Lm. Gioan Võ Đình Đệ
1. Tên gọi và năm sinh
Tên
gọi dân sự của thầy cho đến nay vẫn chưa tìm thấy bút tích nào để lại. Được
nhận tên Thánh Anrê khi chịu phép rửa tội. Tên thánh rửa tội Anrê cùng với quê
quán là tên gọi của Anrê Phú Yên. Tên gọi Anrê Phú Yên là tên chính thức được
Tòa Thánh công nhận.
Căn
cứ vào năm thầy tử đạo, năm 1644, Cha Đắc Lộ xác nhận lúc ấy thầy 19 tuổi,
chúng ta biết được thầy đã chào đời năm 1625.
2. Nơi lãnh nhận Bí tích Rửa tội
Theo
lời cha Đắc Lộ xác nhận: “Đúng 03 năm trước khi chết, mẹ thầy dẫn thầy đến
cho tôi, và tôi được hạnh phúc rửa tội cho thầy” [1].
Như vậy Anrê Phú Yên được rửa tội năm 1641.
Nơi
thầy được rửa tội ở đâu ?
Cũng
theo tài liệu của cha Đắc Lộ, Anrê Phú Yên là một trong 90 người được cha Đắc
Lộ rửa tội trong dịp tĩnh tâm bốn ngày liền tại nhà nguyện của bà Mađalêna Ngọc
Liên trong Dinh Trấn Biên Phú Yên.
Dinh
Trấn Biên Phú Yên được chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên thành lập năm 1629 và giao
cho con rễ là phó tướng Nguyễn Phúc Vinh trấn giữ. Vợ Nguyễn Phúc Vinh là Ngọc
Liên, trưởng nữ của chúa Sãi. Bà được rửa tội năm 1636. Bà lập nhà nguyện tại
Dinh Trấn Biên. Đây là nhà nguyện đầu tiên trên đất Phú Yên.
Xác định vị trí Dinh Trấn biên:
Trong
“Bản đồ Vương Quốc Annam ” của cha Đắc Lộ, in năm
1651, có vẽ tỉnh “Province de Ranran”. Bắc
giáp Quinhin ( Qui Nhơn ), Nam
giáp Chiêm thành. Đó chính là tỉnh Phú Yên ngày nay. Trên bản đồ nầy, Phú Yên có
ba con sông. Theo các nhà sử học, con sông nhỏ ở phía Bắc là sông Cầu; con sông
lớn hơn ở giữa là sông Cái; con sông lớn nhất ở phía Nam là sông Đà Rằng. Thủ
phủ của tỉnh được ghi là “Dinh Phoan”
tọa lạc bên phía Bắc con sông ở giữa,
tức sông Cái, ở chỗ gần cửa biển. Đây
chính là Dinh Trấn biên được chúa Sãi
lập năm 1629. Do những tác động của thiên nhiên, ngày nay toàn bộ Dinh Trấn
Biên nằm dưới nước dòng sông Cái.
Dinh
Trấn Biên ngày nay được gọi là Thành Cũ, thuộc thôn Bình Thạnh, xã An Ninh Tây,
huyện Tuy An. Tên gọi nầy xuất hiện như để phân biệt với Thành An Thổ được vua
Minh Mạng (1820-1840) thành lập vào thế kỷ 19. Thành An Thổ ngày nay thuộc thôn
An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An. Về năm thành lập thành An Thổ thì các sử liệu
ghi chép khác nhau. Cuốn Phương Đình dư
địa chí của Nguyễn Siêu thì ghi là năm 1832; cuốn Đại Nam thực lục chính biên thì ghi là năm 1836; cuốn Đại Nam nhất thống chí thì ghi là năm
1838.
3. Nơi sinh
Thời
điểm thầy Anrê Phú Yên chào đời là thời điểm Phú Yên đang còn trong giai đoạn
bắt đầu khai phá, khẩn hoang. Lực lượng khẩn hoang nầy là những đoàn di dân từ
Thuận Quảng, phía Bắc Phú Yên, như Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Quảng Nam, Quảng
Ngãi, Bình Định. Ông cha của thầy Anrê Phú Yên thuộc những người di dân nầy.
