Thứ Năm, 30 tháng 9, 2010

TIN GIÁO PHẬN QUI NHƠN THÁNG 9

 BAN TRUYỀN THÔNG VĂN HOÁ
Từ ngày 7 đến 9 tháng Chín, cha Trưởng ban Truyền Thông Văn Hoá giáo phận Qui Nhơn Phaolô Nguyễn Minh Chính và cha Phaolô Trương Đình Tu đã đi Huế để tham dự cuộc Hội thảo “Thân thế và sự nghiệp Linh mục Léopold-Michel Cadière (1869-1955)”, do Uỷ Ban Văn Hoá HĐGMVN, Toà Tổng Giám Mục Huế và Câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình phối hợp tổ chức.
Đây là cuộc hội thảo có tính khoa học và học thuật cao, với 15 bài tham luận của các nhà nghiên cứu khắp ba miền và Pháp quốc. Tại hội trường của Trung Tâm Mục Vụ Huế, với sự tham dự của 13 giám mục và 600 khách mời gồm các nhà nghiên cứu và các nam nữ tu sĩ, 13 bài tham luận đã được trình bày (có 2 nhà nghiên cứu không đến dự được vì lý do sức khoẻ là ông Nguyễn Đình Đầu và Cha Moussay). Mỗi bài tham luận đều đi kèm với bài phản biện của một nhà nghiên cứu khác, sau phần thuyết trình là phần phản biện và ý kiến của các tham dự viên. Dường như sự phong phú của đề tài đã không thể gò bó trong khoảng thời gian hạn hẹp nên các diễn giả luôn vượt quá giờ quy định và được vị chủ toạ nhắc nhở nhiều lần, điều này càng làm cho bầu không khí hội trường trở nên sôi động gấp gáp. Có một câu nói của Cha Cadière luôn được các diễn giả nhắc đi nhắc lại là: “Khi đã nghiên cứu và đã hiểu người Việt Nam, tôi đã yêu mến họ. Tôi đã yêu mến họ vì  tài thông minh và trí sắc sảo của họ… Tôi đã yêu mến họ vì những nhân đức luân lý của họ… Tôi đã yêu mến họ vì tính cách của họ… Sau hết, tôi đã yêu mến  họ vì những đau khổ của họ”. 
Suốt ba ngày, qua các tham luận và ý kiến, mọi người đã nhận diện một cách rõ nét hơn chân dung một Léopold Cadière đa năng, đa tài trên nhiều lãnh vực, nhưng nổi bật nhất là như một thừa sai nhiệt tình, gương mẫu và một nhà nghiên cứu khoa học uyên bác, nghiêm túc. Đâu đó phảng phất một câu hỏi và người ta tìm cách trả lời rằng làm sao mà ngài có thể dung hoà và tìm ra thời gian cho cả hai nhiệm vụ vừa là một thừa sai vừa là nhà khoa học. Cha Etcharren cho rằng đó là do “thực tại đức tin Kitô giáo và ơn gọi linh mục của ngài”: “Sẽ là một thiếu sót trong việc tưởng nhớ ngài nếu chúng ta không dám khẳng định rằng trước hết, ngài là con người của đức tin. Chiều kích tâm linh này đã là nền tảng cho những chọn lựa quan trọng nhất của cuộc đời ngài. Tính nghiêm túc khoa học đáng khâm phục trong các tác phẩm của cha Cadière đòi buộc chúng ta phải dành cho thực tại đức tin Kitô giáo và ơn gọi linh mục của ngài, một vị trí xứng đáng”. Và cha cũng đã trích dẫn ý kiến của Gabriel Lebras trong cuộc hội thảo tại Học Viện Công Giáo Paris ngày 16 tháng 1 năm 1956 rằng: Việc nghiên cứu khoa học không phải là mục đích cuối cùng của ngài. Hiểu biết để phục vụ: đó là phương châm của ngài. Ngài hiểu rằng vị thừa sai phải đối thoại với những con người có truyền thống, tình cảm và ngôn ngữ của riêng họ Nhà xã hội học không nên can dự vào trong lãnh vực mục vụ. Nhưng vị mục tử chỉ đúng nghĩa là vị mục tử khi có được sự hiểu biết chính xác về người dân của mình.
Giáo hội Việt Nam nói chung và Giáo phận Qui Nhơn nói riêng vẫn còn có những nhân vật văn hoá khác xứng đáng được tôn vinh. Sự thành công của cuộc hội thảo đã khiến Giáo sư Chu Hảo, đại diện Quỹ Văn hóa Phan Chu Trinh, lên tiếng sẵn sàng cộng tác với Giáo Hội để mở nhiều hội thảo tương tự, trên cả khắp ba miền, với tinh thần “hưng dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh, và với tư cách Giám đốc kiêm Tổng Biên tập Nhà xuất bản Tri Thức, ông hân hoan đảm nhận in ấn và xuất bản cuốn Kỷ yếu gồm tất cả các bài tham luận trong cuộc hội thảo này trong thời gian sắp tới.
Ngày 14/9, cha Phêrô Võ Tá Khánh cũng đã đại diện ban Văn Hoá giáo phận đi dự cuộc họp mặt định kỳ của Uỷ ban Văn Hoá HĐGMVN tại Sàigòn do Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống chủ toạ. Cuộc gặp mặt này đồng thời cũng là cuộc hội thảo với chủ đề “Khuynh hướng tục hoá, một thách thức trong hội nhập văn hoá tại Việt Nam” với các đề tài được trình bày: Giáo Hội trước cuộc thách thức tục hoá (Lm. Đaminh Nguyễn Đức Thông, DCCT); Khuynh hướng tục hoá, một thách thức trong hội nhập văn hoá tại Việt Nam (Lm. Albertô Nguyễn Lộc Thọ, Dòng Đaminh); Hội nhập văn hoá Kitô giáo tại Á Châu giữa nền văn hoá đa phương (Lm. F.X. Phó Đức Giang, Dòng Phanxicô).  


