Thứ Tư, 4 tháng 7, 2012

SÁM HỐI VÀ THANH TẨY

về những lỗi lầm thiếu sót
trong thể hiện nhân cách linh mục

Thánh Phêrô sám hối
Họa sĩ Jose de Ribera, Tây Ban Nha, thế kỷ XVII
Lm. Giuse Phạm Thanh

Trước tiên, con cảm ơn Đức Cha, trong Bản gợi ý của Tòa Giám Mục vào dịp Cấm Phòng Năm 2012, đã cho con những ý tưởng rất cụ thể để đối chiếu và ghi lại với các Cha về đề tài trong buổi họp hôm nay. Bản Gợi ý ấy ghi :
 Nhìn lại hàng ngũ linh mục của Giáo Phận, chúng ta thấy có nhiều đóng góp to lớn, và nhiều gương hi sinh thánh thiện. Tuy nhiên, đã là con người, không ai tránh khỏi những lỗi lầm và thiếu sót, những giới hạn và bất toàn, những yếu đuối và tội lỗi. Để có thể hướng dẫn Dân Chúa đi vào cuộc sám hối và thanh tẩy trong năm 2012 này, mỗi linh mục hãy tự đặt mình dưới ánh sáng của Thiên Chúa, hãy khiêm tốn và chân thành, nhìn thẳng vào chính mình, vào mặt trái và những bóng tối của mình, tự lật tẩy mọi giả hình và bóc trần mọi vỏ bọc, để có thể sám hối và canh tân cuộc sống một cách quyết liệt và dứt khoát.
Bản gợi ý còn gợi lên ba đề tài, tức là ba khía cạnh của cuộc đời linh mục :
-  Những lỗi lầm thiếu sót trong thể hiện NHÂN CÁCH.
-  Những lỗi lầm thiếu sót  trong ĐỜI SỐNG THIÊNG LIÊNG.
-  Những lỗi lầm thiếu sót trong NHIỆM VỤ MỤC TỬ
Và như vậy, phần con hôm nay phải bàn về những lỗi lầm thiếu sót trong thể hiện nhân cách linh mục.
1. Trước hết, xin cho phép con tìm hiểu vài ý niệm cần thiết cho vấn đề
- Nhân cách
- Linh mục.
- Sám hối và thanh tẩy
2. Thứ đến là một số điều kiện cần thiết để canh tân cuộc sống quyết liệt và dứt khoát
I. Vài ý niệm
a/ Nhân cách.
Google.com cho một câu định nghĩa: "Nhân cách là cách đối xử của con người đối với gia đình cũng như ngoài xã hội , nhân cách là một hình thức xử thế cao đẹp hoàn toàn chứng tỏ cho mọi người thấy rằng con người mình là một con người có giáo dục , biết trải nghiệm được những điều phải trái trên đời, đồng thời nó cũng là một hình thức xã giao tốt đẹp và nhiều lịch sự nhất của con người khi giao tiếp với nhau."
Nhân là người còn cách là tính cách. Vậy nên nhân cách chính là tính cách hay bản chất tiềm ẩn trong một người nào đấy. Và nhân cách có ảnh hưởng rất lớn đối với con người đó.
Nhân cách là một thứ giá trị được xây dựng và hình thành trong tòan bộ thời gian con người tồn tại trong xã hội, nó đặc trưng cho mỗi con người, thể hiện những phẩm chất bên trong con người nhưng lại mang tính xã hội sâu sắc. (Wikipedia).
Nhân cách là hệ thống những phẩm giá của một người được đánh giá từ mối quan hệ qua lại của người đó với những người khác, với tập thể, với xã hội và cả với thế giới tự nhiên xung quanh trong mọi cái nhìn xuyên suốt quá khứ, hiện tại và tương lai. Nhân cách là một thứ giá trị được xây dựng và hình thành trong tòan bộ thời gian con người tồn tại trong xã hội, nó đặc trưng cho mỗi con người, thể hiện những phẩm chất bên trong con người nhưng lại mang tính xã hội sâu sắc.
