Phan Thị Huyền Trang
1. Dẫn nhập
1.1. Trong những năm gần đây, việc tiếp cận các sự kiện văn học trên
cơ sở vận dụng phương pháp và thành tựu nghiên cứu của ngôn ngữ học hiện nay,
cụ thể là hướng tiếp cận ngôn ngữ - văn hoá đang thu hút được sự quan tâm chú ý
của nhiều nhà nghiên cứu. Với hướng tiếp cận này, ýnghĩa của một sự kiện văn
họckhông chỉ là những thông tin nằm bất động trên văn bản, mà ở một tầng vỉa
sâu xa hơn, nó còn là những yếu tố được lọc qua một lăng kính tâm lí của mỗi cá
nhân cụ thể, gắn liền với các tham số mang tính chất tâm lí và lịch sử của dân
tộc. Vì vậy, việc nghiên cứu cấu trúc ngữ nghĩa không thể tách rời khỏi việc
nghiên cứu những hiện tượng, trạng thái tâm lí, cơ chế nhận thức của con người,
cũng như những đặc điểm văn hoá, xã hội của dân tộc, của thời đại.
Dưới cách tiếp cận ngôn ngữ - văn hoá, bài viết này sẽ đi sâu phân
tích, lí giải sự lan toả ý nghĩa của từ “hoa” từ tâm ra ngoại vi, cũng như sợi
dây gắn kết về ngữ nghĩa từ ngoại vi hướng về tâm. Lấy dữ liệu là “Truyện Kiều”
của Nguyễn Du (bản do Hà Huy Giáp giới thiệu, Nguyễn Thạch Giang khảo đính và
chú thích [4]), chúng tôi hi vọng có thể phác thảo phần nào cơ chế sản sinh
khái niệm, cơ chế sản sinh ý nghĩa mới của một từ qua tương tác ngữ cảnh, cũng
như cơ cấu tổ chức từ vựng trong ngôn ngữ.
1.2. Nhìn một cách tổng quan, “hoa” trong “Truyện Kiều” xuất hiện 133
lần với 3 tư cách khác nhau:
Hoa với tư cách là yếu tố cấu tạo từ: tài hoa, hào hoa, phồn hoa
(7 trường hợp)
Hoa với tư cách là từ nhân danh: con Hoa, Hoa Nô (4 trường
hợp)
Hoa với tư cách là một thực từ với sự hội tụ đầy đủ hai mặt biểu đạt
- được biểu đạt và khả năng hoạt động độc lập: 122 trường hợp.
Trong bài viết này, chúng tôi phân tích hoạt động của “hoa” với tư
cách thứ ba - là một thực từ với sự hội tụ đầy đủ hai mặt biểu đạt - được biểu
đạt và khả năng hoạt động độc lập, trên cơ sở đó tìm hiểu khả năng liên tưởng
nghĩa của từ “hoa” dưới góc độ ngôn ngữ - văn hoá.
2. Khả năng liên tưởng nghĩa của
từ “hoa” trong “Truyện Kiều”
2.1. Các nghĩa của từ “hoa” trong
“Truyện Kiều” theo Đào Duy Anh
Theo Đào Duy Anh [1], “hoa” có 5 nghĩa sau trong “Truyện Kiều”:
(1). Cái hoa, nghĩa đen và nghĩa bóng, thường dùng để tỉ dụ người
đẹp, sắc đẹp, tình yêu (146. Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa).
(2). Cái hoa bị nhân cách hoá (26. Hoa ghen thua thắm
liễu hờn kém xanh).
(3). Tỉ dụ mặt người đẹp (104. Lại càng ủ dột nét hoa).
(4). Vật hình dáng giống cái hoa (3106. Trông hoa đèn
chẳng thẹn mình lắm ru)
(5). Tính từ chỉ vật gì có hoa, có trang sức bằng hoa, hay có vẻ
đẹp (171. Kiều từ trở gót trướng hoa).