Lúc
bấy giờ Phú Yên là vùng đất mới được chúa Nguyễn ổn định an ninh chính trị. Tuy
nhiên việc khai khẩn đất hoang, lập làng vẫn còn nhiều yếu tố trở ngại, như về
an ninh trật tự ở biên giới phía Nam với Chiêm Thành, khí hậu khắc nghiệt, nước
độc, chướng khí từ rừng hoang cỏ rậm và ác thú ở miền núi. Do đó chỉ còn vùng
đồng bằng ven biển, đặc biệt vùng châu thổ sông Cái, khí hậu hiền hòa, dễ bắt
con cua con cá, trồng được lúa nước, cách xa biên giới phía Nam, là vùng “đất
vàng” được các di dân ưu tiên chọn lựa định cư. Dinh Trấn Biên cũng được thành
lập tại vùng châu thổ nầy. Xét những điều kiện nầy, có thể gia đình của Anrê đã
chọn vùng châu thổ sông Cái để định cư. Toàn bộ vùng châu thổ nầy, ngày nay
thuộc giáo xứ Mằng Lăng.
Đầu
năm 1639, toàn bộ các thừa sai Dòng Tên ở Đàng Trong đã bị chúa Nguyễn trục
xuất. Lúc bấy giờ Cha Đắc Lộ đang ở Ma Cao. Cha tận dụng ảnh hưởng của các
thương nhân người Bồ đối với chúa Nguyễn để cha được ra vào Đàng Trong tất cả
bốn lần. Lần thứ nhất (02/1640 - 8/1640), lần thứ hai (12/1640 - 7/1641), lần
thứ ba (01/1642 – 9/1643), lần thứ tư (01/1644 – 03/7/1645). Trong chuyến trở
lại Đàng Trong lần thứ hai, cha Đắc Lộ đã tận dụng cơ hội để thăm viếng tín hữu
Phú Yên. Nhân dịp nầy cha rửa tội cho Anrê Phú Yên tại nhà nguyện của bà
Mađalêna Ngọc Liên trong Dinh Trấn Biên Phú Yên.
Xét
hoàn cảnh sự hiện diện của cha Đắc Lộ tại Dinh Trấn Biên lúc nầy, có thể cha
chỉ thăm viếng các tín hữu và qui tụ các tân tòng trong phạm vi những làng lân
cận Dinh Trấn Biên. Học giả Phạm Đình Khiêm đã viết: “ Xét vì cuộc viếng thăm
của giáo sĩ chỉ thâu hẹp trong các làng phụ cận dinh Trấn Biên, mà phương tiện
truyền tin và giao thông thời ấy lại rất hạn chế, người ta có lý do để tin rằng
những giáo hữu tân tòng kia không phải từ ở nơi xa đến, mà chính là những người
ở ngay chỗ trấn lỵ và phụ cận”.[2]
Từ
nhận định nầy, Học giả Phạm Đình Khiêm đi đến một nhận định khác: “Như vậy sinh
quán của anh hùng Anrê Phú Yên, không đâu khác ngoài các làng Hội Phú và lân
cận là Long Uyên, Diêm Điền, Hội Tín, Phú Thọ, Minh Chính… Tại Long Uyên ngày
nay có một ngôi nhà thờ nhỏ lợp lá, với một họ đạo non vài trăm nhân danh, gọi
là họ “Lò giấy”. Theo lời truyền tụng, đó là họ đạo xưa nhất trong cả miền, đã
cống hiến cho Giáo hội mấy chục người tử đạo đời Văn thân. Phải chăng đó chính
là làng quê của thầy giảng Anrê ? ”.[3]
Học
giả Phạm Đình Khiêm đã đặt vấn đề “Phải chăng (Lò Giấy) đó chính là làng quê của thầy giảng Anrê ? ”. Và vì chỉ là
nghi vấn không thể chứng minh được nên ngay sau đó ông khẳng định: “Dầu sao thì
tất cả miền này đều thuộc địa sở (họ chính) Mằng Lăng, một địa sở tôn giáo rất
quan trọng, gồm 12 họ nhánh, 3.000 giáo hữu, với ngôi nhà thờ nguy nga đẹp đẽ
nhất tỉnh. Vậy nếu không định rõ được đích xác làng, thôn nào đã sản xuất vị
anh hùng, ít nhất ta cũng được biết chắc chắn Mằng Lăng là “xứ đạo quê hương”
(paroisse natale) của người, và đó là một nhận định quan trọng, vì “xứ đạo”
(địa sở tôn giáo) là đơn vị căn bản của địa dư Giáo hội”.
Thật
ra, Lò Giấy là một giáo họ được thành lập sau năm 1747 và trước năm 1850. Trong
thống kê của các thừa sai năm 1747, Phú Yên có 06 nhà thờ và 67 nhà nguyện của các giáo họ liên hệ, trong
đó Chợ Mới là nhà thờ chính trong vùng, là trú sở của các thừa sai [4].
