Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2011

VAI TRÒ NGƯỜI CHỨC VIỆC CỘNG TÁC VỚI CHA SỞ TRONG MỤC VỤ BÍ TÍCH




Lm. Phêrô Trương Minh Thái
(Bài thuyết trình khoá huấn luyện giáo chức Giáo phận Qui Nhơn, 13-15/7/2011)

Sách Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo số 1268 dạy rằng :  Những người đã được rửa tội trở nên "những viên đá sống động... để xây nên ngôi đền thờ của Thánh Thần, xây dựng hàng tư tế thánh" (1 Pr 2, 5). Nhờ bí tích Thánh Tẩy, họ tham dự vào chức tư tế của Ðức Ki-tô, vào sứ mạng ngôn sứ và vương đế của Người. "Anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hoàng tộc chuyên lo tế tự, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công vĩ đại của Người, Ðấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối vào nơi đầy ánh sáng dịu huyền" (2 Pr 2, 9). Bí tích Thánh Tẩy cho các tín hữu tham dự vào chức tư tế cộng đồng của Dân Chúa.
Trong bài này, chúng tôi chỉ đề cập đến vai trò của quý chức việc (câu, biện…) tham dự vào chức tư tế cộng đồng của mình cách tích cực và sống động khi cộng tác với các linh mục trong việc cử hành các bí tích.
Quý Chức giữ một vai trò quan trọng và tích cực trong đời sống bí tích của giáo xứ. Họ luôn có mặt không chỉ khi rửa tội và hôn lễ cho giáo dân, mà còn giúp cả những người đau yếu. Chỉ Nam giáo phận Qui Nhơn (Directoire du Vicariat Apostolique de Quinhon, imp. De Quinhon, 1942) số 115 xác định: “Với những cách thức mà hiện trạng của địa sở cần đến, các chức việc làm trung gian giữa cha sở và giáo dân, trong các bí tích hôn phối và rửa tội, giúp đỡ bệnh nhân, an táng. Họ chủ toạ các buổi kinh chung. Họ chăm lo cho giáo dân giữ luật Chúa và luật Giáo Hội, và đặc biệt trong những địa sở không có linh mục, giúp cho trẻ em học biết kinh nguyện và giáo lý. Họ giữ trật tự trong nhà thờ và trong giáo xứ trong mức độ cho phép. Tất cả điều trên đều được cha sở hoàn toàn đồng ý.”
Vì thế, với những bí tích Thêm Sức, Giải Tội và Rước Lễ, bổn phận của quý chức là xem chừng giáo dân theo giữ luật của Chúa và Giáo Hội (xưng tội và rước lễ trong mùa Phục Sinh, dự lễ ngày chủ nhật...) làm sao để các trẻ em hiểu biết giáo lý, kinh nguyện (dọn mình khi chịu phép Thêm Sức, Xưng Tội, Rước Lễ.)
Xin trình bày sự góp phần thực tiễn của quý chức vào tác vụ 'ban hành bí tích' của linh mục, những bí tích cần thiết cho giáo dân như: Rửa Tội, Thêm Sức, Giải Tội, Rước Lễ, Hôn Phối và Xức Dầu bệnh nhân.
I. BÍ TÍCH THÁNH TẨY (Rửa Tội)
Rửa tội là bí tích tối cần thiết để được cứu rỗi. Bởi vậy, các nhà truyền giáo thời trước, không những yêu cầu sự tiếp tay của quý chức, mà còn cần sự trợ giúp của các y sĩ, 'bà mụ', 'cô mụ' vào công việc của các vị. Ở đây xin trình bày về những người ban phép Rửa Tội trong giáo xứ, bổn phận của quý chức trong việc rửa tội là những người cộng tác trong việc thánh thiện này.
1. Những người ban bí tích Rửa Tội trong giáo xứ.
Thông thường : cha sở, cha phó, thầy sáu.
Ngoài ra, trong những trường hợp ở quá xa nhà thờ hoặc nguy tử, cha sở tuỳ nghi hướng dẫn và trao quyền rửa tội cho tu sĩ, quý chức hoặc giáo lý viên.
Quá xa nhà thờ : Tu sĩ, quý chức, giáo lý viên.
Nguy tử : mọi người đều rửa tội được, đặc biệt là quý chức, giáo lý viên.
