Thứ Ba, 28 tháng 9, 2010

DIỄN TỪ CỦA ĐTC BÊNÊĐICTÔ XVI VỚI CÁC GIÁM MỤC MỚI

DIỄN TỪ CỦA ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ XVI VỚI CÁC GIÁM MỤC MỚI
ĐƯỢC ĐỀ CỬ THAM DỰ CUỘC GẶP GỠ
DO BỘ GIÁM MỤC  TỔ CHỨC.

Thứ Hai, ngày 13 tháng 9 năm 2010


Anh em rất thân mến trong chức Giám Mục,
Tôi rất vui mừng được gặp anh em là các giám mục mới được đề cử từ nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới về tham dự cuộc hội thảo hằng năm do Bộ Giám Mục tổ chức. Tôi xin cám ơn Đức Hồng Y Marc Ouellet, đại diện tất cả anh em, đã có lời chào mừng tôi; riêng đối với Đức Hồng Y, tôi xin có lời chúc mừng đặc biệt nhân dịp ngài bắt đầu sứ vụ bộ trưởng Bộ Giám Mục. Hiền Huynh đáng kính, tôi vui mừng vì hiền huynh bắt đầu sứ vụ với cảm nghiệm thật đẹp này về sự hiệp thông của Giáo Hội qua các Mục Tử của những Giáo Hội địa phương khác nhau. Tôi cũng hết lòng cám ơn Hồng Y Leonardo Sandri, bộ trưởng Bộ Các Giáo Hội Đông Phương, đã cộng tác trong việc tổ chức cuộc gặp gỡ này.  
Theo thói quen đầy ý nghĩa, trước hết anh em đã hành hương viếng mộ thánh Tông Đồ Phêrô, người đã theo Đức Kitô là Thầy và Mục Tử đến tận cái chết, cái chết trên thập giá. Điều đó đã soi sáng cho thánh Tôma Aquinô đưa ra những câu nói có thể được coi là chương trình sống đích thực của mọi giám mục. Khi chú giải về câu nói của Chúa Giêsu trong Tin Mừng theo thánh Gioan: “Mục tử tốt lành trao hiến mạng sống mình vì đàn chiên”, thánh Tôma viết: “Các ngài (mục tử) dâng hiến cho họ chính con người mình qua việc thực thi quyền bính và đức ái. Các ngài thi hành cả hai để họ (đàn chiên) vừa vâng phục vừa yêu mến các ngài. Điều thứ nhất mà không điều thứ hai là thiếu sót” (Esp. su Giovanni 10, 3). Hiến chế tín lý về Giáo Hội Ánh Sáng Muôn Dân (Lumen Gentium) xác định: “Ðược Chủ sai đi cai quản gia đình mình, Giám Mục phải chiêm ngắm gương mẫu Chúa Chiên Lành, Người đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ (x. Mt 20, 28; Mc 10, 45) và hiến mạng sống mình vì con chiên (x. Ga 10, 11). Ðược chọn giữa loài người và đầy yếu hèn, ngài có thể cảm thông nỗi đau khổ với những ai dốt nát và lầm lạc (x. Dth 5, 1-2). Giám Mục không nên từ chối lắng nghe những kẻ thuộc quyền, nhưng hãy ân cần săn sóc họ như những người con đích thực, và khuyên nhủ họ hăng hái cộng tác với mình. Vì phải trả lẽ với Chúa về linh hồn con cái mình (x. Dth 13, 17), Giám Mục hãy cầu nguyện, rao giảng và làm mọi việc bác ái săn sóc họ và cả những người chưa thuộc đoàn chiên duy nhất mà ngài cũng phải coi như được trao phó cho mình trong Chúa. Như Tông Ðồ Phaolô, Giám Mục mắc nợ tất cả mọi người” (số 27).
Sứ vụ của Giám mục không thể được hiểu bằng tâm thức của hiệu năng hay hiệu quả, là não trạng lưu tâm trước tiên vào những gì có để làm, nhưng phải luôn quan tâm đến chiều kích bản thể, là nền tảng của chức vụ này. Thực vậy,  giám mục, được đặt lên nhờ  quyền năng của Chúa Kitô, khi ngồi trên Toà của mình là được đặt “trên” và “trước mặt” cộng đoàn, cũng  như “cho” cộng đoàn và qua đó thi hành việc chăm sóc mục vụ của các ngài (Gioan Phaolô II, Tông Huấn hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Pastores Gregis, số 29). Trong Quy tắc Mục Vụ (Regola Pastorale) của thánh Giáo Hoàng Grêgoriô Cả, được xem như ‘sách hướng dẫn’ đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội dành cho các giám mục, định nghĩa việc quản trị mục vụ như là “nghệ thuật trên các nghệ thuật” (I, 1.4), và nói một cách chính xác rằng năng quyền cai trị “được thực thi đúng đắn khi biết dùng nó để chống lại tội lỗi và qua nó trở nên ngang bằng với những người khác… và để thống trị những tính hư nết xấu chứ không phải thống trị anh em”(II,6).