Chợ Mới hiện nay là một giáo họ của giáo xứ Mằng Lăng. Trong số 06 nhà thờ và
67 nhà nguyện của thống kê năm 1747 chưa thấy có tên giáo họ Lò Giấy, và ngay
cả Mằng Lăng cũng chưa có.
Trong
thống kê năm 1850 của Thánh Giám mục Cuênot Thể, Phú Yên được chia làm hai xứ,
xứ phía Bắc và xứ phía Nam. Trong đó, Lò Giấy và Mằng Lăng thuộc xứ phía Bắc. [5]
Với
các chứng cứ trên đây cho thấy việc xác định Lò Giấy là nơi sinh của Anrê Phú Yên
là một khẳng định chưa đủ chứng cứ lịch sử. Nói cách khác, không thể xác định
Lò Giấy là nơi sinh của Anrê Phú Yên. Do đó, quan điểm của Học giả Phạm Đình
Khiêm dễ được chấp nhận: “nếu không định rõ được đích xác làng, thôn nào đã sản
xuất vị anh hùng, ít nhất ta cũng được biết chắc chắn Mằng Lăng là “xứ đạo quê
hương” (paroisse natale) của người, và đó là một nhận định quan trọng, vì “xứ
đạo” (địa sở tôn giáo) là đơn vị căn bản của địa dư Giáo hội”.
4. Nơi tử đạo :
Chân
phước Anrê Phú Yên tử đạo tại Gò Xử, Thành Chiêm, Điện Bàn, Quảng Nam . Nay thuộc
giáo họ Phước Kiều, giáo xứ Hội An, giáo phận Đà nẵng.
5. Tuyên phong Chân phước :
Thầy
giảng Anrê Phú Yên được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tuyên phong Chân phước
vào ngày 05 tháng 3 năm 2000.
Sau
đó, để bày tỏ tâm tình tạ ơn Chúa cách long trọng và để tôn vinh Chân phước
Anrê Phú Yên, vị tử đạo tiên khởi của Hội Thánh Việt Nam, giáo phận Qui Nhơn đã
tổ chức ngày hội trại đầu tiên của
giảng viên giáo lý giáo phận Qui Nhơn từ ngày 25 đến ngày 26/7/2000 tại giáo
xứ Mằng Lăng, quê hương của Chân phước Anrê Phú Yên. Đỉnh điểm của tâm tình tạ
ơn là Thánh lễ đồng tế do Đức Cha Phêrô Nguyễn Soạn chủ sự.
Tại Đại Hội Giới Trẻ thế giới lần thứ 17 ở Toronto,
Canada, (23-28/7/2002), Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nêu Chân Phước Anrê Phú Yên ở vị trí thứ hai
trong số 10 vị thánh trẻ tiêu biểu làm mẫu gương cho cuộc sống.
Tại Hội Nghị thường niên ở
Bãi Dâu từ ngày 25 đến ngày 27/3/2008, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã chính thức
chấp thuận chọn ngày làm chứng của Chân Phước Anrê Phú Yên, 26/7, làm Ngày
Giảng Viên Giáo Lý Việt Nam.
II.
SỰ NGHIỆP
Nói
đến Anrê Phú yên, là nói đến một người trẻ 19 xuân xanh, can trường sống chết
vì Chúa Giêsu.
Nói
đến Anrê Phú Yên, là nói đến một mẫu gương về các kĩ năng sống cho giới trẻ.
Nói
đến Anrê Phú Yên là nói đến một mẫu gương phục vụ dân Chúa của các giảng viên
giáo lý.
Như
thế, nói đến Anrê Phú Yên là nói đến một cuộc đời đã hoàn thành. Chúng ta rút
được bài học nào trong con người đã hoàn thành cuộc đời mới có 19 xuân xanh đó
không ?
Cuộc
đời hoàn thành đã được sách Khải huyền diễn tả“ CHIỀU DÀI, CHIỀU RỘNG VÀ CHIỀU CAO
ĐỀU BẰNG NHAU ”(Kh 21,16).
1. CHÂN PHƯỚC ANRÊ PHÚ YÊN VỚI CHIỀU DÀI
CUỘC ĐỜI
:
Mỗi
người có thời gian sống ngắn, dài khác nhau. Mỗi người có những khả năng làm việc khác nhau. Theo
chỉ dẫn của dụ ngôn những nén bạc trong Tin mừng ( Mt 25, 14-30 ), mỗi người có
trách nhiệm khám phá sứ mạng, khả năng của mình trong suốt chiều dài cuộc sống.