2. Chức việc là người ban phép Rửa Tội
Một trong những bổn phận quan trọng của quý chức là rửa tội cho các em nhỏ công giáo khi không có linh mục, hay những em nhỏ ngoại giáo đang hấp hối, hoặc cho những người lớn đang học giáo lý nhưng gặp tình trạng nguy kịch.
3. Bổn phận của quý chức
+ Đơn xin rửa tội : Quý chức theo địa bàn mục vụ của mình, có trách nhiệm hướng dẫn phụ huynh làm đơn xin rửa tội cho con của họ, hoặc người dự tòng làm đơn xin rửa tội cho mình. Đơn xin rửa tội cần ghi đầy đủ tên thánh, họ tên đứa bé (hoặc dự tòng), ngày tháng năm sinh (dương lịch), nơi sinh, chánh quán, trú quán, tên thánh, họ tên của cha mẹ và người đỡ đầu. Đồng thời quý chức cũng chứng nhận tình trạng sống đạo của cha mẹ các em, cần khéo léo và tế nhị trong việc này, cũng có thể trình bày riêng với cha sở. Tuỳ tình hình mục vụ của giáo xứ có ấn định ngày rửa tội trẻ em hoặc không, quý chức báo với cha sở các em xin rửa tội, hoặc xin ngài ấn định ngày giờ để rửa tội cho các em.
+ Trường hợp quý chức ban phép rửa tội (nguy tử hoặc quá xa nhà thờ) : quý chức cần ghi lại đầy đủ : tên thánh, họ tên người được rửa tội, ngày tháng năm sinh (dương lịch), nơi sinh, chánh quán, trú quán, tên thánh, họ tên của cha mẹ, người đỡ đầu và người ban phép rửa tội ; rồi nộp lại cho cha sở để ghi vào sổ rửa tội.
+ Quý chức phải học biết tường tận về những việc phải làm khi cử hành bí tích Rửa Tội để tham dự và hướng dẫn giáo dân, nhất là để cử hành trong trường hợp nguy tử hoặc được cha sở ủy thác.
+ Quý chức phải chỉ dẫn cho những phụ huynh và người đỡ đầu (vú, bõ) biết những câu họ phải thưa trong nghi thức rửa tội, người đỡ đầu ý thức những bổn phận thiêng liêng họ phải chu toàn về sau đối với 'con đỡ đầu', lúc em còn nhỏ cũng như khi em đã trưởng thành.
II. BÍ TÍCH THÊM SỨC
Vai trò của quý chức không thể thiếu nơi giáo họ chính cũng như giáo họ lẻ. Quý chức cần nắm biết những em đã rước lễ lần đầu mà chưa thêm sức, và cộng tác với giáo lý viên trong việc đôn đốc các em và gia đình các em để các em được học giáo lý và kinh nguyện đầy đủ. Hoặc chính quý chức giữ việc dạy các em kinh nguyện, những điều chính yếu trong đạo; ngay từ lúc các em đến tuổi có trí khôn, nhất là thời kỳ các em chuẩn bị nhận phép bí tích Thêm Sức, Rước Lễ lần đầu, Rước Lễ bao đồng. Lớp giáo lý thường được tổ chức từ nhiều tháng trước ngày lễ thêm sức. Rồi chuyển lại cho cha sở danh sách những ứng viên đủ khả năng nhận bí tích Thêm Sức, họ dạy và khảo hạch giáo lý, sửa soạn cho những người đỡ đầu.
III. BÍ TÍCH GIẢI TỘI.
Quý chức và nhất là các giáo lý viên có nhiều bổn phận liên quan đến bí tích Giải Tội:
1. Quý chức lo việc dạy giáo lý cho các em tới tuổi xưng tội, rước lễ lần đầu nhất là ở các giáo họ xa xôi, thiếu giáo lý viên. Họ trao cho cha sở danh sách các em đã được dạy giáo lý, chỉ dẫn cho các em biết cách xưng tội.
2. Quý chức nhắc nhở các bậc phụ huynh bổn phận thúc dục con cái học giáo lý, chuẩn bị cho các em xưng tội, rước lễ.
3. Quý chức nhắc nhở các vú, bõ đỡ đầu rửa tội của các em đừng quên bổn phận thiêng liêng dìu dắt các em.
4. Ở các giáo họ xa xôi không có linh mục, quý chức kêu gọi giáo dân chu toàn việc xưng tội trong mùa Phục Sinh; đưa dẫn những người từ lâu không xưng tội đến tòa giải tội.