Sự xếp nhóm các nghĩa của từ “hoa” của Đào Duy Anh đã bao quát
toàn bộ các trường hợp xuất hiện của nó trong “Truyện Kiều”. Có thể thấy, từ
“hoa” trong “Truyện Kiều” chủ yếu được dùng với hai nghĩa: nghĩa thứ nhất là
cái hoa (dùng theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, chiếm 74,3%) và nghĩa thứ năm là
tính từ chỉ vật có hoa, có trang sức bằng hoa, hay có vẻ đẹp (chiếm 20,8%). Tuy
nhiên, do cách tiếp cận thiên về từ vựng - ngữ nghĩa của một người làm từ điển,
tác giả Đào Duy Anh chỉ nhấn mạnh đến các ý nghĩa cơ bản được cố định hoá của
từ “hoa”, những ý nghĩa giúp cho nó có chỗ đứng trong hệ thống. Còn các tầng
nghĩa biểu trưng, các sắc thái biểu cảm cũng như sự lan toả ngữ nghĩa tinh tế -
cái tạo nên linh hồn ngữ nghĩa của từ “hoa”, lại chỉ được nhắc đến một cách sơ
sài: “thường dùng để tỉ dụ người đẹp, sắc đẹp, tình yêu” [1; 239]. Vì
vậy, chúng tôi đặt ra cho mình nhiệm vụ là: cần phải soi sáng đặc điểm ngữ
nghĩa của từ “hoa” dưới một góc độ khác, góc độ ngôn ngữ - văn hoá.
2.2. Khả năng liên tưởng nghĩa của
từ “hoa” trong “Truyện Kiều” dưới góc độ ngôn ngữ - văn hoá
Trong phần này, chúng tôi đi sâu vào khảo sát các biểu tượng ý
nghĩa của “hoa” từ bình diện nghĩa học. Năm 1976, Charles Fillmore đã đưa ra
một hướng tiếp cận ngữ nghĩa của các đơn vị từ vựng và cấu trúc ngữ pháp thông
qua khung ngữ nghĩa (semantics frame) [3]. Khung ngữ nghĩa là một loạt
các điều kiện (checklist of conditions) làm nền tảng cho việc hiểu và miêu tả
ngữ nghĩa của một hình thức ngôn ngữ. Theo ông, nghĩa của các từ được tổ chức
trên nền tảng các khung ngữ nghĩa, và thông qua cấu trúc ngôn ngữ được xây dựng
xung quanh một từ, mà từ ấy sẽ chọn và biểu diễn một số khía cạnh (aspects) hay
mặt (facets) của khung ngữ nghĩa đó. Mối quan hệ giữa một từ và một khung cũng
tương tự như mối quan hệ giữa một nền tảng (base) và hình bóng in trên nền đó
(profile) (giống như phần bản phẳng của miếng phù điêu trên đó nhô ra những chi
tiết được chạm khắc), mà Ronald W. Langacker đã đề cập đến. Ông cho rằng giá
trị ngữ nghĩa chỉ có được trong sự kết hợp của hai tham số trên [3].
Đối với “hoa”, dường như cũng có một khung ngữ nghĩa xuất hiện.
Khung ngữ nghĩa đa mặt (multi-faceted frame) này là tập hợp của hai tiêu chí: tính
chất và chức năng. Các tiêu chí này sẽ tạo thành phần nền (base) của phù
điêu, còn các ý nghĩa biểu tượng tạo thành phần chạm khắc trên nền phù điêu đó.
Như vậy, ý nghĩa biểu tượng của “hoa” thoát thai từ một ngữ cảnh cụ thể, sẽ
chọn và biểu thị một trong hai tiêu chí trên của khung ngữ nghĩa.
Theo tiêu chí tính chất, ta có tương ứng với 4 tính chất
nổi trội của “hoa” là 4 ý nghĩa tượng trưng của “hoa”: Với tính chất là dấu
hiệu của thực vật đến kì sinh trưởng dồi dào, hoa trước hết là “hiện thân của
sự sống”. Với thuộc tính đẹp điển hình, hoa là biểu tượng của cái đẹp, của
trạng thái “thiên đường mặt đất”. Với tính chất không bền vững, mau nở, nhanh
tàn, hoa trở thành biểu tượng về “phút giây thoáng chốc”. Còn tính chất yếu
đuối, phụ thuộc của hoa lại là cơ sở trao cho hoa một ý nghĩa biểu tượng khác:
hoa – “thực thể thụ động”.
Theo tiêu chí chức năng, ta có một biểu tượng độc đáo:
hoa – “bộ phận cơ thể người phụ nữ”. Với hai chức năng chính của hoa, ta cũng
có hai ý nghĩa biểu tượng thú vị sau: hoa - bộ phận làm đẹp và bộ phận sinh dục
của người phụ nữ.
Sau đây, chúng tôi sẽ đi sâu phân tích quá trình liên tưởng của
từng ý nghĩa biểu trưng, một quá trình vốn có nguồn gốc tâm lí trong đời sống
xã hội và được ghi lại một cách tế nhị, độc đáo trong ngôn ngữ.
2.2.1. Hoa – hiện thân của sự sống
Sinh ra từ nước nguyên thuỷ, hoa hé nở và mở rộng cánh từ từ, như
toát lên một làn hương ngợi ca sự sống mãi mãi thanh xuân. Nảy nở từ đất mẹ,
đón sinh khí từ trời, hoa là hợp âm hoàn chỉnh của Trời và Đất, là sự kết hợp
dịu ngọt của Âm và Dương, và cũng là sự thăng hoa dạt dào của nhựa sống.