Phải làm hết sức mình để thực hiện sứ mạng và những khả năng của mình. Phải hành
động như thể Thiên Chúa đã giao cho mình chính công việc nầy, vào lúc nầy. Chiều
dài cuộc đời là chuỗi dài các nỗ lực của mỗi người để đạt được hạnh phúc trong
suốt chiều dài cuộc đời của mình.
Năm 1642, Anrê Phú Yên khăn gói lên đường với cha Đắc Lộ về Hội
An. Tại trường “thầy giảng Hội An” do cha Đắc Lộ thành lập, Anrê được nhập đoàn
với 09 người anh ưu tú trong cộng đoàn thầy giảng, Anrê là người em út.
Ngoài việc luyện
tập nhân đức, học giáo lý bằng quốc ngữ, chữ nôm, chữ hán, các thầy giảng còn được
học kinh sử cổ điển. Về môn học nầy đã có sẳn một thầy giáo trong cộng đoàn là
thầy Inhaxiô, từng là một cựu quan ở Chính Dinh. Cha Đắc Lộ nói về Anrê: “Tôi
giao thầy Anrê cho một trong những thầy giảng khác của tôi là Inhaxiô, là người
rất khôn ngoan, thông thái để học văn chương Trung Hoa; Anrê học hành có kết
quả đến nỗi Inhaxiô phải nói với tôi rằng: Trong tất cả các môn sinh, không một
người nào đọ kịp trí tuệ của Anrê, thầy linh lợi thông minh, học đâu hiểu đó” [6].
Nơi
trường thầy giảng, Anrê theo đuổi việc tu đức và học vấn nhưng không bỏ qua
những việc cần làm để giúp đỡ người khác, như Cha Đắc lộ nhận xét người học trò
nhỏ của mình: “Người thầy không khỏe mạnh gì lắm, thế mà việc khó mấy trong
nhà, thầy cũng làm luôn, nhiều khi lại làm quá sức mình; thầy quên mình để giúp
kẻ khác”.
- Làm hết sức mình, làm cách hoàn hảo
nhất những gì có thể làm:
Lễ
Chúa Giáng Sinh năm 1643, nhóm thầy giảng đang có mặt tại kinh đô mừng lễ Giáng
Sinh ngay trong dinh Tổng Trấn Nguyễn Phúc Khê. Không có linh mục, không có
Thánh lễ, Thầy Anrê Phú Yên làm hang đá, một điểm qui tụ tín hữu trong vùng lân
cận và chính Tổng Trấn Nguyễn Phúc Khê cùng con cháu và gia nhân đến triều bái,
thờ lạy Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người. Cha Đắc Lộ tóm tắt công việc
của thầy Anrê trong những tháng ngày làm việc ở vùng truyền giáo này: “Thầy
Anrê đặc biệt chăm chỉ đi theo thầy Inhaxiô trong mọi hoạt động vì lòng bác ái,
thầy đến tận kinh đô xứ Đàng Trong, ở đó riêng mình thầy làm việc bằng nhiều
người khác”. Thầy giảng đạo cho người ngoại giáo, dạy dỗ kẻ tân tòng…, dọn dẹp
nhà thờ rất sạch sẽ, trang hoàng nhà thờ trong những ngày lễ lớn, khéo léo đến
nỗi làm cho bổn đạo tăng thêm lòng sốt sắng và cả người ngoại giáo cũng phải
trọng kính mầu nhiệm của đạo” [7].
2. CHÂN PHƯỚC ANRÊ PHÚ YÊN VỚI CHIỀU
RỘNG CUỘC ĐỜI
Chiều
rộng cuộc đời là việc mưu cầu hạnh phúc cho người khác.
Cha
Đắc Lộ tóm tắt hoa quả về cách đối nhân xử thế của Anrê: “Anrê ở nhà tôi chỉ
ít lâu, nhân đức trong linh hồn thầy đã biểu lộ ra ngoài; thầy sống giữa chúng
tôi như một vị thánh nhỏ; thầy có tư thái hiền hậu, đức vâng lời mau lẹ, rất
kính trọng mọi người, khiến ai ai cũng đều cảm phục”. Sự thông minh và
những khả năng của thầy chẳng làm hại chút nào đến đường tu đức của thầy: “Tất
cả những lợi điểm đó chẳng làm cho thầy có chút vẻ gì là kiêu ngạo hay tự mãn:
Thầy coi mình như kém hết mọi người, và không có gì làm cho thầy bằng lòng hơn
là được dịp phục vụ người khác” [8].
