, họ khám xét hành lý hòng tìm thấy vũ khí, nhưng chỉ có sách, áo quần và các vật dụng thờ tự. Họ trả lại cho chúng tôi. Đoạn ba linh mục bản xứ và sáu thầy giảng bị đóng gông và nhốt vào tù. Giám Mục và tôi bị dẫn vào một túp lều chật hẹp ở giữa chợ. Vật dụng trong lều chỉ có một cái phản trãi chiếc chiếu gớm ghiếc dơ bẩn. Đó chính là gường và ghế của chúng tôi. Chúng tôi như những con thú hoang bị đem ra trưng bày dưới ánh mắt tò mò của mọi người. Tuy nhiên, giữa đám người xấc láo ấy, chúng tôi nhận ra những khuôn mặt đau khổ, cặp mắt ngấn nước. Họ chính là những bổn đạo đã hay tin chúng tôi bị bắt. Họ đến để âm thầm chứng tỏ sự đồng cảm. Rất dễ dàng nhận ra họ vì diện mạo của người bổn đạo có cái gì đó thanh khiết, đáng yêu và dịu dàng. Họ mang trên trán mình ánh phản chiếu của bí tích rửa tội. Những giáo dân thân yêu này thăm nuôi chúng tôi, họ mang đến gạo và những lương thực khác. Luật lệ Annam để cho thân nhân và bạn bè thăm nuôi tù nhân. Sự cam chịu và trầm tỉnh của Giám mục đã thêm sức mạnh cho tôi. Chúng tôi đọc sách, thảo luận và đọc kinh cùng nhau, ngũ chung trên chiếc phản mỗi người một đầu mà chẳng hề bận tâm đến lính canh cũng như đám người tò mò. Chỉ có một điều khấy động sự bình yên của chúng tôi đó là nỗi đau khi phải cách xa những người đồng hành.
Sự giam cầm kéo dài trong một ngày rưởi và hai đêm cho đến khi được lệnh quan lớn của tỉnh, chúng tôi được trả tự do. Bắt buộc phải thả chúng tôi ra, ông quan nhỏ truyền lính hộ tống chúng tôi đi khỏi lãnh thổ mình.
Thật vui mừng khi gặp lại và ôm chầm lấy những người đồng hành cũng vừa được thả ra, được tự do hít thở khí trời và tiếp tục hành trình mà không bị ngăn cấm, ít ra là theo như chúng tôi nghĩ. Chúng tôi hầu như quên hết nỗi buồn phiền và lên đường đến một sở họ có đông giáo dân. Bổng nhiên, trên bờ sông, chúng tôi gặp một đám lương dân trang bị gậy gộc chặn đường. Việc làm tuỳ tiện của ông quan huyện kia đã có thêm một hưởng ứng từ xa. Những lương dân này không muốn chúng tôi đi qua làng bởi vì họ cho rằng quan đã ngăn cấm. Đức Cha nói cho họ biết chúng tôi được trả tự do như thế nào theo lệnh của quan lớn. Họ không muốn tin, và khi chúng tôi còn đang bàn cãi thì một toán vũ trang khác nhập lại với toán đầu tiên. Chúng tôi cứ ở yên như vậy dưới ánh mặt trời, trên bờ sông, từ trưa cho đến tối. Họ gởi người cấp tốc đến huyện đường để thăm dò sự việc thể nào và người này chỉ trở về vào lúc nữa đêm. Chúng tôi lại được phép tiếp tục hành trình.
Cuối cùng, chúng tôi cũng đến được sở họ kia. Sự tiếp đón đã làm cho dịu đi nỗi nhọc nhằn và đói khát của cuộc hành trình. Khi so sánh những người hành động theo bản năng và những người được ân sủng hướng dẫn, ta cảm nhận được sự biến đổi mà tôn giáo tác động trên tâm hồn con người ! Cuộc lưu trú của chúng tôi ở sở họ này không phải là không có biến động và hiểm nguy. Những toán lương dân kéo đến rình mò quanh nhà ; trong đêm, họ hò hét, cải lộn và đánh nhau. Họ nhổ rào giậu chung quanh, muốn nhìn thấy người Châu Âu. Họ bàn mưu đốt nhà, cướp của và giết chúng tôi. Được cảnh báo kịp thời, chúng tôi bí mật rời chổ trú, một giáo dân đón chúng tôi trong một căn nhà ở nơi hoang vắng, sát chân núi.
Vì không thể thi hành nhiệm vụ giữa những biến động như thế này, cũng như luôn có những nguy hiểm cho giáo dân cũng như cho chính mình, Đức Cha quyết định rời bỏ tỉnh này và trở về Bình Định, nơi chúng tôi ở hiện giờ. Ngài đã gởi ra Huế một bản tường trình về thái độ của ông quan tri huyện kia.
Chào tạm biệt, chú em yêu dấu …
F.X. Van Camelbeke

[1] Các dữ kiện cũng như báo cáo trong bài là của archivesmep.mepasie.org
[2] Annales de la propagation de la foi (38), Lyon, 1866, t. 264
[3] Sách đã dẫn ở trên, tr. 262
[4] Sách đã dẫn ở trên, tr. 266
[5] Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa, Yoshiharu Tsuboi, bản dịch Nguyễn Đình Đầu, 1992, nxb Trẻ, tr. 254
[6] Sách đã dẫn ở trên, t. 96
[7] Annales de la propagation de la foi (38), 1866, tr. 259
[8] Les missions catholiques (1868), tr. 68