Thứ Tư, 22 tháng 9, 2010

QUI NHƠN HAY QUY NHƠN

Lê Xuân Lít
Tạp chí “Xưa và Nay”, số 62B (2037), 1999

Người am hiểu khá sâu tiếng Việt, thường phàn nàn với bạn bè về việc đổi Qui Nhơn từ “i ngắn” thành “y dài”. Từ điển Larousse năm 1969 (in tại Ý) (Atlas moderne Larousse) xuất bản tại Paris, trang 24 phần Index des noms (tức phụ lục địa dư các địa danh trên thế giới) ở cột 4, dòng 2 tính từ dưới lên có ghi: Qui Nhơn. Người nước ngoài cần giao dịch, ký hợp đồng, chuyển gạo tiền nong hàng hóa… chỉ căn cứ vào từ điển Larousse. Nếu một đơn vị hành chính hay doanh nghiệp nào đấy chuyển tiền hay hàng hóa ghi chữ Quy Nhơn… tất đối tác nước ngoài không nhận được (Đúng hơn là không được nhận) và ngược lại. Biết bao phiền toái, tổn thất trong chuyện i ngắn với y dài này. Nếu có khách du lịch, cầm trong tay một từ điển danh tiếng Larousse (hay các từ điển, sách hướng dẫn du lịch các nước, chắc phải dựa vào từ điển người Pháp về Việt Nam) họ sẽ khó khăn thế nào khi cố gắng tìm đất Qui Nhơn mà có khi họ đang ở tại đất này! Họ sẽ không thể nào hiểu được khi hai chữ viết khác nhau mà lại là một trong đầu họ. Đấy là 2 địa danh, 2 nơi chốn khác nhau?
Trong bối cảnh ấy, tôi tìm đến các văn bản có liên quan đến hai chữ Qui Nhơn. Tôi đã đọc và ghi chép lại các từ điển sau đây:
Từ điển Việt-Pháp (J.F.M Genibrel NXB Tân Định, 1898)
Đây là từ điển lâu nhất mà tôi có. Từ điển này do các nhà ngôn ngữ học đã để ra 14 năm (1884-1898) để biên soạn: chuyển tiếng Việt từ tự dạng chữ Nôm sang tự dạng La tinh. Trang 639 ghi: Qui: lại, về… hội tụ… Cũng trang 639 ghi: Qui (con rùa - Tortue).
Như vậy, với từ điển này Qui với nghĩa là qui tụ hay qui theo nghĩa Hán tự (con rùa) cũng viết như nhau: “i ngắn”.
Hán Việt Tân tự điển (Nhà sách Khai Trí-Sài Gòn, tháng 4 - 1975).
Trang 558 ghi Quy Nhơn: quay về với điều nhân đức - tên một tỉnh ở trung phần Việt Nam.
Trong từ điển này không có chữ Qui (i ngắn)
Từ điển tiếng Việt (NXB Khoa học Xã hội Hà Nội - 1988)
Trang 839: Xem: qui, quỉ, quì, quĩ, quí, quị v.v.. như quy, quỳ, quỷ, quỹ, quý, quỵ… Tức i như y (nghĩa như nhau và song song tồn tại).
Từ điển Việt - Hán (NXB Giáo Dục-1996-GS Đinh Gia Khánh hiệu đính - in lần thứ 5 có sửa chữa và bổ sung) trang 896, 897 ghi qui là rùa và qui là quay trở lại (hồn qui, vinh qui)… Từ điển tiếng Việt (NXB Mũi Cà Mau, 1997 - Phan Canh).
Trang 929: Qui = rùa, và cách 3 dòng ghi: Qui = về, trở về (qui chính, qui định, qui hàng, qui hoạch, qui hướng, qui hồn…) không có chữ quy.
Từ điển tiếng Việt (Trung tâm tự điển – NXB Đà Nẵng – 1995)
Trang 784 không có chữ qui.
Từ điển Việt – Pháp (Dictionnaire Vietnamien- Francaise- NXB Thanh Hóa 1996 – Lê Phương Thanh).
Tất cả đều y (dài) (trang 644- 645)
Hán Việt từ điển (Đào Duy Anh - NXB TP Hồ Chí Minh- 1994)
Trang 163: Qui bản, Qui Nhơn (165) tỉnh lỵ tỉnh Bình Định.
Từ điển tiếng Việt thông dụng (NXB Trẻ –1997- Nguyễn Văn Xô).