Do đó, trong biểu tượng văn hoá nhân loại, hoa có thể được coi là hình
mẫu phát triển, là biểu tượng của sự sống.
Trong “Truyện Kiều”, hoa gắn liền với mùa xuân, sắc xuân, sức xuân
trong trẻo. Trong 122 trường hợp được khảo sát, có tới 31 trường hợp quy chiếu
của hoa là thiên nhiên (chiếm 25.4%). Hoa thường làm nền cho những cuộc giao
lưu thơ mộng, êm dịu:
Ngày xuân con én đưa thoi
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi
Cỏ non xanh rợn chân trời
42. Cành lê trắng điểm một vài bông hoa
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi
Cỏ non xanh rợn chân trời
42. Cành lê trắng điểm một vài bông hoa
Ở đây, hoa đậu trên cành lê thanh tú, hoa xuất hiện cùng cánh vỗ
nhịp nhàng của đàn chim én, hoa hoà vào nội cỏ mênh mông một màu tươi sáng. Bao
trùm lên tất cả, lắng sâu vào tận bên trong là một sức sống tươi trẻ, căng
nhựa, đầy rạo rực. Trong “Truyện Kiều”, hoa là hiện thân của sự sống, nhưng đó
không phải là một mầm sống cô lập. Sự sống của hoa còn toát lên từ sợi dây kết
nối với các thực thể xung quanh, với vạn vật rất đỗi quen thân.“Hoa” đi với
“nước” (3 lần) (2931. Hoa trôi nước chảy xuôi dòng), với “bèo” (2
lần) (219. Hoa trôi bèo dạt đã đành), “lá” (2 lần), (361.Vội
vàng lá rụng hoa rơi), “gió” (2 lần) (1241. Đòi phen gió tựa hoa
kề), “cây” (2 lần), v.v. trong những biến thể kết hợp cân xứng, hài hoà.
“Hoa” đặt trong trường liên tưởng đó lại càng được tôn thêm cảm thức thực vật
ngập tràn sự sống.
2.2.2. Hoa – thiên đường mặt đất
Hoa là tặng vật đẹp đẽ mà đất trời ban tặng cho cây cối. Hoa nở
trên đá, hoa nảy trên cát, hoa tựa hồ như một thứ mật ngọt ngào chảy trên mọi
miền đất hứa. Sắc màu đó, hương thơm đó, thuộc tính đẹp đó đã
mang lại cho hoa một ý nghĩa biểu trưng dịu dàng: hoa tượng trưng cho cái đẹp,
cái thanh cao của sắc đẹp, tình yêu, tình nhân, của sự toàn hảo về tinh thần.
Hay nói cách khác, hoa là hiện thân của trạng thái thiên đường trên mặt
đất.
2.2.2.1. Thiên đường mà “hoa” gợi nhắc trước hết bao gồm những gì thanh
cao nhất, đẹp đẽ nhất. Trong “Truyện Kiều”, hoa được sử dụng 24/122 lần
<chiếm 19.6%> như một tính từ để chỉ cái cao sang, quyền quý. Những gì
xung quanh Kiều đều nhuốm một màu hoa lệ: trướng hoa, kiệu hoa, thềm hoa:
171. Kiều từ trở gót trướng hoa
2145. Kiệu hoa đặt trước thềm hoa
Hoa đan cài theo bước chân, hoa nhỏ theo giọt lệ của người thục
nữ:
634. Thềm hoa một bước lệ hoa
mấy hàng
Hoa thêu dệt nên lời thề với người tình chung:
701. Thề hoa chưa ráo chén
vàng
Mỗi tiếng “hoa” gieo vào câu thơ tựa hồ như một nốt nhạc vang vang
xúc cảm. Mảnh hương nguyền còn đó, phím tơ đàn còn đây, vậy mà lời thề kia đã
xa lắm rồi. Một lời thề chưa được đền đáp trọn vẹn! Đó là lời “thề hoa” bởi
đằng sau nó là mối tình thiêng liêng, là khát vọng hạnh phúc mãnh liệt.
2.2.2.2. Trong thiên đường màu nhiệm của cái đẹp đó, có lẽ Nguyễn Du dành
ưu ái nhất cho cái đẹp của người con gái, của tình yêu.