Quả
vậy, Anrê nhỏ con, nhỏ người, ốm yếu, làm những việc nhỏ: Dọn bàn thờ, làm hang
đá, chăm sóc bệnh nhân..., nhỏ nhất trong nhóm thầy giảng Đàng Trong, nhỏ tuổi
đời, nhỏ tuổi đạo, nhỏ tuổi tu: Sinh năm 1625, rửa tội năm 1641, nhập đoàn thầy
giảng năm 1642, khấn trọn năm 1643, tử đạo năm 1644.
Dưới
bóng cha Đắc Lộ và một số thầy giảng từng là ông cử, ông quan, thầy Anrê trẻ
tuổi, quê mùa, chơn chất không có gì đáng kể. Tuy nhiên, mặt trời chiếu soi ban
ngày, vầng trăng soi chiếu ban đêm, sao hôm, sao mai dù leo lét nhưng là một
dấu chỉ đường, một ngọn hải đăng trên bầu trời. Có đường quốc lộ, cũng có những
con đường làng nhỏ hẹp; có cầu Ngân Sơn với những kỷ thuật cao cho bộ hành Bắc
Nam, cũng có cầu Lò Gốm giản đơn hơn cho cư dân và du khách về Mằng Lăng; có
giòng sông Cái [9]
hữu tình nước trong xanh lững lờ, cũng có những dòng suối nhỏ nên thơ. Ai cũng
có gì để cho, ai cũng có gì để đóng góp cho anh chị em, cho Hội Thánh. Trọn
tâm, trọn ý, trọn tình từ trong công việc nhỏ, đơn điệu, âm thầm, đó là đạo lý của Tin Mừng: “Khá lắm, hỡi
người đầy tớ tài giỏi và trung thành! Trong việc nhỏ mà anh đã trung thành, thì
tôi sẽ đặt anh lên coi việc lớn, hãy vào hưởng niềm vui của chủ anh” (Mt
25, 21).
Ngày
25 tháng 7 năm 1644, ông Nghè Bộ cho lính đến trụ sở Dòng Tên tại Hội An tìm
bắt thầy Inhaxiô theo lệnh bà Tống Thị. Hôm ấy Cha Đắc Lộ và thầy Inhaxiô cùng
với 04 thầy khác đang đi làm việc tông đồ, thầy Anrê Phú Yên ở nhà săn sóc 04
thầy trong nhóm đang bị bệnh. Toán lính không tìm thấy thầy Inhaxiô, Thầy Anrê
bạo dạn nói với toán lính: “Nếu các ông muốn bắt thầy Inhaxiô thì vô ích vì
Inhaxiô không có ở đây. Còn muốn bắt tôi thì rất dễ dàng, tôi là tín hữu, hơn
nữa là thầy giảng. Tôi có cả hai tội mà các ông khép cho thầy Inhaxiô để bắt
thầy ấy. Nếu thầy ấy có tội thì tôi làm sao vô tội được” [10].
Toán
lính không bỏ lỡ cơ hội, họ bắt và trói thầy Anrê như chiên hiền lành không
chống cự. Sau đó toán lính xúc phạm đến các ảnh thánh, thầy khuyên can họ: “Nếu
các ông quyết định lấy những ảnh thánh ấy, thì cứ để tôi sắp xếp cẩn thận cho,
càng dễ mang đi”. Thầy Anrê được cởi trói để làm điều thầy nói, sau đó thầy
đưa tay cho lính trói thầy trở lại. Đã làm những điều ấy nhưng lính chưa thỏa
mãn, lính lôi một thầy đang đau nằm trên giường, định bắt giải đi. Thầy Anrê
dịu ngọt thuyết phục, họ để cho thầy ấy được tự do, còn chính người van xin
biện hộ cho anh em thì lên đường khổ nạn.