5. Quý chức và nhất là ông Trưởng giáo họ, phải nắm biết tình trạng phần hồn giáo dân của giáo họ mình như: người nào đã xưng tội và rước lễ trong mùa Phục Sinh, người nào đã rước lễ lần đầu nhưng chưa chịu phép Thêm Sức. Hằng năm họ báo lại cho cha sở để làm sổ tất niên.
IV. BÍ TÍCH THÁNH THỂ
Sự góp phần của quý chức trong thừa tác vụ linh mục liên hệ đến bí tích Thánh Thể, cụ thể là việc rước lễ, được thực hiện dưới nhiều hình thức thực tế:
1. Dạy giáo lý để các em nhỏ chuẩn bị rước lễ lần đầu hay rước lễ bao đồng. Đặc biệt ở giáo họ không có linh mục, không có tu sĩ hay giáo lý viên, thì quý chức phải đảm nhiệm việc này. Họ dạy giáo lý cho các em nhỏ, rồi đưa các em tới gặp linh mục. Sau khi khảo thí các em kỹ càng, nghe các em xưng tội, linh mục sẽ cho các em rước lễ lần đầu.
2. Quý chức để ý, động viên khéo léo giáo dân trong giáo họ thường xuyên dự lễ và rước lễ, nhất là trong mùa Phục Sinh (từ Thứ Tư Lễ Tro đến lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống). Cần lưu tâm số giáo dân rước lễ mùa Phục Sinh và báo lại cho cha sở để làm sổ tất niên.
3. Quý chức còn phải tậm tâm giúp những người bệnh tật, già cả… không dự lễ được, hướng dẫn họ dọn mình, và mời linh mục mang Mình Thánh Chúa đến cho họ rước lễ, khuyến khích gia đình và giáo dân ở gần tham dự cầu nguyện cho họ.
4. Thừa tác viên trao Mình Thánh Chúa : Theo Huấn Thị Đức ái bao la (Immensae Caritati), ngày 29.01.1973, số 1 : AAS 65 (1973), tr. 265-266, của Thánh Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích :  “Khi không có thầy giúp lễ đã lãnh nhận tác vụ, để phục vụ bàn thờ và giúp linh mục và phó tế,... (Chủ tế) có thể cử những giáo dân được làm thừa tác viên ngoại lệ trao Mình Thánh Chúa”. Vì thế, tuỳ nhu cầu mục vụ của giáo xứ, quý chức cũng có thể được tuyển chọn để cộng tác với cha sở trong tư cách thừa tác viên ngoại lệ trao Mình Thánh Chúa.
Có hai loại thừa tác viên ngoại lệ trao Mình Thánh Chúa:
a/ Thừa tác viên từng lần (ad actum): Khi có đông người rước lễ, giờ thánh lễ qúa dài, chủ tế già yếu, đau ốm… Chủ tế được quyền chọn và trao cho những người nào xứng đáng, tác vụ trao Mình Thánh Chúa cho giáo dân ; và chỉ được phép từng lần một.
b/ Thừa tác viên thường xuyên (ad habitum): Cha sở xét những người xứng đáng và đề cử lên Đức Giám mục, được Đức Giám mục chấp thuận và ban phép.
Khi tuyển chọn giáo dân làm thừa tác viên ngoại lệ trao Mình Thánh Chúa cần theo khuyến cáo sau đây của Đức Thánh Cha Phaolô VI: “Ứng viên nam nữ được chỉ định phải là những người được hướng dẫn đầy đủ về mặt giáo lý, chu toàn mọi bổn phận trong đời sống của người Kitô hữu về phương diện luân lý cũng như đức tin. Đương sự còn phải tỏ ra xứng đáng với sứ vụ trọng đại này, luôn học hỏi, đào sâu về Bí Tích Thánh Thể, làm gương sáng cho mọi tín hữu qua lối sống thánh thiện và lòng tôn kính Bí Tích cao trọng này. Tuyệt đối không chỉ định những thành phần có thể là căn cớ gây tiếng xấu trong Cộng Đoàn Dân Chúa”.