“Người ta là hoa đất”, hơn nữa, người con gái đẹp lại là bông hoa
tinh tuý nhất, ngọt ngào nhất trong vô số các loài hoa của tạo vật. Vì thế,
hình ảnh được đem ra so sánh với hoa mà ta bắt gặp nhiều nhất và cũng là ý
nghĩa biểu trưng chủ yếu của từ “hoa” là hình ảnh người phụ nữ đẹp. Trong 122
trường hợp được khảo sát có tới 49 trường hợp từ “hoa” quy chiếu đến người con
gái đẹp (chiếm 40,2%). Hoa không chỉ làm nổi bật vẻ đẹp ngoại hình kiều diễm:
21. Hoa cười ngọc thốt đoan
trang
Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da
Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da
mà còn là một thứ “nước rửa ảnh” làm sáng thêm trí tuệ sắc sảo và
tâm hồn nồng nhiệt của người con gái họ Vương:
497. Hoa hương càng tỏ thức
hồng
Đầu mày cuối mắt càng nồng tấm yêu
Đầu mày cuối mắt càng nồng tấm yêu
Thêm vào đó, hoa còn là biểu tượng của tình yêu đôi lứa. Trong
“Truyện Kiều”, dưới nhiều hình thức khác nhau, tình yêu kéo dài từ đầu đến
cuối, chập trùng, đa sắc đa màu với những khuôn mặt điển hình bất hủ, từ mối
tình đầu e ấp, được dệt bởi mộng và thơ:
379. Cách hoa sẽ dắng tiếng
vàng
380. Dưới hoa đã thấy có chàng đứng trông
380. Dưới hoa đã thấy có chàng đứng trông
đến mối tình cuối được chắp lại bởi tháng năm nhưng cũng không kém
phần ý vị, đậm đà:
Tình nhân gặp lại tình nhân
3144. Hoa xưa ong cũ mấy phân chung tình
3144. Hoa xưa ong cũ mấy phân chung tình
Chính biểu tượng tình yêu đã thổi vào hoa cái thần, cái hồn để làm
nên những câu thơ tuyệt tác:
Trước sau nào thấy bóng người
2748. Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông
2748. Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông
Hoa cứ đến mùa hoa nở. Cứ có gió xuân là nó bước vào cuộc sống hội
hè. Hoa cười là cái cử chỉ đẹp nhất của loài hoa vì nó đang sống hết mình với
người bạn xứng đôi – gió xuân. Nhưng đáng thương thay, cái tươi tắn vô tình của
hoa càng khơi gợi sự tàn héo của nỗi người. Vết thương lòng từ sự va chạm trớ
trêu này mà trở nên nhức nhối. Thời gian quá khứ và hiện tại, không gian của
ngày xưa và của hôm nay đã có bao đổi thay khác biệt. Người xưa cũng đã vắng
bóng. Duy nhất không có sự đổi thay là tình yêu thuỷ chung, mãnh liệt của Kim
Trọng.
2.2.2.3. Hoa thường được gán cho thiên tính nữ nên người ta thường liên
tưởng với người con gái đẹp. Nhưng cái tài tình của Nguyễn Du là ở chỗ trong
Truyện Kiều ta còn thấy đối tượng “hoa” ngầm chỉ không phải thuộc phái đẹp, mà
còn có thể thuộc phái “mày râu”:
Nàng rằng khoảng vắng đêm trường
442. Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa
442. Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa
Thật bất ngờ đối với người đọc và cơ chế liên tưởng ở đây dường đã
đi ra ngoài khung liên tưởng thông thường [10]. Có thể hình dung ra mô hình
liên tưởng như sau:
Hoa → tình yêu, tình cảm đẹp, cao quý → người yêu, đối tượng có
tình cảm đẹp ấy → Kim Trọng, đối tượng cụ thể.
Hoạt động trên trục liên tưởng lúc này trở nên phức tạp. Câu trên
được hiểu theo nhiều cách:
Vì tình yêu nên phải đánh đường tìm tình yêu
Vì tình yêu nên phải đánh đường tìm người yêu
Vì tình yêu nên phải đánh đường tìm Kim Trọng
Vì Kim Trọng nên phải đánh đường tìm Kim Trọng
…
Tính chất nên thơ của câu nói sinh ra từ sự trộn lẫn cố ý đối
tượng: người yêu – Kim Trọng với khái niệm trừu tượng bao trùm lên đối tượng:
TÌNH YÊU. Trong khái niệm rộng lớn đó, người yêu như một điểm nhỏ, nhưng sáng
lấp lánh, qua đó phần nào hiểu được tình yêu [10].