Nhân cách là những nét đặc trưng tiêu biểu của con người, được hình thành trong sự kết hợp giữa hiệu quả giáo dục và môi trường (tự nhiên). Nhân cách bị ảnh hưởng bởi nhiều nhân tố, bao gồm tính khí, ngày sinh, yếu tố gia đình, những tác động trong môi trường sống, những căn bệnh nguy hiểm, nỗi ám ảnh về cái chết, chuyển nhà, địa vị kinh tế, giới tính, trí thông minh, tuổi tác, sức khoẻ và việc nuôi dạy con cái...
Đại Từ Điển tiếng Việt của Nguyễn Như Ý  thì ghi: Nhân cách là tư cách và phẩm chất , đạo đức của con người.
Đối với những quan niệm trần thế như trên, người ta thường hiểu Nhân Cách theo nhãn quan tự nhiên thuộc nhân bản hay tâm sinh lý; nhưng với người Ki-tô-hữu, ngoài những mối giao tiếp xã hội thuần túy nhân loại, người ta còn hành động dưới ảnh hưởng của ơn Chúa trong bất cứ công việc gì. Điều này thường dễ làm cho người ta phán đoán sai lệch về tha nhân, nhất là về các Linh Mục. Lấy một linh mục có tài làm nhà thờ mà so sánh với một linh mục khác không có khả năng đó, là một điều không đúng. Hoặc đem một linh mục có nhiều tài năng mà so sánh với một vị không có những tài năng hay sở trường đó, cũng là vô lý. Chúng ta không quên sự hiện diện của ơn Chúa đặc biệt trong các vị khác nhau! Mà ơn Chúa là một ân ban không do công nghiệp con người đòi hỏi! Tất cả là tình thương vô biên và nhưng-không của Thiên Chúa. Và với linh mục, còn phải hiểu là “vì Hội Thánh” nữa. Bởi vì đây là “đoàn sủng”.
Tuy nhiên, có những việc ta có thể làm và ta phải làm làm, trong ơn Chúa và trong bổn phận, thì không được trốn tránh hay bỏ qua: như những đức tính nhân bản con người cần học tập và có thể học được. Đó chính là điều mà con nghĩ rằng linh mục cần nhắm tới, để có thể làm ích cho cuộc sống Tông Đồ của Giáo Phận trong tương lai!  Đồng thời nó cũng nằm trong khả năng và nỗ lực của con người. Và Đức Cha nhắc nhở: Để có thể hướng dẫn Dân Chúa đi vào cuộc sám hối và thanh tẩy trong năm 2012 này, mỗi linh mục hãy tự đặt mình dưới ánh sáng của Thiên Chúa, hãy khiêm tốn và chân thành, nhìn thẳng vào chính mình, vào mặt trái và những bóng tối của mình, tự lật tẩy mọi giả hình và bóc trần mọi vỏ bọc, để có thể sám hối và canh tân cuộc sống một cách quyết liệt và dứt khoát.
b/ Linh Mục
Linh mục là người được Chúa gọi và được thánh hiến bằng bí tích Truyền chức thánh để làm “người phân phát các mầu nhiệm của Thiên Chúa, và cộng tác viên của Giám mục trong Hội Thánh”. Linh mục không phải là người của chính mình, mà là người của Thiên Chúa, ngài phải sống cho Chúa theo sát gương Chúa Giê-su và dựa vào chính sức sống của Ngài. Đây không phải là nghề nghiệp trần thế và cũng không phải là một công việc thuần túy nhân bản, mà là một sứ vụ linh thiêng, một cuộc sống siêu nhiên, luôn cậy nhờ ơn Chúa và nhắm tới mục đích siêu nhiên con người. Cho nên cần thận trọng trong những nhận xét cũng như đòi hỏi thuần túy tự nhiên. Thiên Chúa tự do ban ơn cho ai và ân lượng thế nào, hoàn toàn tùy ý Chúa, không do công nghiệp của con người đòi hỏi. Đàng khác, sứ mệnh của linh mục là sống theo khuôn mẫu Chúa Ki-tô, chứ không phải sống cho mình và theo ý mình muốn, nên lấy tư cách con người mà thôi cũng không đủ để phê phán về linh mục. Tuy vậy, siêu nhiên không phá hủy tự nhiên, ơn Chúa không phủ nhận nhân bản, mà dựa trên chính con người tự nhiên để vươn cao; thế nên nhân cách luôn hữu ích và vẫn cần thiết nữa để xây dựng con người siêu nhiên : Đời sống nhân bản luôn cần thiết cho cuộc sống mọi người trên đời này. Chính vì thế, chúng ta bàn tới nhân cách linh mục hôm nay.
c/ Sám hối và thanh tẩy. 
