(Nguoiduatin.vn) - Nhiều người
thích thể hiện đẳng cấp bằng việc được công nhận là “cử nhân chém gió”, “tiến sỹ
chém gió”
Bất cứ chỗ nào cũng có thể gặp
“Trà chanh chém gió", “Trà đá chém gió”; đến cơ quan thì gặp đồng nghiệp
“chém”, sếp “chém”; vào internet thì gặp “chém gió bang”, “góc chém gió”, “CLB
chém gió”, “Hội những người thích chém gió”, thậm chí có cả trang web chuyên về
chém gió.
Hội chứng khoe “tiền tấn”
Tôi có ông bạn, làm ở công ty tư
nhân SPB trên đường Bưởi, giờ đã nghỉ việc mà vẫn chưa hết sợ khi kể về vị giám
đốc cũ tên Thăng. Có lần, khi cùng sếp đi kí hợp đồng với đối tác là một đại
gia ở Long Biên. Nhận tiền đặt cọc, Thăng cao hứng mời cả bọn vào nhà hàng ăn
cá trình. Vừa ăn, Thăng vừa nói “chú mày là sướng nhất vì làm được với anh, không
thì cả đời chắc chả bao giờ được ăn cá trình”.
Lát sau, khi đã có chút men, ông
sếp tiếp tục “Cái thằng vừa rồi kí hợp đồng, chẳng qua là mấy bọn giàu “xổi”.
Nhà của nó chỉ đáng bằng một phòng của nhà anh. Còn tiền, bọn nó làm sao “đua”
được với anh, trên ô tô lúc nào anh cũng có đôi tỷ để tiêu vặt”?
Chưa hết, ông sếp này còn tiếp tục
“nổ”: Anh mở công ty này thực ra vì vợ, chứ nếu để tay anh, anh kinh doanh cái
khác thì tháng kiếm vài trăm triệu ngon ơ! Con Attila của anh, anh cho mày đấy.
À mà thôi, cho mày thì mày kiếm đâu ra tiền mà đổ xăng nuôi nó. Cái giống xe ấy
hao xăng, lại làm khổ mày ra”.
Không thua kém đẳng cấp chém gió
của Thăng, Hòa - một nhân viên PR của một công ty có trụ sở tại Cầu Giấy, cũng
“lòe” được không ít người nhờ vào tài ăn nói “một tấc tới trời” của mình. Không
có năng lực, chuyên môn nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, nhờ “võ mồm” mà Hòa
đã ngồi được vào chiếc ghế trưởng phòng.
Có lẽ như các cụ nói “miệng nhà
quan có gang có thép”, từ ngày lên trưởng phòng, khả năng ăn nói của Hòa cũng
được “nâng trình”. Cứ đến công ty, Hòa tra tấn mọi người bằng những lời “than
vãn” như “cái áo này em mua 2,5 triệu, giờ nhìn lại thấy quê quá”; “Hôm nọ buồn
tay, em mới lôi về 2 cái túi xách Gucci, mỗi cái có ngàn rưởi (1500 đô la)”;
“Chồng mới vứt cho vài chục ngàn đô bảo không tiêu hết thì đừng có trách. Biết
sao bây giờ”.
Đồng nghiệp mới mua được chiếc máy
tính xách tay, hí hửng khoe, Hoà trề môi xuỳ: “Cái này con bé nhà em dùng làm
máy đồ chơi lâu rồi...” Cứ như vậy, ngày nào các đồng nghiệp cũng bị Hòa nhai
đi nhai lại một điệp khúc tiền và tiền. Nhiều chị em nhìn thấy Hòa đến gần đã
phải tìm cách đi “lánh nạn”. Chưa biết người ta nể phục đến đâu, chỉ biết rằng
đồng thời với việc lên level (cấp) về chém gió thì Hòa ngày càng ít bạn.
“Nhậu với...toàn Thứ trưởng, Bộ
trưởng”
Tuấn là Giám đốc một công ty chưa
tạo được danh tiếng gì trong ngành xây dựng. Trên góc độ công việc, có lẽ không
có mấy người biết Tuấn. Tuy nhiên, nói đến Tuấn “chém” thì bạn bè hoặc những ai
từng nói chuyện đều công nhận Tuấn ở hạng “thượng thừa”.
Theo những người bạn của Tuấn, mặc
dù lúc nào Tuấn cũng than phiền công việc quá căng thẳng, ít có thời gian gặp
gỡ bạn bè buôn chuyện, nhưng cứ đến quán bia, hay quán cà phê là biết ngay là
có mặt Tuấn “chém”. Có được nghe Tuấn tâm sự, mới thấy được công việc Tuấn bận
thế nào: “Hôm rồi mình vừa ngồi với mấy anh bên Bộ, các anh bảo mình tham công
tiếc việc vừa thôi”. “Tối qua, vừa nhậu ở nhà anh T.N (Thứ trưởng Bộ xây dựng),
nay mệt kinh khủng”; “Mấy anh bên Tập đoàn Đầu tư phát triển hỏi mình có bán
công ty không, mình từ chối ngay, vì đấy là tâm huyết của mình”...
Muốn dọa dẫm người nào về pháp
luật là Tuấn lại tự nhận mình là người nhà ông T.Đ.Q (Thứ trưởng một Bộ). Người
lạ mà nghe Tuấn nói chuyện thì cứ tưởng giữa Tuấn và ông Q thân thiết lắm. Thực
chất, ngoài chuyện cùng quê thì Tuấn chẳng có quan hệ họ hàng gì với nhà ông Q.
Nhưng ai cũng phải công nhận là Tuấn có trí nhớ tốt. Anh ta nhớ rành mạch họ
tên, năm sinh, quê quán, địa chỉ nhà các VIP, cùng với các câu chuyện góp nhặt
từ quán trà đá vỉa hè.
Người mới gặp thì “mắt tròn mắt
dẹt”, người quen rồi thì chỉ biết bấm bụng cười thầm. Sau một thời dài “khuấy
đảo” tại các cuộc nhậu, quán trà đá…có lẽ cái mà Tuấn bị mất lớn nhất đó là
niềm tin, là trọng lượng của lời nói, sự kính nể từ phía những người xung
quanh.
“Chém gió” là hình thức lệch chuẩn
Ths Trần Xuân Hồng, giảng viên
khoa Xã hội học, Trường Đại học KHXN&NV Hà Nội cho rằng: Đây cũng có thể
coi là một sự kiện xã hội, biểu hiện một mẫu số chung là những hành vi giống
nhau của một nhóm người. So với hệ quy chuẩn chính thống hiện nay thì đó một
hình thức lệch chuẩn.
Đối với các bạn trẻ thì có thể xét
ở góc độ tâm lý lứa tuổi, ít nghiêm trọng hơn nếu đối chiếu với hình thức lệch
chuẩn. Ở lứa tuổi đó, người ta thường có nhiều hành vi bột phát, không kiểm
soát được. Còn ở những người có học vấn, theo tôi thì đó lại là một vấn đề
khác. Nhóm thứ nhất là những người “chém gió” mang động cơ vụ lợi như: khoe
quen người có chức có quyền để tạo cho mình vốn về quan hệ; khoe của thì tạo ra
vốn vật chất; khoe bằng cấp để tạo vốn tri thức. Tất cả những điều này đều nhằm
một mục đích cho người khác thấy ta có ưu thế “trội” hơn. Nhóm thứ 2 là những
người từ nhỏ không được được giáo dục tốt về các chuẩn mực đạo đức, trong đó có
tính khiêm tốn. Nhóm tiếp theo là những người a dua, chỉ bắt chước mà không
biết được đó là lợi hay hại.