Quả vậy, ơn thánh không hủy diệt bản
tính tự nhiên nhưng đón nhận, thánh hóa, và trợ giúp để bản tính tự nhiên tiến
đến hoàn thiện viên mãn. Với đức nhân, với lòng dũng cảm, với trí khôn ngoan
cùng với ơn thánh, thầy Anrê quyết định để cho lính bắt thầy mau chóng như thế;
có thể vì thầy đã nghĩ rằng: Thầy là người em út trong nhóm thầy giảng, thầy có
mất đi cũng không ảnh hưởng gì đến sinh hoạt, đến sự sống còn của nhóm. Trong
khi nếu thầy Inhaxiô, người anh cả khôn ngoan, bản lĩnh...mất đi thì sẽ ảnh
hưởng lớn đến nhóm. Cha Đắc Lộ là sư phụ, là linh hồn của nhóm, nhưng sự hiện
của cha có tính cách bấp bênh vì lệnh trục xuất của ông Nghè Bộ có thể xảy ra
bất cứ lúc nào. Do đó sự hiện diện của thầy Inhaxiô luôn luôn cần thiết cho anh
em, cho công cuộc truyền giáo. Để cho lính bắt thầy như một ‘chiến lợi phẩm’,
điều đó có thể làm dịu đi việc truy tìm thầy Inhaxiô, đồng thời là tiếng chuông
báo động nguy hiểm cho thầy Inhaxiô, thầy Inhaxiô có thể trốn thoát.
Quả
vậy, trong lúc tấn bi kịch xảy ra tại Hội An thì Cha Đắc Lộ và các thầy giảng
sắp vào Dinh Trấn thăm hữu nghị ông Nghè Bộ. Vừa lúc ấy, ý Chúa nhiệm mầu sai
khiến ông Horace Massa, một thương gia người Ý chạy đến cấp báo cho cha Đắc Lộ biết
sự việc xảy ra tại Hội An. Cha Đắc Lộ vội vàng cho các thầy giảng trở về tìm
nơi ẩn núp. Còn thầy Anrê đã chọn hy sinh, quên mình làm hướng đi và thầy đã
trung thành đến hơi thở cuối cùng với lựa chọn của mình.
3. CHÂN PHƯỚC ANRÊ PHÚ YÊN VỚI CHIỀU CAO
CUỘC ĐỜI
-
Chiều cao cuộc đời là hướng đi lên tới Thiên Chúa.
Được
biết Chúa Giêsu, yêu mến Chúa Giêsu và làm chứng cho Chúa Giêsu là hành trình
đức tin thánh Tông Đồ Anrê đã đi. Sau 17 thế kỷ, cũng từ miền sông nước, một
Anrê khác theo gương vị Bổn mạng của mình,
đã từ bỏ Sõng lưới, từ bỏ ruộng vườn, từ bỏ gia đình...để dành trọn vẹn
tình yêu cho Chúa Giêsu. “Hãy giữ nghĩa cùng Chúa Giêsu cho đến hết hơi, cho
đến trọn đời” là châm ngôn sống của Chân phước Anrê Phú Yên.
Trong sân nhà lao, Anrê Phú Yên đã
khẳng định lòng tín thác đó khi nói với đám đông lương giáo vây quanh mình : “Các
anh em thấy rõ tôi đây đã bị bắt và sắp phải chết, chẳng phải vì ăn cướp, giết
người hay làm thiệt hại ai, mà chỉ vì tôi đã nhìn nhận Chúa tể trời đất và Con
Một Người xuống thế chuộc tội cho ta. Mọi sự ta có đều do Người. Thế mà người
ta lại muốn tôi phạm đến Người. Tôi chẳng sợ bất cứ hình phạt nào người ta có
thể bắt tôi chịu, tôi chỉ sợ lửa hoả ngục đời đời. Hỡi anh em, anh em hãy coi
chừng, đừng từ chối ơn Đức Chúa Trời đã ban cho anh em ” (Sđd. Tr.148).
Cha
Đắc Lộ kể lại những giây phút cuối cùng của Chân phước Anrê Phú Yên đã hoàn
thành cuộc đời vào chiều hôm 26/07/1644: :“ Tôi mê hồn nhìn thấy
người thanh niên chân phước kia, lúc ấy quỳ gối, và đã bị đâm ba lần ở sau
lưng, chẳng những không ngã quỵ, mà lại không hề lay chuyển; Thầy được vững
mạnh như vậy trong ơn thánh sủng nâng đỡ Thầy; Thầy vẫn luôn luôn không chuyển
động, và tôi thấy diện mạo của Thầy không mất chút nào về vẻ bình thản cũng như về màu sắc… Người thanh niên thánh
thiện nầy vẫn không ngớt đọc Thánh Danh Chúa Giêsu; ngay khi đầu của thầy đã
rời khỏi cuống họng, và nằm ngả trên vai bên phải, tôi nghe thấy rỏ ràng tên
cực trọng Giêsu phát ra từ vết thương nơi cổ, cùng một giọng giống hệt như từ
cửa miệng phát ra lúc trước; tôi nghe thấy thế rất rõ ràng và tất cả những
người gần tôi lúc ấy đều nói như vậy, vừa vui mừng, lại vừa kinh ngạc. Thánh
Danh Giêsu không thể phát ra từ miệng thầy nữa, thì lại phát ra từ trái tim
thầy, ngay đang lúc thôi đập, để tỏ rằng trái tim nầy dầu có chết, cũng còn giữ
mãi Thánh Danh kia, và khi không thể dùng miệng lưỡi mà ca ngợi Danh
Thánh Giêsu được, thì thầy dùng chính vết thương mình mà ca ngợi Danh Chúa...” (Sđd,
tr. 156).