Sám hối là ăn năn hối cải vì tội lỗi mình đã phạm.. Đây cũng là công việc thuộc phạm vi siêu nhiên. Thiếu ân sủng Chúa, thì không gì còn giá trị nữa. Còn thanh tẩy thì quả nhiên chỉ có Thiên Chúa mới có thể đổi mới tâm hồn con người và thanh tẩy hoàn toàn không phải thuộc khả năng con người, nhưng là việc của Thiên Chúa. Như thế, chúng ta càng phải thận trọng khi xét đến nhân cách linh mục và việc thanh tẩy linh thiêng này.
 II. Những điều kiện tiên khởi.
Ngày nay, các Đức Giáo Hoàng gần đây, nhất là Đức Phao-lô VI , đã không ngừng nhắc nhở: “Thứ tội nặng nhất của thời đại chúng ta là “mất ý thức về tội lỗi” . Không nhìn nhận mình là tội nhân, thì làm sao sám hối và thanh tẩy? - Có người buôn xì-ke nói với con, tại chính Qui Nhơn này: “Con mua tốn tiền, con bán kiếm lời, chứ có ăn cắp của ai đâu mà cha bảo có tội?” Hoặc có Đấng bậc kia bảo: “Tu hoài, hôm nay nghỉ tu một bữa có sao?”. Chính bởi mất ý thức về tội lỗi, đã làm con người không còn khả năng nhận biết chính mình nữa, hỏi làm sao tìm được nguồn thanh tẩy? (Hoặc giả hiện nay có nhiều quan niệm trút bỏ tội cho “Gen”, hay cho môi trường xã hội để trốn tránh trách nhiệm cá nhân, lấy cớ :tôi có gen hiếu thắng, có gen đa tình, di truyền vv…mà trút trách nhiệm mình phải gánh.)
Thứ đến, có khi có ý thức về tội lỗi đấy, nhưng không quyết tâm tẩy trừ dứt khoát và quyết liệt đối với tội lỗi. Con nhớ đến việc Xét mình trong Tu đức học, người ta thường dạy phải: l) Đặt mình trước Nhan Chúa (vừa giúp ta sống chân thành và khiêm tốn cầu nguyện). 2) Nhớ đến những hồng ân tự nhiên và siêu nhiên Chúa ban hôm nay.( giúp ta dễ ý thức đáp trả) 3) Cầu xin ơn Chúa Thánh Thần soi sáng. 4) Lướt qua Các Điều Răn Chúa, Điều Răn Hội Thánh, các bổn phận và Các mối tội vv…Và điều quan trọng ở đây là cần xét đến lý do tại sao tôi lỗi phạm điều này, hầu tìm phương thế hữu hiệu để sửa chữa trong tương lai. Đây là điều quan trọng hơn số lượng tội phạm. 5) Sau cùng, sám hối và cầu xin Chúa ban ơn giúp tôi sửa chữa tội lỗi mình. Như vậy, điều quan trọng là điểm thứ (4) trên đây: (Tìm hiểu lý do tại sao tôi lỗi phạm và tìm phương thế hữu hiệu để sửa chữa). Có như vậy, thì việc xét mình hằng ngày mới đem lại lợi ích thiết thực cho ta trong bước tiến tới mỗi ngày.
Sau nữa, như lời nhắn nhủ của Đức Cha: “Để có thể hướng dẫn Dân Chúa đi vào cuộc sám hối và thanh tẩy trong năm 2012 này”. Chúng ta ý thức việc sám hối và thanh tẩy của Linh Mục, không chỉ mang tính cách cá nhân, nhưng nó còn quan trọng vì là tiền đề cho việc thanh tẩy cả giáo dân trong Giáo phận chúng ta năm nay nữa.
III. Những lỗi lầm thiếu sót trong thể hiện nhân cách linh mục
Chính bản gợi ý của Tòa Giám Mục đã ghi khá đầy đủ:
  - Thiếu kỷ luật trong nếp sống: lề mề , làm việc theo hứng nhất thời, không tôn trọng giờ giấc và chương trình làm việc, trốn tránh trách nhiệm hoặc tiêu cực ỷ lại.                          
