Thứ Bảy, 14 tháng 7, 2012

LÀM NGƯỜI CHÂN CHÍNH CÓ DỄ ĐÂU!





Đề thi văn khối C năm nay: “Kẻ cơ hội thì nôn nóng tạo ra thành tích, người chân chính thì kiên nhẫn tạo nên thành tựu” làm không ít người giật mình: mình đã, đang (và sẽ) là kẻ cơ hội hay là người chân chính đây?
Tạo ra thành tích thật ra là một việc hoàn toàn tốt. Vấn đề đáng bàn chính là động cơ và cách thức để tạo ra thành tích đó.
Ví như trong giáo dục, các phong trào “thi đua dạy tốt học tốt để lập thành tích chào mừng… ” đã tạo hứng khởi, tiếp thêm sinh khí cho cả thầy và trò. Những thành tích đạt được trong các phong trào này là những nấc thang vững chắc để tạo nên những thành tựu trong ngành giáo dục.
Nhưng đến việc lùa học sinh dù yếu kém đi chăng nữa lên lớp, nâng điểm cho đạt chỉ tiêu đặt ra, tỉ lệ học sinh đậu tốt nghiệp năm sau nhất định phải cao hơn năm trước (và sắp kịch trần rồi) thì hai chữ “thành tích” đẹp đẽ ấy đã bị biến dạng thành một thứ bệnh (không nan y nhưng người bệnh từ chối điều trị): bệnh thành tích!
Ai tạo ra bệnh đó nếu không phải là những người trực tiếp giảng dạy, chấm điểm, coi thi và chấm thi? Nhưng nếu nằm trong guồng máy tạo thành tích (bằng mọi giá) ấy, bạn nhất quyết “nói không” để làm người chân chính liệu có được không?
Trước hết, bạn sẽ bị ngay chính đồng nghiệp coi là lập dị (vì do bạn mà ảnh hưởng đến thành tích chung của tập thể), rồi sẽ bị lãnh đạo phê bình (vì không đạt chỉ tiêu quy định), sẽ bị bình xét không hoàn thành nhiệm vụ, không được xét nâng lương (mong gì khen thưởng), không được xét cất nhắc vị trí này, chức vụ nọ (đương nhiên).
Đối với các bạn trẻ, có tiềm lực, năng động và sáng tạo thôi trong nhiều môi trường hình như chỉ đủ để bạn thành công trong công việc, chưa đủ để bạn “thành danh”, “thành địa vị” nếu như bạn không biết nắm bắt cơ hội và nỗ lực tạo ra cơ hội (nếu chưa có).
Thậm chí, nhiều bạn trẻ phải tham gia hết tất cả “phong trào thi đua lập thành tích” vừa để đạt kết quả cao vừa để gây sự chú ý của cấp trên.
Xã hội (thời nào cũng vậy) thường đánh giá sự thành công của con người thông qua địa vị mà họ đạt được. Địa vị thường đạt được thông qua xem xét bề dày (và bề nổi) của thành tích.
Nên trách sao được khi người ta nôn nóng để đạt được càng nhiều thành tích càng tốt.
Nên tránh sao được khi sau bất cứ một cuộc thi tài nào cũng xảy ra đủ thứ lùm xùm: nghi án lộ đề, thiên vị, mua giải… (quy mô và tầm ảnh hưởng cuộc thi càng lớn thì tai tiếng càng nhiều.)
Nên khó bớt đi những cuộc nhậu, những phong bì, những thứ quỷ quái khác nữa… nhằm gây quan hệ.
Thành tích thì có nhiều cách để đạt được, trong lúc thành tựu lại khó với tới và hao tốn nhiều thời gian cũng như trí lực.
Thành tích mang lại cho con người ta nhiều thứ hấp dẫn trước mắt hơn.
Thật khó để ta có thể bỏ qua việc “nôn nóng tạo ra thành tích” để chọn “kiên nhẫn tạo nên thành tựu”!
Làm người chân chính trong những môi trường nặng tính thành tích quả thật là một việc cực kỳ khó khăn!
Theo Tuổi trẻ