HẠT BÌNH ĐỊNH

- Khánh thành nhà nguyện họ Nại (Tân Dinh).

Lúc 08g30 ngày 07/09/2010, cha Tổng Đại Diện thay mặt Đức Cha Phêrô đã về giáo họ Nại, giáo xứ Tân Dinh chủ sự thánh lễ mừng bổn mạng: sinh nhật Đức Mẹ và khánh thành ngôi nhà nguyện mới. Nhân dịp nầy có 16 cha trong hạt Bình Định về đồng tế và khá đông giáo dân trong ngoài giáo xứ đến chia vui cùng với giáo họ. Đây là lần đầu tiên Họ Nại tiếp đón các cha đông nhất về tham dự sự kiện đặc biệt nầy. Sau thánh lễ là tiệc mừng với những thức ăn độc đáo “cây nhà lá vườn” của vùng nước mặn Họ Nại.
Cha sở Tân Dinh Gioakim Huỳnh Công Tân cho biết giáo họ Nại, một giáo họ ít giáo dân nhất trong 07 giáo họ của giáo xứ Tân Dinh; chỉ vỏn vẹn 17 hộ gồm 100 nhân khẩu. Đa số dân chúng làm muối, phần ít chài lưới. Giáo họ Nại cách nhà thờ Tân Dinh 03km, nằm sâu giữa vùng nước mặn của đầm Thị Nại, đường đi thật khó khăn bởi ngăn cách nhiều sông rạch!
Tuy nhiên “đường đi khó không phải vì ngăn sông cách núi” cộng với tinh thần đạo đức, đoàn kết và yêu thương của 100 người là động lực để cha sở đương nhiệm Gioakim Huỳnh Công Tân quyết tâm xây dựng lại ngôi nhà nguyện mà cha Aug. Nguyễn Thanh Long xây dựng năm 1957 và nay đã đổ nát vì chiến tranh. Ngôi nhà nguyện mới này có kích thước khiêm tốn (7,5m x 15m) nhưng thật khang trang và ấm cúng cho bà con giáo hữu trong giáo họ này.
Ai từng đặt chân đến vùng đất Họ Nại mới thấy rõ ràng hơn việc xây dựng ngôi nhà nguyện nầy là một nỗ lực lớn lao và tinh thần hy sinh của cha sở và số giáo dân ít ỏi tại đây. Cha Tổng Đại Diện Phêrô Hoàng Kym, nguyên cha sở Tân Dinh, khi ban huấn từ cuối lễ đã không thể không nhắc lại tinh thần đạo đức truyền thống xưa nay của Họ Nại. Ngài tỏ ý khâm phục tinh thần trách nhiệm của tất cả giáo dân Họ Nại không chỉ khi xây dựng nhà thờ họ mà cả trong việc phục vụ việc chung tại giáo xứ nữa tuy số giáo dân ít nhất trong các giáo họ.
Giáo họ Nại ghi dấu hồng ân Thiên Chúa và tạ ơn Mẹ Maria nên chọn ngày 07/09 (thay vì 08/09) để khánh thành. Xin Thiên Chúa chúc lành và trả công bội hậu cho những người làm phúc cho giáo họ nầy.