  - Thiếu khôn ngoan, kính trọng và lịch thiệp, trong lời ăn tiếng nói, trong cung cách đối xử.
- Thiếu trong sáng trong cách quan hệ.
- Hành động cách độc đoán, tự phụ tự cao, không biết tham khảo và tôn trọng ý kiến kẻ khác.
- Chỉ muốn làm việc một mình, thiếu tinh thần cộng tác và không muốn ai cộng tác với mình để công việc đạt kết quả hơn.
- Thiếu tình huynh đệ đối với các anh em linh mục khác: không biết đón nhận và yêu thương giúp đỡ nhau, phê bình chỉ trích thay vì thông cảm và nâng đỡ nhau.
- Tinh thần hưởng thụ: ham chơi, ham ngủ, thích nhậu nhẹt, coi trọng tiền bạc, tìm kiếm cuộc sống dễ dãi sang trọng và tiện nghi quá mức, sử dụng tiền bạc cách phung phí, coi thường nếp sống khó nghèo của người môn đệ Đức Ki-tô.
- Không tiếp tục trau dồi kiến thức bằng cách đọc sách báo tốt và các chương trình truyền thông bổ ích, không chịu khó suy nghĩvà phát huy khả năng phân định, phê phán.
Theo thiển ý của con, bản Gợi ý của Tòa Giám Mục đã cho con thật nhiều ý tưởng giúp xét mình về những  thiếu sót  mà đời linh mục con cần nhờ ơn Chúa để cố gắng sửa đổi. Nhưng con không thể xét thay người khác, bởi vì mỗi linh mục hãy tự đặt mình dưới ánh sáng của Thiên Chúa, hãy khiêm tốn và chân thành, nhìn thẳng vào chính mình, vào mặt trái và những bóng tối của mình, tự lật tẩy mọi giả hình và bóc trần mọi vỏ bọc, để có thể sám hối và canh tân cuộc sống một cách quyết liệt và dứt khoát. Vậy con chỉ được phép gợi lên xa xa vài ý tưởng  mà thôi.
1)      (Ích kỷ): Câu truyện Cô bé bán Diêm của Andersen, người Đan-mạch.
  Ông ghi rằng: Hôm Lễ Giáng Sinh. Lúc này dồng hồ vừa điểm 1 giờ khuya. Đường phố vắng teo không một bóng người. Duy chỉ còn lại một mình cô bé bán diêm đang ngồi ở một góc phố. Chiếc tạp-dề cũ kỹ của em chứa đầy những hộp diêm. Tay em vẫn đang cầm một hộp diêm lẻ để tiện việc mời khách. Thánh Lễ mừng Chúa Giáng Sinh tại ngôi thánh đường gần đó cũng vừa kết thúc. Mọi người đều vội vã ra về để có thể sớm bắt đầu bữa tiệc mừng Lễ Chúa Giáng Sinh tại gia đình, nên chẳng ai thèm để ý đến lời chào mời của em bé tội nghiệp. Đêm nay tiết trời thật lạnh giá.  Nhưng có lẽ chính sự cô đơn làm cho em thấy giá lạnh hơn. Suốt từ chiều tới bây giờ mà em chưa bán được một hộp diêm nào và cũng chẳng nhận được dù chỉ một đồng xu bố thí! Chính vì vậy mà đêm nay em chưa dám về nhà để khỏi phải nghe những lời chửi mắng thô tục, những đòn roi tàn bạo của ông bố dượng luôn say nhè tối ngày. Lúc này cửa sổ các ngôi nhà hai bên dãy phố đều đốt đèn sáng trưng. Mùi đồ ăn thơm phức theo gió bay tới khiến bụng em cồn cào. Em vội vàng hít lấy hít để cái mùi hấp dẫn kia cho đỡ thèm, vì từ trưa tới giờ em chưa kiếm được thứ gì cho vào bụng. Qua các khung cửa kính, em thấy mọi nhà đều bắt đầu nhập tiệc. Chỗ này mấy cô cậu thanh niên đang dìu nhau theo tiếng đàn ca réo rắt, chỗ kia nhiều người khác lại đang ngồi chung quanh bàn ăn, trên bày đủ thứ món ăn truyền thống lễ Giáng Sinh như thịt ngỗng quay, gà tây, beef-steak, thịt heo xông khói, khoai nướng, bánh Buche de Noel …
Một cơn gió thổi đến khiến em rùng mình vì lạnh. Lúc này bàn tay em đã bị cứng đờ. Chà! Giá như bây giờ mà quẹt lên một que diêm cho đỡ lạnh một chút thì hay biết mấy? Em thầm nghĩ như vậy rồi đánh liều bóc ra một hộp đang cầm trên tay, rồi quẹt lên một que diêm. Ánh lửa bùng lên phà ra một chút hơi ấm. Trong ánh lửa diêm, em bỗng thấy hình ảnh của bà ngoại thân thương, nhưng ánh lửa lại bị tắt ngúm rồi. Em tiếp tục quẹt que thứ hai, rồi thứ ba và hết que này sang que khác để tiếp tục được nhìn thấy hình ảnh của bà ngoại thân yêu. Khi que diêm cuối cùng vừa tắt thì cũng là lúc em gục đầu thiếp vào giấc hôn mê để không bao giờ thức dậy nữa. Em đã giã từ cuộc đời để ra đi vĩnh viễn vì bị đói khát và nhiễm lạnh.