V. BÍ TÍCH HÔN PHỐI
1. Điều tra hôn phối : Vai trò cơ bản của quý chức cộng tác với cha sở trong bí tích hôn phối là điều tra tình trạng thong dong (không mắc ngăn trở) của những người sắp kết hôn. Quý chức nhất là chức việc giáo họ là những người biết rõ tình hình trong địa bàn của mình về hoàn cảnh, tình trạng của giáo dân và những người không phải công giáo xin kết hôn với người có đạo. Vì thế, khi có người trong giáo họ xin kết hôn, quý chức cần điều tra kỹ lưỡng và công tâm, và phải báo cho cha sở sớm nhất nếu có ngăn trở về luật đạo cũng như luật đời.
Trường hợp có giáo dân trong giáo họ xin kết hôn, nếu thấy không có ngăn trở gì, quý chức hướng dẫn phụ huynh và đương sự gặp cha sở để được hướng dẫn, sắp xếp học giáo lý hôn nhân và lập tờ rao theo qui định của Giáo Hội. Cho đến nay, thường rao hôn phối 03 lần trong nhà thờ, trong 03 chúa nhật liên tiếp hoặc có lễ buộc. Nếu xin chuẩn rao khi có lý do chính đáng tuỳ mức độ, cha sở chuẩn 01 lần, cha Hạt trưởng chuẩn 02 lần, Đức Giám mục chuẩn 03 lần.
Trường hợp điều tra hôn phối một người không công giáo trong địa bàn giáo họ cũng phải xem xét có ngăn trở gì không nhưng phải khéo léo, tế nhị. Không nên hỏi trực tiếp đương sự hoặc gia đình đương sự, tránh bị hiểu lầm xâm phạm đời tư hoặc luật đạo quá khắt khe…
2. Giáo luật về Bí tích Hôn phối
Luật của Hội Thánh chỉ ràng buộc đối với người Công giáo . Khi đưa ra những luật này, Hội Thánh nhắm giúp con cái mình xây dựng một cuộc sống hôn nhân và gia đình bền vững, hạnh phúc, thánh thiện, thể hiện ơn gọi hôn nhân và gia đình như ý Thiên Chúa muốn.
a. Điều kiện cử hành bí tích Hôn phối
Để Bí tích Hôn phối thành sự, cần những điều kiện sau:
- Phải là một người nam và một người nữ, đã rửa tội .
- Hai người có tự do để kết hôn. Tự do ở đây có nghĩa là:
. Không bị ép buộc
. Không bị ngăn trở bởi luật tự nhiên hoặc luật Hội Thánh .
- Phải bày tỏ sự ưng thuận kết hôn của mình.
- Cử hành theo thể thức của Hội Thánh .
b. Các ngăn trở Hôn phối
Ngăn trở hôn phối là tình trạng hay hoàn cảnh làm cho cuộc hôn phối không thành sự hoặc bất hợp pháp.
Để có thể kết hôn thành sự, cả hai phải trong tình trạng tự do, không bị ngăn trở nào theo luật tự nhiên hoặc luật Hội Thánh. Những ngăn trở thuộc luật tự nhiên dựa trên hôn nhân như một định chế tự nhiên, chúng chi phối mọi người. Những ngăn trở thuộc luật Hội Thánh dựa trên bản chất bí tích của hôn nhân, cũng như trên mối liên hệ của hôn nhân với cộng đồng tín hữu, chỉ chi phối người Công giáo mà thôi.
Các ngăn trở hôn phối gồm có:
b. 1. Ngăn trở do chưa đủ tuổi để kết hôn
Để kết hôn thành sự, nam phải đủ 16 tuổi, nữ phải đủ 14 tuổi . Tuy nhiên, Hội Đồng Giám mục của mỗi quốc gia có quyền quy định tuổi cao hơn để kết hôn hợp pháp . Tại Việt Nam, nam phải từ 20 tuổi trở lên, nữ 18 tuổi trở lên, theo như Luật Hôn nhân và Gia đình điều 9.
b. 2. Ngăn trở do bất lực
Một trong hai người trước khi kết hôn đã mắc chứng bất lực, không thể chữa trị được . Bất lực khác với vô sinh. Bất lực là không thể giao hợp. Còn vô sinh là không thể có con. Việc vô sinh không phải là một ngăn trở hôn phối .
b. 3. Ngăn trở do đã kết hôn
Một trong hai người còn bị ràng buộc bởi dây Hôn phối trước . Ngăn trở này chỉ chấm dứt khi:
- Người phối ngẫu chết . 
