Thứ Sáu, 24 tháng 9, 2010

CŨNG VÌ NÓI TIẾNG TÂY

trích « Lời Thăm » của Địa Phận Qui Nhơn,
số 211, ngày 01 tháng 10 năm 1931.


Đời văn minh thật là khó cho bọn nhà quê ta, vừa ra đàng đã gặp phải các cậu gì nói tía lia tía lịa, không biết có phải chê bộ răng, cặp cẳng hay cái đầu chóp mao mình chăng, mà hể thấy mình bộ diện nhà quê, thì liền tay trỏ, mắt liếc, miệng hô ba-giăng[1].
Phong trào văn minh, thiết nghĩ cần phải biết tiếng Tây, nhưng biết để phòng khi cần phải giao thiệp cùng kẻ chẳng biết tiếng ta, hay là để nhờ biết như vậy hầu chuyên các món khoa học. Chí như biết, dẫu có thông thạo mà đem trổ tài với kẻ đã quê lại chả cần tiếng tây, thì xem đã lạ đời. Huống chi biết quẹt lọ mà lại khoe tài múa miệng với kẻ quê dốt, thì chả biết lạ chừng mô nữa. Nói đến đây, tôi sực nhớ lại một câu truyện, cũng vì tiếng tây mà xem có vẻ khoái tâm, nhưng cách một lúc cũng bởi nói tiếng tây mà phải lói óc.
Một chàng công tử Bột kia ngày nọ tới một xóm quê, chả rõ học thức chàng vào hạng mô, chớ xem cách ăn mặc là toàn mốt Âu phục. Kẻ quê liếc tới, liền tưởng phi ông tham cũng ông đốc chớ phải chơi đâu. Chàng vừa vào xóm liền gặp ngay một người cũng quá lục tuần, chàng tay nọ chống nạnh quai nồi, tay kia vay vảy. Ông nhà quê khép nép bước lại, chàng giơ tay lên trán và nhả một câu tây tự: moã vợt át-sờ-tê bớp[2]. Ông nhà quê nghe vậy hoảng, hai tay bụm lại thòng khỏi gối mà rằng: trình thầy. Chàng lại tưởng mấy tiếng tây mình nới xuất, nên chú quê nọ khép nép, mà chàng lại được tặng đôi tiếng trình thầy, nên tâm đã lắm khoái vậy. Nhưng ông nhà quê tiếp lời mà rằng: mình chẳng rõ thầy muốn bảo việc gì; chững thầy mới thêm một quai nồi nữa mà rằng: chú thật quê quá, có chi mấy tiếng thường vậy mà không biết. Tôi muốn mua ít đôi bò, đây có ai bán không mà? Trình thầy, có nhà ông Lông ở trước kia nghe nói có bò muốn bán.
Chàng lại nhà ông nọ cũng nhã mấy câu tây tự như trước, chủ nhà cười cười mà rằng: cậu trăm chi tôi chả hiểu; bất đắc dĩ chàng phải nhờ tiếng mẹ đẻ để tỏ việc muốn mua bò. Chủ đem chàng chỉ xem bò mấy cặp, chàng xem rồi chê sừng dài, tai thước, khen đuôi tua dài cộng thẳng, song chàng pha có một tiếng tây để chỉ dài, nên thấy sừng thì chàng trề môi mà rằng: lông[3]; rờ đến tai bò thì rùn vai mà rằng: lông, chỉ mấy cái đuôi và gặt đầu mà rằng: lông. Chủ nhà thấy chàng rờ, chỉ sừng, tai, đuôi bò mà lại cứ tên mình mà hô thì ngó bộ đã lắm khó chịu, nhưng vì cần tiền phải bán bò, nên ngậm miệng làm lơ.
Xem vật xong, chủ mời chàng sang nơi phòng khách; phòng nầy su sơ vài ghế tre cũ cũ, mà cũng sẵn một đồng hồ treo nơi vách; chủ khách phân ngôi thứ, chủ ngồi ngay nơi phía có đồng hồ, còn chàng thì ngồi đối diện; chủ đãi trầu nước theo lệ thói nhà quê, chàng xem ít ham mộ; giá cả bán mua, chủ giá cao, chàng giá thấp, nên đã chẳng xuôi thuận. Chàng nghĩ từ hồi gặp anh quê này đã nhả bộn bộn tiếng tây, mà cũng cứ ở bực cậu chớ chưa được đặng lên thầy, nên lúc sửa đi quyết nhả thêm vài câu nữa coi thử nà.
Vậy chàng bắt mặt trông lên đồng hồ mà phải trông ngay mặt chủ, thấy đà mười một giờ mười phút đúng (11 h. 10), nên liền rằng: đã lông tăng, ông giơ đít mi nút rồi, về[4]. Nghe mấy tiếng chủ nhà nét mặt khác hẳn, chàng tưởng tiếng tây của mình đã gần kết quả, nên bộ hưng tâm. Tay trỏ vào đồng hồ mà cũng ngay trước mặt chủ nhà, mà lặp lại câu mới nói vừa rồi một phen nữa. Lần này chủ nhà thấy tay chàng trỏ ngay mũi mình mà nhả mấy tiếng: ông giơ đít mi nút, thì chẳng sao mà nhịn được nên thôi xô tát, xô cho chàng một độ khá nên thân.
Chàng vụt thoát được thì sải nước đại bất kể gai gốc, bùn nước nên từ gót tới đầu. Âu phục của chàng đã phải tua rơi lấm luốc. Ấy cũng vì nói tiếng tây với nhà quê mà chàng chẳng những dơ đít mà còn dơ tới đầu nữa.
NHÀ-QUÊ



[1] Paysan: nhà quê
[2] Tiếng Tây bồi: moi veux acheter boeuf (tôi muốn mua bò)
[3] Longue: dài
[4] Đã longtemps, onze heures dix minutes rồi, về (Đã lâu rồi, mười giờ mười phút rồi, về)