Thanh Chung
Bảo tàng Sansevero được đánh giá như một viên ngọc quý
của di sản nghệ thuật thế giới. Nơi đây, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng
những đường nét tinh xảo của các tác phẩm điêu khắc, mà còn cảm nhận được vẻ đẹp,
sự kiêu hãnh của cả một dòng tộc cùng với những bí ẩn bao trùm lên đó trong suốt
hơn hai thế kỷ qua.
Được đặt chính giữa trong nhà bảo tàng (vốn trước đây
từng là Nhà thờ và Lăng mộ của dòng họ Sansevero) bức tượng đá “Chúa Giê-su phủ
khăn voan” (Veiled Christ) được coi là một trong những tác phẩm nghệ thuật nổi
tiếng và ấn tượng nhất thế giới.
Lúc đầu, Raimondo di Sangro – người con thứ bảy trong
dòng họ Sansevero muốn giao phó việc hoàn thành bức tượng “Veiled Christ” cho
nhà điêu khắc nổi tiếng đến từ Venise - Antonio Corradini. Bởi ông chính là tác
giả của bức tượng “Modesty” mà Raimondo đã đặt làm để lưu giữ mãi mãi về sau những
nét thanh tân của người mẹ mình. Bà đã mất khi còn quá trẻ, vào lúc Raimondo
chưa đầy một tuổi.
Tuy nhiên, Antonio mất vào năm 1752, sau khi mới chỉ kịp
làm mô hình bằng đất nung của bức tượng “Veiled Christ”. Mô hình này hiện nay vẫn
còn được lưu giữ tại bảo tàng. Raimondo sau đó đã cho mời Giuseppe Sanmartino –
một nhà điêu khắc trẻ của Napoli đến làm tiếp công việc dở dang của Antonio.
Ông yêu cầu tạc tượng Đức Chúa bằng đúng kích cỡ người thật, được phủ lên một tấm
voan trong suốt.
Lớp voan đá mỏng tang, hiện rõ nỗi đớn đau thể xác của
Đức Chúa sau khi hạ xuống từ cây Thánh giá đã gây ra không ít tranh cãi và tạo
ra sự huyền bí bao trùm qua mấy thế kỷ. Vết thương như vẫn còn rỉ máu bên sườn
phải, những mạch máu sưng phồng nơi những chiếc đinh câu rút bị đóng vào thân,
những thớ thịt, đường gân sống động khiến du khách có cảm tưởng như Đức Chúa bằng
xương, bằng thịt đang nằm đó với một tấm khăn trong suốt phủ lên. Raimondo vốn
là một nhà hóa học nổi tiếng với nhiều thí nghiệm và phát minh thời bấy giờ.
Trong suốt gần 2,5 thế kỷ, người ta đồ rằng ông đã tạo ra lớp voan trên cả hai
bức tượng Modesty và Veiled Christ từ một hợp chất hóa học nào đó. Sau này, người
ta đã tìm ra được những bằng chứng, chứng tỏ Raimondo đã trả công cho Giuseppe
một số tiền rất lớn để tạo ra bức tượng “Đức Chúa với tấm voan bằng đá”. Bản
thân Giuseppe cũng ghi vào “tiểu sử” của mình rằng “Christ được bao phủ toàn
thân bằng một tấm khăn voan từ phiến đá nguyên khối với bức tượng”.
Đến bảo tàng Sansevero, du khách còn bị ấn tượng bởi
hai tủ kính dưới tầng hầm trưng bày hai “tác phẩm” nổi tiếng có tên là “
Anatomical Machines ”. Đây chính là xác của hai người: một đàn ông – một phụ nữ
– do bác sĩ Giuseppe Salerno ở Parlemo thực hiện dưới sự chỉ đạo của Raimondo.
Trong một “ghi chép” của một tác giả vô danh ở vào thế
kỷ 18, có nhắc đến một địa điểm, Raimondo dùng để thực hiện các thí nghiệm của
mình. Trong đó có nói đến một dung dịch có nguồn gốc từ thủy ngân, có thể làm
“kim loại hóa” các mạch máu của cơ thể. Một giả thuyết khác cho rằng, các mạch
máu được tạo ra từ một số chất liệu khác nhau, sau đó được tô màu lên. Nhưng
các nhà khoa học không thể giải thích được tại sao từng mạch máu li ti trên cơ
thể con người lại được thể hiện một cách chính xác như vậy. Riêng hộp sọ và
khung xương là thật 100%.
Có người cho rằng, hai bộ xương của hai người hầu nam
và nữ trong cung điện của dòng họ Sansevero. Cũng có người cho rằng xác người
phụ nữ là vợ của Raimondo, còn người đàn ông là nhân tình của cô ta.
Nếu đến Ý, bạn không thể không đến Napoli. Và nếu đã đặt
chân trên những phiến đá xanh lát đường có bề dày lịch sử hàng trăm năm của nơi
đây, bạn đừng quên mua chiếc vé vào cửa với giá 4 Euro để được chiêm ngưỡng những
tuyệt tác trong bảo tàng này.