Linh mục Joseph Mây Ngàn, trong cuốn “Những mảnh đời thường”đã cho những chú thích về câu truyện trên khá khắt khe : Điều mỉa mai là em lại chết đói chết rét ngay trong cái đêm mừng Chúa Giáng Sinh, và ngay bên cạnh những tín hữu đang ăn uống no say trong bữa tiệc mừng Con Chúa ra đời. Người ta tôn thờ và yêu mến Thiên Chúa, nhưng lại bỏ qua những anh em của Ngài đang đói khổ lầm than. Người ta nói về tình yêu Thiên Chúa một cách rất hăng say, nhưng lại quên đi hiện thân của Chúa là những anh chị em đang sống chung quanh họ. Linh mục nói tiếp: Chúa đã cảnh cáo những ai chỉ thờ phượng Chúa bằng môi miệng:” Dân này chỉ đến gần Ta bằng miệng, tôn vinh Ta bằng môi, còn lòng chúng thì xa Ta lắm, chúng chỉ kính sợ Ta theo lệnh của người phàm, nhưng đó chỉ là sáo ngữ”(Is.9,13).    Câu truyện thương tâm chúng ta vừa đọc qua đã nói lên sự hờ hững, thiếu bác ái, thiếu quan tâm chăm sóc tới người nghèo khổ cùng cực như em bé mồ côi bán diêm của nhà văn Andersen. Tựu trung cũng chỉ là lòng ích kỷ của con người , thiếu tình liên đới, thiếu tình yêu nhạy cảm.
Thân lạy Đức Cha, Kính trình các Cha,
Kiểu kết tội như trên hẳn là khắt khe, nhưng làm con phải đấm ngực thực sự! Và câu chuyện có thể xảy ra hằng ngày nữa. Con nhớ đã có những lần hất hủi người ăn mày, vì họ đến không đúng lúc, hay đòi những điều con nghĩ là vượt quá sức mình. Nhưng con không lấy câu truyện làm nguyên lý để kết tội ai.Con chỉ dám lấy câu truyện trên như một cơ hội để tiện suy tư về cuộc sống con người, rằng: thường khi được sống đầy đủ, ta sẽ dễ quên mất các nhu cầu những người chung quanh. Sự sung túc có thể làm cho con người quên bổn phận  công bình (xã hội) và bác ái đối với người bên cạnh! Và đó lại là cái cớ để ta không thấy hay bị mù trước các nỗi khổ đau của người khác, dưới nhiều khía cạnh.
Trên phương diện nhân bản, người linh mục cần biết nhạy cảm với nhu cầu của những người chung quanh; biết cảm thông với họ; có tinh thần trách nhiệm; biết sử dụng tất cả những gì chân thật, công bằng, tốt đẹp trong đời sống con người, như Chúa Giê-su đã sống và đã làm gương cho ta. “Vui với người vui, khóc với người khóc”, với đám cưới Cana, hay với cảnh bà góa Naim, hoặc Lazarô nghèo khó.(Tài liệu Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 1990)
Dựa vào hoàn cảnh xã hội, từ ngày có máy vi tính, mỗi khi gặp khách, con có thể sẽ bị chậm trễ hơn, vì phải đóng máy, trước khi đi gặp khách. Hoặc sống cạnh những con người gian dối lừa đảo, có khi con phải cẩn trọng đề phòng hơn! Con nuối tiếc những ngày được sống yên hàn giữa những người dân quê,trong các lũy tre làng mộc mạc. Lối sống lề mề và tiêu cực, thiếu lịch sự và độc đoán vv…thường dễ xảy ra trong những hoàn cảnh xã hội máy móc !