Hành động táo bạo của Thuý Kiều chỉ có thể được thể hiện rõ nét
qua một cơ chế liên tưởng đầy phá cách. Với việc đặt những lượng nghĩa khác
nhau vào cùng một vỏ ngữ âm của một từ, người nghệ sĩ đã đưa người đọc đến
những nhận thức cao hơn, phức tạp hơn, và phải hoạt động cùng một lúc trên hai,
ba trục liên tưởng mới hiểu được thơ.
Như vậy, thiên đường mà hoa dệt nên có sắc đẹp toàn mãn, có tình
yêu thanh khiết, có tất cả những gì thanh quý nhất, trong sáng nhất. Hay nói
cách khác, hoa là biểu tượng toàn hảo của cái đẹp. Hoa hướng tới một thế giới
đẹp đẽ, linh thiêng, một thế giới là ước mơ, khát vọng muôn đời của nhân loại.
Và “Truyện Kiều” của Nguyễn Du đã chạm được đến ước vọng muôn đời đó.
2.2.3. Hoa – phút giây thoáng chốc
Một thuộc tính nổi bật khác của hoa là tính không bền vững.
Hoa mau nở và nhanh tàn. Cho nên, hoa còn là biểu tượng cho tính phù du của
cuộc đời cũng như đặc tính thoảng qua của cái đẹp, cho những sáng tạo mong
manh, ngắn ngủi, cho một thế giới biểu hiện vô thường. Hay nói cách khác, hoa
tự thân nó đã mang trong mình ý nghĩa tượng trưng về phút giây thoáng
chốc. Trong “Truyện Kiều”, ý nghĩa tượng trưng này được thể hiện một
cách tinh tế và sâu sắc.
Nếu dựa vào tiêu chí [+- nhất thời] thì tất cả các vị từ kết hợp
với từ “hoa” có thể được phân ra thành hai loại: vị từ tính chất và vị từ trạng
thái. Vị từ tính chất là vị từ chỉ những thuộc tính cố hữu, tương đối ổn định
của hoa như: trắng, hồng, thắm, đoan trang, chung tình. Còn vị từ tình
trạng lại chỉ những thuộc tính nhất thời, không ổn định như: tàn, rơi, rụng,
dầm dề, tan tác. Ta thấy, thuộc tính gắn liền với hoa chủ yếu là những
thuộc tính [+nhất thời] (chiếm 89,8%), gấp hơn 8 lần những thuộc tính [- nhất
thời].
Đi sâu vào từng loại vị từ kết hợp với từ “hoa”, ta thấy xuất hiện
với tần số tương đối cao là các vị từ chỉ báo sự tan vỡ đột ngột, sự ngắn ngủi
đầy xót xa: tàn (4 lần), rụng (3 lần), rơi (2 lần), rũ
cánh, lìa cành.
2585. Còn chi nữa, cánh hoa
tàn
3035. Nàng rằng: chút phận hoa
rơi
678. Hoa dù rũ cánh lá còn
xanh cây
1325. Thiếp như hoa đã lìa
cành
Thêm vào đó, hoa trong “Truyện Kiều” luôn gắn liền với nhịp thời
gian gấp gáp, hối hả, khẩn trương. Điều này thể hiện qua sự xuất hiện của một
loạt trạng từ chỉ thời gian như: đâu đã, vừa, mới, chưa, thôi đã kết hợp
với vị từ như: vội, vội vàng, giục giã:
701. Thề hoa chưa ráo chén
vàng
702. Lỗi thề thôi đã phụ phàng với hoa
702. Lỗi thề thôi đã phụ phàng với hoa
361. Vội vàng lá rụng hoa
rơi
3033. Kiệu hoa giục giã tức
thì
Đằng sau mỗi chữ rơi, rũ, lìa, tàn là một tiếng nấc thảng
thốt, là cảm giác lo âu, phiêu bạt. Nhịp điệu thời gian gấp khúc ấy hay chính
là nhịp điệu của một cái gì chông chênh, không bền vững. Phải chăng cái đẹp chỉ
là chút phù du, thoảng qua như một nghi ngờ?