- Hôn nhân thành sự nhưng chưa hoàn hợp, được Đức Giáo Hoàng đoạn tiêu vì lý do chính đáng .
- Hôn nhân giữa hai người chưa rửa tội được đoạn tiêu do đặc ân Phaolô nhằm bảo vệ đức tin của bên lãnh nhận phép Rửa tội, do chính sự kiện là bên được rửa tội lập hôn nhân mới, và bên không được rửa tội muốn phân ly .
b. 4. Ngăn trở do khác biệt tôn giáo
Một bên Công giáo, còn một bên không Công giáo .
b. 5. Ngăn trở do chức thánh
Những người đã chịu chức thánh không thể kết hôn thành sự . Những người có chức thánh gồm: Giám mục, linh mục và phó tế.
b. 6. Ngăn trở do khấn dòng
Những người chính thức thuộc về một dòng tu bằng lời khấn công khai sẽ vĩnh viễn sống khiết tịnh (hay còn gọi là khấn trọn đời, vĩnh khấn) không thể kết hôn thành sự .
b. 7. Ngăn trở do bắt cóc
Hôn nhân bất thành đối với trường hợp bắt cóc người nữ để lấy cô ta .
b. 8. Ngăn trở do tội mưu sát phối ngẫu
- Giết vợ hay giết chồng mình (kể cả âm mưu hoặc đồng loã) để lấy người khác.
- Giết vợ hay giết chồng của người phối ngẫu (kể cả âm mưu hoặc đồng loã) để lấy họ .
b. 9. Ngăn trở do họ máu (huyết tộc)
- Theo hàng dọc: hôn nhân bất thành giữa mọi người trong họ máu hàng dọc .
- Theo hàng ngang: hôn nhân bất thành cho tới hết 4 bậc .
b. 10. Ngăn trở do họ kết bạn
Hôn thuộc theo hàng dọc dù ở cấp nào cũng tiêu huỷ hôn phối . Ví dụ, giữa cha chồng với con dâu, chàng rể với mẹ vợ. Tuy nhiên, theo hàng ngang thì không bị ngăn trở. Ví dụ: anh chồng có thể lấy em dâu, vợ chết có thể lấy em vợ.
b. 11. Ngăn trở do công hạnh
Hay còn gọi là ngăn trở liêm sỉ. Ngăn trở này phát sinh do cuộc hôn phối bất thành sau khi đã có sống chung, hoặc do tư hôn công nhiên hay công khai. Ngăn trở này tiêu hủy hôn nhân giữa người nam với các người họ máu của người nữ bậc một hàng dọc, và ngược lại . Chẳng hạn: nếu anh X đã từng chung chạ với cô Y, thì không thể lấy mẹ hoặc con riêng của cô Y; và cô Y cũng không thể lấy cha hoặc con riêng của anh X.
b. 12. Ngăn trở do pháp tộc
Những người có họ hàng thân thuộc pháp lý do nghĩa dưỡng, ở hàng dọc hoặc hai bậc hàng ngang, không thể kết hôn với nhau thành sự . Ngăn trở này làm hôn nhân bất thành giữa: con nuôi với cha mẹ nuôi; con nuôi với cha mẹ hoặc con cháu ruột của cha mẹ nuôi (trực hệ); hai con nuôi của cùng một cha mẹ nuôi.
c. Chuẩn ngăn trở
Nếu mắc phải một trong các ngăn trở trên, dù hai người có lấy nhau, hôn phối vẫn không thành. Đó chỉ là một sự chung chạ bất hợp pháp mà thôi. Để kết hôn thành sự và hợp pháp, cần phải xin phép chuẩn. Tuy nhiên, không phải ngăn trở nào Hội Thánh cũng có thể miễn chuẩn được.
Đối với những ngăn trở thuộc luật tự nhiên, Hội Thánh không có quyền miễn chuẩn. Đó là những ngăn trở:
- Do bất lực .
- Do đã kết hôn .
- Do có họ máu hàng dọc .
- Do có họ máu hai bậc hàng ngang .
Đối với những ngăn trở chỉ do luật Hội Thánh mà thôi thì Hội Thánh có quyền miễn chuẩn, và khi được miễn chuẩn thì cuộc hôn nhân thành sự.