Cùng
với Thánh Phaolô, Chân Phước Anrê Phú Yên đã tiếp tục minh định : “ Tôi coi
tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô
Giêsu, Chúa của tôi. Vì Người tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như đồ bỏ, để
được Đức Kitô và được kết hợp với Người” (phil. 3,8).
III.
MẢNH ĐẤT TỐT CHO HẠT GIỐNG NẨY MẦM
1. Nơi Chân phước Anrê Phú Yên: sự tự do
của con người được kết hợp hài hòa với ân sủng.
Chúng ta thử
nghĩ xem, vào lúc hạt giống Tin mừng mới vừa được gieo trên quê hương chúng ta,
làm sao một chàng thanh niên mới 15 tuổi đã dứt khoát chọn lựa theo Chúa và dám
đem cái chết của mình ra để minh chứng lòng tín trung của mình ? chết vào lúc 19 tuổi, chết quá trẻ,
sống đức tin hơn 3 năm. Quả vậy, không có ơn Chúa chúng ta không làm được việc
gì. Do đó phải nói được rằng nơi Chân
phước Anrê Phú Yên là chuỗi dài sự tự do của con người được kết hợp hài hòa với
ân sủng.
Chân phước Anrê Phú Yên đã tự do quyết định hướng đi cho đời mình và dù ơn Chúa
là một kho tàng bất tận luôn có đó, nhưng Anrê Phú Yên phải ra sức mò mẫm hy
sinh trong cố gắng của cả một đời người để hoàn thành cuộc đời, mặc dù ngắn
ngủi.
2.
Môi trường sinh thái của nhân bản và đạo đức
Anrê Phú Yên đã quảng
đại hy sinh cuộc đời mình và tự nguyện lãnh lấy trách nhiệm trong cuộc sống. Việc
này có được không phải là một sớm một chiều. Nó có bề dày nền tảng của nó. Đó
là nhờ có một bà mẹ đạo đức, một người thầy uyên thâm và một mẫu gương tông đồ
giáo dân sáng ngời.
2.1. Bà
Gioanna
Bà Gioanna, mẹ của Anrê, góa chồng sớm, nhưng đã
dạy con chu đáo. Chính bà đã đến xin cha Đắc lộ cho con mình làm đệ tử của cha.
Yếu tố người mẹ trong việc giáo dục nhân cách và đức tin rất quan trọng. Chúa sáng
tạo và quan phòng đã phú ban cho người nữ tấm lòng của người mẹ, lòng mẹ thì
bao như biển Thái Bình, lòng mẹ hy sinh, lòng mẹ yêu thương. Cha
Philipphê Bỉnh viết : “Bà rất chăm sóc việc giáo dục cho Anrê về đường đức
hạnh và đường học vấn”. (truyện Đàng Trão, trang 46).
2.2. Cha Đắc
Lộ
Cha Đắc Lộ, vị truyền giáo tài tình đã nhờ ơn Chúa
soi sáng và kết hợp với sáng kiến cá nhân của ngài mà Nhà Đức Chúa Trời đã được
lập nên, phỏng theo đời sống đại gia đình Việt Nam , ngài lấy tinh thần gia
đình để huấn luyện các học trò của mình. Các thầy giảng đã được huấn luyện nhuần
nhuyễn từ nền lễ giáo Đông Phương về nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, và sau đó trong
cái gốc đầy sức sống ấy, cha Đắc Lộ đã cấy ghép Đức tin Kitô giáo vào. Nhờ vậy
đạo Công giáo mà cha và các thầy rao giảng không xa lạ đối với đồng bào chúng
ta. Tất cả chúng ta từ nhiều địa phương, từ nhiều dòng họ khác nhau được mời
gọi sống chung thành đại gia đình con cái Chúa. Tình Gia đình đó là một tình
cảm sâu nặng mà mỗi người chúng ta phải
phát huy trong đại gia đình chúng ta đang sống, cộng đoàn dân Chúa.