2)      Lịch sự. Câu truyện Đức Khổng Tử
Người xưa kể lại rằng: Một hôm thầy trò Đức Khổng Tử đang đi đường, có một em bé gặp, ngả mũ chào! Đức Khổng Tử cũng ngả mũ đáp lại. Mấy học trò hỏi : Sao Thầy lại phải ngả mũ với một đứa bé con như vậy? Ngài bảo họ: Không lẽ Ta không đủ lịch sự bằng em bé đó ư?
Điều này làm con nhớ đến phép lịch sự. Tự điển Hán Việt của Đào Duy Anh ghi: Do ở chữ “Am lịch sự cố, luyện lịch sự tình, canh lịch sự biến” mà ra. Có nghĩa là Trải việc đời, việc gì cũng biết. Nay người ta thường dùng theo nghĩa sắc đẹp, hoặc giao thiệp khôn khéo.
Con thấy điển ngữ: “Am lịch sự cố, luyện lịch sự tình, canh lịch sự biến” nơi Đào Duy Anh có nhiều ý nghĩa sâu sắc. Bởi Am là hiểu rõ, lịch sự là từng trải những sự việc xảy đến, không chỉ là hiểu biết suông, hời hợt. Luyện lịch sự tình, là làm cho thuần thục, nhuần nhuyễn, thấu hiểu được tình cảnh của sự việc trải qua. Rồi Canh lịch sự biến  là biết cải đổi và biến hóa chính những sự việc khả hữu xảy ra khôn lường trong những hoàn cánh đổi thay , trắc trở. Những điều này đòi hỏi con người không những biết ứng xử thông minh lanh lẹ và đúng đắn theo khả năng mình, mà còn phải dựa vào những kinh nghiệm xã hội truyền lại cho. Đó là những qui tắc xã hội từ bao đời truyền lại và giúp ta ứng xử trong đời thường cũng như trong những lúc khó khăn. Cần ứng biến.
Người lịch sự biết sống tốt với mọi người, có đủ những đức tính: Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín; biết sống trung, hiếu với người trên; sống trọn tình trọn nghĩa với mọi người, có nghị lực bền bỉ, và yêu thương thật tình…và rộng rãi.
Đại Từ điển tiếng Việt của Nguyễn Như Ý thì ghi: lịch sự 1) Có cách tiếp xúc, xã giao phù hợp với phép tắc mà xã hội nhìn nhận: “Ăn nói lịch sự, con người lịch sự”. 2) Đẹp một cách sang trọng và trang nhã: “Ăn mặc lịch sự; phòng khách lịch sự”.
Cách cư xử của Đức Khổng Tử trên đây là một bài học rất tế nhị và sâu sắc cho các đệ tử ngài cũng như cho mọi người nữa. Bài học xã hội này không những cho ta cách đối xử người trên đối với người dưới, mà cả người dưới với người trêncác người ngang hàng với nhau, làm sao cho thật tốt đẹp, đó là phép tắc ứng xử được xã hội nhìn nhận. Để được như vậy, người ta đòi hỏi phải thực sự có tấm lòng khiêm tốn, biết nhận ra sự cao trọng nhân bản của con người khác (trên kính, dưới nhường) và biết xử sự cho phải phép. Những thái độ kênh kiệu, kẻ cả, kiêu căng không thể giúp ta nhận ra người khác cách đúng mức.
Nhiều người còn phê bình người Việt mình hay thích sống riêng lẻ, cá nhân, chứ chưa có được tinh thần đoàn thể hòa đồng.  Mỗi người có thể kiểm điểm lại chính mình xem thế nào.