Không có chữ Quy mà có (trang 363) Qui: (1) con rùa, (2) về (sinh ký tử qui), (3 )phép tắc định trước.
Những từ Việt Hoa thông dụng (NXB Đồng Nai- 1997- Vương Bình).
Qui: rùa (363)
Qui: về (394) không có chữ Quy.
Từ điển Hán thông dụng (NXB trẻ-1997, Lâm Hòa Chiến, Lý Thị Xuân Cúc, Xuân Huy)
Quy (1) rùa (2) về (trang 820)
Cũng tác giả Lâm Hòa Chiến trong từ điển Việt Hoa (NXB trẻ – 1998), không nói đến qui là rùa, trang 323 lại nói qui thuận (Như vậy, một tác giả hai cuốn từ điển viết khác nhau, có lẽ quan điểm tác giả thấy hai chữ có thể thay thế nhau tùy từng trường hợp cụ thể).
Nhìn lại 13 cuốn từ điển mà tôi đã mô tả ở trên ta thấy gì? Rõ ràng đấy là sự không thống nhất. Chưa có thể kết luận: khi viết qui (i ngắn) tức là rùa và quy (y dài) mới là quy tụ. Các nhà từ điển học khi viết sách đều có quan điểm riêng trước những hiện tượng ngôn ngữ còn tìm tòi, cải tiến, tranh luận. Hẳn họ quá biết, từ khi có “chữ quốc ngữ” bao nhiêu cuộc tranh luận với tinh thần khoa học và yêu đất nước đã xẩy ra. Trong đó không ít cuộc tranh luận và giấy mực bàn về i (ngắn), hay y (dài). Có ý kiến cho rằng từ nào có vần bằng thì i (ngắn), (so bì, lì xì, lui cui). Từ nào có vần trắc thì y (dài) (tỷ mỷ, sơn thủy, cô giáo Thúy…). Nhưng trên thực tế lại không đơn giản như vậy.
Tóm lại không thể đưa ra quan điểm dành riêng cho qui (i ngắn) là rùa và quy (y dài) là quy tụ. Tuy rằng trong chữ Hán, đồng âm nhưng tự dạng khác nhau. Trên thực tế không ai hiểu Qui Nhơn (i ngắn) tức là đất chỉ có rùa và người hay người như rùa! Cũng không có cơ sở khoa học để nói nếu viết i ngắn chữ qui sẽ đọc thành chữ (u…i…ui).
Trong sự không thống nhất ấy buộc ta phải thống nhất những điều cơ bản:
1- Đây là danh từ riêng. Không ai có quyền bắt nhà thơ Hồ Dzếnh phải bỏ chữ Z trong tên ông. Là danh từ riêng, khi mới ra đời thế nào, nay để vậy, “Nhất thành bất biến”.
Ông Đào Duy Anh trong đất nước Việt Nam qua các đời (NXB Thuận Hóa, 1994) trang 99 mục trấn Quảng Nam ghi: “Thái tổ Gia dụ Hoàng đế năm thứ 46 (1602) đổi phủ Hoài Nhơn làm phủ Qui Nhơn.” Hay tìm lại văn bản hành chính trước đây: đều ghi là Qui Nhơn (Collège de Qui Nhơn - trường Quốc Học Qui Nhơn) v.v..
Muốn thay đổi một địa danh phải :
+ Có hội thảo khoa học và sự nhất trí.
+ Phải thông báo chính thức (được Quốc Hội thông qua) trong và ngoài nước.
Không thể tùy tiện.
Chúng ta còn nhớ vụ kiện khắp thế giới đều biết: Nữ văn sĩ Pháp Françoise Sagan viết cuốn: Buồn ơi! Chào mi (Bonjour tristesse) bị một công dân kiện vì đã đưa họ, nói xấu họ trong cuốn sách nói trên. Tòa án gọi nữ văn sĩ. Nữ văn sĩ đã không hầu tòa vì chữ “Françoise” của tòa thiếu một nét: dấu Cédille ở dưới chữ C. Tòa đành chịu
2- Trong khi chờ đợi một quyết định khoa học, trên phương diện hành chính nên giữ nguyên chữ cũ: Qui Nhơn.
Bởi liên quan đến cuộc sống, giao dịch, ngoại giao… cần hết sức thận trọng. Đây chỉ là đề xuất của riêng tôi, mong các bậc thức giả tham kiến.