HẠT QUẢNG NGÃI
- Trại Truyền thống Giới trẻ 02 tháng 9.
Hằng năm vào ngày này, giáo xứ Châu Ổ tổ chức ngày hội trại cho tất cả các bạn trẻ của các giáo xứ trong giáo hạt Quảng Ngãi, tuổi từ lớp 10 trở lên, trong khuôn viên nhà thờ giáo xứ và tu viện DCCT Châu Ổ. Bắt đầu 7g30 sáng và kết thúc 9g30 tối. Năm nay có 330 trại viên, chia thành 32 trại, cùng với 04 tiểu trại điều hành do các giảng viên giáo lý của giáo xứ Châu Ổ và đại diện các giáo xứ bạn đảm trách. Đặc biệt năm nay thay cho trò chơi lớn vào buổi sáng, các em được học hỏi sứ điệp của ĐTC Bênêđíchtô XVI gởi Ngày Quốc tế Giới trẻ vào Chúa nhật Lễ Lá 2010, với chủ đề: “Lạy Thầy nhân lành, con phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” (Mc 10, 17). Sau nửa giờ đồng hồ các em được nghe Cha Phaolô Thọ trình bày Sứ điệp, các em về 04 tiểu trại cùng nhau thảo luận 07 câu hỏi được nêu (tự do chọn vài ba câu), đúc kết để trình bày trước toàn thể hội trại. Buổi chiều các em tham dự trò chơi thi đua, trước khi dâng Thánh Lễ vào lúc 4g30 trong nhà thờ. Từ 6g30, các em quây quần bên đống lửa trại to lớn, thưởng thức rất nhiều tiết mục văn nghệ phong phú do mỗi giáo xứ góp phần. Dù buổi chiều trời mưa nặng hạt, nhưng hội trại vẫn sinh hoạt tốt đẹp trong bầu khí hân hoan và nhiệt tình của giới trẻ. Một tuần sau được biết các giáo xứ ra về bình an, không có gì đáng tiếc xảy ra.