3)       Câu truyện Từ Dũ Thái Hậu và Vua Tự Đức.(Khôn ngoan, biết nhìn nhận sự thật và sửa chữa) Từ Dũ Thái Hậu là một con người khiêm cung kiệm ước. Bà sống giản dị nhưng thật hiếu học hầu giúp con trị nước. Tự Đức hồi mới lên ngôi, chưa thật chú tâm vào việc triều chính lắm. Các Quan triều, phần lớn hoặc sợ hãi, hoặc nể nang, không dám tỏ lời can gián. Riêng có Phạm Phú Thứ dám dâng sớ chỉ trích, lời lẽ tuy ôn tồn nhưng cũng không kém phần nghiêm khắc. Đang lúc tuổi trẻ hiếu thắng, lại mới được lên ngai vàng, Tự Đức thấy bị trách cứ như vậy thì đâm ra bực bội.Vua lập tức cách chức Phạm Phú Thứ, đuổi về làm lính bên bờ sông Lợi Nông. Câu chuyện đến tai Thái Hậu. Bà Từ Dũ chờ một dịp thuận tiện trò chuyện với nhà vua. Bà hỏi vua Tự Đức:        
-       Ông Phạm dâng sớ khuyên con, ông được cái gì?
     Vua Tự Đức trả lời:
-       Dạ, Ông không được cái gì cả. Nhưng con thấy làm bề tôi mà trách vua như vậy là quá đáng.
-       Thế khi  về làm lính, ông ta có oán hận gì không?
-       Con không nghe chuyện ấy.
Thái Hậu Từ Dũ gật đầu tỏ vẻ hài lòng:
-       Thế thì người này đáng trọng lắm. Dâng sớ trách như vậy là vì thương vua, muốn cho vua làm việc tốt. Trường hợp của ông ta vì thương vua, giúp vua lại bị nạn, mà đành cam chịu chứ không hề hờn giận. Theo mẹ, đấy là người chính trực và trung thành. Con nên nghĩ lại nghe con!
            Được lời mẹ khuyên nhủ rõ ràng và thỏa đáng. Vua Tự Đức nghe ra, đã mau mắn ân xá cho Phạm Phú Thứ, xuống chiếu mời ông về Kinh, giao chức vụ mới. Quả thực, Phạm Phú Thứ sau này đã giúp đỡ nhà vua rất nhiều, đề xuất những ý kiến mới để xây dựng đất nước. Nhà vua luôn ghi nhớ sâu sắc bài học của mẹ mình.  (Lê thị Thanh Hòa, biên soạn, trong Cuốn TIÊN HỌC LỄ, NXB TRẺ 1993, Tp HCM)trg 99-100.)
             Trọng kính các Cha,
Con thấy hoàn cảnh sống của các Cha Sở hôm nay có một số khía cạnh không khác Nhà Vua ngày xưa: vừa được độc tôn, cũng vừa lắm khó khăn, dễ làm con người sống phải tự quyết định nhiều công việc, nên cũng có thể dễ độc đoán, nếu thiếu khôn ngoan cẩn trọng. Các Cha không dễ tìm được người thẳng thắn chính trực, trong khi không thiếu người hoặc sợ sệt, hoặc nịnh bợ, giả dối. Một đàng “sự thật thì mất lòng, nhưng đàng khác lời dua nịnh lại mềm giẻo ngọt ngào”. Xin Ơn Chúa soi sáng các Cha!
 4) Con cũng xin ghi nhận vài kinh nghiệm do các Cha Giáo và các vị Cao niên truyền lại:
- “Cha hãy thận trọng , đừng khen ngợi những của cải người khác”. Một Cha Khách ở ngoại quốc mới về, được Cha Sở dẫn đi thăm nhà một giáo hữu. Để tìm câu chuyện khởi đầu vừa lòng chủ nhà, cha khách thấy trên đường từ ngõ vào, có hàng đu đủ sai trái, ngài khen đu đủ trái tốt quá! Thế là khi vừa trở lại Nhà Xứ, cha thấy một em bé xách hai tay trái đu đủ lớn vào biếu Cha Khách! – Sự đơn sơ của cha khách có thể bị hiểu sai về lòng ham muốn! Ấy là còn may! Có nhiều cái tốt đẹp, nhưng không nên nói! Kẻo sẽ bị hiểu lầm!