Ý nghĩa tượng trưng này của từ “hoa” trong “Truyện Kiều” cũng là ý
nghĩa tượng trưng chung của “hoa” trong văn hoá phương Đông. Ta không khỏi liên
tưởng tới ý nghĩa của lẵng hoa của Lam Thái Hoà, một trong tám vị bát tiên,
người khoác một áo cánh xanh, tay xách một lẵng hoa, để làm nổi bật sự tương
phản giữa sự trường sinh bất tử của riêng ông với cái chốc lát, cái phiêu du
của đời người, của sắc đẹp và của những lạc thú trần gian. Ta cũng không thể
không nghĩ tới biểu tượng hoa anh đào - sakura trong văn hoá Nhật Bản. Hoa anh
đào vốn nở đồng loạt, nở rộ thành từng chùm, từng mảng nhưng khi đạt đến độ
viên mãn nhất, hoa bắt đầu rụng xuống theo những ngọn gió xuân bất chợt. Rụng
xuống một cách buồn bã và hùng hồn, hệt như một bản tình ca buồn. Rực rỡ, ngời
sáng nhưng chỉ thoáng qua như một ánh sao băng rồi vụt tắt, về mặt này sakura
trở thành biểu tượng của cái đẹp mong manh, hư ảo. Ta thấy thấp thoáng trong ý
nghĩa biểu tượng này của “hoa” một chút sắc màu của đạo Lão, đạo Phật vốn coi
cuộc đời chỉ là phù du, như bóng câu qua cửa sổ. Có thể nói biểu tượng này của
“hoa” trong “Truyện Kiều” mang đậm phong cách Á Đông cổ điển.
2.2.4. Hoa - thực thể thụ động
Nói đến hoa, người ta không thể không nói đến tính chất yếu
đuối, phụ thuộc. Vòng đời của hoa phụ thuộc vào hơi thở của đất trời.
Hoa nở bởi gió và cũng dễ dàng bị gió cuốn đi. Hoa không thể sinh sôi, nảy nở
nếu không được tiếp nhận những tác động của mưa, nắng và hơi sương. Do đó, một
ý nghĩa tượng trưng cũng không kém phần tiêu biểu của hoa là: hoa là biểu tượng
của thực thể thụ động.
Trong “Truyện Kiều”, hoa xuất hiện với ý nghĩa là thực thể thụ
động theo một tỉ lệ tương đối cao. Nếu xét về chức vụ cú pháp trong câu, ta
thấy hoa chủ yếu đóng vai trò là tân ngữ (chiếm 48,3%). Còn nếu xét các vai
nghĩa mà từ “hoa” biểu thị, ta cũng thấy chiếm tỉ lệ cao nhất là vai bị thể
(42/122 trường hợp, chiếm 34.4%). Khảo sát các từ chỉ không gian bao bọc xung
quanh từ “hoa”, ta càng thấy rõ hơn ý nghĩa biểu tượng này của “hoa” trong
“Truyện Kiều”. “Hoa” được đặt giữa hai mã không gian tưởng chừng như đối lập
nhau: không gian nhỏ hẹp và không gian vũ trụ.
Khi xét “hoa” ở bối cảnh gần nhất, ta bắt gặp một loạt từ chỉ
không gian nhỏ hẹp: tường, ngõ, đất, vườn, thuyền lái buôn, v.v.:
1355. Sá chi liễu ngõ hoa
tường
820. Cành hoa đem bán vào
thuyền lái buôn
Không gian dành cho hoa không phải là lầu son gác tía, cũng không
phải nhung gấm lụa là – là những không gian xứng tầm với hoa. Hoa ở đây lại là
hoa tường, hoa đất, hoa ngõ, như một thứ “hoa thải hương thừa”, và còn đau đớn
hơn, hoa bị “đem bán vào thuyền lái buôn”. Chính cái không gian sở hữu cái đẹp
lại là nơi vùi dập cái đẹp.
Và khi phóng ra bối cảnh rộng hơn, ta thấy rợn ngợp một không gian
vũ trụ, một cảm thức lưu lạc đậm đặc: “sóng vỗ giữa dòng”, “ngọn nước mới
sa”, “hoa trôi nước chảy”:
2931. Hoa trôi nước chảy
xuôi dòng
Xót thân chìm nổi đau lòng hợp tan
Xót thân chìm nổi đau lòng hợp tan
Buồn trông ngọn nước mới sa
1050. Hoa trôi man mác biết là về đâu?
1050. Hoa trôi man mác biết là về đâu?
Trong không gian lưu lạc đó, mọi mối liên hệ dường bị đứt tung,
“hoa” trở nên lênh đênh, vô định, trôi dạt, lơ lửng. “Hoa trôi bèo dạt” theo
Trần Đình Sử là một “mẫu gốc” kết đọng trong tâm hồn người phương Đông [8; 145]
về một không gian bất ổn, phấp phỏng, đầy dự cảm. Như vậy, bao bọc quanh “hoa”
là hai mã không gian tưởng như trái chiều: một không gian nhỏ bé, khiêm nhường
và một không gian bao la, rợn ngợp; nhưng thực chất lại là sự quyện hoà rất
biện chứng. Cái không gian nhỏ hẹp, khiêm nhường như “ngõ, tường” kia chẳng
phải là bằng chứng không lời nói lên thân phận bèo bọt, đáng thương của “hoa”
hay sao? Nhưng đau đớn thay chính cái thân phận mong manh ấy lại luôn bị xô đẩy
trong vòng định mệnh tan hợp, hợp tan, đầy biến động. Không gian thân phận đặt
cạnh không gian số mệnh - một sự đối lập đầy xót xa. Bao trùm lên cả hai mã
không gian đó là một không gian nội cảm với những mẫu gốc có ý nghĩa nhân sinh
phổ quát.