Các ngăn trở Hội Thánh có thể miễn chuẩn khi có lý do chính đáng:
- Về tuổi tối thiểu.
- Về họ máu ba bậc trở đi theo hàng ngang: bà con và anh em họ.
- Về họ kết bạn.
- Về tội ác (tội mưu sát phối ngẫu) - (Toà Thánh chuẩn).
- Về chức thánh (Toà Thánh chuẩn).
- Về lời khấn (Toà Thánh chuẩn).
- Về công hạnh.
- Về khác tôn giáo.
Riêng đối với các cuộc hôn nhân khác tôn giáo, sở dĩ Hội Thánh dè dặt và thận trọng chỉ vì yêu thương con cái. Muốn gia đình hạnh phúc, vợ chồng phải hoà hợp. Tín ngưỡng là một vấn đề quan trọng. Nếu có sự khác biệt thì dễ xảy ra xung khắc, đe doạ sự hoà hợp, nhất là đối với việc giáo dục con cái. Tuy nhiên, cũng vì tôn trọng tự do, Hội Thánh không cấm đoán. Hội Thánh hy vọng lòng đạo đức của bên này sẽ thánh hoá bên kia .
3. Trường hợp những gia đình bị rối: Đây là những trường người Công giáo kết hôn với người ngoài mà không có phép chuẩn. Quý chức luôn tìm cách giải quyết những gia đình còn sống trong tình trạng bất hợp lệ, những cặp sống chung không cưới hỏi; cố gắng động viên, khích lệ người Công giáo cầu nguyện nhiều, dự lễ thường xuyên và tham gia sinh hoạt với cộng đoàn dù chưa xưng tội rước lễ được. Rất nên động viên, giải thích cho người chồng hoặc vợ ngoại giáo gia nhập Kitô giáo và hợp thức hoá hôn nhân để vợ chồng và con cái được sống trong ân sủng Chúa. Nếu phía ngoại giáo nhất quyết không theo vì lý do tôn giáo hay vì lý do khác thì động viên họ xin chuẩn hôn nhân khác đạo.
4. Chế tài đối với các đám cưới không cử hành bí tích hôn phối theo luật Hội Thánh :
Trong bài “Áp dụng biện pháp chế tài theo giáo luật trong mục vụ kỷ luật giáo xứ” của Linh mục Giuse Huỳnh Văn Sỹ đăng trên Bản Thông Tin Giáo phận Qui Nhơn số 114, tháng 10 năm 2007, ở mục “Áp dụng hình phạt trong giáo phận với một số tội phạm công khai” (trang 547-548) có viết : ‘Trong buổi thảo luận (tĩnh tâm tháng 8 và 9 năm 2007 của các Cha giáo hạt Bình Định), Đức Cha (Giám mục Chính toà Qui Nhơn, Phêrô Nguyễn Soạn) đã cho ý kiến chung quyết về áp dụng hình phạt cụ thể trong một số tình huống tội phạm thường gặp sau đây.
1.         Tự tử:  Không ra hình phạt, vẫn được cử hành lễ an táng và các nghi thức cần thiết khác
2.         Phá thai:          Phá thai có hiệu quả, công khai, với ý thức, cố tình, dù đã được nhắc nhở thì bị và tuyệt thông tiền kết
3.         Có thai trước khi làm hôn phối:          Tuỳ trường hợp, đương sự phải thú (công khai, riêng); chỉ làm phép giao ngoài thánh lễ.
4.         Hai người nam nữ công giáo ăn ở với nhau như vợ chồng không có phép hôn phối:            Bị treo toà(*) cho đến khi không còn ở trong tình trạng phạm tội công khai.
5          Hai người nam nữ cưới nhau thuần tuý dân sự (chỉ theo luật đời):   Bị treo toà cho đến khi hết ở trong tình trạng phạm tội công khai.
6.         Cha mẹ hay những người bà con trong gia đình công giáo đứng ra tổ chức đám cưới dân sự (theo luật đời) cho con cháu trong nhà:  Bị treo toà một thời gian từ 6 tháng đến 1 năm tuỳ mức độ gây gương xấu và mối quan hệ xa hay gần với hai cô dâu chú rể.