HẠT PHÚ YÊN
- Lễ khởi công nhà thờ Chợ Mới, giáo xứ Mằng Lăng
Ngày 15/9, giáo xứ Mằng Lăng, giáo hạt Tuy Hòa đã khởi công xây dựng nhà thờ giáo họ Chợ Mới. Đây là một sự kiện đáng ghi nhận hướng về dịp kỷ niệm 400 năm Tin Mừng được truyền giảng nơi giáo phận Qui Nhơn (1618-2018). Theo bản thiết kế của công ty kiến trúc Kiều Ân (Sàigòn), ngôi nhà thờ mới sẽ toạ lạc trên nền cao 1m2, dài 33m, rộng 10m, hành lang hai bên rộng 1m8, riêng cung thánh có thêm cánh gà hai bên và rộng 16m.
Đức giám mục giáo phận Phêrô Nguyễn Soạn đã chủ sự nghi thức đặt viên đá khởi công với sự tham dự của linh mục Tổng đại diện Phêrô Hoàng Kym; các linh mục hạt trưởng Bình Định, Tuy Hòa; linh mục Phêrô Nguyễn Cấp, chính xứ Mằng Lăng; các linh mục tu sĩ trong ngoài giáo phận và đông đảo giáo hữu trong vùng.
Giáo họ Chợ Mới hiện có khoảng 500 giáo hữu. Tuy nhiên, trong các sinh hoạt phụng tự, nhà thờ giáo họ còn đón nhận thêm hàng trăm giáo hữu của hai giáo họ Đồng Cháy và Xóm Làng kế cận. Ngôi nhà thờ cũ, được xây dựng năm 1962 dưới thời linh mục Phaolô Nguyễn Xuân Bàn, nhỏ hẹp và mục nát nên không còn đáp ứng được nhu cầu mục vụ của số giáo hữu nơi đây.
Giáo họ Chợ Mới ngày nay là một trong 6 giáo họ của giáo xứ Mằng Lăng. Tuy nhiên, cách nay khoảng 3 thế kỷ, Chợ Mới là một giáo họ chính yếu và chính thức trong vùng Phú Yên. Theo tường trình của linh mục Bourgine về Hội Thừa sai Paris năm 1747, Chợ Mới và 21 giáo điểm trong vùng đã có 134 gia đình công giáo. Trước đó, theo tường trình của linh mục Ausiès (MEP) năm 1693, vùng Chợ Mới đã có 13 thầy giảng (catéchiste) người bản xứ. Vùng Chợ Mới như thế đã đón nhận Tin Mừng ít nhất hơn 350 năm và Á thánh Anrê Phú Yên (sinh quán nơi vùng Mằng Lăng) là vị tử đạo đầu tiên của Giáo Hội Công giáo Việt Nam vào năm 1644.
- Lễ giỗ Cha Phêrô Tuần Nguyễn Cao Hiên.
Nhân dịp kỷ niệm 1 năm qua đời của cha Phêrô Tuần Nguyễn Cao Hiên (19.9.2009-19.9.2010), thuộc hàng linh mục giáo phận Qui Nhơn, cha sở Tịnh Sơn Giuse Lê Thu Thâu đã tổ chức lễ Giỗ long trọng tưởng niệm và cầu nguyện cho cha cố Phêrô Tuần Nguyễn Cao Hiên tại nhà thờ giáo xứ Tịnh Sơn, nơi cha cố đã từng làm cha sở suốt 26 năm (1971-1997). Trong thánh lễ đồng tế do cha hạt trưởng Phú Yên chủ tế còn có sự hiện diện của người bạn thân thiết của cha cố là cha Phaolô Trương Đắc Cần, quý cha trong và ngoài giáo hạt Phú Yên, các thầy phó tế, các tu sĩ hai hội dòng Phaolô và Mến Thánh Giá, và đông đảo bà con giáo dân thuộc giáo xứ Tịnh Sơn và Sơn Nguyên. Trong bài giảng lễ, cha Võ Tá Khánh đã nhắc lại một số chứng từ sống động trong cuộc đời mục tử của cha cố như một gọi mời cộng đoàn tiếp tục khám phá những nhân đức của cha cố để cùng noi gương bắt chước. Và cũng nhân dịp lễ Giỗ nầy, Ban mục vụ linh mục giáo hạt Phú Yên đã phát hành tập tài liệu "Sưu tập sơ khởi những kỷ niệm về linh mục Phêrô Tuần Nguyễn Cao Hiên" với tựa đề “Tấm lòng cho người nghèo”.Trong lời giới thiệu, Cha Hạt trưởng Phú Yên Giuse Trương Đình Hiền viết: “Kẻ ở lại quá nhớ thương đến độ muốn “Đập cổ kính ra tìm lấy bóng”... Tuy nhiên, đối với cha Nguyễn Cao Hiên thì không cần phải “đập cổ kính”, chúng ta vẫn tìm được “bóng” ngài … Đó là cái bóng thánh thiện và đạo đức, cái bóng của lòng tận tuỵ chăm sóc các linh hồn, cái bóng của trái tim nhạy cảm luôn sẵn sàng mở ra để đón nhận và yêu thương … cái bóng của người mục tử mà nếu có gọi là Alter Christus thì cũng chẳng phải là một điều “thậm xưng”, phải chăng đã hiển hiện trên bao nhiêu cây số cuộc đời, để mỗi một không gian ngài có mặt thì đều ghi lại dấu ấn, để mỗi một thời gian ngài phục vụ thì đều mang theo những kỷ niệm khó phai”. Ngoài ra vào năm 1988, khi còn làm cha sở Tịnh Sơn, Cha Phêrô Hiên cũng dịch và phát hành tập sách nhỏ in ronéo với tựa đề “Sống đồng nhất với Chúa Giêsu” (La vie d’identification au Christ Jésus) của cha Paul de Jaegher S.J. (1927). 
Ước mong sẽ còn nhiều cảm nhận và chứng từ sống động về con người, cuộc sống và hành trình mục vụ của cha Nguyễn Cao Hiên sẽ được tiếp tục sẻ chia. Ngày lễ giỗ một năm của cha Phêrô Tuần Nguyễn Cao Hiên đã để lại trong tâm hồn những người tham dự một dấu ấn tốt đẹp về một mẫu gương mục vụ thánh thiện.