2.2.5. Hoa - bộ phận cơ thể người
phụ nữ
Nếu như trong các phần trước, khung ngữ nghĩa của từ “hoa” chủ yếu
quay xung quanh tiêu chí tính chất của “hoa” thì đến phần này, chúng tôi nhấn
mạnh đến một tiêu chí khác cũng tương đối đặc trưng, tiêu chí chức năng. Hoa có
hai chức năng nổi bật: chức năng làm đẹp và chức năng là cơ
quan sinh sản của cây. Trong trường hợp này, khả năng lan toả ngữ nghĩa
của hoa đi từ cái hoa tự nhiên đến bộ phận cơ thể của người phụ nữ.
Tương ứng với hai chức năng trên của hoa, ta cũng có hai ý nghĩa biểu trưng
tương đối độc đáo: hoa tượng trưng cho bộ phận làm đẹp và bộ phận sinh dục của
người phụ nữ. Dưới đây, chúng tôi sẽ đi sâu phân tích khả năng lan toả ngữ
nghĩa của “hoa” của mỗi trường hợp.
Một ý nghĩa biểu trưng khá thú vị của “hoa” trong “Truyện Kiều”
là: hoa tương ứng với bộ phận làm đẹp của nữ giới. Hoa là miệng xinh:
21. Hoa cười ngọc thốt đoan
trang
Hoa là mặt đẹp:
104. Lại càng ủ dột nét hoa
Sở dĩ ta có thể rút ra được ý nghĩa biểu tượng trên là do sự tương
tác về hình thức và ngữ nghĩa của các từ kết hợp với “hoa”. “Hoa” + “cười” -
vốn là vị từ điển hình để chỉ miệng (miệng cười), “hoa” + “nét” – cũng
là một từ tiêu biểu để chỉ mặt (nét mặt). Sự tương tác giữa “hoa” với
các từ xung quanh đã đẩy ngữ nghĩa của từ “hoa” đi từ trường thiên nhiên sang
trường bộ phận con người.
Thêm vào đó, trong “Truyện Kiều”, hoa còn tượng trưng cho bộ phận
sinh dục của người phụ nữ. Là sự sống xuất hiện trên khoảng mênh mông của vùng
nước khởi nguyên, kết hợp với mùi hương nồng nàn mà dịu ngọt, hoa tự thân đã có
tính thái âm và nữ tính. Ý nghĩa tượng trưng này đã được Nguyễn Du cảm nhận
thực là sâu sắc:
845. Tiếc thay một đoá trà
mi
Con ong đã tỏ đường đi lối về
Con ong đã tỏ đường đi lối về
Trà mi là loại hoa nở vào cuối xuân đầu hạ, nó đẹp bởi sự tinh
khiết thuần tuý. Trà mi thường được sử dụng trong văn thơ để tỉ dụ người con
gái đẹp, nhưng để chỉ âm hộ của người phụ nữ thì ít ai như Nguyễn Du. Ẩn dụ hoa
trà mi trong câu thơ Kiều khiến ta liên tưởng đến ý nghĩa biểu tượng của hoa
sen trong văn hoá phương Đông và hoa huệ tây trong văn hoá phương Tây. Hoa huệ là
loài hoa của thần Vệ nữ và do cái nhị, cái “dáng thẹn”, nó là một biểu tượng
của sự sinh sản. Theo Jean Chevalier và Alain Gheerbranr [6; 459], đó là lí do
đã khiến các vị vua nước Pháp lấy hoa huệ làm biểu tượng của giống nòi phồn
thịnh.
Còn hoa sen, có thể nói “là thứ hoa nhất hạng, nở ở những vùng
nước thường tù đọng và bẩn đục, bông sen toàn mĩ một cách dâm dãng” [6; 810].
Trong tranh hình Ai Cập, hoa sen xuất hiện trên khoảng mênh mông không rõ sắc
màu của những vùng nước nguyên thuỷ, nó xuất hiện trước tất cả, sau đó tạo hoá
và vầng thái dương mới loé ra từ trái tim rộng mở của nó. Như vậy, hoa sen
trước hết là “bộ phận sinh dục, là âm hộ mẫu gốc, bảo đảm cho các cuộc sinh
thành và tái sinh truyền lưu mãi mãi” [6; 810].Trong văn hoá Ấn Độ và Trung Hoa,
tầm quan trọng về ý nghĩa biểu tượng của hoa sen, về mặt trần tục cũng như về
mặt linh thiêng đều bắt nguồn từ hình ảnh cơ bản này.