7.         Những người tham dự đám cưới của người công giáo theo luật dân sự (luật đời), không làm phép hôn phối theo phép đạo:     - Tuỳ trường hợp theo mức độ ủng hộ công khai sẽ bị treo toà thời gian từ 6 tháng đến 1 năm;
- Cũng có thể cho thú (công khai, riêng hoặc làm giấy cam kết không vi phạm nữa).
* Chú thích (*): Treo toà: có lẽ đây là hình phạt thuộc loại cấm chế (interdictum), được coi như một loại và tuyệt thông cấp 2. Theo Giáo luật điều 1332, vạ cấm chế (interdictum): - Cấm không được làm tác viên trong các buổi cử hành phụng vụ; - Cấm không được ban và nhận bí tích và á bí tích. Trường hợp đã có tuyên án hay tuyên bố tội, thì đương sự phải bị trục xuất khỏi buổi cử hành phụng vụ hoặc buổi lễ phải tạm đình chỉ.
VI. BÍ TÍCH XỨC DẦU BỆNH NHÂN
1. Giúp kẻ liệt trong giờ lâm chung : Vai trò của quý chức cộng tác với cha sở trong bí tích Xức dầu bệnh nhân rất quan trọng và nặng nề. Xin nêu lên những chỉ dẫn cơ bản trong Sách Kinh Giáo phận Qui Nhơn (sách Mục lục), phần “Về Tử Hầu” (xuất bản năm 1996, trang 485-529) như sau :
Giúp kẻ liệt trong giờ lâm chung, ta nên làm những việc sau đây :
+ Một là khuyên bệnh nhân vui lòng chịu những sự đau khổ thể xác, hiệp với những đau khổ của Chúa Giêsu trên Thánh giá xưa.
+ Hai là an ủi bệnh nhân về những nỗi buồn phiền đau khổ trong tâm hồn.
+ Ba là nếu bệnh trở nặng, thì giúp dọn mình chịu các Bí tích sau cùng.
+ Ngoài ra năng rảy nước thánh, để xua trừ ma quỷ và kêu xin Ba Đấng phù trì. Lại nhắc bệnh nhân kêu tên cực trọng Giêsu và đưa ảnh Chuộc tội cho hôn kính mà giục lòng yêu mến Chúa, để được ơn đại xá trong giờ lâm chung.
+ Cố gắng hết sức để mời Linh mục đến ban các phép sau hết, đó là Bí tích Giải tội, Ơn toàn xá giờ sau hết, Bí tích Xức dầu bệnh nhân, và rước Mình Thánh Chúa như của ăn đàng.
+ Nên chuẩn bị như sau theo khả năng : bàn nhỏ sạch phủ khăn trắng, trên đặt Thánh giá và hai đèn, chén nước thánh và que rảy, dĩa nhỏ để đựng bông chùi dầu thánh, chén nước để linh mục rửa tay, ghế để Linh mục ngồi giải tội.
+ Sau khi Linh mục đến và chào bình an, thì đọc kinh Thú nhận, Linh mục ban Bí tích Giải tội, hoặc giải tội lòng lành. Đoạn Linh mục ban ơn đại xá trong giờ lâm chung. Rồi Linh mục ban Bí tích Xức dầu bệnh nhân. Sau hết cho rước Mình Thánh Chúa như của ăn đàng.
Những người có mặt thưa kinh với Linh mục. Nên rước Linh mục đến khi bệnh nhân còn tỉnh táo, để nhận lãnh tròn đầy ơn ích của các phép sau cùng.
+ Khi bệnh nhân còn tỉnh, thì người giữ kẻ liệt đọc Mười lăm sự Thương khó Đức Chúa Giêsu, hoặc lời Chúa trối, lời Đức Mẹ than, lời giáo hữu than. Hoặc đọc kinh Cầu ơn chết lành, hay là Bảy phần thống hối vua Đavít, để bệnh nhân nghe mà ăn năn tội và dọn mình. Nhắc bệnh nhân trông cậy vào lòng nhân lành hay thương xót của Chúa, hơn là nhớ đến dĩ vãng tội lỗi, kẻo ngã lòng. Còn về dĩ vãng thì cũng chỉ nhớ chung và ăn năn tội tổng quát cũng đã đủ. Khi kêu tên “Giêsu – Maria – Giuse”, thì kêu nhẹ, không phải kêu lớn tiếng như cách người bên lương chiêu hồn.