Những lời trong nghi thức trao nhẫn của phụng vụ lễ tấn phong giám mục cũng giúp chúng ta suy niệm: “Hiền huynh hãy nhận lấy chiếc nhẫn, là dấu hiệu của sự trung thành, và trong sự trọn vẹn của đức tin và trong sự tinh tuyền của cuộc sống hãy gìn giữ Giáo Hội, hiền thê của Chúa Kitô”. Giáo Hội là ‘hiền thê của Chúa Kitô’ và giám mục là ‘người gìn giữ, coi sóc’ (episkopos) mầu nhiệm này. Vì thế  chiếc nhẫn là dấu hiệu của sự trung thành: sự trung thành với Giáo Hội và sự tinh tuyền trong đức tin của giám mục. Do đó giám mục được ủy thác giao ước hôn nhân giữa Chúa Kitô và Giáo Hội. Chúng ta đọc được ý nghĩa này trong Tin Mừng theo thánh Gioan: “Ai có tân nương mới là tân lang còn bạn của tân lang, kẻ đứng kề bên mà nghe Ngài, thì khấp khởi mừng vui, vì tân lang lên tiếng” (3, 29). Ý niệm “gìn giữ’ không chỉ có nghĩa là giữ  những gì đã thiết định - dĩ nhiên không thể bỏ qua ý nghĩa này- nhưng tự căn bản còn bao gồm một chiều kích năng động, đó là một thiên hướng cụ thể và luôn hướng về sự hoàn thiện, trong sự hài hoà trọn vẹn và điều chỉnh liên tục cho hợp với những đòi hỏi mới phát xuất từ sự phát triển và tiến bộ của một tổ chức sống động là chính cộng đoàn. 
Trách nhiệm của một giám mục thật lớn lao, chẳng những để lo cho lợi ích của giáo phận mà cho xã hội nữa. Ngài được kêu gọi trở nên ‘mạnh mẽ và quyết đoán, chính trực và thanh thản’ (Bộ Giám Mục, Hướng dẫn về thừa tác vụ mục vụ của các giám mục “Apostolorum successors” (Các đấng kế vị các Tông Đồ), số 44), để có được sự phân định khôn ngoan về con người, về thực tại và về các biến cố, mà nhiệm vụ là “cha, anh em và bạn hữu” (sđd., số 76-77) của ngài đòi hỏi trong hành trình con người và Kitô hữu. Thừa tác vụ giám mục được đặt trong một viễn cảnh sâu xa về đức tin chứ không đơn thuần mang tính cách nhân loại, quản trị hay một kiểu mẫu mang tính chất xã hội học. Giám mục không chỉ đơn thuần là người cai trị, một viên chức bàn giấy, hay chỉ là một người điều phối hay tổ chức đời sống giáo phận. Tình phụ tử và tình huynh đệ trong Chúa Kitô làm cho đấng Bề trên có khả năng tạo ra bầu không khí tín nhiệm, đón nhận, yêu thương, nhưng cũng thẳng thắn và công bình. Về điều này, chúng ta tìm được sự soi sáng trong lời cầu nguyện ngày xưa của thánh Đan viện phụ Aelredo di Rievaulx: “Lạy Chúa dịu hiền, Chúa đã đặt để một người như con làm đầu gia đình, làm đầu đàn chiên trong đồng cỏ của Ngài (….) vì như thế Ngài có thể tỏ lòng thương xót và mạc khải sự khôn ngoan của Ngài. Cũng vì để thoả lòng nhân hậu của Ngài, Ngài để cho gia đình Ngài được cai quản tốt đẹp nhờ một con người như thế, để họ thấy sự siêu vượt của sức mạnh ngài, chứ không phải của con người; vì thế họ không vinh danh người khôn ngoan vì sự khôn ngoan của họ, người chính trực vì sự công bằng của họ, người mạnh mẽ vì sức mạnh của họ, vì khi những người này cai quản tốt đẹp dân Ngài, thì chính Ngài thống trị chứ không phải  họ. Vì vậy, không phải chúng con, lạy Chúa, không phải chúng con được vinh dự nhưng chính danh Ngài đáng được tôn vinh” (Speculum Caritatis, PL CXCV).
Anh em thân mến, khi gửi đến anh em những suy niệm ngắn ngủi này, tôi cầu khẩn sự che chở của Mẹ Maria cực thánh, Nữ Vương các Tông Đồ, và thành tâm ban cho mỗi người trong anh em, các linh mục, các tu sĩ nam nữ, các chủng sinh và các tín hữu trong giáo phận của anh em Phép lành Toà thánh đặc biệt.

chuyển ngữ
Ban biên tập BTTGPQN