Năm
1642 Cha Đắc Lộ có dịp đến Phú Yên lần thứ hai, Anrê Phú Yên ngỏ lời với cha
Đắc Lộ, xin theo Cha giúp việc truyền giáo. Lúc đầu cha Đắc Lộ từ chối vì Anrê
còn trẻ, hơn nữa trong thời buổi cấm đạo việc di chuyển của đoàn truyền giáo có
đông người là điều nên tránh. Tuy nhiên sự kiên trì nài nỉ của Anrê và của
người mẹ đạo đức, đến không để van xin cho con út quý yêu của mình được ‘ngồi
bên tả hay bên hữu’ mà đến để van xin được đồng hành yêu mến và làm chứng cho
Chúa Giêsu. Thiện chí đó đã khiến Cha Đắc Lộ gạt sang một bên cái lôgíc rất hợp
tình hợp lý, rất khôn ngoan, rất người kia, để nhường chỗ cho cái lôgíc tình
yêu quan phòng của Thiên Chúa chiếm hữu và hướng dẫn. Hoan hô Cha Đắc Lộ ! Bài
giáo lý bao đồng Cha truyền lại cho Anrê Phú Yên không phải là những lời nói
suông mà là một thái độ sống ấn tượng. Anrê đã nhập tâm bài giáo lý bao đồng ấy
: Tín thác hoàn toàn vào tình yêu quan
phòng của Cha trên trời. Lòng tín thác ấy đã được tỏ lộ mạnh mẽ trong cuộc
đời, nhất là lúc đối diện với đau khổ và cái chết.
2.3. BÀ NGỌC LIÊN CÔNG CHÚA
Đặc tính của người nữ là yêu thương phục vụ, có rất
nhiều ơn gọi phục vụ không kèn không trống đang diễn ra từng ngày, trong gia
đình, trong giáo xứ, trong các môi trường hoạt động thiện ích xã hội.
Việc những người nữ tham gia vào việc
hoạt động truyền giáo đã đem lại nhiều hiệu quả. Trường hợp bà Maria Ngọc Liên
là một điển hình. Dựa vào lòng bao dung sẳn có nơi người nữ, lại nữa như một
folklore của dân tộc, các vị thừa sai khơi sáng lòng bao dung hướng tới những người nghèo, những người bị bỏ rơi. Cha
Đắc Lộ ghi nhận : “Một bà nhân đức tên là Maria Madalena, vợ quan trấn thủ,
đã làm nhiều việc thiện trong tỉnh Phú Yên, bà còn là một người sáng lập một
bệnh viện để chăm sóc tất cả giáo dân và người tân tòng bị chứng bất trị. Trong
đám bệnh nhân có mấy người cùi sẵn sàng chịu phép rửa tội, để được trong sạch
trong linh hồn. Mỗi ngày người ta giảng dạy những điều cần thiết để chuẩn bị
phép bí tích ban ơn thánh, có mấy người bổn đạo cũ đến giúp và dự vào việc huấn
giáo”. [11]
Bà Ngọc Liên chẳng
những đã bảo trợ cho các bệnh nhân mà còn là người bảo trợ cho các dự tòng và
tân tòng. Có bà bảo trợ, các dự tòng và tân tòng mới có thể ra vào được nhà
nguyện trong dinh Trấn Biên. Gương sống đạo, lòng rộng lượng, sự thơm thảo,
thởi lởi của bà bảo trợ chắc hẳn đã để lại trong lòng Anrê Phú Yên một ấn tượng
sâu sắc. Chính ấn tượng nầy đã ảnh hưởng đến những chọn lựa và quyết định định
hướng cuộc đời của Anrê.
Gương
sống đạo của cha Đắc Lộ, của bà Gioanna, của bà Maria Madalêna Ngọc Liên và
Chân phước Anrê Phú Yên là một lời nhắn nhủ chúng ta: Trong cuộc sống hàng
ngày, chúng ta có bổn phận rao giảng Tin Mừng, nhưng lời giảng hùng hồn nhất là
chính cuộc sống chúng ta.
[9] Còn gọi là sông Kỳ Lộ. Sông chảy qua
cầu Ngân Sơn, một nhánh qua cầu Lò Gốm
ra đầm Ô Loan, và một nhánh đến đập Tam Giang rồi ra biển Tiên Châu.