+ Khi bệnh nhân sắp tắt thở và vừa tắt hơi thì đọc các kinh theo chỉ dẫn trong Sách Kinh Giáo phận Qui Nhơn (sách Mục lục), phần “Về Tử Hầu” từ trang 507 – 518.
2. An táng :
 Sách Kinh Giáo phận Qui Nhơn (sách Mục lục) hướng dẫn: Các giáo nhân phải nhớ lại khi liệm xác hay là táng xác, thì phải làm mọi việc theo luật phép Hội Thánh dạy. Vậy chẳng những là phải xa lánh những sự dị đoan mà lại cũng phải lánh hình bóng sự dị đoan nữa.
Cần lưu ý về những điều phải làm khi bệnh nhân đã tắt hơi:
a/ Khi bệnh nhân đã tắt hơi, thì vuốt mắt cho khép lại. Lấy khăn choàng riết đỉnh đầu với cằm, đóng sít hai hàm răng với nhau. Thay áo khi tay chân còn mềm. Mặc đồ xong, để xác nằm thẳng trên giường, hai tay xếp trên ngực theo hình Thánh giá, ôm ảnh Chuộc tội hay vấn tràng hạt Mân Côi. Linh sàn đặt trước bàn ttrên có Thánh giá và hai đèn, đặt nơi thích hợp cho giáo hữu đến cầu lễ. Xác Linh mục thì trở đầu về Thánh giá, mặt quay ra giáo hữu. Xác giáo dân thì trở chân về Thánh giá và mặt cũng hướng về Thánh giá. Gần linh sàn đặt chén nước thánh có que rảy. Người Công giáo không che mặt người chết. Tránh tất cả những gì có vẻ mê tín dị đoan.
b/ Giáo hữu đến cầu nguyện cho người vừa qua đời, thường lần hạt Năm Dấu Thánh, lần hạt Mân Côi, hoặc hát những bài hay đọc những Thánh vịnh, quen dùng để cầu nguyện cho người chết.
c/ Đưa xác theo phép đạo, thường có Thánh giá đèn hầu dẫn đầu, tiếp theo là các tín hữu đi đưa xác, rồi tới quan tài. Sau quan tài là gia đình và thân nhân của người quá cố. Nếu có Linh mục đi đưa xác, thì theo sự chỉ dẫn trong sách Nghi lễ An táng. Nếu không có Linh mục, thì cũng có thể tuỳ nghi theo các sự chỉ dẫn trong sách này (Sách Kinh Giáo phận Qui Nhơn), hoặc là cầu lễ và khi đến huyệt, thì đọc kinh Tiền táng, hạ huyệt, đọc kinh Hậu táng, đọc kinh Cám ơn bế mạc.
Thay lời kết :
Tất cả những ghi nhận trên đây, cho ta thấy vai trò cao quý và quan trọng của quý chức trong đời sống đạo của anh chị em giáo dân và cộng tác tích cực với các linh mục trong việc phục vụ dân tư tế của Chúa.
Quý chức luôn có mặt trong từng chặng đời sống của mỗi người công giáo, từ khi rửa tội đến lúc trở về lòng đất...  Chúa Kitô đã thiết lập các Bí tích để dưỡng nuôi dân Chúa. Ngài đã trao lại cho Hội Thánh nguồn ân sủng Bí tích cực thánh và cao trọng. Quý chức thật vinh dự và cao cả được mời gọi nhiệt thành dấn thân cộng tác với Hội Thánh qua các cha sở để chính Chúa Kitô hiện diện nơi các bí tích nuôi dưỡng, cứu chữa và chăm sóc đoàn chiên Chúa.
Cảm tạ Chúa đã không chê bỏ mà đã yêu thương tuyển chọn và mời gọi qua Hội Thánh để quý chức dấn thân chia sẻ sứ vụ tư tế cao cả của Chúa Kitô, và thực thi sứ mạng tông đồ của mình.
Nguyện xin Chúa nhờ công nghiệp và lời cầu bầu của Thánh Anrê Nguyễn Kim Thông, vị thánh chức việc và là Quan thầy của quý chức, nâng đỡ và thánh hoá mọi công việc mà quý chức cộng tác với linh mục khi ban các bí tích cho tín hữu ; và xin Chúa thương ban muôn ân sủng xác hồn và gìn giữ quý chức trong bình an.