Từ sự liên tưởng hoa trà mi với âm hộ của người phụ nữ, Nguyễn Du
đã chạm tới một mẫu gốc thiêng liêng trong văn hoá nhân loại. Đồng thời, với sự
gán ghép phạm trù tự nhiên sang phạm trù con người, phải chăng Nguyễn Du đã cố
ý trộn lẫn các đối tượng: hoa - miệng - mặt – âm hộ. Vẻ đẹp thiên nhiên tựa như
thứ nhạc nền để một hoà tấu cất lên, để ấn tượng về cái đẹp nhân bản trở thành
viên mãn. Những trường hợp hoa mang ý nghĩa biểu tượng này tuy không nhiều
nhưng thực sự có giá trị, vì nó là cái riêng, cái dấu ấn độc đáo của thiên tài
Nguyễn Du.
Như vậy, khả năng lan toả ngữ nghĩa của từ “hoa” xuất phát từ tâm
là cái hoa tự nhiên, sau đó lan ra năm ý nghĩa biểu tượng theo những tiêu chí
khác nhau. Ta có thể sơ đồ hoá quá trình lan toả ngữ nghĩa đó theo mô hình bông
hoa năm cánh dưới đây:
Đi vào câu thơ Kiều, “hoa” không chỉ là cái hoa tự nhiên, mà còn
lấp lánh những ý nghĩa biểu tượng và thấm đượm những tầng nghĩa văn hoá sâu xa.
Hoa vốn đi vào tâm thức người Việt nói riêng và nhân loại nói chung như một
biểu tượng bất tử về tình yêu, tuổi trẻ, về cái đẹp, cái thanh cao. Nhưng vẫn
bông hoa ấy, trong câu thơ Kiều, nó như được tưới thêm màu, được tắm thêm hương
để bung nở viên mãn, tròn đầy những ý nghĩa biểu tượng sâu xa, ý vị. Như vậy là
từ cách nhận thức ngữ nghĩa truyền thống của từ “hoa” qua “Từ điển Truyện Kiều”
của Đào Duy Anh, chúng ta còn có cở sở để nhận thức thêm những tầng nghĩa hàm
ẩn, những lớp nghĩa lan toả đầy thú vị của “hoa” dưới góc độ ngôn ngữ - văn
hoá.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
TIẾNG VIỆT
1.
Đào Duy Anh. Từ điển “Truyện Kiều”. Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội,
2000.
2.
Trần Trí Dõi. Ngôn ngữ và sự phát triển văn hoá xã hội. Nxb Văn hoá –
Thông tin, Hà Nội, 2001.
3.
Đinh Lư Giang. Vài nhận xét về
quá trình sản sinh ngữ nghĩa qua khảo sát khái niệm “đầu” trong tiếng Việt.
4.
Hà Huy Giáp, Nguyễn Thạch Giang. Truyện Kiều của Nguyễn Du.
Nxb Văn hoá – Thông tin, Hà Nội, 2005.
5.
Cao Xuân Hạo. Tiếng Việt, văn Việt, người Việt. Nxb Trẻ, Hà Nội, 2003.
6.
Jean Chevalier, Alain Gheerbrant. Từ điển biểu tượng văn hoá
thế giới. Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng, 1997.
7.
John Lyons. Ngữ nghĩa học dẫn luận. Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2006.
8.
Trần Đình Sử. Thi pháp Truyện Kiều. Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2002.
9.
Lê Quang Thiêm. Về khuynh hướng ngữ nghĩa học tri nhận. Tạp chí Ngôn ngữ
số 11 – 2006, tr. 6 – 19.
10.
Nguyễn Thu Thuỷ. Tìm hiểu điệp từ trong Truyện
Kiều. Luận văn tốt nghiệp, Khoa Ngôn ngữ học, Trường Đại học Tổng hợp, Hà
Nội, 1978.
11.
Nguyễn Đức Tồn. Tìm hiểu các đặc trưng văn hoá – dân tộc của ngôn ngữ và tư
duy người Việt (trong sự đối chiếu với các dân tộc khác). Nxb Đại học Quốc
gia Hà Nội, Hà Nội, 2002.
TIẾNG ANH
12.
David Lee. Cognitive Linguistics: An Introduction. Oxford University
Press, 2001.
14.
J. E. Cirlot. A dictionary of symbols. Dorset Press, New York, 1991.