-  Có Cha khuyên con: “Hãy luôn bênh vực các linh mục, khi người ta nói xấu các ngài!” Và nếu con không lầm thì đây chính là lời khuyên của một Nhà Tu Đức. Những câu truyện qua tiếng nói của đệ tam nhân, rất đáng nghi ngờ, và nhiều khi là vu khống nguy hiểm và gây chia rẽ trầm trọng, nhất là những câu chuyện ngoài chợ. Cũng như những dư luận báo chí thế giới gần đây, thổi phồng những gương xấu trong Giáo Hội, không thiếu những làn gió thổi từ hỏa ngục muốn hạ bệ Giáo Hội tự bên trong. Nhưng con tin tưởng Giáo Hội sẽ thắng vượt nhờ Chúa Ki-tô Phục Sinh và nhờ lòng trung kiên của các chứng nhân đích thực của Chúa. Chúng ta không thao túng lội lỗi hay bao dung sự dữ, linh mục cũng là con người, cũng có tội lỗi, nhưng với thành tâm và với ơn Chúa trợ giúp, với ý chí quyết sửa đổi, các ngài vẫn có thể vươn lên và còn có thể vươn cao hơn, như một Augustinô, một Anselmô hay một Charles de Foucault hoặc bao nhiêu người lực sỹ khác của Chúa . Lời nói thật an ủi của thánh Nữ Tê-rê-xa Hài Đồng: “Tôi có thể phạm mọi thứ tội, nhưng chính nhờ ơn Chúa mà tôi đã đứng vững được”. Cảm tạ Chúa! Các Cha luôn còn sứ mệnh giúp người khác trên đường sám hối và thanh tẩy!
-  Con cũng nhớ lại lời Đức HY Fulton Sheen nói với các cha Sở: Cha đừng vội la rẩy phải khó chịu khi thấy bà bếp của cha làm trễ giờ cơm trưa! Có khi chỉ  vì muốn tìm cho Cha một vài món ăn ngon miệng hơn, phải tốn giờ đi tìm và chuẩn bị bữa cơm đó! Câu chuyện thật đơn sơ, nhưng gói ghém lòng bao dung và quảng đại thực sự. Nó đòi ta phải suy nghĩ nhiều hơn.
Vậy con nghĩ rằng sự khôn ngoan dè dặt của linh mục sẽ làm cho ngài biết bớt lỗi lầm hơn! Khôn ngoan trong Ơn Chúa soi sáng và dẫn đưa, chứ không phải khôn khéo của thế tục. Ơn Chúa còn cần thiết để giúp ta biết cẩn thận và đề phòng hơn nữa cho cuộc đời chứng tá của linh mục.
Sau cùng, vì ngay từ đầu bài, con đã trót nói: việc sám hối và thanh tẩy về nhân cách của Linh Mục vốn thuộc đời sống linh thiêng, nên ở cuối bài này, con xin phép được thêm một câu ngạn ngữ La-tinh. Nó đã thúc bách và nhắc nhở con từ nhiều năm qua cho việc sám hối này, không những về nhân bản, mà còn về cả đời thiêng liêng và mục vụ nữa. Con xin được ghi nhận: “Sacerdotalis sors, subitanea mors”, nghĩa là: số phận linh mục là chết bất ưng. Như một ý tưởng hướng về những đề tài tiếp theo. Ước mong những lời con ghi lại không làm phiền lòng Đức Cha cũng như các Cha.
KẾT LUẬN
Những câu chuyện con vừa ghi lại trên đây chỉ cốt gợi lại một số chỉ dẫn mà Bản gợi ý Tòa Giám Mục đã khơi lên giúp các Cha kiểm điểm cuộc sống trước Nhan Chúa. Và nhờ ánh sáng ơn Chúa sẽ soi tỏ cho các Cha , sẽ giúp các Cha tìm được những phương thế hữu hiệu nhất cho cuộc hoán cải chính bản thân vì Giáo Hội.
Con biết bài nói của con còn nhiều thiếu sót và cần được (Đức Cha và) các Cha chỉ dạy và bổ túc thêm cho con . Con đã suy nghĩ suốt hai tháng trời, nhưng không nặn được ý kiến nào mới mẻ, mà chỉ cóp nhặt lại những gì Đức Cha đã gợi lên cho con trong bản chỉ dẫn và họa theo đó cách xa xa mà thôi.
Con xin cám ơn Đức Cha, Cha Tổng, Cha Hạt Trưởng và Quý Cha!